Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê, Tông đồ
ĐƯỜNG SỰ SỐNG
Philipphê là người xứ Bethsaida. Ông là một trong những người đầu tiên được Đức Giêsu kêu gọi. Chính ông đã mách cho Nathanael Tin mừng lớn lao này: “Đấng mà sách luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng ta đã gặp. Đó là ông Giêsu, người Nazareth”. Thấy bạn mình còn hoài nghi, ông đã giục: “Cứ đến mà xem”. Nathanael sau khi đã gặp Đức Giêsu và nghe Ngài nói thì đã tin. Philipphê đã xuất hiện nhiều lần trong Phúc âm: Lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; làm trung gian cho những người ngoại giáo muốn gặp Đức Giêsu. Philipphê cũng là người đã xin Đức Giêsu: “Lạy Ngài, xin chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là đủ cho chúng con”. Người ta nghĩ rằng ông đã đem Tin mừng đến cho người Scythen sau ngày lễ Ngũ tuần và chết rất thọ ở Hiérapolis, tại Phrygie.
Còn thánh Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con ông Alphê. Gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền, là con của ông Dêbêđê. Phân biệt này không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc tránh sự nhầm lẫn. Khoa Thánh Kinh còn nghi ngờ không biết có phải Giacôbê hậu này có phải là “anh em của Đức Giêsu” và là tác giả của lá thư Giacôbê hay không? Nhưng Phụng vụ Rôma lại có sự đồng hoá và xác nhận. Trước khi các Tông đồ tản mác mỗi người một nơi, thì họ chỉ định thánh Giacôbê làm Giám mục Giêrusalem. Ngài là linh hồn của cộng đoàn Giêrusalem. Vì ngài đã làm cho nhiều người trở lại với Đức Giêsu nên bị bản án ném đá. Ngài đã chịu tử đạo đang khi quỳ gối cầu nguyện cho tên lý hình đang kết thúc đời Ngài bằng một thanh sắt giáng xuống trên người, trong thời điểm mừng lễ Vượt Qua. (Theo “Tự điển các thánh”, trang 268-269 và trang 159).
Một thông tin làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: Theo thống kê về những người chết do tự tử thì nước Nhật là nước có số người chết vì tự tử chiếm hàng đầu thế giới. Vậy điều gì đã khiến cho những con người trong một đất nước có nền kinh tế mạnh đứng hàng thứ ba trên thế giới (sau Hoa Kỳ+Trung Quốc) lại đi tìm cái chết trong cô đơn và tuyệt vọng như thế? Một điều khó hiểu nữa là đa số những người chết vì tự tử ở Nhật Bản lại là những người trẻ, có việc làm ổn định và có địa vị cao trong xã hội. Như vậy, đâu phải nghèo khổ, già nua, bệnh tật là bất hạnh lớn nhất của đời người. Hoá ra cái làm cho con người ta trở thành kẻ khốn cùng nhất trong cuộc đời này là họ không thấy được ý nghĩa và giá trị thật của cuộc sống. Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay là sự hoang mang trước những vấn đề mang tính nhân sinh: Con người sinh ra để làm gì? Và con người sẽ đi về đâu . . .? Tất cả những vấn nạn này chỉ giải đáp được tận căn khi ta đối diện với Chúa và xác tín rằng: “Ngài là đường, là Sự thật và là Sự sống”. Đây là mặc khải rất quan trọng của Chúa Giêsu cho con người chúng ta.
Đời người là một cuộc lữ hành liên lỉ. Nhưng khổ thay, nhiều người đi mà không biết mình đang đi đâu, nên dừng lại hoặc để cho cuộc sống cứ mặc tình cuốn họ đi. Họ chấp nhận cuộc sống của kiếp “lục bình trôi”, bồng bềnh không định hướng. Một số khác thì không thấy đường đi và cũng không biết đường nên đi theo số đông. Họ chọn số đông làm chân lý cho đời mình. Nhưng số đông con người đó lại chọn con đường thênh thang để tiến bước vì nó dễ dàng và hấp dẫn. Nhưng “đường thênh thang thì lại dẫn vào cõi chết”. Con đường bằng phẳng, vui vẻ và dễ dãi thì không có lối thoát, và cuối con đường là vực thẳm của sự chết. Đó là con đường của những cuộc vui trác tráng suốt đêm với tình dục, ma tuý, rượu bia, cờ bạc, đua xe . . . Vui đó, hấp dẫn đó nhưng cũng “tận cùng” đó.
Nhưng trong đêm đen của nhân loại ấy, con người không biết đi về đâu, thì Đức Giêsu là Ánh sáng và là Đường đã đến. Ngài chỉ cho con người con đường để đi đến sự sống và hạnh phúc. “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”. Nhưng khi đã thấy và biết đường đi rồi thì con người lại không muốn tiến bước trên con đường mang tên Giêsu đó. Bởi lẽ, con đường ấy có vẻ nhỏ hẹp, nhiều gian nan và hy sinh từ bỏ quá.
Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện trở thành đường đi, dẫn con người về với Chúa Cha, về quê hương đích thực. Đồng thời, Ngài cũng là người chỉ đường và là người đồng hành với chúng ta trên CON ĐƯỜNG SỰ SỐNG dẫn về quê hương chân thật đó. Ngài đã chỉ cho con người thấy tất cả những viễn tượng tốt đẹp và huy hoàng ở cuối của con đường ấy. Nơi đó, có một Thiên Chúa toàn năng là Cha đang mở rộng vòng tay đón chờ ta.” . . . Còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ ông ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15, 20). Nơi đó là một bữa tiệc cưới vui vẻ và hạnh phúc kéo dài: “Vua kia mở tiệc cưới cho con trai mình” (Mt 22, 2) . . . và bao nhiêu những điều hạnh phúc khác nữa. Đây không phải là một sự mơ tưởng viển vông mà là một thực tại do chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống nói với chúng ta: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người Đấng từ trời xuống” (Ga 3, 33), hay “Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 8). Cho nên, đạo Công Giáo không phải là một mớ những kiến thức, những điều phải tin, mà là một viễn cảnh rất đẹp, rất huy hoàng ở tương lai. Khi con người kết thúc cuộc sống ở trần gian này, họ sẽ về “nhà Cha”, và sẽ được Cha đón tiếp vào Nhà dành cho con cái Người nhờ Đức Giêsu Kitô là “Đường, Sự thật và Sự sống” của con người.
Đức Giêsu là hiện thân của Chúa Cha. “Ai thấy Thầy là thấy Cha”. Đức Giêsu đã đáp ứng nguyện vọng của Tông đồ Philipphê. Chính Ngài là mặc khải rõ ràng và cụ thể nhất về Chúa Cha. Cả cuộc đời Đức Giêsu Kitô là để làm theo ý Cha, là minh chứng về Cha: trao ban trọn vẹn cho con người. Vì vậy, nếu chúng ta muốn tôn thờ Thiên Chúa cho đúng đắn và phải đạo thì chúng ta hãy qui về Chúa Kitô, lấy Chúa Giêsu làm điểm tựa, kẻo chúng ta sẽ bị đánh lừa (bị lừa và tự lừa dối mình) phải tôn thờ một Thiên Chúa giả tạo, một Thiên Chúa do sản phẩm của con người làm nên. Thiên Chúa đích thực là Thiên Chúa do Đức Giêsu mặc khải và Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa chân thật đó.
Ước gì chúng ta biết soi mình vào Đức Giêsu Kitô để thấy được chân lý, thấy được đường đi chân thật và thấy được một Thiên Chúa chân thật để tôn thờ và yêu mến, noi gương nai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê mà chúng ta mừng kính hôm nay.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu tuyên bố: “Thầy là đường là, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy…” (Ga14,6). Qua lời khẳng định này, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết ba danh xưng của Ngài: Chúa là con đường dẫn đến ơn cứu độ, Chúa là chân lý vẹn toàn, Chúa là sự sống viên mãn. Vâng chính Chúa là con đường dẫn đến ơn cứu độ, đồng thời cũng chính Ngài là Đấng ban ơn cứu độ.
Thực tế muốn đi đâu, chúng ta cần phải có một con đường và phải đi trên con đường đó. Ví dụ như đi từ nhà mình đến công ty, đến chợ, đến trường học hay đến ngôi nhà thờ này… chúng ta đều phải đi trên một con đường, và dù đó là đường hàng không, đường xe lửa, hay đi đường bộ gập ghềnh sỏi đá… nhưng nhất thiết chúng ta phải có con đường và không ngại đi trên con đường đó mới tới được đích.
Cũng vậy, muốn đến được Quê Trời, chúng ta cũng cần có một con đường và phải vững vàng đi trên một con đường đó: không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Con đường đó chính là Chúa Giêsu Kitô “đường sự thật và sự sống”, đường tình yêu cứu độ muôn loài. Chỉ con đường này mới chắc chắn dẫn đưa chúng ta tới sự sống đời đời. Tuy nhiên con đường Giêsu Kitô là con đường khó đi, con đường thập giá – hy sinh rồi mới đến phục sinh vinh hiển.
Thế nhưng, có nột sự thực đáng buồn đang diễn ra hàng ngày, như tác giả sách gương Chúa Giêsu nhận xét là: có nhiều người muốn được sự sống đời đời nhưng lại không muốn đi trên con đường của Chúa Kitô mà chọn đi con đường tiền bạc, đường danh vọng, đường tình dục, đường bạo lực…và cuối đường họ thấy thất vọng, vì đã đi trệch đường, vì không đạt được hạnh phúc thật…
Điều đó chứng tỏ rằng: chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới là con đường thật, đường sự sống, đường rộng mở tha thứ hết mọi người, đường yêu thương phục vụ hết mọi người. Đường Chúa Kitô chắc chắn đem đến ơn bình an và cứu độ cho mọi người. Vì thế, là Kitô hữu, chúng ta hãy đi trên con đường của Chúa Kitô, qua đời sống yêu thương, tha thứ, phục vụ hết thảy mọi người, kể cả những người muốn làm hại chúng ta…
Hơn ai hết, thánh Philipphê và thánh Giacôbê tông đồ mà chúng ta mừng kính đã đi trên con đường đó. Thánh philipphe là con người thực tiễn, ban đầu ông không đã không tin những tin đồn về đức giêsu khi ngài rao giảng tin mừng, nhưng chính chúa đã đến kêu gọi ông và ông đã bước đi theo chúa. Ông đã dẫn Nathanaen đến gặp Chúa. Trước khi chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5000 người, ngài hỏi các môn đệ: ta mua đâu ra bánh cho dân chúng đây? Ông liền tính toán theo kiểu khoa học rằng có mua đến 200 đồng thì cũng không đủ cho mỗi người một ít. Tin Mừng cũng cho hay chính thánh nhân đã được nhiều người lương dân xúm lại hỏi han và xin Ngài chỉ cho họ thấy Đấng Cứu Thế. Và sự kiện Tin Mừng hôm nay nêu lên nỗi khắc khoải của Philipphê muốn thấy Chúa Cha. Dù ở với Chúa suốt ba năm ròng nhưng philipphê vẫn chưa biết Chúa, vẫn khao khát tìm kiếm, khiến Chúa đã phải thốt lên: Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà Philipphê anh chưa biết Thầy ư? Nhưng cũng nhờ sự thực tiễn của ông mà chúng ta được Chúa tỏ lộ: Ai xem thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha, Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy. thánh philipphê đã tin lời chúa nói, và nhiệt thành rao giảng tin mừng cho vùng Á Châu chúa ta, Ngài đã chịu tử đạo để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô.
Thánh Giacôbê hậu là anh em họ với Chúa Giêsu. Ngài được gọi là Giacôbê hậu là để phân biệt với thánh Giacôbê, anh của thánh Gioan con ông Dêbêđê. Thánh Giacôbê hậu là Giám Mục đầu tiên tại Giêrusalem. Sau khi Chúa Phục Sinh, Ngài đã hiện ra với thánh nhân và chính thánh Giacôbê hậu đã viết một bức thư còn lưu lại trong phần Tân Ước. Thánh nhân luôn nhiệt thành loan báo Tin Mừng của Chúa và luôn trung thành với Giáo Lý đức tin. Thánh nhân bị nhóm Biệt Phái và những bọn người xấu vu khống, tố cáo, kết án, thánh Giacôbê hậu bị chúng xô từ nóc đền thờ xuống đất và chúng ném đá Ngài cho đến chết. Thánh nhân đã noi gương Chúa tha thứ cho những kẻ làm khổ, giết hại Ngài
Cuộc đời của hai thánh Philipphê và Giacôbê hậu đã hoàn toàn làm theo ý Chúa. Các Ngài đã đặt sinh mạng của các Ngài trong bàn tay yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa, hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mừng lễ hai thánh tông đồ Philipphê và Giacôbê. Xin Chúa nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời.(Lời Nguyện Nhập Lễ, lễhai thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ ).