Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11
“Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: “Như các con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”.
Vậy các kẻ có mặt hỏi Người rằng: “Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục Nước Israel chăng?” Người bảo họ rằng: “Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông.
Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời”.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).
Xướng: Hết thảy chư dân, hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.
Xướng: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa’ hãy ca mừng, ca mừng Vua ta!
Xướng: Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.
Bài Ðọc II: Ep 1, 17-23
“Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời”.
Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh, và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự trong mọi người.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 24, 46-53
Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Như đã ghi chép là Ðức Kitô phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên cao ban xuống”. Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Amen.
SUY NIỆM
A/ 5 Phút Lời Chúa
B/ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Từ nhiều năm trở lại đây, để thuận lợi cho giáo dân tham dự lễ trọng, đa số các Giáo phận chuyển dịch ngày lễ Thăng Thiên vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh. Tổng Giáo phận Hà Nội vẫn cử hành long trọng lễ Thăng Thiên vào thứ Năm sau Chúa nhật VI Phục sinh, vì theo truyền thống của Giáo Tỉnh miền Bắc, lễ này thuộc “Tứ Quý”: lễ Giáng Sinh, lễ Chúa Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các Thánh Nam Nữ. Trong bốn ngày lễ này, người tín hữu phải kiêng việc xác và tham dự thánh lễ.
Dù mừng lễ Thăng Thiên vào ngày nào, thì Phụng vụ vẫn nhắc người tín hữu hướng về Quê Trời, đồng thời cố gắng chu toàn bổn phận dưới đất. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Người về trời sau khi đã hoàn tất chương trình cứu độ. Người về với Chúa Cha, vì Người đã từ Chúa Cha mà đến. Dưới ánh sáng phục sinh, một nhãn quan mới về nhân sinh Kitô giáo đã mở ra: con người không đơn giản chỉ là “đầu đội trời, chân đạp đất”, mà họ đã thuộc về trời ngay khi họ đang sống nơi trần gian. Nói cách khác, Kitô hữu luôn hướng về trời, và đối với những người đạo đức thánh thiện, họ được nếm trước vinh quang Nước Trời ngay ở đời này. Khi suy niệm Kinh Mân côi, ở mầu nhiệm thứ hai Mùa Mừng, chúng ta xin cho được yêu mến (ái mộ) những sự trên trời, để dầu còn sống trên trần gian, một cách nào đó, chúng ta đã hưởng hạnh phúc như các thánh trên trời.
Hướng về trời không phải là một ảo tưởng hão huyền hay là một thứ “thuốc phiện mê dân”, nhưng là niềm hy vọng và niềm xác tín của Kitô hữu. Chúng ta dựa vào lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha trong Tin Mừng Thánh Gioan chương 17. Qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu vừa thân thưa với Chúa Cha, vừa thể hiện tâm tình thương mến đặc biệt đối với các môn đệ. Người xin Chúa Cha cho các môn đệ được ở với Người, vì các môn đệ – và những người kế tiếp các ngài là chính chúng ta hôm nay – là những quà tặng mà Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu. Như thế, những ai tin vào Chúa Giêsu, sẽ được ở với Người và cùng Người chiêm ngưỡng vinh quang vĩnh cửu. Vinh quang này đến từ nơi Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu cũng được đón nhận vinh quang ấy, rồi Người lại chia sẻ cho chúng ta.
Hướng về trời mở ra cho người tín hữu một chân trời hy vọng. Hy vọng là chờ đợi những điều tốt đẹp ở phía trước. Người tin Chúa biết rõ tương lai hậu vận đời mình, đó là được sống với Chúa, được chia sẻ vinh quang hạnh phúc với Ngài. Nhờ có niềm hy vọng, chúng ta vững tin ngay cả khi gặp những gian nan thử thách, với xác tín rằng, người yêu mến Chúa sẽ vượt thắng tất cả. Trong lời cầu nguyện vừa nêu ở trên, Chúa Giêsu khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Chúa Cha yêu thương. Ở một nơi khác trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con trong tâm hồn những ai yêu mến và thực thi giáo huấn của Chúa Con “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). Đây là hạnh phúc kỳ diệu. Chúa Ba Ngôi sẽ ở trong tâm hồn người công chính.
Hướng về trời cũng giúp cho người tín hữu có được những nghị lực siêu nhiên. Thế gian là bãi chiến trường, là thung lũng nước mắt, là bể khổ. Đức tin khẳng định với chúng ta: Thiên Chúa hiện diện giữa bãi chiến trường ấy, vì Ngài là Cha giàu lòng thương xót. Ngài luôn nâng đỡ trợ lực chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Tác giả sách Công vụ Tông đồ đã kể lại chứng từ của thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Kitô giáo: trong lúc sắp tắt thở vì bị ném đá, ông đã nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa”. Đức tin vào đời sống vĩnh cửu đã ban cho vị tử đạo của chúng ta sức mạnh và niềm xác tín phi thường, với niềm xác tín: chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
“Hỡi những người Galilêa, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11). Lời của hai sứ thần mặc áo trắng nói với các môn đệ năm xưa lúc thày trò chia tay, cũng là lời ngỏ với chúng ta hôm nay. Mừng Chúa lên trời hướng chúng ta về quê hương vĩnh cửu, đồng thời nhắc chúng ta về bổn phận đối với quê hương trần thế. Kitô hữu không phải là người bị “bứng” khỏi cuộc sống đời này, nhưng là những người dấn thân trong mọi môi trường cuộc sống, để làm chứng cho niềm vui của Đức tin, nhất là làm chứng cho Chúa Giêsu trong khi mong đợi Người lại đến.
“Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Đời sống Kitô hữu là sự chờ đợi liên lỉ, với tâm tình cầu nguyện và phó thác cậy trông. Đấng Phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta. Người sẽ đến trong vinh quang vào ngày tận thế. Chúa đã hứa với chúng ta như vậy.
C/ Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt
1. Đầu bản văn này, Lc cẩn thận xác định: việc rao giảng Tin Mừng phải “khởi từ Giêrusalem”. Điều đó làm cho ta gặp lại một viễn ảnh vĩ đại và mỹ quan và thần học của ông mà nhiều lần ta đã nhắc tới (x. những bài chú giải về Lc trong tập này). Là một nghệ sĩ, Lc biết truyền vào toàn bộ tác phẩm của mình một chuyển động đánh vào mắt chúng ta. Trong phúc âm của ông, phần lớn đời sống công khai của Chúa Giêsu được trình bày dưới hình thức một cuộc đăng trình chậm rãi nhưng vĩ đại tiến về Giêrusalem. Chính tại nơi đây mà Chúa Giêsu phải đến để được “siêu thăng” (9,51). Ngay cả sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tự thấy mình bị bắt buộc không được rời khỏi Giêrusalem, nếu có thể nói được như vậy. Ngài chỉ hiện ra trong thành hay trong các vùng phụ cận. Và để duy nhất hơn nữa các cuộc hiện ra của Ngài đều xảy ra trong cùng ngày Phục sinh. Đến các tông đồ cũng không được bỏ Gierusalem trước khi lãnh nhận thánh thần (24,49). Chỉ lúc bấy giờ mới bắt đầu rao giảng tin mừng và bành trướng Giáo hội “khởi từ Gierusalem” ra toàn cõi Giuđê, Samari, cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), như Cv đã ghi lại. Chắc hẳn viễn tượng này phần nào có tính cách văn chương, nhưng phải nhận là Lc nhờ đó đã khéo léo trình bày ơn cứu rỗi đã xuất phát thế nào từ công cuộc duy nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Kitô tử nạn và vinh hiển.
2. Như vậy, chính tại Giêrusalem mà Chúa Giêsu đã hoàn thành công trình cứu rỗi của Ngài, cũng như tại đó mà các tông đồ đã được mặc lấy “mãnh lực từ trên ban xuống” để phổ biến ơn cứu độ cho hết mọi người. “Mãnh lực từ trên ban xuống” đó là Thánh Thần. Quả vậy, sức mạnh và Thánh Thần luôn luôn đi đôi với nhau. Sau khi thắng cám dỗ của satan, Chúa Giêsu đã trở về Galilê trong quyền năng của Thánh Thần để khởi sự công việc loan báo “năm hồng ân của Chúa” (4,14). Quyền năng của Thánh Thần lại được trao ban cho các môn đệ sau khi Chúa Giêsu một lần nữa toàn thắng Tên Cám Dỗ trong cuộc tử nạn và sau khi Ngài đã được cất về trời. Họ tiếp tục công việc của Chúa Giêsu giữa mọi dân tộc trong quyền năng của Chúa Thánh Thần “Với một quyền năng lớn lao, các tông đồ làm chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô (Cv 4,33). Không phải nhờ quyền năng riêng mình mà họ làm được những phép lạ (Cv 3,16) song là nhờ quyền năng và danh Chúa Giêsu Kitô (Cv 4,7.10). Thời gian của Chúa Giêsu khai mạc với việc “Thái dương từ cao xanh khấn đến viếng thăm” (1,78). Thời gian của Giáo hội bắt đầu với “quyền năng từ trên ban xuống”. Các tông đồ được mặc lấy mãnh lực ấy cũng như Chúa Giêsu đã được xức dầu nhờ Thánh thần và quyền năng (Cv 10,38) “Khả năng nghề nghiệp” (tenue professionnelle) của các tông đồ, chính là mãnh lực trên ban này. Sức mạnh ấy cho các Ngài được mọi quyền năng thần linh như Chúa Giêsu đã được. “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động và củng cố lời bằng phép lạ kèm theo” (Mc 16,20). Vào đầu thời gian của Đức Kitô, đã vang lên sứ điệp hồng ân cứu rỗi này: “Thánh Thần sẽ đến trên bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ trên bà rợp bóng” (1,35). Vào đầu thời gian Giáo hội đã hoàn thành lời hứa của Chúa Giêsu Kitô, lời hứa sai đến trên các tông đồ và mọi tín hữu quanh họ điều Chúa Cha đã hứa: mãnh lực từ trên cao. Chính Thánh Thần làm dấy lên trong cung lòng Đức Maria Đấng Thánh tuyệt vời Con Thiên Chúa (1,35); chính Thánh Thần, qua Giáo hội, tạo ra “các thánh”, các “con cái của Thiên Chúa” (tên gọi dành riêng cho các Kitô hữu đầu tiên). Sức sinh nở của Giáo hội cũng như của Đức Maria là do mãnh lực từ trên tác động. Đức Maria là tiền ảnh của Giáo hội vậy.
3. Các câu 50 đến 53, nơi Lc kể lại việc Chúa lên trời, xem ra mâu thuẫn với Cv 1,3-11. Theo bản văn Cv: “Sau cuộc tử nạn, Chúa Giêsu đã cho thấy mình vẫn sống với nhiều tang chứng rành rành. Suốt 40 ngày, Ngài đã hiện ra cho họ…” (Cv 1,3). Bản văn phúc âm hình như cho thấy tất cả những gì Lc thuật lại trong chương 24 đã xảy ra trong ngày phục sinh” lời chối trăn của Chúa trước khi từ giã cõi trần (cc.41-49) và tiếp ngay sau khi hiện ra chiều ngày phục sinh.
Xem ra Lc đã theo những ý hướng phụng vụ trong việc trình bày các biến cố trên: ông muốn nói mỗi chúa nhật của cộng đoàn kitô hữu là một lễ Phục sinh, một ngày vượt qua. Chính theo những quan niệm vừa có tính cách văn chương vừa có tính cách thần học mà Lc đã đặt trỉnh thuật tử đạo của Gioan tẩy giả trước thời gian vị tiền hô thực sự đi vào chuỗi lịch sử các biến cố được tường thuật. Cũng trong viễn tượng này mà Lc nói Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng tại Nazareth (4,14-30)(như thể theo một chương trình toàn bộ nào đó) mặc dầu đáng lý ra ông phải đặt về sau thì mới đúng lịch sử hơn. Có nhiều dấu hiện trong phúc âm thứ ba mà công vụ cho thấy Lc đã hình thành một quan niệm về sách Cv khi ông bắt đầu viết phúc âm (x.H.J.Cadbury, The Making of Luke-Acts) Cho nên giả thiết rằng một cách nào đó, ông đã muốn dùng Cv “sửa sai” phúc âm thì không đúng lắm. Chỉ cần biết rằng ông không theo những ý hướng thuần túy lịch sử.
4. Trước khi từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu “giơ tay” chúc lành cho họ (c.50). Đấng chưa bao giờ chúc lành cho môn đệ của mình, giờ đây chúc lành cách trọng thể. Việc giơ hai tay để chúc lành là một chỉ không gặp thấy chỗ nào khác trong phúc âm Lc cũng như trong Tân ước. Cử chỉ này muốn nói Chúa Giêsu như là vị tư tế đang chúc lành. Quang cảnh này nhắc nhở cho độc giả một cảnh tương tự trong sách Huấn đạo. Trong đoạn cuối sách này nói về thày cả thượng phẩm Simon như sau: “Bấy giờ người bước xuống và giơ tay lên trên cộng đoàn Israel đang tụ họp. Người thốt lên lời chúc lành của Chúa và hãnh diện nói ra thánh danh Giavê. Và họ phục lạy một lần nữa để lãnh nhận phúc lành của Người” (Hđ 50,20-21).
Đối với Lc, Đức Kitô qua việc chúc lành, mạc khải ra phúc lành mà Thiên Chúa đã ban trong chính con người của Ngài và đã hứa từ xưa cho Abraham: “Mọi thế hệ trên mặt đất sẽ được chúc phúc trong giòng giống của ngươi” (Cv 3,25-26). Có lẽ chúng ta được phép coi Lc đã có ý hướng đó trong việc ông mở đầu phúc âm với câu chuyện một vị tư tế, sau khi dâng của lễ, đã không thể chúc lành cho dân vì sự cứng tin của mình (Lc 1,22). Thừa tác vụ của Giacaria là một phụng vụ chưa hoàn tất. Nhưng vào cuối phúc âm, người ta thấy một tư tế đã kết thúc hy lễ của mình bằng một phúc lành đích thực. Ở đây phụng vụ đã đi đến chỗ hoàn thành.
5. Chúng ta nhận thấy Lc đã khách quan, vắn gọn và kín đáo, thuật lại các công việc của cộng đoàn tông đồ sau khi Chúa Giêsu về trời. Họ trở lại Giêrusalem theo mệnh lệnh của Chúa phục sinh (c.49). Nhưng bản văn nói tiếp: “Họ trở lại…trong niềm hân hoan”. Người theo sát mặt chữ sẽ tự hỏi như nhiều nhà chú giải: Chúa Giêsu từ giã họ mà lại vui được sao? Thật ra Lc muốn nhấn mạnh rằng cộng đoàn tông đồ đã xem biến cố này không phải là một cuộc ra đi cho bằng là việc Chúa Giêsu khuất mắt họ để ở gần họ hơn. Lc nơi đây đã tỏ ra giống Gioan một cách kín đáo.
Niềm vui bây giờ là niềm vui của những người không những đã được thấy Đấng sống lại mà còn thấy sự phục sinh của Ngài liên hệ với sự ra đi, và sự ra đi liên hệ với lời hứa ban Thánh Thần của Ngài. “Niềm vui vĩ đại” này chứng tỏ việc Thăng thiên để chấm dứt cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu là một sự hoàn thành việc phục sinh, là khởi điểm cho thời gian thánh của Giáo hội. Niềm vui vĩ đại này là dấu hiệu đầu tiên của “thời buổi thanh nhàn Chúa gởi tới” trong đó “mọi sự đã được thực hiện” và Thiên Chúa “sẽ sai Đấng Messia Người đã tiền định” (Cv 3,20-21). “Nỗi vui lớn lao” của các nhân chứng Thăng thiên là việc đi vào “niềm hân hoan”, niềm hân hoan từ nay không hề chấm dứt, mà còn bùng vỡ ra nơi nào có Kitô hữu, “và ông hân hoan với cả nhà vì đã được tin vào Thiên Chúa” (Cv 16,34); niềm vui ấy tái diễn mỗi lần cộng đoàn Kitô hữu tụ họp bẻ bánh: “Họ cùng nhau dùng bữa, lòng hân hoan, dạ đơn thành” (Cv 2,46). Và có lẽ nơi đây Lc cũng có một chủ ý rõ rệt: “Niềm vui vĩ đại” của các nhân chứng Thăng thiên là âm vang và kết thúc của niềm vui mà thiên sứ hứa cho thày cả Giacaria và cho một số người sau khi Gioan tẩy giả sinh ra: “Ngươi sẽ mừng vui hoan hỉ; và lắm người sẽ được vui mừng vì việc nó sinh ra” (Lc 1,14). Nhưng đặc biệt đó là sự thể hiện trọn vẹn niềm vui mà thiên sứ hứa ban cho các mục đồng, “một niềm vui vĩ đại cho cả toàn dân” (Lc 2,10). Ở đây, khởi đầu và kết thúc của Phúc âm Lc đã liên kết với nhau.
6. Ý nghĩa, trong chương trình cứu rỗi, của việc Đấng phục sinh từ giã môn đệ và thế gian còn được kín đáo diễn tả trong câu sau cùng của Phúc âm Lc. Sau khi các môn đệ trở lại Giêrusalem “họ hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Đối với Lc, Đền thờ là mục đích thực sự của Chúa Giêsu, là nơi sau cùng Ngài cư trú và giảng dạy (Lc 19,45tt; 21,37-38; 22,53). Bây giờ đền thờ trở thành nơi cư trú của cộng đoàn chứng nhân thăng thiên, và còn là nơi tập trung sau này cho cộng đoàn chứng nhân hiện xuống (Cv 2,46; 3,1tt; 5,12.20-21; 5,42…) Trong đền thờ, từ nay sẽ vang lên lời ngợi khen Thiên Chúa do Giáo hội của các chứng nhân thăng thiên, sẽ vang lên lời chúc tụng (c.53: eulogein) phát xuất từ lời chúc lành (c.50: êulôgêsein) của Đấng đã lên trời. Ở đây cũng như trong Cựu ước, eulogein ám chỉ lời cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa qua kinh nguyện và thánh ca. Và một lần nữa, có lẽ trong ý của tác giả phúc âm, khởi điểm và cùng điểm đã liên kết chặt chẽ với nhau. Vì ngay từ Lc 1 và 2, Đền thờ đã đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt là như chỗ của những người “ngóng đợi phúc cứu chuộc của Israel” (Lc 2,38; 1,8tt; 2,27.37.46). Khi Gioan tẩy giả sinh ra, Giacaria đã cất lời khen ngợi: “Chúc tụng Chúa, Thiên Chúa của Israel” (1,64.68). Simêon cũng ẵm lấy con trẻ Giêsu trên tay mà ca ngợi rằng: “Mắt tôi đã thấy ơn cứu độ Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân” (2,28.30). Và hôm nay bắt đầu thực hiện những gì đã được đoan hứa và diễn tả ra trong lời ngợi khen chúc tụng ấy. Ơn cứu độ đã dọn sẵn và đã được ban tặng cho muôn dân trong lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, một phụng vụ chẳng bao giờ cùng.
KẾT LUẬN
Trình thuật Thăng thiên được trình bày như sự khai mào cho cảnh hiện xuống vĩ đại và cho lịch sử của một Giáo hội từ nay vắng bóng Đức Giêsu. Cuối phúc âm, có lẽ chúng ta có một dấu hiệu tiên báo sự bành trướng của Giáo hội trong việc Chúa Giêsu đem các môn đệ ra ngoài thành Giêrusalem; nhưng đó chưa phải là điều cốt yếu. Trong đoạn kết phúc âm này, Chúa Giêsu vẫn còn là mục tiêu. Và chủ ý của Lc ở đây còn lộ rõ hơn nữa khi ông cố ý tìm cho cử chỉ cuối cùng của Đấng hiển vinh một hình ảnh vĩ đại trong Cựu ước: hình ảnh vị thượng tế giơ tay chúc lành cho dân chúng đang phủ phục dưới chân mình.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Hôm nay chúng ta mừng lễ Thăng thiên, mừng ngày Chúa Giêsu trở về với Cha Ngài và lãnh nhận vinh quang đã hứa ban cho Con Người. Thực ra, mầu nhiệm thăng thiên còn phong phú hơn thế. Chúa Giêsu đã trở về với Chúa Cha từ lâu; ngay từ ngày phục sinh, Ngài đã được tôn vinh rồi, như nhiều đoạn trong kinh thánh đã minh chứng. Hôm nay đúng ra chúng ta mừng việc Ngài tỏ mình một cách khả giác sau cùng cho các môn đệ trước khi trở lại vào ngày cánh chung. Các bài đọc cho chúng ta thấy việc thăng thiên thực ra là việc biến đổi cách thức hiện diện của Chúa Kitô trên trần gian này. Thật vậy, nếu Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha luôn mãi, điều đó không có nghĩa là Ngài từ bỏ loài người, nhưng chỉ muốn đổi cách thức hiện diện với họ. Vì nếu phúc âm phải được rao giảng cho mọi người ở mọi thời và ở mọi nơi, thì Chúa Giêsu phải hiện diện cho họ một cách thích ứng. Để được như vậy, Ngài đã chọn nhiều cách hiện diện khác nhau: qua những chứng nhân được Chúa Thánh Thần tác động, qua bí tích Thánh thể, qua tiếng nói của Giáo hội trong tâm hồn người tín hữu. Bằng những cách thức khác nhau đó, Chúa Giêsu có thể hiện diện trong mỗi người chúng ta và trong mọi thế hệ nhân loại. Nhưng nếu Chúa Giêsu tiếp tục mang một thể xác trên trần gian này, sự hiện diện của Ngài sẽ bị giới hạn vào một nơi, một thời. Với việc Thăng thiên, Chúa Giêsu đã bỏ cách hiện diện hạn hẹp bằng thể xác, để từ nay hiện diện luôn mãi cho mỗi người chúng ta.
2. Cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu cũng là cuộc khải hoàn của các tín hữu. Như việc tử nạn, Ngài lên trời là vì chúng ta. Cả hai biến cố đều nhằm cứu rỗi chúng ta. Ngài đã nói cùng các môn đệ: “Ta đi dọn chỗ cho các con”. Khi từ giã họ, Ngài đã dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện mà cũng là một lời hứa: “Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho con, con muốn là con ở đâu họ cũng được ở đó để họ chiêm ngắm vinh quang của Con” (Ga 17,24) Chúa Giêsu lên trời để lãnh lấy vinh quang cho các tín hữu kết hợp với Ngài.
3. Khi về trời dưới mắt các môn đệ, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta một cách hết sức cụ thể đây là mục đích của đời sống. “Đô thành chúng ta là ở trên trời” (Ph 3,20), kinh thánh đã nói. Chỗ khác kinh thánh cũng rút từ việc thăng thiên một kết luận áp dụng cho các môn đệ: “Anh em hãy tìm kiếm những điều trên cao, nơi Đức Kitô đang ngự” (Col 3,1). Vậy nếu chúng ta xác tín rằng mình phải ở “trên cao”, thì trước hết hãy qui hướng đời sống chúng ta về đó để bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu cho mình. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là phải xuất thế, xa lánh trần gian. Trái lại, phải nỗ lực làm việc để chu toàn phận sự Thiên Chúa giao phó cho mỗi người trong hoàn cảnh Ngài đã đặt định. Nhưng đừng để mình bị nô lệ bởi những vật trần gian này: của cải, gia đình, việc làm, thành công đến độ bỏ quên thiên đàng. Hạnh phúc cho ai trải qua cuộc đời trong việc tuân theo “Đấng đã lên ngự bên hữu ngai uy nghi trên các tầng trời” (Dt 8,1). Chúa Giêsu cũng đã nói với Thánh Gioan trong một thị kiến: “Ai thắng, ta sẽ cho ngự với Ta trên ngai của ta” (Kh 3,21).
D/ Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Chúa Giêsu sau khi đã từ cung lòng Chúa Cha, từ Trời thân hành xuống thế nhập thể làm người, đi vào lịch sử loài người, sống kiếp phận con người, bước vào trong bóng sự chết, đã phục sinh và trở về Trời trong vinh quang mà từ thuở đời đời Người đã có với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Toàn bộ ý nghĩa Chúa về Trời được các bài đọc Thánh Kinh mô tả và nội dung gồm tóm trong những lời sau: “Chúa Giêsu đã bắt đầu làm và giảng dạy, Người căn dặn các Tông đồ xong…”. Và sau đó “Người lên Trời” (x. Cvtđ 1, 1- 11).
Chúa Giêsu vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, vinh hiển về Trời, đó là niềm hy vọng của chúng ta. Người sẽ trở lại đón chúng ta đi với Người. Để được về Trời với Chúa, chúng ta hãy gia tăng lòng mộ mến những sự trên trời và tích cực làm việc vì Nước Trời, như thế chúng ta hy vọng sẽ được về Trời với Chúa. Theo lời thánh Lêo Cả, Chúa Giêsu Kitô, Vị Thủ Lãnh của chúng ta vinh hiển bước vào thiên đàng ngự bên hữu Đức Chúa và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời). “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô. Nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25). Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Lễ Chúa Giêsu lên Trời là lễ của niềm hy vọng, vì lễ này báo trước cảnh ngọt ngào của Thiên Đàng. Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta là chi thể, Người đi trước để chúng ta được tiếp bước theo sau vào Thiên Đàng. Vẫn theo lời Thánh Leo Cả : “Trong Đức Kitô chịu đóng đinh mà chúng ta chết cho tội, và trong Đức Kitô phục sinh chúng ta sống lại với Người trong đời sống mới đầy ân sủng, chúng ta cũng đạt tới Trời nhờ sự lên Trời của Người. Việc tham dự vào mầu nhiệm của Đức Kitô với tư cách là thành viên của Người, hoàn toàn phụ thuộc vào Người và gắn bó mật thiết với vận mệnh của Người” (x. LEO CẢ, Bài giảng lễ Chúa lên Trời).
Quả thật, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được tháp nhập vào sự sống của Chúa Kitô, nghĩa là chúng ta hy vọng phục sinh và được chia sẻ vinh quang của Người. Chúng ta cũng sẽ theo Người đến cùng Chúa Cha khi kết thúc cuộc sống trần gian này. Lễ Chúa lên Trời là sự kiện phản ánh rõ nhất về niềm hy vọng của chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.
Là những người sống niềm tin và hy vọng vào Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi không ngừng tin vào Chúa Kitô và sống khác với những người chưa biết đến Chúa Kitô. Chúa Giêsu Kitô ở cùng chúng ta và Người đang dẫn chúng ta đến cuộc sống đời đời. Người chỉ cho chúng ta đường lên Trời của Người, bởi chính Người là Đường. Chúng ta phải tránh những cám dỗ, sợ hãi, hoảng loạn và tuyệt vọng. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”(1 Tx 4,13). Ở đây chúng ta cũng thấy một dấu hiệu riêng biệt của các Kitô hữu là họ có tương lai. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdicto XVI viết: “Không phải là họ biết chi tiết về những gì đang chờ đợi họ, nhưng họ biết một cách chung chung rằng cuộc sống của họ sẽ KHÔNG KẾT THÚC trong sự trống rỗng. Chỉ khi tương lai chắc chắn là một thực tế tích cực thì mới có thể sống tốt trong hiện tại” (x. BENEDICTO XVI, Spe Salvi, số 2).
Chính khi tin vào Chúa Kitô mà chúng ta có thể sống trong an bình và hy vọng trong mọi hoàn cảnh, vì sự chết không có tiếng nói cuối cùng. Ngay cả khi cái chết đến với chúng ta, chúng ta vẫn thanh thản trong niềm hy vọng cuối cùng là được lên Trời sống đời đời với Chúa. Đó là ý nghĩa của cuộc sống người tín hữu chúng ta.
Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không thoát khỏi đau khổ trong cuộc sống này. Cái chết đã bị đánh bại nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô và con đường dẫn đến sự sống đời mở ra cho chúng ta qua sự lên Trời của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta. Đức Benedict XVI nói: “Đối với tương lai, cửa thời gian tối tăm đã bị mở tung. Người hy vọng sống khác người đã được ban tặng sự sống mới”. Chúng ta đã được ban sự sống mới trong Chúa Kitô và đó là niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta trong tất cả các cơn bão đang hoành hành xung quanh chúng ta.
Các Tông đồ tận mắt chứng kiến cảnh Chúa lên Trời, lòng các ông ngây ngất dõi theo đến nỗi cần phải “có hai người mặt áo trắng đứng gần” (Cvtđ 1, 10) và nhắc nhở: “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1, 11). Hãy ngước mắt lên trời và chăm chú nhìn vào Chúa Kitô, Đấng đã về trời với Chúa Cha, để chuẩn bị chỗ vĩnh cư cho mỗi người chúng ta.