“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. (Ga 21, 17)
BÀI ĐỌC I: Cv 25, 13-21
“Đức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: “Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: ‘Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình’. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Đang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab
Đáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).
Hoặc đọc: Alleluia.
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.
3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. – Đáp.
TIN MỪNG: Ga 21,15-19
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?”
Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”
19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
CÁCH CHÚA CHỌN
Người hỏi lần thứ ba: “Anh có yêu mến Thầy không ?”… Phê-rô đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)
Suy niệm: Khi chỉ định người đứng đầu Giáo Hội, Chúa Giê-su đã đặt một vị từng ba lần chối Thầy. Theo cái nhìn tự nhiên, có lẽ Phê-rô không xứng đáng, chẳng đủ tiêu chuẩn làm Tông đồ nữa, huống chi là vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo hội. Thế nhưng, Chúa Giê-su không nhìn thấy một Phê-rô của những lầm lỡ, mà là Phê-rô của lòng chân thành yêu mến, của sự khiêm tốn hoán cải. Bấy nhiêu đó đủ bảo đảm cho tương lai sau này. Một Phê-rô biết khiêm tốn hoán cải đứng lên, sẽ là Phê-rô cảm thông, khoan dung với đoàn chiên được Chúa Giê-su trao phó, nhất là với con chiên lạc: “Phần anh, một khi đã trở lại, anh hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Chính cung cách yêu thương ấy đã hoán đổi lòng Phê-rô, biến ông từ tội đồ trở lại thành Tông đồ, một Tông đồ trụ cột của Giáo hội.
Mời Bạn: Những công việc hay lời ca tụng của chúng ta thêm gì cho Chúa (x. Kinh Tiền Tụng chung IV). Được Chúa yêu, và được yêu Chúa là hạnh phúc lớn lao, ơn cứu độ muôn đời cho ta. Chúa luôn mong chờ chúng ta yêu Chúa nhiều hơn, hôm nay hơn hôm qua, tích cực, nhiệt tình hơn, qua các việc làm cụ thể mỗi ngày, chứ không chỉ trong một ít giờ thờ phượng trong nhà thờ.
Sống Lời Chúa: Cảm nhận Chúa luôn ở bên mình, để bạn không bao giờ chán chường, thất vọng, nhưng muốn quy hướng mọi sự về với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không bao giờ lìa xa chúng con. Xin cho chúng con biết Chúa vẫn yêu, ngàn lần vẫn yêu chúng con, để chúng con cảm nhận được hạnh phúc vì được Chúa yêu mến chọn gọi. Amen.
B/ Lm. Giacôbê, O.Cist
HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY
Phêrô đã bỏ lại phía sau những chiếc lưới cá của mình và từ bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu trong suốt ba năm. Hơn nữa, Đức Giêsu đã chọn Phêrô là một trong nhóm Mười Hai sứ đồ mà Người giao phó nhiệm vụ loan báo Vương quốc Thiên Chúa. Với vai trò thủ lãnh, Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng cách dứt khoát rằng Đức Giêsu là Đấng Mêsia và ngài được trao cho chìa khóa của Vương quốc ấy, tượng trưng cho vai trò lãnh đạo đặc biệt của ngài trong nhóm Mười Hai.
Đó là lý do tại sao câu hỏi “Anh có yêu mến Thầy không?” của Đức Giêsu dường như không thể hiện tính trí tuệ. Tất nhiên, Phêrô thương mến Đức Giêsu! Ngài từ một ngư phủ trở thành môn đệ, một môn đệ được tuyển chọn, là Giáo hoàng tiên khởi – chắc hẳn ngài sẽ là một mẫu hình của lòng trung thành!
Nhưng hạn từ “yêu mến” Đức Giêsu dùng ở đây khiến Phêrô ngập ngừng. Tin mừng Gioan sử dụng chữ agapao trong tiếng Hy lạp, mô tả tổng thể một tình yêu tự hiến, vô điều kiện — loại tình yêu tận hiến, hy sinh mà Đức Giêsu họa nên trong suốt cuộc đời của Người, nhất là trên thập tự. Vì thế, Đức Giêsu không hỏi Phêrô liệu ngài có yêu thương chỉ với tình cảm nơi con người bình thường.
Một từ Hy lạp khác, phileo, có xu hướng mô tả loại tình yêu đó – tình bạn hữu, dịu dàng nhưng không phải là tất cả. Thay vào đó, Phêrô được hỏi liệu ngài có yêu như Đức Kitô yêu hay không. Liệu Phêrô có yêu mến Đức Giêsu bằng tình yêu agape không?
Bấy giờ, Phêrô ngập ngừng. Ngài biết ngài không thể yêu bằng thứ tình yêu đó được. Ngài buồn rầu mong muốn mình có thể nói có, dù trước đây, lòng nhiệt thành chất phác có thể khiến ngài yêu thương như thế. Thực vậy, trước đó không lâu, trong Bữa Tiệc Ly, Phêrô thậm chí còn mạnh dạn cam kết bằng sự trung thành tuyệt đối của mình với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Thế nhưng về sau, sự chối bỏ ba lần đối với Đức Kitô vào đêm hôm ấy đã làm cho những thiếu sót của Phêrô trong tình yêu agape trở nên rõ ràng. Phêrô sợ hãi, phản bội Bạn Hữu của ngài ba lần, và quay đi khóc lóc cay đắng khi nhận ra những gì mình đã làm. Ngài đã nếm trải nỗi buồn cay đắng của sự yếu đuối và bất trung của mình.
Vì vậy, giờ đây, ta thấy một Phêrô khiêm tốn hơn nhiều qua cách khẳng định tình yêu của mình. Ngài thừa nhận với Đức Giêsu, “Lạy Chúa, Ngài biết con thương mến Ngài – phileo”. Như thể Phêrô đang nói: “Mọi người biết rằng, đối với Đức Giêsu, tôi thể hiện tình yêu agape đến mức độ nào. Anh em biết rằng tôi chỉ có thể thương mến anh em bằng tình yêu con người không hoàn hảo của tôi, là philia.”
Tuy nhiên, Đức Giêsu không đáp lời. Người hỏi lần thứ hai: “Anh có yêu mến – agapao – Thầy không? Một lần nữa, Phêrô khiêm nhường thừa nhận ngài chỉ có thể yêu mến Đức Giêsu bằng tình yêu nhân loại thấp hơn của mình: “Lạy Chúa, Ngài biết con thương mến Ngài – phileo.”
Cuối cùng, Đức Giêsu thay đổi câu hỏi. Người không hạ thấp tiêu chuẩn của tình yêu theo bất kì cách nào, nhưng Người hạ mình để gặp Phêrô nơi vị thế của ông. Người chấp nhận những gì Phêrô có thể trao tặng, ngay cả khi đó chỉ là thứ tình yêu thương yếu ớt của con người. Người dùng từ phileo: “Anh có thương mến – phileo – Thầy không?” Ở đây, Đức Giêsu tự đặt mình vào vị thế của Phêrô và không đòi hỏi ông ngay lập tức phải vươn tới. Và điều đó khích lệ Phêrô. Ngài đáp lại Đức Giêsu như thể muốn nói rằng: “Lạy Chúa, Ngài biết mọi sự. Ngài biết đây là tất cả những gì con có thể làm nơi chính con. Điều tốt nhất con có thể dâng hiến là tình yêu yếu đuối, phàm trần của con: philia – thương mến. Con ước con có thể làm được nhiều hơn, nhưng con khiêm tốn giao phó món quà bất toàn này cho Ngài.”
Đến đây, chúng ta thấy phần ngạc nhiên nhất của câu chuyện – và một trong số đó làm sáng tỏ câu chuyện của chính chúng ta với Chúa. Đức Giêsu chấp nhận tình yêu bất toàn nơi Phêrô và biến nó thành agape. Sau cùng, Phêrô tự giới thiệu mình với Đức Giêsu như ngài thực sự là – không phải trong cái nhìn sai lạc mà ngài có về chính mình trước đây hay theo cái lý tưởng mà ngài muốn sống như thế, nhưng trong sự thật về tính mỏng giòn của chính ngài. Và một khi Phêrô làm điều này, một khi ngài nói sự thật về chính mình – đơn giản rằng ngài không có khả năng yêu mến – agape ngay lúc này, thì một kỷ nguyên mới đang bắt đầu nơi tình bằng hữu của Phêrô với Đức Kitô. Đúng vào lúc này, Đức Giêsu đột nhiên bắt đầu nói về một Phêrô philia sẽ có ngày sống agape giống như chính Đức Kitô. Phêrô sẽ được thay đổi. Trái tim ngài sẽ được biến đổi. Đến một ngày, Phêrô sẽ thấy đôi tay mình dang rộng trên cây thánh giá, giống như của Đức Giêsu trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Thật vậy, Đức Giêsu tiên báo việc Phêrô vị đóng đinh ở Rôma: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” (Ga 21,18-19).
Câu chuyện về sự biến đổi của Phêrô là câu chuyện mà Thiên Chúa muốn viết lên trong lòng các môn đệ. Đức Giêsu muốn gặp chúng ta ở nơi chúng ta, như chúng ta là, với tất cả nỗi sợ hãi, thương tích và tội lỗi của chúng ta, và biến đổi trái tim philia của chúng ta thành trái tim agape. Như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từng nhận định:
Từ ngày đó, thánh Phêrô “đi theo” Vị Thầy với sự nhận biết chính xác về sự mỏng giòn của chính ngài; nhưng sự hiểu biết này đã không làm ngài thất vọng. Thật vậy, ngài biết rằng mình có thể trông cậy vào sự hiện diện của Đấng Phục Sinh bên cạnh ngài. Từ lòng nhiệt thành chất phác chấp nhận ban đầu, trải qua những kinh nghiệm buồn sầu về sự chối bỏ và khóc lóc ăn năn, thánh Phêrô đã thành công khi phó thác bản thân cho Đức Giêsu, Đấng đã tự hòa mình với tình yêu yếu ớt của Phêrô. Và theo cách này, Người cho chúng ta thấy con đường, mặc dù ta vẫn còn những khuyết điểm. Chúng ta biết rằng Đức Giêsu tự hòa mình vào những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta theo Người với khả năng yêu thương yếu ớt của mình và biết rằng Đức Giêsu thì nhân lành và Người đón nhận chúng ta.
Những gì Đức Giêsu đã làm đối với Phêrô thì Người cũng sẽ thực hiện nơi mỗi chúng ta – nếu chúng ta tập đi theo Người như một môn đệ.
Những cái thúc nho nhỏ từ Thiên Chúa, những cái thúc dục tinh tế của Thánh Linh là thời điểm Đức Giêsu mời gọi anh em hãy theo Người mỗi ngày một cách chặt chẽ hơn. Mặc dầu cái gọi của chúng ta không giống như khi Đức Giêsu bước vào phong thu thuế của Matthêu, Đức Giêsu, Anh sáng thế gian đã đến và âm thầm, nhỏ nhẹ gõ cửa tâm hồn chúng ta. Người muốn bước vào tâm hồn chúng ta, Người sẽ tỏa chiếu ánh sáng của Người vào cuộc đời chúng ta để níu kéo giữ chúng ta trong mối tương quan gần gủi hơn với Người, và chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu để theo sát Người hơn trong tứ cách là môn đệ của Người. Đức Giêsu tìm kiếm những ai sẵn lòng thực thi điều Người muốn họ làm, nói những điều Người muốn họ nói, đi đến nơi Người muốn họ đi và từ bỏ bất cứ điều gì Người muốn họ từ bỏ.
Việc theo Đức Giêsu như một mộn đệ cho thấy một bước ngoặt trong cuộc đời cá nhân của mỗi người chúng ta- một bước đột phá lớn lao đối với quá khí và sắp xếp lại các việc ưu tiên để chỉ tập trung vào con người Đức Giêsu Kitô (nói như Thánh Phaolô: “ Tôi coi mọi sự là phan bón so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô- Chúa của tôi”. Những điều mà chúng ta từng cho là thật sự quan trọng, như tiền tài thành công, danh vọng vv,… thì giờ đây dưới lăng kính của Đức Giêsu chúng ta được mời gọi phải đặt tương quan của chúng ta với Ngài lên trên tất cả.
Trước khi giao sứ vụ cho Phê-rô, Chúa Giê-su cũng trắc nghiệm về tình yêu của thánh Phê-rô: “Con có yêu mến Thầy không”. Chúa biết chỉ có tình yêu thì Phê-rô mới có thể hoàn thành sứ vụ Chúa giao. Chỉ có tình yêu, thì Phê-rô mới vượt qua mọi trở ngại để sống hết mình vì Thầy Giê-su.
Quả thực, thánh Phê-rô đã đi đến cùng của tình yêu khi đối diện với mọi khó khăn, chấp nhận mọi cực hình kể cái cái chết thập tự giá. Ngài đã xin vâng trọn vẹn để thể hiện tình yêu trung kiên vào Thiên Chúa.
Đời người ky-tô hữu cũng chỉ chu toàn bổn phận ky-tô hữu khi có tình yêu với Chúa Ky-tô. Tình yêu phát xuất từ lòng biết ơn vì bao ơn lành Chúa ban cho chúng ta. Tình yêu phát xuất từ lòng tri ân vì Chúa luôn ân cần chăm sóc chúng ta, dù chúng ta không xứng đáng.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn thể hiện lòng yêu mến Chúa nồng nàn qua việc tuân giữ giới răn Chúa và rao truyền tin vui cho anh em. Amen
C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
CHÚA TRAO QUYỀN CHĂN DẮT CHO PHÊRÔ
Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêriat và trong lần này Chúa trao cho Phêrô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.
Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội cho Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Câu hỏi được lặp đi lặp lại để Phêrô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phêrô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.
Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.
Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng: Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.
Có những tác giả khác cho rằng: Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.
Một số người khác lại cho rằng: Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ” ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác.
Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.
Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô: giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ: giảng dạy, thánh hoá và lãnh đạo (Lm. Phạm Văn Phượng).
Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua, mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài. Thiên Chúa đi tìm chiên lạc, thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là: “Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
“Người nói vậy… Hãy theo Thầy”
Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giêsu trong câu 18: đó là cuộc tử đạo của Phêrô. Kiểu nói “anh sẽ phải dang tay ra”: có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phêrô sắp phải chịu vào cuối đời. Và Chúa thêm: “Hãy theo Thầy”. Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây, khi người bảo Phêrô: “Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13, 16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.
Truyện: Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophone lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophone chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:
– Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?
– Không.
– Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).
Đoạn Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.
Truyện: Quo vadis: Ngài đi đâu đó?
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời thánh Phêrô chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn, nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành. Ông hỏi:
– Quo vadis?: Ngài đi đâu đó?
Người ấy trả lời:
– Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa.
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy, nên ông xin được chết trên thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21, 18-19).