Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?
Ông sẽ làm gì đây?” (Ga 6,30)
BÀI ĐỌC I: Cv 7, 51-59 (Hl 7, 51 – 8, 1)
“Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, Têphanô nói với dân chúng, các kỳ lão và luật sĩ rằng: “Hỡi những tên cứng cổ, lòng và tai chẳng cắt bì kia, các ngươi luôn luôn chống đối Thánh Thần; cha ông các ngươi làm sao, các ngươi cũng vậy. Có tiên tri nào mà cha ông các ngươi lại không bắt bớ ? Họ đã giết những người tiên báo về việc Đấng Công chính sẽ đến, Đấng mà ngày nay các ngươi đã nộp và giết chết; các ngươi đã lãnh nhận lề luật do thiên thần truyền cho, nhưng đã không tuân giữ”.
Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiến răng phản đối ông. Nhưng Têphanô đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh quang của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông đã nói rằng: “Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng đã để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Saolô. Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn con”. Thế rồi ông quỳ xuống, lớn tiếng kêu lên rằng: “Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi này”. Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa. Còn Saolô thì đã tán thành việc giết ông (Têphanô).
ĐÁP CA: Tv 30, 3cd-4. 6ab và 7b và 8a. 17 và 21ab
Đáp: Lạy Chúa, con phó thác tâm hồn trong tay Chúa (c. 6a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn, thành chiến luỹ kiên cố để cứu độ con, bởi Chúa là Tảng đá, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con. – Đáp.
2) Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con. Còn phần con, con tin cậy ở Chúa, con sẽ hân hoan mừng rỡ vì đức từ bi của Chúa. – Đáp.
3) Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Chúa che chở họ dưới bóng long nhan Ngài, cho khỏi người ta âm mưu làm hại. – Đáp.
Tin mừng: Ga 6,30-35
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
30 Khi ấy, đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài ? Ngài làm được việc gì ? 31 Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”.
32 Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực.
33 Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. 34 Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
35 Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
ĐÓI KHÁT BÁNH TRƯỜNG SINH
Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)
Suy niệm: Cái ăn cái uống là mối lo sống còn của con người. Người ta vất vả ngược xuôi xét cho cùng cũng là vì vấn đề cơm áo gạo tiền. Nhưng không chỉ có thế, người ta còn muốn hơn nữa. Người phụ nữ xứ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp xin Chúa Giê-su cho chị thứ nước “uống vào sẽ không bao giờ khát nữa” (x. Ga 4,14-15). Những người dân được ăn no nê bánh phép lạ của Chúa cũng chạy đôn chạy đáo tìm Chúa để xin Chúa: “Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó” – thứ bánh trường sinh, ăn vào sẽ không hề phải đói nữa. Từ thứ nước tự nhiên, từ tấm bánh vật chất Chúa mặc khải chính Ngài là “nước hằng sống,” là “bánh trường sinh”: “Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ.”
Mời Bạn: Chúng ta thường bị cơn đói khát thể lý chi phối mạnh mẽ đến nỗi không nhận ra mình cũng đang bị đói khát tâm linh, khát “nước trường sinh” đói “bánh hằng sống” nữa. Chúa đang tha thiết mời bạn “hãy đến với Chúa” để được lương thực trường sinh. Bạn hãy đến với Chúa và mọi nỗi lo của bạn, “hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc bạn” (x. 1Pr 5,7). Bạn hãy đến với Chúa để được Ngài làm cho no đầy ân phúc thiêng liêng. Bạn hãy đến với Chúa bằng tất cả con tim và hoàn toàn tín thác vào Ngài.
Sống Lời Chúa: Suy gẫm Lời Chúa và rước Mình Thánh Ngài là lương thực trường sinh của bạn mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, Chúa là Bánh trường sinh, lương thực duy nhất có thể làm no thỏa tâm hồn con! Con tín thác nơi Chúa!
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Ga 6, 30-35
Sống đời đời hay trường sinh bất tử, đó là ước mơ của con người từ xưa tới nay. Có người đã bỏ cả cuộc đời để tìm một thứ thuốc cải lão hoàn đồng, làm sao cho mình được trẻ mãi không già, để được sống thật lâu.
Đám đông Do Thái, hôm nay khi nghe Chúa nói về sự sống đời đời đó thì họ nghĩ ngay đến Manna mà cha ông họ đã được ăn trong sa mạc. Vì nguồn lương thực này xuất phát từ trời, do Thiên Chúa ban. Trong sa mạc, nhờ manna, dân Chúa được cứu sống, và dân sống no nê bằng manna. Với niềm tin của người Do Thái thì manna là dấu hiệu của thời cứu thế. Người đầu tiên đã giải phóng dân khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập là Môisen, đã cho dân ăn manna, thì Đấng Cứu Thế, vị cuối cùng giải phóng dân cũng sẽ khiến manna từ trời rơi xuống. Tin như vậy cho nên người Do Thái đã xem manna như một dấu hiệu phải có để có thể chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế: “Cha ông chúng tôi thì được ăn bánh bởi trời xuống, còn Ngài thì bánh bởi trời đâu? Bánh ban sự sống đời đời của Ngài ở đâu?” Và Chúa Giêsu trả lời họ: “Chính Ta là bánh ban sự sống, ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát.”
– Thế giới hôm nay vẫn còn mơ ước được sống đời đời, khoa học cố gắng kéo dài sự sống của con người bằng cách chống lại bệnh tật, chống lại nghèo đói vốn là những kẻ thù của sự sống.
Có thể nói, hầu như mọi người đều khao khát sự sống trường sinh, nhưng trong khi đó, hàng ngày Chúa vẫn dọn bánh trường sinh ra trên bàn thờ, mời gọi mọi người đến lãnh nhận để được sống đời đời, thì lại chỉ có một số ít người đến lãnh nhận.
Xin cho chúng ta đừng quá bận tâm vào cơm bánh, thứ lương thực nuôi dưỡng thân xác đời này, ăn rồi cũng chết, mà quên tìm kiếm thứ lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu, đó chính là Mình Thánh Chúa.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
XIN GIA TĂNG HỒNG ÂN
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 3 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa mở cửa Nước Trời đón nhận những ai được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, xin Chúa gia tăng hồng ân cho những con cái, mà Chúa đã thanh tẩy, để tất cả mọi người xứng đáng hưởng phúc lộc Chúa hứa ban.
Xin Chúa gia tăng hồng ân, để chúng ta tránh được những tai ương khủng khiếp sắp giáng xuống, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã nói: Tôi thấy, và tôi nghe một con đại bàng bay trên đỉnh vòm trời, kêu lớn tiếng: “Khốn thay! Khốn thay! Khốn thay những người sống trên mặt đất, vì sắp nổi lên những tiếng kèn còn lại của ba thiên thần.
Xin Chúa gia tăng hồng ân, để chúng ta hát bài ca mới, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh đã kêu gọi: Chúng ta được kêu mời hát mừng Chúa một bài ca mới. Con người mới thì biết hát bài ca mới. Có vui mới hát, và nếu xét cho kỹ, có yêu mới hát. Vậy ai biết yêu cuộc sống mới, thì cũng biết hát bài ca mới. Thế đời sống mới là gì mà người ta lại bảo chúng ta hát bài ca mới? Con người mới, bài ca mới, Giao Ước Mới: tất cả đều thuộc về cùng một vương quốc. Vậy, con người mới sẽ hát bài ca mới và thuộc về Giao Ước Mới.
Xin Chúa gia tăng hồng ân, để chúng ta biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa và tha thứ cho những kẻ bách hại mình, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại cuộc tử đạo của thánh Têphanô: Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 30, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này, khi tin tưởng phó thác: Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, phần con đây, lạy Chúa, chỉ tin tưởng nơi Ngài. Được Ngài thương, con vui mừng hớn hở, vì Ngài đã đoái nhìn phận con cùng khốn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không phải đói bao giờ. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại việc đám đông dân chúng hỏi Đức Giêsu: làm được dấu lạ nào cho họ thấy, để họ tin, và Người cho họ biết: Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ. Đức Giêsu chính là Bánh Trường Sinh, là lương thực, là của ăn đàng bổ sức cho chúng ta trên hành trình lữ thứ tiến về Quê Trời. Bánh Trường Sinh được làm từ bột nguyên chất, được tinh chế từ lò luyện vâng phục thánh ý Chúa Cha, ăn Bánh này chúng ta sẽ được sống muôn đời, bởi vì, Bánh là này chính là lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Xin Chúa gia tăng hồng ân, để chúng ta dám can đảm tuyên xưng niềm tin của mình, bằng cách thông dự vào tấm Bánh Trường Sinh: chấp nhận bị nhào trộn trong làn nước Thánh Linh, chịu đem nướng trên ngọn lửa Thánh Thần, và chịu tan biến để trở thành dưỡng chất nuôi sống những ai cần. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Cuộc sống bất tử cần “bánh trường sinh”
Người Việt Nam ta thường dùng câu thành ngữ “Bụt nhà không thiêng” hay câu “Gần chùa gọi bụt bằng anh” để ám chỉ những ai có thái độ vô ơn, vô lễ với các bậc thần thánh. Trích đoạn Tin Mừng trong chương 6 của thánh Gioan hôm nay, cũng cho chúng ta thấy có sự vô ơn, vô lễ của những người Do Thái đối với Chúa Giêsu. Khi mà Chúa Giêsu vừa làm một phép lạ cả thể hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no nê, khi mà Chúa Giêsu nhắc nhở họ hãy ra công làm việc để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, khi mà Chúa Giêsu trả lời cho họ biết: Việc Thiên Chúa muốn cho họ làm là tin vào Đấng Người đã sai đến, thì họ lại quay lại chống đối Chúa Giêsu rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”
Khi nói điều này chắc hẳn người Do Thái liên tưởng về một thời mà tổ tiên họ đã không làm mà vẫn có ăn, tổ tiên họ đã được ăn no nê bánh Manna và thịt chim cút suốt 40 năm trong sa mạc. Và có lẽ giờ đây họ cũng muốn Chúa Giêsu làm một dấu lạ tương tự như vậy để họ thấy và tin. Thực sự Chúa Giêsu đã là nhiều phép lạ người mù sáng mắt, người què đi được, kẻ chết sống lại và mới hôm qua thôi Chúa làm phép lạ nuôi 5000 người ăn no nê. Những người Do Thái hôm ấy đều đã chứng kiến nhưng họ có tin đâu.
Thành ra, suy nghĩ về thái độ của người Do Thái năm xưa cũng là bài học kinh nghiệm cho chúng ta hôm nay. Cũng như những người Do Thái chúng ta đã lãnh nhận muôn muôn ngàn hồng ân: Chúa dựng nên ta cách lạ lùng (Tv 139), rồi Chúa luôn bao bọc chở che quan phòng cho chúng ta đầy đủ mọi sự cần thiết: đất, nước, không khí, ánh sáng… Thế mà, có khi chúng ta coi đó là chuyện bình thường mà quên ơn Chúa trong cuộc sống thường ngày: Một bệnh nhân kia khi được xuất viện bác sĩ đưa cho ông một hóa đơn. Nhìn vào đó ông ta bật khóc nức nở rằng: Tôi chỉ thở bình khí ôxy chỉ có 1 ngày mà phải trả phí những bằng này tiền, trong khi từ bé đến giờ tôi được thở cả bầu trời ôxy miễn phí mà chưa bao giờ tôi có một lời cảm ơn Chúa. Xin Chúa cho chúng ta đôi mắt đức tin nhạy bén để thấy những phép lạ trong cuộc sống thường ngày và tin Chúa là Đấng từ bi nhân hậu.
Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu còn chỉ cho người Do Thái biết đến một thứ bánh bởi trời, khác với thứ bánh mamna: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Nếu như bánh manna tổ tiên người Do Thái đã từng được ăn nhưng rồi họ cũng phải chết thì “bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Bánh từ trời xuống: bánh ấy chính Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa nhập thể làm người, tự hiến thân mình đem lại ơn cứu chuộc cho loài người. Đức Giêsu Kitô là sự sống cho trần gian, đúng như Người đã quả quyết: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!”. Còn lời khẳng định nào mạnh mẽ đáng tin hơn lời này, vì Đức Giêsu Kitô đã lấy chính mạng sống mình để bảo đảm với chúng ta.
Mỗi người chúng ta đều mong muốn được sống lâu trên đời, được sống trường sinh bất tử trên đời, chẳng vậy mà người ta cầu chúng cho nhau “bách niên giai lão”, an khang trường thọ, rồi những đứa con có hiếu thì năng ngửa mặt lên trời mà tha thiết kêu xin: “Đêm đêm con thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Mong cầu là vậy, nhưng chúng ta biết rằng con người cố hai cuộc sống, sống đời tạm và sống đời đời: để sống đời tạm ta cần cơm bánh hằng ngày. Cũng vậy để được sống đời đời ta cần “bánh thực trường sinh” mà Chúa đã ban tặng đó chính là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, như chính người đã bảo đảm: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ!”.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Phải tin vào Đức Kitô
(Ga 6,30-35)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời dạy của Đức Giêsu về Bánh Hằng Sống tức là thứ “của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”. Thứ ăn này vượt trội hơn Manna ngày xưa. Nghe thế, dân chúng tưởng đó là một thứ thức ăn – cũng vẫn là vật chất – nhưng ăn vào thì sẽ không đói nữa, nên họ xin :”Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”.
2. Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng rất hồ hởi và hy vọng. Hôm sau, họ đến với Đức Giêsu rất đông, hy vọng kiếm được của ăn ít ra cũng dồi dào như manna, xưa đã nuôi sống cha ông họ trong sa mạc suốt thời gian đi về đất hứa. Nhưng Đức Giêsu muốn nâng cao họ lên một bước, Ngài mời họ trước hết hãy tìm kiếm những lương thực không hư nát, là thứ tồn tại cho đến cuộc sống vĩnh hằng :”Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26). Họ tưởng lương thực mà Đức Giêsu nói đây là manna ngày xưa cha ông họ đã ăn trong sa mạc. Nhưng Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của họ và nói rõ ràng hơn :”Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).
3. Toàn chương 6 của Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy Đức Giêsu cống hiến Mình Máu Thánh Ngài làm của nuôi sống con người khỏi đói khát tinh thần, và để chuẩn bị con người lãnh nhận điều này, Đức Giêsu đã thực hiện một dấu chỉ lạ lùng khi hóa bánh ra nhiều cho 5000 người ăn no nê. Nhưng dấu chỉ này lại bị dân chúng hiểu lầm : họ muốn đến với Chúa vì lợi lộc vật chất, chứ không vì tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Trước lời mời gọi của Chúa : hãy nâng tâm hồn lên, hãy tin vào Đấng được Chúa Cha sai đến, hãy ăn thịt và uống máu Ngài để được sống đời đời, thay vì khiêm tốn vâng phục, dân chúng lại tỏ ra ngoan cố thách thức hơn nữa, như Tin Mừng hôm nay thuật lại. Họ so sánh dấu lạ Chúa vừa thực hiện tức là phép lạ hóa bánh ra nhiều, với dấu lạ của Maisen mà hằng năm họ vẫn sốt sắng tưởng niệm; họ muốn Chúa thực hiện một dấu lạ cao cả hơn dấu lạ thời Maisen.
4. Manna là một loại bánh Thiên Chúa đã ban từ trời xuống làm lương thực cho dân Do thái lúc họ lưu lạc suốt 40 năm trường trong sa mạc, cuộc sống đầy nguy hiểm, bấp bênh, thiếu thốn nước uống, cơm bánh. Cho nên, nhiều lần dân chúng đã nghi ngờ, kêu ca, than trách ông Maisen và cả Thiên Chúa nữa. Chúa thử thách họ và phạt họ bằng nhiêu tai ương, nhưng đồng thời Ngài vẫn luôn lo liệu lương thực cho họ được đầy đủ được một thứ bánh là manna, để biểu lộ sự hiện diện và sự quan phòng của Ngài, là mỗi buổi sáng, Thiên Chúa làm cho lớp sương mù bay phủ trên nơi người Do thái đóng trại, và lúc sương tan đi, rơi xuống những hạt nho nhỏ mầu trắng, có mùi vị mật ong, họ chỉ việc ra lượm mà ăn, họ không hiểu cái gì đó nên hỏi nhau “man-hu”: cái gì vậy ? Rồi không hiểu sao họ gọi trệch ra là man-na, và trở thành tên của lương thực này.
5. Tóm lại, sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lượng thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo uột yếu ớt và chết.
Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Đức Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỉ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình (Hiền Lâm).
6. Truyện : Hạnh phúc mong manh.
Năm 1923, tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền Viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và làm giầu, hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là :”Có tiền mua tiên cũng được”.
Thế nhưng 25 năm sau, những gì đã xẩy đến cho tám nhà khinh doanh giầu có này ?
Charles Schwah, giám đốc của một trong những công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
Samuel Insull, giám đốc của một công ty chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương không một đồng xu dính túi.
Howard Hopson, giám đốc của một hãng ga lớn trở nên điên loạn.
Arthur Cutten, chuyên xuất nhập cảng lúa mì, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi.
Richard Whitney, giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.
Albert Pall, một nhân vật cấp cao trong chính phủ, vừa ra tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng.
Người cuối cùng trong danh sách tám nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ khoảng thập niên 20 cũng tự kết liễu cuộc sống của mình… (Theo đài Veritas).
Thật thế, con người chỉ lo tìm kiếm tiền bạc vật chất, chính nó lôi kéo dẫn người tìm kiếm nó vào con đường “đầy sương mù”, và dẫn tới mất phương hướng khi vào đường cụt của cuộc đời.