“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian”. (Ga 17, 11)
Bài Ðọc I: Cv 20, 17-27
“Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, từ Milê, Phaolô sai người đi Êphêxô mời các trưởng giáo đoàn đến. Khi họ đến với ngài và hội họp, ngài nói với họ: “Các ông biết ngay tự ngày đầu khi tôi vào đất Tiểu Á, tôi đã cư xử thế nào với các ông trong suốt thời gian đó, tôi hết lòng khiêm nhường phụng sự Chúa, phải khóc lóc và thử thách do người Do-thái âm mưu hại tôi. Các ông biết tôi không từ chối làm một điều gì hữu ích cho các ông, tôi đã rao giảng và dạy dỗ các ông nơi công cộng và tại tư gia, minh chứng cho người Do-thái và dân ngoại biết phải hối cải trở về với Thiên Chúa, phải tin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và giờ đây được Thánh Thần bắt buộc đi Giêrusalem mà không biết ở đó có những gì xảy đến cho tôi, chỉ biết là từ thành này qua thành khác, Thánh Thần báo trước cho tôi rằng: xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu là làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa. Và giờ đây, tôi biết rằng hết thảy các ông là những người được tôi ghé qua rao giảng nước Thiên Chúa, các ông sẽ chẳng còn thấy mặt tôi nữa. Vì thế hôm nay tôi quả quyết với các ông rằng: tôi trong sạch không dính máu người nào cả. Vì chưng, tôi không trốn tránh, khi phải rao giảng cho các ông mọi ý định của Thiên Chúa”.
ĐÁP CA: Tv 67, 10-11. 20-21
Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. – Đáp.
2) Chúc tụng Chúa ngày nọ qua ngày kia. Thiên Chúa là Đấng cứu độ, Ngài vác đỡ gánh nặng chúng ta. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, Chúa là Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi tay tử thần. – Đáp.
TIN MỪNG: Ga 17,1-11a
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1Nói thế xong, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô. 4Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con bên Cha: xin ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Con, Con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho Con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho Con đều do bởi Cha, 8vì Con đã ban cho họ Lời mà Cha đã ban cho Con; họ đã nhận những Lời ấy, họ biết thật rằng Con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai Con. 9Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10Tất cả những gì của Con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của Con; và Con được tôn vinh nơi họ. 11Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
NIỀM VUI ĐƯỢC BIẾT DANH CHA
“Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha.” (Ga 17,6)
Suy niệm: “Khi nói đến tình yêu là nói đến Thiên Chúa Ba Ngôi, một Ngôi yêu, một Ngôi được yêu và một Ngôi là nguồn mạch của tình yêu” (Thánh Augustinô). Chính vì Thiên Chúa là Tình yêu, nên “Ngôi được yêu” đã đến với con người để yêu bằng tình yêu lớn nhất đó là hiến mạng sống cho chúng ta (x. Ga 15,13) và cho chúng ta biết Danh của “Ngôi yêu” là “Cha là Thiên Chúa duy nhất, và Đấng Cha đã sai đến là Giê-su Ki-tô” và nhờ đó mà được sự sống đời đời. Biết Danh Chúa tức là biết Ngài là Tình Yêu và biết mình là người được yêu, được cứu khỏi quyền lực sự chết và ác thần. Nếu sự sống đời đời là điều con người hằng mong mỏi tìm kiếm thì cái “biết-đem-lại-sự-sống-đời-đời” sẽ là món quà lớn nhất mà Chúa ban tặng cho ta, và cũng là niềm vui lớn nhất không gì có thể đánh đổi được.
Mời bạn: “Từ khi tôi biết là có Thiên Chúa, tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Chúa” (Thánh Charles de Foucault). Sống cho Chúa là sống trong niềm vui, niềm vui được nhận biết Chúa, có Chúa ở cùng bạn, cùng tôi, cùng chúng ta. Có thể bạn đã trải qua những đêm tối cuộc đời, nhưng tình thương, sự hiện diện của Chúa vẫn luôn bên bạn, vì Chúa đã sống lại thật và bạn sẽ nên một với Thiên Chúa (x. Ga 17,11).
Sống Lời Chúa: Lan tỏa niềm vui Phục sinh qua cách sống và làm việc của bạn, trên khuôn mặt vui tươi của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Chúa của con, hãy loại bỏ khỏi con những gì làm con xa cách Chúa. Lạy Chúa là Chúa con, xin ban cho con tất cả những gì lôi kéo con tới Chúa. Lạy Chúa là Chúa con, xin giữ lấy con cho con và hãy ban cho con hoàn toàn cho Chúa (Thánh Nicola de Flue).
B/ Lm. Giacôbê, O.Cist
LẠY CHA, XIN CHA TÔN VINH CON CHA
Chúa Giêsu Kitô đã đến trần gian; Ngài yêu mến Chúa Cha và luôn làm vinh danh Cha bằng việc thực thi ý muốn của Cha để cứu độ nhân loại khỏi ách nô lệ của tử thần và đưa họ đến cuộc sống hạnh phúc bất diệt ở nơi Thiên Chúa. Việc làm của Người đã tôn vinh danh cha và Người biết rằng Cha cũng sẽ tôn vinh Người khi “giờ” đến -“giờ” mà Chúa Giêsu tự nguyện tiến tới đón nhận cái chết đau thương và khổ nhục trên Thập giá; cái giá mà Người phải trả để sống cho tình yêu và sự thật. Và đó cũng là giờ mà sự sống tình yêu chân thật chiến thắng tử thần – tên chuyên lường gạt, gieo đau thương, chết chóc, và hận thù.
Trước khi bị bắt, Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong xao xuyến ở núi Cây Dầu. Còn trong Tin Mừng Gioan, Ngài đã cầu nguyện trước khi đến đó.
Đứng trước “giờ” Chúa Cha “ấn định” để làm vinh danh Cha, Chúa Giêsu không ngồi đếm ngược thời gian mà chìm sâu trong cầu nguyện để nhận ra giờ của Chúa Cha. Đó là giờ “mọi sự đã hoàn tất”, là giờ mà Chúa Giêsu hoàn toàn vâng phục để Ý Chúa Cha được thực hiện. Đó là “giờ cao điểm” Chúa Con chứng minh Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha, không bao giờ làm điều gì gây cản trở hay sai lệch ý Chúa Cha. Đó cũng là “giờ” mọi người biết Chúa Cha yêu thương họ đến mức nào qua cái chết của người Con Chí Ái của Ngài.
Chúa Giêsu vẫn bắt đầu lời nguyện bằng tiếng Abba quen thuộc. Ngài như muốn tóm kết công việc Cha giao phó, đó là việc tôn vinh Cha qua cuộc sống trên trần gian này (c. 4). Bây giờ đã đến giờ Ngài về với Cha, nên Ngài nài xin: “Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha” (c. 1). Cái chết tự hạ trên thập giá là cử chỉ vâng phục vì yêu thương của Con, là cử chỉ cao nhất của Con nhằm tôn vinh Cha. Nhưng tất cả không ngừng lại với thập giá, vì Cha sẽ tôn vinh Con qua sự phục sinh vinh hiển. Chúa Giêsu được trao quyền năng trên mọi người (c. 2). Ngài có thể ban sự sống đời đời cho những ai nhận biết Cha và Con là người được Cha sai (c. 3).
Lời nguyện của Chúa Giêsu đặc biệt hướng về các môn đệ mà Ngài coi là quà tặng quý giá của Cha cho đời mình. Nhiều lần Ngài nhấn mạnh họ là quà tặng (cc. 2. 6. 7. 9). Đức Giêsu đã từng coi các môn đệ là những kẻ thuộc về Ngài (Ga 13, 1). Nhưng Ngài lại không phủ nhận việc họ là người thuộc về Cha (cc. 6. 9). Môn đệ thật là của chung giữa Cha và Con (c. 10). Họ là những người được Cha chọn từ thế gian (c.6) tuy họ vẫn ở trong thế gian (c.11). Trong giây phút sắp đến cùng Cha, sắp được hưởng vinh quang bên Cha, Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện cho họ (c. 9), những người còn phải chịu nhiều gian nan thử thách ở đời. Khi còn sống với họ, Ngài đã cho họ biết Danh Cha (c. 6), Ngài còn ban cho họ lời mà Ngài đã nhận từ Cha. Khi đón nhận những lời ấy, họ biết Ngài từ Cha mà đến và tin Ngài là người Cha sai (c. 8).
Sự sống đời đời là con người nhận biết Thiên Chúa duy nhất và chân thật và Chúa Giêsu Kitô con của Người (c.3). Sự nhận biết này được xác định trong việc tin yêu, đón nhận và thi hành lời dạy của Chúa (c.6 – 8).
Thật vậy, người môn đệ bước theo Chúa Giêsu trong cuộc sống thì như một nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng, cùng với vũ trụ hòa vang lên khúc hát tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa Đấng hằng yêu thương, chăm sóc mọi loài. Bởi vì họ thấy cần phải đáp đền tình yêu nhưng không mà họ đã lãnh nhận – một tình yêu cao cả, bao la, rộng lớn vượt không gian, thời gian và mọi cương giới – bằng chính cuộc sống của mình.
Chúa Giêsu đã tôn vinh danh Cha ở dưới đất bằng việc hoàn tất ‘công trình Cha giao phó’ (c. 4). Ngài là mẫu gương cho Kitô hữu chúng ta biết cách làm tôn vinh danh Cha trên trời đó là tuân giữ Lời Cha mà chu toàn nhiệm vụ Cha đã trao cho con người ngay từ buổi đầu tạo dựng là làm chủ vũ trụ và đồng thời làm cho nó phát triển ngày càng phong phú tốt đẹp (x. St).
Vì vậy cuộc sống con người không thể là cuộc sống hưởng thụ cách ích kỷ, nhưng là một cuộc sống có trách nhiệm. Bên cạnh việc hưởng thụ công trình tạo dựng tốt đẹp của Thiên Chúa, con người còn phải nỗ lực làm phát triển nó; đó là bổn phận, và cũng là vinh dự Thiên Chúa dành riêng cho con người.
Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta nhận ra và biết quí trọng hồng ân này để sống xứng đáng và trở thành nhân chứng của tình yêu Cha; để danh Thánh Cha được tôn vinh và những người anh em ta trở thành môn đệ của Con yêu dấu Cha, để họ cũng được hưởng cuộc sống đời đời trong nhà Cha.
Sự sống ai cũng quý và đều mong sao cho sự sống của mình được kéo dài bao nhiêu có thể. Từ đó, ta có thể kết luận rằng, cái chết thì không ai thích! Chính vì thế, mà nhiều người khi đứng trước cái chết đã tỏ ra rất sợ hãi.
Tin Mừng hôm nay, cho thấy, Đức Giêsu nói đến “Giờ” của Ngài đã chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó. “Giờ” mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là “Giờ” của cuộc tử nạn. Nhưng cũng là “Giờ” của chiến thắng, “Giờ” của vinh Quang và “Giờ” Thiên Chúa Cha được tôn vinh.
Như vậy, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy rằng: mỗi Kitô hữu, chúng ta cũng đều trải qua “Giờ” đó trong cuộc đời. Phải có “Giờ” khởi đầu, có “Giờ” thi hành và có “Giờ” kết thúc. Hay nói cách klhác, phải trải qua “Giờ” của đau khổ thì mới được vào vinh quang. Phải qua “Giờ” của hiện tại, hữu hạn thì mới có “Giờ” của vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Tuy nhiên, “Giờ” của hiện tại phải được chu toàn cách trung thành, thì “Giờ” của tương lai trên Thiên Quốc mới được đảm bảo.
Mong sao, mỗi người chúng ta biết chuẩn bị cho “Giờ” chết của mình thật xứng đáng và ý nghĩa, để sau cái chết, chúng ta được hạnh phúc vính cửu trên Thiên Đàng.
C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU
Bài Tin mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giêsu xin Chúa Cha tôn vinh Người, để Chúa Cha được tôn vinh, và những lời Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ.
Chúa Giêsu đã sống lại, Ngài đã về trời và từ đây Ngài không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta, nhưng Ngài không bỏ mặc ta cô đơn giữa thế gian. Ngài xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta, vì Chúa Cha đã trao chúng ta cho Ngài. Chúng ta thuộc về Ngài cũng như Ngài thuộc Chúa Cha. Ngài cũng cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất trong tình yêu của Ngài và Thiên Chúa Cha. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta được đi vào trong mầu nhiệm tình yêu Ba Ngôi.
Bài Tin mừng dài và khó hiểu. Chúng ta chỉ cần biết đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ trước khi Ngài về trời. Đối với Ngài lúc này Ngài thấy mình thanh thản, vì đã chu toàn công việc Cha đã trao phó, lúc này Ngài về trời. Đối với Ngài thì thanh thản, nhưng còn các môn đệ còn phải ở lại thế gian, họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn, xin Cha hãy gìn giữ họ trong bình an.
Chúa Giêsu vạch ra 4 khó khăn họ sẽ gặp phải:
– Thế gian đầy tội lỗi, đầy cám dỗ, sợ họ không đứng vững.
– Thế gian sẽ bắt bớ họ, sợ họ nản chí.
– Họ sẽ chia rẽ vì bất đồng ý kiến với nhau, Giáo hội sẽ chia năm sẻ bảy.
– Ngài cầu cho họ biết hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội thánh.
“Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian”.
Khi nói câu này, hình như Chúa Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ: Lạy Cha, phần con thì đã khoẻ rồi vì đã thoát khỏi thế gian, nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái thế gian đó méo mó, chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian đầy dẫy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian chẳng có giá trị nào vĩnh viễn… Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy gìn giữ chúng.
Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế nào và thoát khỏi thế gian là thế nào, nên Ngài mới cầu nguyện như vậy. Còn chúng ta chỉ biết có thế gian này, cho nên chúng ta quyến luyến nó, chúng ta sợ phải mất nó, khi nghe đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng ta sợ hãi âu lo (Lm. Carôlô).
Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha
Theo Chúa Giêsu, giờ đây là đến lúc Ngài đi vào cuộc tử nạn và Phục sinh. Vì thế, Thập giá làm vinh hiển Chúa Cha, vì nơi đó thể hiện sự vâng lời tuyệt đối. Thật thế, Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha bằng việc vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu cao trọng hơn mọi danh hiệu. Như vậy, Thập giá không những làm vinh hiển Chúa Cha, mà còn làm vinh hiển Chúa Giêsu, vì Thập giá chưa phải là dấu tận cùng. Cái chết của Chúa Giêsu không phải là một kết thúc, bởi vì đã có sự phục sinh liền sau, cái chết chỉ là mở lối cho vinh quang tỏ hiện. Bởi thế, khi giờ đã đến, Chúa Giêsu đón nhận khổ nhục và cái chết trên Thập giá, đó là lúc Ngài bước qua ngưỡng cửa dẫn vào cõi sống vinh quang muôn đời (Mỗi ngày một tin vui).
“Xin cho chúng hiệp nhất nên một”
Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn cảnh tội nghiệp của chúng ta còn ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp: “Xin cho chúng hiệp nhất nên một”. Khi người ta ở trong một tình thế nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta phải gặp nhiều nguy hiểm ở thế gian, nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta đoàn kết hiệp nhất. Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm: nguy hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo hội, nguy hiểm do những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất với nhau, thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau, để thoát khỏi những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hoà, chia rẽ, thiếu bác ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh.
Truyện: Hãy cư xử như pho tượng
Trong những giai thoại về các thánh ẩn tu vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, có câu chuyện như sau: có bảy vị ẩn tu nọ kéo nhau đến sống trong một ngôi đền bỏ hoang của người Ai cập. Phía trước ngôi đền có một pho tượng. Đây là ngôi đền duy nhất còn sót lại sau khi đã bị tàn phá. Người cao niên nhất trong bảy anh em được bầu làm Bề trên của cộng đoàn. Để dạy anh em quy luật cơ bản của đời sống cộng đoàn, mỗi sáng ông ra trước pho tượng, nhặt một hòn đá ném vào đó. Chiều đến, ông lại ra trước pho tượng và xin lỗi vì hành động ném đá của ông. Cử chỉ khác thường của Bề trên này kéo dài một thời gian khá lâu.
Ngày nọ, không còn nén nổi tính tò mò, một người anh em trong cộng đoàn đã hỏi lý do của hành động khó hiểu ấy. Vị Bề trên trả lời bằng cách hỏi lại người đó như sau:
– Khi ta ném đá vào pho tượng, pho tượng có lung lay không?
Người kia trả lời:
– Không.
Vị Bề trên tiếp tục hỏi:
– Buổi chiều khi ta đến xin lỗi, pho tượng có để lộ xúc động nào không?
Người kia cũng trả lời:
– Không.
Vị Bề trên mới giải thích:
– Anh thân mến, chúng ta có tất cả bảy người trong cộng đoàn, nếu chúng ta muốn sống hiệp nhất yêu thương nhau, chúng ta hãy sống như pho tượng này, đừng ai trong chúng ta tỏ ra giận dữ khi có người anh em xúc phạm đến ta, và cũng đừng có ai trong chúng ta tỏ ra hãnh diện, khi có người đến xin lỗi mình.