
“Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.
Bài Ðọc I: Cv 13, 14. 43-52
“Ðây chúng tôi quay về phía các dân ngoại”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô và Barnaba sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Có nhiều người Do-thái và tòng giáo theo các ngài, được các ngài khuyên bảo bền đỗ trong ơn nghĩa Chúa.
Ðến ngày Sabbat sau, hầu hết cả thành đều đến nghe lời Thiên Chúa. Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy. Phaolô và Barnaba can đảm nói rằng: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại; vả lại Chúa đã truyền lệnh cho chúng tôi rằng: “Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi nên ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất”. Nghe vậy các dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; những ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được rao giảng khắp cả vùng.
Những người Do-thái xúi giục các phụ nữ khá giả đã tòng giáo và các thân hào trong thành bắt bớ Phaolô và Barnaba, rồi trục xuất hai ngài ra khỏi ranh giới xứ họ. Còn hai ngài, sau khi phủi bụi chân lại cho họ, hai ngài đi đến Icôniô. Còn các môn đồ thì đầy hân hoan và Thánh Thần.
Ðáp Ca: Tv 99, 2. 3. 5
Ðáp: Ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi (c. 3c).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá.
Xướng: Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc quyền sở hữu của Người, ta là dân tộc, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi.
Xướng: Vì Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung tín Người còn tới muôn muôn thế hệ.
Bài Ðọc II: Kh 7, 9. 14b-17
“Chiên Con sẽ thống trị họ, và dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Tôi là Gioan, đã xem thấy một đám đông không thể đếm được, họ thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc và tiếng nói, đứng trước ngai vàng và trước Con Chiên; họ mặc áo trắng dài, tay cầm lá vạn tuế.
Và một bô lão đã nói với tôi: “Ðây là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy nó trắng trong máu Con Chiên. Vì thế, họ ở trước ngai vàng Thiên Chúa, và ngày đêm phụng sự Người trong đền thánh Chúa, Ðấng ngự trên ngai vàng đặt ở giữa họ. Họ sẽ không còn đói khát; mặt trời và nóng bức sẽ không làm khổ họ, vì Con Chiên đứng trước ngai vàng sẽ thống trị họ, sẽ dẫn họ đến nguồn nước ban sự sống, và Thiên Chúa sẽ lau hết mọi giọt lệ nơi mắt họ.
Alleluia: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.
Tin Mừng: Ga 10, 27-30
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút Lời Chúa
B/ TGM Giuse Nguyễn Năng
Suy niệm: Bài Tin Mừng cho thấy Ðức Giêsu yêu thương và dùng hết quyền năng mà Cha thông ban để bảo vệ đoàn chiên, đó là những người nghe và đi theo Chúa. Họ thuộc về Chúa và không có sức lực nào kéo họ đi mất được, vì Ðức Giêsu luôn ở bên cạnh, che chở và họ được sống đời đời với Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hy sinh chịu chết để cứu chúng con khỏi chết đời đời và ban lại cho chúng con ơn làm con Chúa. Chúa là Mục Tử nhân lành luôn dẫn dắt, quan phòng và sẵn sàng tha thứ khi chúng con lỗi lầm. Xin cho chúng con thấy được Chúa yêu thương chúng con vô cùng để chúng con luôn trung thành tin yêu Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Ta ban cho các chiên Ta được sống đời đời”.
C/ Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
I. VÀI ĐIỂM CHỦ GIẢI
1. Đức Giêsu, Đấng chăn chiên lành
Bản văn Chúa nhật này quá ngắn, cần đưa trở lại văn mạch tổng thể một chút. Vào dịp lễ Lều, sau khi chữa một người mù bẩm sinh và anh ta bị trục xuất khỏi hội đường, Đức Giêsu tỏ ra là một “’Đấng chăn chiên đích thực”, “hiến tặng đời mình cho đàn chiên. “ (Ga 10.1 I) .
Giờ đây chúng ta trở lại lễ Cung Hiến, lễ kỷ niệm hằng năm ngày cung hiến đền thờ và bàn thờ thời Giuđa Macabê. Đức Giêsu đi đi lại lại nơi hành lang Salômôn (nơi mà sau khi Chúa về trời, các môn đệ thường tụ họp, Cv 5,12) Những người Do thái – từ ngữ chỉ chung các thù địch của Đức Giêsu, trong Tin Mừng Gioan – tụ tập chung quanh Đức Giêsu (đúng ra là “vây quanh Người” 10,22). Tin Mừng ghi: “Lúc đó là mùa đông”: (Ga 10,22); nói thế để từ chi tiết, chúng ta dễ nghĩ tới “sự băng giá” của lòng người theo thánh Augustinô sẽ viết sau này: “Nếu ông là Đấng Cứu thế hãy nói huỵch toẹt cho chúng tôi biết đi”.
Những người vây quanh không nắm rõ nội dung từ Cứu thế, nên Đức Giêsu không trực tiếp trả lời câu hỏi, Người kêu gọi thính giả suy nghĩ về những công việc của một vị Cứu thế, nhất là việc chữa người mù từ bẩm sinh mới đây. A. Marchadour giải thích: “Các phép lạ được coi như những dấu chỉ nhờ đó mà nhận ra Đấng Cứu thế” Rồi, Người tiếp tục đề tài người chăn chiên, hình ảnh truyền thống của Đấng Cứu thế dòng dõi Đavit; ở đây, Người nhấn mạnh đến những con chiên mà Chúa Cha trao phó cho Người.
2. Làm một với Chúa Cha.
Và bây giờ đề tài cho tới lúc này chưa đề cập tới lần nào: sự thân mật với Chúa Cha: Cha tôi và tôi, chúng tôi là một” Một khẳng định xác lập cội nguồn sứ mệnh của Đức Giêsu. Tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu toàn bích bao bọc các con chiên đến nỗi không ai có thể cướp được một con nào. “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. “
Đối với người Do Thái, nói thế là quá quắt rồi. Phạm thượng! Ai lại dám xưng mình là Cứu thế và lại còn thân mật quá thế với Thiên Chúa. Họ lượm đá để ném Người. Họ nói: “ Ông chỉ là phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.
Tác giả Tin Mừng kết thúc: “Nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”. Tác giả như muốn mời chúng ta đọc đoạn này dưới ánh sáng của cuộc tử nạn trên thập giá và sự Phục sinh từ cõi chết. Với ánh sáng ấy, chúng la sẽ khám phá ra Đức Giêsu Con Thiên Chúa, đã hoàn tất tới cùng sứ mệnh của mình bởi tình yêu đối với các con chiên thế nào; trên con đường Sự sống nào, Người muốn đẫn đưa những ai nghe tiếng Người đi theo Người; Mối tình hiệp thông yêu thương nào với Chúa Cha mà Người muốn dẫn đưa chúng ta tham dự vào!
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
A. DẪN NHẬP
Chúa nhật thứ tư mùa Phục sinh của ba chu kỳ niên lịch phụng vụ được mệnh danh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Nghệ thuật Kitô giáo thuở xưa thường phác hoạ Đức Giêsu như Đấng Chăn Chiên Nhân lành. Hình ảnh người chăn chiên đã được mô tả trong Cựu ước về Thiên Chúa như là Đấng chăn dắt dân Người (Tv 22). Người Do thái cổ xưa là dân du mục, vì thế văn chương của họ là những sách Cựu ước cũng thường đề cập đến đời sống chăn nuôi, du mục. Chính Đức Giêsu cũng dùng những hình ảnh về chăn nuôi quen thuộc để dạy ta những chân lý thiêng liêng về đạo giáo.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã xưng mình là Chủ chăn. Ngài có đàn chiên để chăn dắt. Đàn chiên của Ngài có những đặc tính như Ngài đã tuyên bố: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10, 27). Đàn chiên của Ngài có những đặc tính khác với đàn chiên của những nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái lúc bấy giờ. Những đặc tính đàn chiên của Ngài là: biết lắng nghe chủ chăn, nhận biết chủ chăn và bước theo chủ chăn.
Đức Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành, không trực tiếp điều khiển đoàn chiên dưới thế này, Ngài dùng các vị đại diện trong Giáo hội là Đức Giáo hoàng, các Giám mục và các Linh mục mà hướng dẫn thay cho Ngài. Chính Ngài đã khẳng định với các Tông đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy” (Lc 10, 16). Vì thế, nếu chúng ta đã gọi các vị lãnh đạo trong Giáo hội là chủ chăn, chúng ta có trách nhiệm phải yêu mến, thành tâm lắng nghe sự hướng dẫn của các ngài để đến với Chúa, và nhờ đó, sẽ được dẫn tới cuộc sống đời đời.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Cv 13, 14.43-52
Một khúc quanh quyết định cuộc đời tông đồ của thánh Phaolô. Trước tiên Phaolô và Barnabê loan báo Tin mừng cho người Do thái tại Antiochia miền Pysidia, nhưng rồi các ngài đã phải sớm chấm dứt việc rao giảng vì người Do thái tỏ ra “ghen tức” khi thấy một số đông dân ngoại cũng quan tâm đến Tin mừng (Cv 13, 45).
Hai vị Tông đồ quyết định rời hội đường và dứt khoát đến với dân ngoại, không quên nhắc lại lời tiên tri về sứ mạng toàn cầu của Người Tôi tớ đau khổ (Cv 13, 47)
Do vậy, dân ngoại đã hân hoan đón nhận Tin mừng và tôn vinh Thiên Chúa. Lời Chúa được lan tràn ra khắp miền ấy.
+ Bài đọc 2: Kh 7, 9.14b-17
Trong một cuộc thị kiến, thánh Gioan tông đồ đã thấy một đoàn người thật đông đảo. Họ là dân Thiên Chúa đã khải hoàn. Đoàn người đông đảo này:
– Họ rất đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.
– Họ đứng trước ngai Con Chiên, Đấng đã cứu độ muôn dân qua cái chết của Ngài.
– Con Chiên sẽ dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh.
+ Bài Tin mừng: Ga 10, 27-30
Đức Giêsu tự giới thiệu mình là một vị Mục tử, một vị Mục tử tuyệt vời. Ngài biết rõ từng người chúng ta, Ngài bảo vệ và sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Vấn đề là: chúng ta có tin tưởng bước theo Ngài không?
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Bước theo vị Mục tử
I. ĐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ
Bối cảnh
Bài Tin mừng hôm nay rất ngắn, được trích ra từ cuộc tranh luận với người Do thái trong dịp Lễ lều, nhân dịp kỷ niệm ngày thanh tẩy Đền thờ thời Maccabêô.
Đức Giêsu đang ở Giêrusalem trong dịp lễ này. Tại đây xảy ra cuộc tranh luận với người Do thái về vấn đề Người có phải là Đấng Thiên Sai không, và cuối cùng Người đã xưng mình là Con Thiên Chúa bằng cách tuyên bố rằng: Cha Người ở trong Người và Người ở trong Cha trong sự hiệp thông trọn vẹn đời sống và việc làm (Lc 10, 22-41).
Bài Tin mừng hôm nay là một phần trích trong cuộc tranh luận và ghi lại lời Đức Giêsu quả quyết Người đồng bản tính với Chúa Cha.
Trước khi trả lời dứt khoát Người đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu tuyên bố sự khác biệt nhau giữa người Do thái và “chiên của Người”, tức là những kẻ tin theo Người.
Đối với người Do thái, những lời Người nói và những việc Người làm là các phép lạ, không đủ thuyết phục họ, vì xét cho cùng họ có dã tâm và không muốn tin. Ngược lại, chiên của Người là những người biết ngoan ngoãn đón nhận, vì họ không cần đến nhiều dấu lạ bên ngoài để làm điều kiện cho việc đi theo Người.
Như vậy, Đức Giêsu khẳng định Người là Mục tử và Người có đàn chiên để chăn dắt và Người đưa họ đến cuộc sống đời đời mà không ai có thể cướp khỏi tay Người được.
Hình ảnh người chăn chiên trong Cựu ước
Hình ảnh người chăn chiên không chỉ là một hình ảnh đẹp ở vùng thôn quê mà nó còn có ở trong Thánh kinh. Trong khắp vùng Đông phương cổ, các vua chúa thường tự coi mình như mục tử chăn dắt dân nước. Chính Giavê cũng đóng vai trò đó khi giải thoát dân riêng khỏi Ai cập: “Người lùa dân Người đi ví thể đàn chiên, Người dẫn dắt chúng như đàn cừu ngang qua sa mạc” (Tv 78, 52).
Đavít, một trong những nhà lãnh đạo chính trị đầu tiên của Israel, là một cậu chăn chiên tại Belem (1Sm 17, 34-35). Ông Vua lý tưởng của tương lai, Đức Messia, Đavít mới, cũng được loan báo như một “Mục tử”: “Ta sẽ trỗi dậy một mục tử duy nhất, Người sẽ chăn dắt chúng. Đó là Đavít, tôi tớ của Ta” (Ed 34, 23).
Chăn nuôi súc vật từng bầy là nghề chính của dân Do thái. Các tổ phụ vĩ đại của họ từ Abraham, Isaác, Giacob, Maisen, Đavít… đều là mục tử.
Do đó, người Do thái đã diễn tả về Thiên Chúa như là một mục tử nhân hậu, luôn hết tình yêu thương đàn chiên (Tv 22; Gr 31, 10; Ed 24, 11-16). Và Đức Giêsu đã tự mạc khải như là một Mục tử tuyệt vời (Ga 10, 11-14). Rồi đi xa hơn nữa, Người đã bày tỏ cho nhân loại biết chính Người là Thiên Chúa (Ga 10, 27-30).
II. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA MỤC TỬ
Những đặc tính của vị Mục tử được tóm gọn trong câu nói của Đức Giêsu: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10, 27). Ở đây, ba động từ được Đức Giêsu nói lên, là những động từ tác động rất phù hợp với con người: nghe, biết và theo.
Chiên nghe tiếng người chủ chăn
Ngày nay, tại Palestine, cũng còn có thể chứng kiến được cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến 2000 năm qua. Cảnh những người mục tử Bédouin mang những đàn chiên của họ trở về nhà từ những cánh đồng cỏ khác nhau sau một ngày đi ăn cỏ.
Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên khác nhau cùng kéo về qui tụ ở một chỗ uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ 8 hay 9 đàn nhỏ trở thành một bầy chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên bị lạc. Đến giờ ra về, mỗi chủ chiên thổi lên một tiếng gọi riêng biệt – một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo, hay tù và – thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc về đàn nào, chúng nghe tiếng gọi của người chủ chăn và đi theo. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27) (Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 171).
Nghe Chúa chính là lắng nghe Lời Chúa qua Kinh thánh, nơi giáo huấn của Giáo hội, và những ơn soi sáng nơi tâm hồn mình. Nghe Chúa chính là để có một mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phaolô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10, 17) hay “Đức tin nhờ nghe: Fides ex auditu” (Ga 3, 2).
Chiên và chủ chiên biết nhau
Chiên rất thân thiện với chủ chăn. Khi đàn chiên đang nằm ngủ êm đềm, người chủ chiên có thể bước đi ngay giữa đàn chiên mà không gây rối loạn hay gây mất ngủ cho con nào cả. Trong khi đó chỉ một bước chân của người lạ mặt xâm nhập vào chuồng chiên đang lúc chiên nằm ngủ cũng đủ gây kinh hoàng và hoảng hốt cho cả đàn chiên. Dường như chiên đã coi người chủ chăn như một thành phần rất thân thuộc của chúng. Và sự liên hệ mật thiết phát triển dần dần đến độ chủ chăn có thể phân biệt và hiểu tiếng kêu của từng con chiên, tiếng kêu đau thương hay tiếng kêu hoan lạc. Chiên nghe lệnh của người chủ chăn để biết khi nào đi kiếm ăn hay lúc nào lên đường trở về nhà. Ngoài ra, người chủ chăn còn biết cả tên gọi và đặc tính của từng con chiên nữa.
“Biết” trong Kinh thánh, từ ngữ này trước hết không mang một ý nghĩa tri thức. Chính tình yêu mới làm cho ta nhận biết người nào đó một cách đích thực, đến nỗi đoán được cả tâm tính họ. Sự thân mật, sự hiểu biết lẫn nhau, yêu mến sâu xa, hiệp thông tâm hồn, trí não, thể xác… là dấu chỉ của tình yêu vợ chồng (St 4, 1).
Biết Chúa không chỉ là học hỏi và suy niệm theo nghĩa tri thức, mà là hiểu biết sâu xa, yêu thân tình đến nỗi kết hợp cả thân xác lẫn tâm hồn. Chính tình yêu mới làm cho chúng ta nhận biết Chúa một cách đích thực, đến nỗi đoán biết cả thánh ý Người.
Sự biết chí tình chí thiết này thực sự đã được thể hiện với hai thánh nữ Catarina và Têrêsa Hài đồng Giêsu. Catarina là người mù chữ chỉ học nơi Thánh tâm Chúa Giêsu và trở thành tiến sĩ Hội thánh. Têrêsa cũng chẳng học trường nào, chỉ học nơi tình yêu Chúa Giêsu Hài Đồng, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong làm tiến sĩ Hội thánh tháng 08/1997 trong đại hội giới trẻ tại Paris.
Chiên thì theo chủ chăn
Những người chăn bò thường đi sau đàn bò dùng roi quất lên mình bò để lùa chúng đi thành đàn với nhau. Đối với chiên thì hoàn toàn khác hẳn. Người mục tử luôn đi trước để hướng dẫn đàn chiên theo sau. Nếu người chăn chiên đi đàng sau đàn chiên giống như chăn bò, chiên sẽ chạy tán loạn vì không biết đường đi. Chúng muốn được hướng dẫn, được bảo vệ và che chở.
“Theo” đó là một hành động không có gì là thụ động cả, nhưng diễn tả một thái độ tự do: đính kết toàn thân một người nào đó vào thân phận một kẻ khác. Theo nghĩa là gắn bó với Đức Giêsu mời gọi: “Hãy theo Ta” (Ga 1, 42).
Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Theo Chúa chính là một thái độ hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân, và trao phó thân phận cho duy một mình Người. Theo Chúa cũng là từ bỏ như Phêrô bỏ chài lưới, vợ con, cha mẹ và mọi sự để theo Thầy; như Matthêu bỏ địa vị, tiền của để theo Chúa; như Mađalêna bỏ đường tội lỗi bước vào đời sống mới. Đó là đổi đời, từ bỏ nếp sống cũ, một cuộc tái sinh vào đời sống mới.
III. TÂM TÌNH VỊ CHỦ CHĂN
Tận hiến cho đoàn chiên
Người chủ chăn rất tha thiết với đàn chiên, họ coi đàn chiên như một phần trong thân thể mình. Họ không yên tâm khi một con chiên đi lạc. Họ không đành lòng bỏ con chiên bị thương mà không băng bó. Họ đã sẵn sàng vác chiên trên vai khi không đi được hoặc khi bị đi lạc.
Khi kẻ làm thuê trông coi con chiên, thì lũ chó sói không gặp rắc rối nào trong việc rình bắt đàn chiên. Ngay khi kẻ làm thuê nhìn thấy một con chó sói đang tiến lại gần, thì hắn ta liền bỏ rơi đàn chiên. Hắn chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là cứu thoát bản thân mình mà thôi. Người chủ tốt của đàn chiên không làm như vậy. Họ bảo vệ đàn chiên chống lại sự tấn công của chó sói, thậm chí họ còn sẵn sàng liều mất mạng sống của mình nữa.
Đức Giêsu, Chúa chiên nhân lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên. Mạng sống của Người không bị lấy đi, cũng không phải theo lệnh Chúa Cha. Chính Người đã tự ý trao ban, và trao ban một cách vui lòng. Người tự hiến cho đoàn chiên để mang chúng về đồng cỏ của sự sống đời đời. Hình ảnh cha thánh Damien, tông đồ người hủi, đã nói lên tình thần tận hiến cho đàn chiên, những con người phong cùi xấu số bị bỏ rơi.
Chiến đấu bảo vệ đàn chiên
Người mục tử Đông phương là một người du mục đáng gờm, một thứ lính chiến, có khả năng bảo vệ đàn vật mình khỏi thú dữ… gấu hay sư tử đến để cướp đoạt một con chiên khỏi đàn (1Sm 17, 34-35).
Đavít kể lại cho vua Saulê trước khi giết được tướng Goliat của quân Philitinh: “Hồi tôi tớ bệ hạ chăn chiên cho thân phụ, hễ sư tử hay gấu đực tha con chiên nào, tôi liền rượt bắt, đánh nó và cướp con chiên khỏi miệng nó. Nếu nó cự lại, tôi liền nắm lấy râu đánh và giết nó tức khắc. Tôi tớ bệ hạ đã giết sư tử cũng như gấu đực thì cũng sẽ thanh toán tên Philitinh không cắt bì này như vậy vì nó đã dám nhục mạ đạo quân của Thiên Chúa hằng sống” (1Sm 17tt).
Đavít đã nêu gương hy sinh, vật nhau với sư tử, với gấu đực, để cướp lại một con chiên bị đem đi. Đavít vì tha thiết với bầy chiên, nên không ngần ngại đánh nhau với sư tử và gấu đen để cướp lại chiên. Đức Giêsu khi nói: “Không ai cướp được chúng” đã nghĩ đến cuộc giao chiến khốc liệt mà Người phải đương đầu trong cuộc khổ nạn, để đối phương “không cướp được” một chiên nào khỏi tay Người. Khác với kẻ chăn thuê, thường chạy trốn trước sói dữ, Đức Giêsu sẽ phó nộp và đành mất mạng sống mình vì chiên của Người (Ga 10, 12-15).
Không bỏ rơi đàn chiên
Người chăn chiên rất tha thiết với đàn chiên, lo lắng cho đàn chiên hết mình, không bao giờ để một con chiên nào bị bỏ rơi. Dụ ngôn con chiên lạc đã chứng tỏ điều đó: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”. (Lc 15, 4-7)
Chung quanh chúng ta hay ngay trong đời sống chúng ta có những hiện tượng rời bỏ hàng ngũ, bất trung thường xảy ra, thì chúng ta nghĩ thế nào? Thưa đó là những hiện tượng tự nhiên, vì đó là mầu nhiệm của tự do. Nhưng một điều chúng ta cần biết đó là không khi nào Chúa ruồng bỏ! Chỉ có con người rời bỏ bàn tay Chúa. Và ngay khi con người rời bỏ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tìm liên hệ lại: dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứng tỏ điều đó (x. Lc 15).
Ban cho chiên sự sống đời đời
Con chiên đi theo chủ chăn thì sẽ được dẫn đến đồng cỏ xanh tươi đảm bảo sự sống. Cũng vậy, những ai thực sự đi theo Chúa, tức là để Chúa dẫn dắt, thì sẽ được bảo đảm đưa đến sự sống đời đời.
Sự sống này, một đàng không thể mất được, vì đã được chính Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống bảo đảm. Đàng khác, cũng không bị ai cướp đi được, vì một khi đã được Chúa dẫn dắt thì không còn sợ vấn đề Người không đủ khả năng chăm sóc và bảo vệ sự sống của đàn chiên nữa.
Trong một bài giảng, thánh Cyrillô thành Alexandria đã giải nghĩa câu “Ta ban cho chúng sự sống đời đời” như sau: Đừng hiểu sự sống này chỉ là chuỗi ngày nối tiếp nhau mà chúng ta dù là người tốt hay xấu cũng đều sở hữu sau khi sống lại, nhưng phải hiểu đây là sống trong niềm vui. Ta cũng có thể hiểu “sự sống” này theo nghĩa bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô tháp nhập chúng ta vào chính sự sống của Người, các tín hữu được thông phần vào chính xác thịt Người, như lời Người phán: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ có sự sống đời đời” (Ga 6, 54).
IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN CHIÊN
Chúa Giêsu không thể trực tiếp hướng dẫn mọi Kitô hữu, nhưng Người đã dùng các vị đại diện là hàng giáo phẩm và giáo sĩ để thay quyền Chúa mà hướng dẫn. Vì Chúa đã nói với các tông đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy” (Lc 10, 16).
Chúng ta hãy đọc một đoạn mà công đồng Vatican II nói về các linh mục: “Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là Chủ chăn theo phận vụ mình, các linh mục nhân danh Giám mục tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất, và nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần các ngài dẫn đưa họ đến cùng Chúa Cha. Để thi hành thừa tác vụ này cũng như các thừa tác vụ khác, các linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các linh mục phải theo gương Chúa Kitô mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người… (Sắc lệnh về Linh mục, số 4).
Chúng ta thường gọi những người lãnh đạo trong Giáo hội là mục tử hay chủ chăn. Chúng ta đang sống dưới sự hướng dẫn của các ngài, chúng ta hãy tin tưởng các ngài, vì đức tin bảo cho chúng ta biết: chính Chúa Giêsu, Mục tử tốt lành đích thực, đang trực tiếp chăn dắt chúng ta qua những người lãnh đạo trong Giáo hội, là Đức Giáo hoàng, các Giám mục, Linh mục. Vì thế, chúng ta có bổn phận nghe theo sự hướng dẫn của các ngài, công tác với các ngài, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của chúng ta, để duy trì và xây dựng đoàn chiên nhỏ bé là gia đình mình, tập thể mình đang sống, đang làm việc và đoàn chiên rộng lớn hơn là Giáo hội.
Một lần nữa chúng ta hãy lặp lại lời Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khước từ các con là khước từ Thầy” (Lc 10, 16). Qua câu Kinh thánh này, chúng ta có thể khẳng định rằng vâng nghe các vị lãnh đạo trong Giáo hội là vâng nghe Chúa, và như vậy, đây là một nhiệm vụ không thể thiếu được, vì như người ta nói:
Cá không ăn muối cá ươn,
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
E/ Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU
Mục đích của đời người Kitô hữu là phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, qua đó, bản thân mình được phát triển. Có nhiều con đường dẫn tới mục đích này. Chúng ta không thể đi nhiều con đường cùng một lúc. Người bạn trẻ bước vào tuổi trưởng thành thấy mình đứng trước những lựa chọn. Không phải chỉ là chọn trường, chọn nghề, chọn người yêu, chọn nơi làm việc, nhưng trước hết là chọn bậc sống. Chúa muốn tôi theo bậc hôn nhân hay bậc tu trì? Chúa muốn tôi lập gia đình, sống độc thân hay làm linh mục, tu sĩ? Tôi cần đặt cho mình những câu hỏi như thế, vì đó là điều cần thiết cho hướng đi của đời tôi. Khi chọn đúng bậc sống Chúa mời gọi, tôi sẽ được hạnh phúc, và làm cho nhiều người được hạnh phúc Không nên so sánh các bậc sống với nhau. Chỉ nên suy nghĩ xem, với con người thực tế của tôi, bao gồm những khả năng và giới hạn, những khuynh hướng tự nhiên và hoàn cảnh gia đình, Chúa muốn tôi sống bậc nào. Các bậc sống đều tốt, nhưng có bậc sống tốt hơn cho tôi. Bậc sống tốt hơn và phù hợp với tôi hơn sẽ là bậc sống giúp tôi phụng sự Chúa và tha nhân hiệu quả hơn. Chọn bậc sống là chọn con đường, chọn phương tiện. Con đường đúng và phương tiện phù hợp sẽ dễ dàng dẫn tôi đến mục đích của đời tôi. Chọn bậc sống là chọn ơn gọi. Có nhiều ơn gọi trong Giáo Hội: ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, ơn gọi sống thánh hiến giữa đời hay ơn gọi hôn nhân. Ơn gọi nào cũng là một tiếng gọi từ Thiên Chúa, nhưng bản thân tôi phải nghe được tiếng gọi rất riêng tư Chúa dành cho tôi, và quảng đại đáp trả. Để nghe được tiếng gọi này, tôi cần trầm lắng và cầu nguyện. Để đáp lại tiếng gọi này, tôi cần được tự do thanh thoát, không bị ràng buộc bởi bất cứ thụ tạo nào. Mỗi năm Giáo Hội dành một Chúa nhật để cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Chúng ta cần nhìn nhân loại hôm nay bằng cái nhìn của chính Đức Giêsu, và để cho trái tim mình rung động như Ngài. “Đức Giêsu thấy đám đông, Ngài chạnh lòng thương vì họ lầm than, vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Hôm nay đám đông ấy vẫn còn. Đám đông gần 100 triệu người Việt chưa tin Chúa Giêsu. Đám đông khổng lồ dân Châu Á chưa đón nhận Tin Mừng; Đám đông các bạn trẻ ta vẫn gặp ngoài đường phố, trong trường học, nơi sở làm; họ chăm chỉ ngồi suốt ngày ở quán cà phê, chơi game hay tất bật trước hàng núi công việc và dự tính. Đám đông những người bệnh tật, túng nghèo, neo đơn, những người thất vọng, bị bỏ rơi, bị phản bội, đang cần được ai đó chia sẻ, cảm thông và nói cho họ nghe ý nghĩa của đau khổ họ đang chịu. Đám đông những người thành tâm thiện chí đang khắc khoải trước những mầu nhiệm của đời người. Hôm nay đám đông ấy vẫn còn và đông hơn xưa. Đám đông vẫn là một tiếng gọi, một lời mời cấp bách và thiết tha. Tiếng gọi ấy vang lên trong lòng tôi, đụng đến những ước mơ bình thường của tôi, đụng đến trái tim khép kín của tôi, đụng đến sự an nhàn và tiện nghi của tôi. Tiếng gọi âm thầm của đám đông trở thành tiếng Chúa. Chúa vẫn kêu gọi tôi xuyên qua nỗi khổ của anh em. Tôi có chạnh lòng thương như Ngài không? Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi làm linh mục, tu sĩ là để đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37). Ơn gọi sống đời thánh hiến là một hồng ân Chúa tặng ban cho Giáo Hội, để Giáo Hội tiếp tục sống và được sống dồi dào. Chúng ta phải cầu xin để cánh đồng thế giới không bao giờ thiếu những thợ gặt lành nghề, tận tâm và tận tụy với công việc mở mang nước Chúa khắp mặt địa cầu. Bầu khí của thế giới hôm nay có vẻ không thuận lợi cho việc cổ võ ơn gọi làm linh mục, tu sĩ. Thế giới văn minh, với tiến bộ của khoa học kĩ thuật, cho người ta tiện nghi và dạy người ta hưởng thụ. Mối bận tâm của con người bị đóng khung ở đời này. Tầm nhìn của con người bị giới hạn bởi những nhu cầu trước mắt, lắm khi lại là những nhu cầu giả tạo. Con người sống trong ồn ào, căng thẳng, vội vã, nên không có thời gian lắng đọng, để nghe được tiếng Chúa vang lên từ sâu thẳm lòng mình. Con người sống dư thừa, thoải mái nên ngại hy sinh để sống cho một lý tưởng. Con người mang đầu óc thực dụng nên không thấy được những giá trị tinh thần. Con người xa lạ với niềm tin nên không hiểu được con đường Thập giá. Nhưng thế giới hôm nay, hơn bao giờ hết, lại cần sự có mặt của những người hiến dâng. Qua cuộc sống độc thân khiết tịnh, họ cho thấy một trái tim biết yêu nồng nàn, một thân xác được dành để phục vụ. Qua cuộc sống thanh thoát khỏi vật chất tiền bạc, họ cho thấy một kho tàng lớn lao trên trời, chỉ kho tàng này mới làm họ mãn nguyện. Qua cuộc sống từ bỏ mình trong vâng phục, họ cho thấy mình đã được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ hẹp hòi, không còn bị giam hãm trong những dự định riêng tư, nhưng được tự do sống theo ý Chúa. Thế giới và Giáo Hội đang cần những con người dám yêu như Đức Giêsu, dám sống như Đức Giêsu, để Đức Giêsu không phải là một nhân vật quá khứ, nhưng là Đấng đang sống, đang hoạt động, đang cúi xuống thế gian đau khổ, để xoa dịu, băng bó vết thương con người. Cần có thật nhiều hình ảnh Giêsu trong thế giới, vì có vô số đám đông đang đói, đói được nghe Tin Mừng, đói cơm bánh và tình thương. Cần có thật nhiều Teresa Calcutta cho những người nghèo và người hấp hối. Cần có thật nhiều Têrêsa Hài Đồng để truyền giáo bằng những lời cầu nguyện và hy sinh bé nhỏ. Cần có thật nhiều đôi tay của các nữ tu để săn sóc trẻ em khuyết tật và người phong. Cần có thật nhiều đôi chân của Phanxicô Xavier để ra đi loan báo Tin Mừng cho khắp Á Châu. Đồng lúa chín vàng, mênh mông, chờ người gặt hái. Biển cả bao la đang vẫy gọi các bạn trẻ ra khơi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những thanh niên thiếu nữ đang quảng đại bước theo một tiếng gọi từ trên cao. Ước gì hạt giống Chúa đã gieo trong lòng họ được nảy mầm và sinh nhiều hoa trái. Ước gì mỗi gia đình, mỗi giáo xứ trở nên nơi sản sinh và nuôi dưỡng biết bao ơn gọi.
Câu hỏi gợi ý
1. Theo ý bạn, thế giới hôm nay có cần sự hiện diện và hoạt động của các linh mục, tu sĩ không? Hãy chia sẻ về một linh mục hay nữ tu có ảnh hưởng lớn trên đời bạn.
2. Theo bạn, Giáo Hội phải làm gì để có nhiều bạn trẻ hăng hái đáp lại tiếng Chúa, sống ơn gọi linh mục, nữ tu?
3. Theo bạn, làm sao biết mình được Chúa mời gọi để trở nên một linh mục hay nữ tu?
Lời nguyện
Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành, đồng lúa đã chín vàng chờ ngày gặt hái. Xin Cha sai những người thợ lành nghề và tận tụy đến làm việc trong cánh đồng bao la của Cha. Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay những ứơc mơ lón lao, những lý tưởng cao cả. Xin cho họ biết xây dựng hạnh phúc và tương lai của mình bằng cách yêu tha nhân với trái tim rộng mở. Ươc gì họ nghe được tiếng kêu của người bị áp bức, cảm được cơn đói khát Lời Chúa và tình thương, thấy được những mất mát của bao người đau khổ, và chạm đến sự trống vắng của tâm hồn lạc hướng. Xin Cha sai Thánh Thần đến với các bạn trẻ để họ quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giesu, sống như Ngài đã sống và tiếp tục làm những gì Ngài đã làm trên trần gian. Cũng xin Cha gìn giữ gia đình và giáo xứ chúng con, thanh lọc bầu khí của trường học và xã hội, để tất cả trở thành những môi trường tốt giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm gặp ý Cha. Amen.
KHÔNG AI CƯỚP ĐƯỢC KHỎI TAY TÔI
Chúng ta đang ở giữa mùa Phục Sinh. Có những Kitô hữu coi sự phục sinh của Chúa Giêsu là tột đỉnh, là hoàn tất trọn vẹn, chẳng phải chờ gì nữa. Chúng ta hay quên một câu trong Kinh Tin Kính: “Và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Bao lâu Chúa chưa trở lại, chúng ta còn phải đợi trông. Kitô hữu vẫn sống trong một Mùa Vọng kéo dài. Thời gian đợi trông cũng là thời gian chiến đấu, thời gian của khách hành hương đi trong hoang địa. Trên thập giá, Chúa phán: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19, 30). Chúa hoàn tất sau khi đã chiến đấu và chiến thắng, nhưng ta chưa hoàn tất ngày nào ta còn sống trên đời. Ta vẫn phải phấn đấu đi đường hẹp và qua cửa hẹp. Con đường đời của người kitô hữu không hề dễ đi, vì đó là con đường của Thầy Giêsu, Con Thiên Chúa, phải qua đau khổ để vào vinh quang (x. Lc 24, 26). Con đường ấy cũng đầy hiểm nguy, cám dỗ và thử thách. Đàn chiên của Người Mục tử Giêsu không chỉ an toàn thảnh thơi đi trên cỏ xanh, mà còn phải đối mặt với nhiều kẻ thù hung hãn. Kẻ thù ấy là sói, là trộm cướp, là người lạ (Ga 10, 1.2.5), đôi khi là người chăn thuê, chẳng lo cho chiên (Ga 10, 13). Những kẻ thù chỉ muốn làm đàn chiên tan tác, sói dữ chỉ muốn chộp lấy chiên để ăn thịt. Mục Tử Giêsu bảo vệ đàn chiên của mình. Ngài coi đàn chiên ấy quý hơn mạng sống, nên Ngài làm điều mà người chăn thuê không dám làm, đó là hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10, 17.18). Đức Giêsu đã chết cho đàn chiên. Cái chết của Ngài không làm chiên tan tác vì mất chủ, trái lại đã quy tụ tất cả nên một đàn chiên duy nhất. Vì đàn chiên còn bị tấn công mãi cho đến tận thế, nên Chúa Giêsu phục sinh vẫn phải bảo vệ đàn chiên. Cuộc chiến giữa Ngài và các kẻ thù diễn ra ác liệt. “Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10, 28). Rõ ràng có sự giằng co giữa đôi bên. Một bên giữ chặt, bên kia dùng sức cướp lấy. Nhưng quyền năng của Đấng phục sinh mạnh hơn kẻ thù. Ngài giựt lại chiên từ miệng sói. Sói đem lại cái chết, còn Chúa Giêsu ban sự sống đời đời. Không phải chỉ Chúa Giêsu mới là Đấng bảo vệ chiên. Đàn chiên của Chúa Giêsu là do Cha ban cho (Ga 10, 29). Chính vì thế Cha cũng là người bảo vệ: “Không ai cướp giựt được chúng khỏi tay Cha tôi.” Cả Cha và Con hợp tác bảo vệ đàn chiên khỏi kẻ thù. Chắc chắn đàn chiên sẽ được an toàn, nhưng an toàn này được mua bằng nỗ lực của Cha và Con. “Tôi và Cha, Chúng Tôi là một” (Ga 10, 30). Chúng Tôi cùng làm việc để gìn giữ đàn chiên. Tuy nhiên, chiên cũng phải biết tự bảo vệ mình. Chiên phải có khả năng nhận ra tiếng của chủ. Chỉ khi có khả năng này, chiên mới không đi lạc, hay đi theo những tiếng gọi mê hoặc, đầy quyến rũ của những người lạ hay kẻ trộm kẻ cướp. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi… và theo tôi” (Ga 10, 27). Trong thời buổi hiện tại, những tà phái mọc lên như nấm. Có bao tiếng gọi lừa bịp, thoạt nghe giống tiếng chủ chiên, khiến những chiên ngây thơ bị mắc bẫy. Làm sao để đàn chiên có khả năng lột mặt nạ những con sói dữ đội lốt chiên, đang làm chiên tán loạn. Mỗi kitô hữu phải cộng tác với Thiên Chúa để bảo vệ những chiên lạc lối trong nhóm mình.
LỜI NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu, thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ cho bao người trên thế giới và trong Giáo Hội. Chúng con muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu, và làm cho Giáo Hội chỉ gồm những người thánh thiện. Nhưng lạy Thầy Giêsu, Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa, và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành, và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại. Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng kiên nhẫn chờ con người hối cải, Đấng cho mặt trời sáng trên kẻ dữ, và mưa rơi trên ác nhân. Thầy cũng cho chúng con thấy khuôn mặt của Thầy, Đấng không bẻ gãy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn còn khói. Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận cuộc xung đột kéo dài đến tận thế giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm, giữa lúa tốt và cỏ lùng. Và xin cho chúng con tin rằng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện, công lý và tình yêu.
F/ Các bài suy niệm khác
TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG
HƯỚNG TỚI GIÁO HỘI KHẢI HOÀN CỦA VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
AN TOÀN TRONG TAY THIÊN CHÚA
CHÚA CHIÊN NHÂN LÀNH
MỤC TỬ CỦA LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT