LỜI CHÚA :
“Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2)
BÀI HỌC :
Thiên Chúa tỏ mình qua nhiều giai đoạn trong lịch sử dân Do Thái, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại qua chính Con của Ngài khi sai Chúa Con xuống làm người.
Mặc khải là việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho chúng ta biết Ngài là ai, và Ngài muốn gì nơi chúng ta.Mặc khải được chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền.
I . THÁNH KINH LÀ GÌ ?
Thánh Kinh là những mặc khải của Thiên Chúa (Lời Chúa) được con người ghi chép lại thành sách dưới sự linh hứng (soi sáng) của Chúa Thánh Thần (2Pr 1,21 ; 2Tm 3,16).
Bộ sách Thánh Kinh (73 cuốn) có 2 phần : Cựu Ước và Tân Ước. Cựu Ước là những Lời Thiên Chúa bày tỏ cho tổ phụ người Do Thái trước khi Đức Giêsu Kitô chào đời dưới hình thức Giao Ước, gồm 46 cuốn. Tân Ước (Giao Ước Mới) là những Lời Thiên Chúa nói với loài người từ khi Đức Giêsu Kitô ra đời, gồm 27 cuốn. Ngày nay, mỗi cuốn Sách thánh được đánh dấu số chương và số câu để dễ tra cứu.
II. THÁNH TRUYỀN LÀ GÌ ?
Thánh Truyền chứa đựng lời Thiên Chúa mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần đã ủy thác cho các tông đồ và lưu truyền toàn vẹn cho những người kế vị các ngài,để nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng,họ trung thành gìn giữ và phổ biến qua lời rao giảng.
Trước khi có Thánh Kinh Tân Ước đã có Thánh Truyền. Thánh Truyền thời Hội Thánh ban đầu là toàn bộ đời sống Hội Thánh : Lời rao giảng của các tông đồ,cách cầu nguyện, phượng tự và các tổ chức sinh hoạt của các tín hữu. Dần dần những lời giảng dậy được ghi thành văn dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, các sách Thánh kinh chỉ được coi là bản văn linh hứng khi được Hội Thánh nhìn nhận. Các chân lý được mặc khải trong Thánh Kinh, nhưng để hiểu được các chân lý ấy thì phải dựa vào Thánh Truyền (Truyền thống của Hội Thánh).
III. THIÊN CHÚA MẶC KHẢI QUA TỪNG GIAI ĐOẠN
1) Giao ước với Abraham :
Vào khoảng thế kỷ 19 (–1850) trước Đức Giêsu Kitô (AC), Thiên Chúa hiện ra với Abraham, tổ tiên của người Do Thái, bày tỏ cho ông biết Ngài là Đấng Tối Cao. Nếu Abraham chọn tôn thờ Thiên Chúa thì Chúa sẽ ban cho dòng dõi ông trường tồn trong đất hứa; và đó là Giao Ước đầu tiên.
St 12,1-2a.4.7 (sách Sáng Thế)
12,1 Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. 2Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi…”… 4Ông Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran. … 7Đức Chúa hiện ra với ông Áp-ram và phán: “Ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi.” Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa, Đấng đã hiện ra với ông.”
2) Giao ước với Mô-sê :
Con cháu của Abraham di cư xuống đất Ai Cập (khoảng năm 1700 trước Đức Kitô) để tránh nạn đói, và họ đã sinh sôi nảy nở thành một gia tộc rồi một dân tộc. Dân tộc này bị nô lệ đày đoạ ở Ai Cập và nhiều người trong số họ cũng chẳng còn biết Thiên Chúa là ai; nhưng Thiên Chúa lại cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vào khoảng thế kỷ 13 trước khi Chúa Giêsu chào đời, Thiên Chúa đã hiện ra với Môsê (-1250), mặc khải cho ông biết Ngài là Thiên Chúa (Giavê) của tổ phụ người Do Thái và Ngài muốn giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ để vào Đất Hứa. Qua Môsê, Thiên Chúa đã giao ước với dân Do Thái: nếu họ tôn thờ Thiên Chúa và tuân giữ 10 giới răn (Giao ước Sinai), thì Thiên Chúa sẽ cho dòng dõi họ trường tồn trong Đất Hứa.
Xh 3,7-8 (sách Xuất hành)
3,7Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật, xứ sở của người Ca-na-an.”
Xh 20,1.3-4.7-8.12-17 : Giao Ước Si-nai
20,1Thiên Chúa phán tất cả những lời sau đây: …3Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. ….7Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng. 8Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. …12Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 13Ngươi không được giết người. 14Ngươi không được ngoại tình. 15Ngươi không được trộm cắp. 16Ngươi không được làm chứng gian hại người. 17Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.”
3) Giao ước với Đavit :
Dân Do Thái đã vào đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ của họ là đất Palestine. Trong các ông vua của họ, nổi bật nhất là vua Đavit ở thế kỷ 11 trước Chúa Giêsu (-1010). Thiên Chúa đã hứa ban cho dân một Đấng Kitô, đấng cứu tinh của dân tộc, qua hoàng tộc Đavit. Song con cháu của Đavit lên làm vua cũng chẳng thực hiện được điều mà dân mong ước, vì thế cho đến ngày hôm nay, họ vẫn cứ chờ đợi Đấng Kitô đến; còn những ai tin vào Đức Giêsu thì gọi Ngài là Giêsu Kitô.
St 49,10 (sách Sáng Thế)
“Chi tộc Giuđa sẽ chẳng mất ngôi vua, dòng dõi ấy sẽ không mất quyền trị nước, cho tới khi vị Thiên Sai đến, ấy là Đấng muôn dân trông đợi”
4) Giao ước qua các ngôn sứ :
Vào khoảng thế kỷ VIII trước Chúa Giêsu (–721), dân Do Thái bị lưu đày, mất nước, mất vua, mất đền thờ. Thiên Chúa lại nói qua các ngôn sứ rằng họ đã lỗi Giao Ước, cần phải thanh tẩy Giao Ước, đi sâu vào nội tâm chứ đừng sống vị hình thức để đón chờ Đấng Kitô sẽ đến. Các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa chọn để truyền đạt ý định của Thiên Chúa cho dân Do Thái biết cách thay đổi đời sống thì sẽ được cứu độ. Các ngôn sứ, hay còn được gọi là tiên tri, rao giảng Lời Chúa bằng lời nói, hành động và đời sống.
Is 7,14b (sách ngôn sứ I-sai-a)
“Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, đặt tên là Em-ma-nu-en”.
Gr 19,10-11 (sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a)
19,10Ngươi sẽ đập vỡ cái bình trước mặt những người cùng đi với ngươi, 11rồi nói với chúng: ĐỨC CHÚA các đạo binh phán thế này: Cũng vậy, Ta sẽ đập tan dân này và thành này như người ta đập vỡ cái vò của thợ gốm, mà không thể hàn gắn lại được nữa.
Am 5,23-24 (sách ngôn sứ A-mốt)
5, 23Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. 24Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.”
5) Giao ước trong Đức Giêsu Kitô :
Vào năm –538 trước Chúa Giêsu, dân Do Thái hồi hương, nhưng rồi họ lại bị đế quốc Hy Lạp thống trị từ năm –332 đến –142. Thời gian độc lập chẳng được bao lâu thì lại bị đế quốc Rôma đô hộ từ năm –63 trước Chúa Giêsu; và đến năm 70 sau Chúa Giêsu (PC) thì người Do Thái bị lưu đày khắp thế giới, mãi đến năm 1949 mới trở về tái lập quốc gia Israel.
Cuối cùng, Thiên Chúa muốn mặc khải qua chính Con của Ngài. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ trong bối cảnh đất nước Do Thái (xứ Palestine) bị đô hộ bởi Rôma. Vào thế kỷ VI sau Chúa Giêsu, một tu sĩ đã quy định niên hiệu Kitô giáo, lấy năm Đức Giêsu sinh ra làm năm thứ nhất, (Lc 3,1) song cách tính của ông bị sai lệch mất 6 năm, dù vậy niên lịch quốc tế hiện thời vẫn theo cách tính niên biểu ấy và hiểu năm thứ nhất là năm Đức Giêsu chào đời.
CẦU NGUYỆN :
“Trời cao xin đổ sương xuống, mây hãy mưa Đấng Cứu Độ ! Giống như dân Do Thái ngày xưa trông đợi đấng Kitô mà Chúa hứa ban qua hoàng tộc Đavit, con cũng đang tìm kiếm Chúa. Xin Chúa hãy tỏ mình ra cho con được nhận biết Chúa là cùng đích của cả nhân loại.”
Bài hát : Lắng nghe Lời Chúa, trang 193
TÓM LƯỢC :
1* Mặc khải là gì ?
-Mặc Khải là việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho chúng ta biết Ngài là ai, và Ngài muốn gì.
2* Mặc khải được lưu giữ ở đâu ?
-Mặc khải được lưu giữ ở trong sách Thánh Kinh và trong truyền thống của Hội Thánh gọi là Thánh Truyền.
3* Thánh Kinh là gì ?
– Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa được con người ghi chép lại thành sách dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
4* Tin Mừng cứu độ của Chúa đã được thể hiện như thế nào ?
-Tin Mừng cứu độ được chuẩn bị trong Giao Ước cũ qua dân tộc Do Thái gần 2000 năm, để rồi trong Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng ấy được loan báo cho toàn thể nhân loại đến chúng ta ngày hôm nay, gọi là Giao Ước mới.
QUYẾT TÂM :
Tôi tập lắng nghe Lời Chúa nói qua các tạo vật của Người, đặc biệt là qua những người có trách nhiệm hướng dẫn tôi.