“Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy,
Thầy đã cho anh em biết”. (Ga 15,15)
BÀI ĐỌC I: Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48
“Ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Xảy ra là khi Phêrô vừa vào nhà, thì Cornêliô ra đón ngài, và sấp mình dưới chân ngài mà lạy. Phêrô liền đỡ ông dậy và nói rằng: “Xin ông chỗi dậy, vì chính tôi cũng chỉ là người”.
Phêrô lên tiếng nói rằng: “Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận!”
Phêrô đang nói các lời đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi kẻ đang nghe lời. Các tín hữu đã chịu cắt bì, những người đã đến cùng Phêrô, đều sửng sốt, khi thấy ơn Thánh Thần cũng đã tuôn đổ xuống trên các dân tộc; vả lại họ nghe các người ấy nói nhiều thứ tiếng và ngợi khen Thiên Chúa. Bấy giờ Phêrô lên tiếng nói rằng: “Ai có thể ngăn cản ta lấy nước mà rửa cho những kẻ này, khi họ đã nhận lãnh Thánh Thần như chúng ta?” Và ngài truyền rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ họ xin ngài ở lại với họ ít ngày.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (x. c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 4, 7-10
“Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Ga 15,9-17
9Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.
11Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
12Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
16Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em.
17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
Thực Thi Điều Răn Của Thầy
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.” (Ga 15,10)
Suy niệm: Chúa Giê-su từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo Do Thái vì họ “gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7,8): Quả thật, họ không chỉ đặt ra những giới luật nặng nề hình thức và áp đặt lên dân chúng, mà họ còn giải thích sai lệch để bãi bỏ việc tuân thủ chính đáng các giới răn. Chúa Giê-su đòi buộc các môn đệ muốn được diễm phúc “ở lại trong tình thương của Thầy” thì phải giữ các giới răn, nhưng không phải là “giới luật của phàm nhân” mà là “giới răn của Chúa”. Đồng thời Ngài cho biết ‘bí quyết’ để nhận biết mình đang thực thi “điều răn của Chúa” đó là “yêu thương như Chúa yêu thương”, là dám “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.” Bất cứ giới răn nào không có chỗ cho tình thương thì đó không phải là điều răn của Thiên Chúa. Nói tắt, “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Bạn thân mến, bất cứ bạn làm điều gì, dù xét theo khách quan, có tốt đẹp mấy đi nữa, nếu không phát xuất từ động lực sâu xa nhất là tình yêu Thiên Chúa, thì hầu chắc là bạn đã không thực thi giới răn của Chúa rồi.
Sống Lời Chúa: Trước khi hành động, nói năng hay suy nghĩ gì, bạn hãy chậm lại một giây thôi để loại trừ mọi hờn giận, ghen ghét, oán thù ngõ hầu chỉ còn tình yêu Chúa làm động lực hướng dẫn đời sống bạn mà thôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi khoảnh khắc, để đến lượt con, con cũng biết trao ban tình yêu trong mỗi việc con làm.
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Phụng Vụ Lời Chúa Nhật VI Phục Sinh tập trung vào chủ đề chính yếu: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Sau dụ ngôn “Cây Nho Thật” được trích dẫn từ Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su với các môn đệ thân thương của Ngài, Chúa Giê-su thổ lộ tấm lòng thương yêu của Ngài đối với các môn đệ Ngài và tất cả những ai mà Ngài yêu thương. Vì họ, Ngài sẽ hiến dâng mạng sống mình.
Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48
Đoạn trích sách Công Vụ tường thuật thánh Phê-rô viếng thăm gia đình viên sĩ quan Rô-ma ngoại giáo tên là Co-nê-li-ô: Chúa Thánh Thần tuôn đổ những ân ban của Ngài trên viên sĩ quan lương dân này cùng thân bằng quyến thuộc của ông; như vậy, cho thấy rằng tình yêu Thiên Chúa được ban cho hết mọi người không loại trừ bất kỳ ai.
1Ga 4: 7-10
Trong đoạn trích thư thứ nhất này, thánh Gioan ca ngợi tình yêu Thiên Chúa đi bước trước: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta”.
Ga 15: 9-17
Sau dụ ngôn “Cây Nho Thật” được trích dẫn từ Diễn Từ Cáo Biệt của Đức Giê-su với các môn đệ thân thương của Ngài, Chúa Giê-su thổ lộ tấm lòng thương yêu của Ngài đối với các môn đệ Ngài và tất cả những ai mà Ngài yêu thương. Vì họ, Ngài sẽ hiến dâng mạng sống mình.
BÀI ĐỌC I (Cv 10: 25-26, 34-35, 44-48)
Câu chuyện này thuật lại một biến cố đặc biệt nhất trong sự nghiệp tông đồ của thánh Phê-rô và mang tính quyết định nhất đối với việc phát triển Giáo Hội tiên khởi: chấp nhận một lương dân và thân bằng quyến thuộc của người này vào trong cộng đoàn Ki-tô giáo, không cần qua luật Mô-sê, nhất là phép cắt bì. Một cách nào đó, Chúa Thánh Thần đã bắt buộc vị lãnh tụ các Tông Đồ thực hiện điều này.
Người lương dân này tên là Co-nê-li-ô, viên sĩ quan ngoại giáo trong quân đội Rô-ma đồn trú tại thành Xê-da-rê. Viên sĩ quan này là một người có thiện cảm với Do-thái giáo, một trong số những người được gọi “những người kính sợ Thiên Chúa”. Họ là những người nhận ra vị Thiên Chúa Ít-ra-en là Thiên Chúa độc nhất, cầu nguyện với Ngài và cứu trợ cộng đồng Do-thái, nhưng không gia nhập vào cộng đồng này, khác với những tân tòng, nghĩa là những người chấp nhận phép cắt bì, tuân giữ ngày sa-bát và những đòi hỏi khác của luật Mô-sê.
1. Thái độ khác thường của thánh Phê-rô
Chấp nhận lời mời của ông Co-nê-li-ô, thánh Phê-rô thân hành đến tại nhà ông. Hoạt cảnh được thánh Lu-ca tường thuật thật cảm động. Việc thánh Phê-rô vào nhà một người lương dân, không sợ giao tiếp với một “kẻ ô-uế” thì thật khác thường. Như chúng ta biết, những phong tục tập quán, chứ không luật, đã thiết lập muôn vàn rào chắn giữa dân Do-thái và lương dân, trước hết nhằm tránh tất cả sự nhiễm uế ngoại giáo, tiếp đó tuân giữ luật thanh sạch một cách nghiêm nhặt và phức tạp như thanh tẩy, kiêng cữ đồ ăn thức uống.
Thái độ của ông Co-nê-li-ô cũng khác thường: “Khi thánh Phê-rô bước vào nhà, ông Co-nê-li-ô đích thân ra đón và phủ phục dưới chân vị Tông Đồ mà bái lạy”. Cử chỉ của viên quan Rô-ma này thật đáng ngạc nhiên. Việc phủ phục là một nghi lễ Đông Phương, được dành cho các vị thần linh và các bậc vua chúa.
Trước cử chỉ dành cho Thiên Chúa này, thánh Phê-rô phản ứng ngay liền lúc đó: “Bản thân tôi đây cũng chỉ là người phàm”. Có lẽ thánh nhân nghĩ đến hình ảnh của người phong hủi và người đàn bà tội lỗi đã phủ phục dưới chân Thầy mình. Đức Giê-su là Chúa và là Thiên Chúa trong khi thánh nhân chỉ là một người môn đệ khiêm tốn của Đức Giê-su.
2. Bài diễn từ khác thường của vị lãnh tụ Tông Đồ.
Bài diễn từ của thánh nhân cũng khác thường. Số người tham dự thì đông: “Ông Co-nê-li-ô cho mời thân bằng quyến thuộc đến”. Lúc đó, thánh Phê-rô công bố những điều thật bất ngờ: không còn một dân đặc quyền đặc lợi nữa, Thiên Chúa không thiên vị người nào hay dân tộc nào; “nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận”. Vị lãnh tụ Tông Đồ nhận ra chiều kích mới của dân Thiên Chúa.
3. Hoạt động khác thường của Chúa Thánh Thần.
Sau cùng, hoạt động của Chúa Thánh Thần thì cũng khác thường. Sách Công Vụ làm chứng rằng Chúa Thánh Thần đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Giáo Hội tiên khởi. Vì thế, không phải là vô căn cứ khi sách Công Vụ Tông Đồ được gọi là“sách Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”.
Chính Chúa Thánh Thần đã xếp đặt cuộc gặp gỡ giữa thánh Phê-rô và ông Co-nê-li-ô. Chính Ngài đã ban cho cả hai người thị kiến hay xuất thần; chính Ngài làm gián đoạn bài diễn từ của vị Tông Đồ để tỏ mình ra và ngự xuống trên mọi người. Có mấy anh em ở Gia-phô, tức các Ki-tô hữu gốc Do thái, cùng đi với thánh Phê-rô (Cv 10: 23). Họ vô cùng kinh ngạc vì những dấu chỉ đặc sủng làm chứng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ở nơi lương dân, ngay cả trước khi những lương dân này đón nhận phép Thánh Tẩy hay nghi thức đặt tay. “Lễ Ngũ Tuần lương dân” này, khá giống với Lễ Ngũ Tuần trước đó, cho thấy Thiên Chúa có sáng kiến ban tặng muôn vàn thiên ân cho “những ai ăn ngay ở lành”.
Đối với Giáo Hội tiên khởi, đây là một mặc khải và là một cuộc cách mạnh. Chính thánh Phê-rô, vị lãnh tụ Giáo Hội, ý thức đầu tiên về điều này. Với những người lương dân này mà Chúa Thánh Thần chỉ định, thánh nhân mở rộng cánh cửa Nước Trời khi “truyền làm phép Rửa cho họ nhân danh Đức Giê-su Ki-tô”.
BÀI ĐỌC II (1Ga 4: 7-10)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Gioan. Trong đoạn trích này, chúng ta gặp lại chủ đề mà thánh Gioan không ngừng lặp đi lặp lại: “Thiên Chúa là Tình Yêu” vì thế, chúng ta hãy yêu thương nhau. Lời khuyên bảo này được xoay quanh hai ý tưởng. Trước hết, Thiên Chúa là Tình Yêu, vì thế, tình yêu là lối ngõ dẫn vào cuộc sống tâm giao với Thiên Chúa. Sau nữa, tình yêu Thiên Chúa được chứng thực ở nơi việc Ngài đã ban cho nhân loại Con Một của Ngài.
1. Tình yêu là lối ngõ dẫn vào cuộc sống tâm giao với Thiên Chúa
Như Đức Giê-su trong Tiệc Ly, thánh Gioan cũng gọi cộng đoàn Ki-tô hữu của mình bằng những lời trìu mến: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ”. Cách xưng hô này rất xứng hợp để giới thiệu một cộng đồng được phát triển trên nền tảng tình yêu. Những lời chan chứa yêu thương này khơi dậy sự chú ý và loan báo tầm quan trọng của giáo huấn.
Trong chỉ vài lời, thánh Gioan đặt nền tảng cho “sự hiểu biết” Ki-tô giáo đích thật. Trái với những khẳng định của các ngôn sứ mạo danh, những kẻ làm xáo động các tín hữu, thánh nhân quả quyết rằng chúng ta biết Thiên Chúa không bởi ánh sáng thần khải, cũng không bởi những suy luận thuần túy trừu tượng, nhưng từ thành quả của một kinh nghiệm: kinh nghiệm của đức ái: yêu thương nhau như Thiên Chúa yêu thương chúng ta. “Tình Chúa đối với chúng ta” là khuôn vàng thước ngọc và là nguồn mạch của mọi tình yêu.
Thần học này, thánh Gioan đã nêu lên rồi trong Tin Mừng của mình: “Sự sống đời đời, đó là họ nhận biết Cha” (Ga 17: 3). Thuật ngữ “biết” trong Tin Mừng Gioan chứa đựng “trọn cả khối óc lẫn con tim”. Vả lại, di sản Do-thái rất dễ nhận ra ở nơi đoạn trích dẫn này: lời quả quyết vừa theo hình thức khẳng định: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa” vừa theo hình thức phủ định: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa”, là nét đặc trưng của lối hành văn Do-thái.
Như vậy, “biết Thiên Chúa” thông qua đức ái này: vừa trải rộng cho hết mọi người vừa hướng về Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu, đưa chúng ta dự phần vào cùng một cuộc sống với Thiên Chúa, chia sẻ cùng sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta nên ghi nhận rằng thánh Gioan không giới hạn viễn cảnh chỉ vào đức ái Ki-tô hữu: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra”. Cũng như trong Tựa Ngôn, khi định nghĩa Thiên Chúa là ánh sáng, thánh Gioan nhấn mạnh rằng ánh sáng này “đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9).
2. Tình yêu Thiên Chúa được chứng thực ở nơi việc Ngài ban cho chúng ta Con Một của Ngài
Trong bức thư này, những lời khuyên bảo và những lời nhắc nhở về đạo lý được quyện vào nhau đến độ khó nắm bắt. Điều quan trọng là giúp các Ki-tô hữu kiên vững trong niềm xác tín của mình khi phải đối mặt với những lời nói vớ vẩn liên quan đến con người của Đức Ki-tô, tức là những kẻ muốn loại bỏ tầm quan trọng của biến cố Nhập Thể khỏi Tin Mừng, và vì thế, đánh mất cả ơn Cứu Độ.
Ấy vậy, sự kiện Nhập Thể, nhờ đó, Đức Ki-tô mới có thể dâng hiến thân thể của mình thành của lễ, lại là bằng chứng xác thực nhất và cao cả nhất cho thấy tình yêu Thiên Chúa đối với con người.
“Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian”. Diễn ngữ này chỉ được gặp thấy nơi bút pháp của thánh Gioan. Trong thư này, trong Tựa Ngôn và trong sách Tin Mừng Gioan, đều có chung tư tưởng: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3: 16).
Nhập Thể đã dẫn đưa tình yêu Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa: ban Con Một của Ngài để tha thứ tội lỗi. Như vậy, Nhập Thể và Ơn Cứu Độ là hai mặt của một thực tại, không thể nào bị loại ra khỏi Ki-tô giáo. Chúng không là những khái niệm xuất phát từ những suy luận phàm nhân, nhưng là những sáng kiến đến từ Thiên Chúa và chứng thực chân lý hàng đầu và căn bản này: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Trong bốn tác giả Tin Mừng, thánh Gioan nhấn mạnh hơn ai hết tình yêu Thiên Chúa. Bản văn Tin Mừng hôm nay dâng hiến cũng những âm vang như thư thứ nhất này.
TIN MỪNG (Ga 15: 9-17)
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích dẫn từ “Diễn Từ Cáo Biệt” của Đức Giê-su với các môn đệ của Ngài. Đoạn Tin Mừng này tiếp liền sau dụ ngôn “Cây Nho Thật” được công bố vào Chúa Nhật trước.
Trong dụ ngôn “Cây Nho Thật”, Chúa Giê-su đã cho thấy rằng cành nho chỉ có thể sinh hoa kết trái nếu nó gắn liền với thân nho. Cũng vậy, các môn đệ dự phần vào sự sống Thiên Chúa và sinh hoa kết trái chỉ khi nào họ kết hợp với Ngài.
Qua hình ảnh này, Đức Giê-su diễn tả mối liên hệ mới mà Ngài đến thiết lập giữa Thiên Chúa và con người: mối tâm giao của tình yêu.
1. Tình yêu của Đức Giê-su đối với các môn đệ của Ngài.
Trong bầu khí ly biệt này, Đức Giê-su nói với các môn đệ của Ngài, những người mà Ngài yêu thương cho đến cùng, bằng một cung giọng rất mực trìu mến: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”.
Ở đây, chúng ta chạm đến đỉnh cao của Mặc Khải: Chúa Con mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, Đấng mà Chúa Con giữ mối liên hệ Phụ Tử độc nhất. Ấy vậy, điều đáng chú ý chính là trong Tin Mừng Gioan, hễ khi nào những mối liên hệ giữa Cha và Con được nêu lên, đều được liên kết vào trong những viễn cảnh liên quan đến nhân loại. Điều này vén mở rằng tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa, thay vì tập trung trên chính mình, tất yếu hướng về thụ tạo. Tất cả những gì Chúa Con lãnh nhận từ Chúa Cha, chính là để ban cho chúng ta. Tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Con, cũng chính là tình yêu Chúa Con dành cho các môn đệ của mình.
2. Tình yêu của các môn đệ đối với Đức Giê-su
Đến lượt mình, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ của Ngài hãy yêu mến Ngài, không là một thứ tình cảm trừu tượng, nhưng nhất mực trung thành với các điều răn của Ngài. Ngài đã nói với họ rồi trước đó một chút: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (14: 21).
Chúng ta đã thấy rồi, động từ “ở lại” là động từ chủ chốt của từ vựng Gioan. Trong chương 15 này, động từ “ở lại” này, xuất hiện mười ba lần, nhấn mạnh sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa trong đời sống “nội tâm” của người Ki-tô hữu. Như vậy, đức ái mà Đức Giê-su đề cao tạo nên một chuyển động kép: bên ngoài, thực hành những huấn lệnh Tin Mừng; bên trong, tăng cường mối liên hệ với Đức Ki-tô.
“Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn”. Thật là mâu thuẫn biết bao, “niềm vui” này được công bố bởi người sắp phải đối mặt với những xao xuyến tận mức. Và cũng thật mâu thuẫn biết mấy, Ngài hứa ban niềm vui tròn đầy cho những người sắp phải chịu cơn choáng váng đến tận cùng nỗi tuyệt vọng về cái chết của Ngài. Tuy nhiên, niềm vui này được định vị ở trung tâm lập luận: vui trong bầu khí thân tình này, đó sẽ là cách thế hiện diện vô hình của Ngài ở nơi họ, sự hiện diện lòng bên lòng, nhờ đó họ sống sự sống của Ngài và lòng tràn đầy niềm vui mà“không ai lấy mất đi được” (16: 22), như Ngài sẽ xác định một lát sau đó.
3. Tình yêu của các môn đệ đối với nhau
Trong Diễn Từ Cáo Biệt, những lời dặn dò sau cùng này, những lời trăn trối này, những lời tâm huyết này, được cô đọng ở nơi một lệnh truyền duy nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Giê-su là khuôn mẫu tình yêu của Ngài đối với họ; đến phiên họ, tình yêu của Ngài đối với họ phải là khuôn mẫu tình yêu của họ đối với nhau.
Đức Giê-su đã công bố lệnh truyền này rồi với một cung giọng đầy cảm xúc, ngay liền sau khi Giu-đa rời bỏ bàn tiệc mà ra đi:“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Thầy ban cho anh em một giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (13: 33-34).
“Giới Răn Mới” này cốt yếu là gì? Người ta đã đọc thấy từ lâu trong sách Lê-vi: “Hãy yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Tuy nhiên, lệnh truyền mà Đức Giê-su ban cho các môn đệ của Ngài có tầm mức vượt quá mọi mức độ, không còn tình yêu quy chiếu về chính mình, nhưng về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa là “hy sinh mạng sống mình cho những người mà Ngài yêu”.
“Những người mà Ngài yêu”, trước hết chính là các môn đệ của Ngài đang vây quanh Ngài và lắng nghe lời Ngài; tức là những người mà Ngài gọi là những bạn tâm phúc của Ngài và trao gởi cho họ sứ điệp của Ngài; họ là những người mà Ngài đã chọn để tiếp tục sự nghiệp của Ngài. Sự tuyển chọn này tấn phong họ là những người được Ngài sai đi, những nhà truyền giáo “thu được kết quả và kết quả tồn tại mãi”.
“Những người mà Ngài yêu”, cũng chính là, ở bên kia các Tông Đồ đang hiện diện với Ngài, tất cả những ai mà Ngài đã hy sinh mạng sống mình cho họ. Lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” phải rộng mở bao la như tình yêu của Đức Giê-su: “chết cho tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, cung giọng trực tiếp của Ngài là cung giọng chứa chan tình thương mến, cả với tư cách con người lẫn tư cách Thiên Chúa. Chính bằng cung giọng chan chứa tình thương mến này mà Đức Giê-su ngỏ lời với các Tông Đồ vào lúc từ giã các ông ra đi. Tấm lòng phàm nhân của Ngài để lộ chiều sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa này.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
LÀM CHO CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỔI MỚI
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 6 Phục Sinh, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Trong những ngày vui này, xin Chúa cho tất cả chúng ta biết đem lòng sốt sắng mừng Đức Kitô phục sinh, để Người hiện diện trong cuộc đời chúng ta và làm cho chúng ta được đổi mới.
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn Thiên Chúa ban cho chúng ta nhờ Đức Kitô, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã cho thấy: Sống hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta sẽ nhận ra mình tội lỗi, và cần đến ơn tha thứ của Đức Kitô: Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi.
Làm cho chúng ta được đổi mới, là công trình hòa giải với Thiên Chúa, mà Đức Kitô đã mang lại cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã nói: Quả vậy, cả mầu nhiệm Nhập Thể cũng như cuộc canh tân kèm theo, đều không ngoài thánh ý Chúa Cha. Nhờ Đức Kitô, chúng ta được đến với Chúa Cha, như chính Người đã nói: Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy, mọi sự đều do bởi Thiên Chúa, là Đấng đã nhờ Đức Kitô, mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải.
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn cứu độ phổ quát dành cho cả dân ngoại nữa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phêrô làm phép rửa cho những người dân ngoại: Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cũng kêu gọi toàn cõi đất hãy vui mừng vì cứu độ của Thiên Chúa: Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Làm cho chúng ta được đổi mới, là ơn huệ nhưng không xuất phát từ Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Gioan đã nói: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thiên Chúa là tình yêu, biết Thiên Chúa là biết yêu, không biết yêu thì không biết Thiên Chúa. Tôi tớ không biết việc chủ làm, chúng ta là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu chúng ta thực hiện những điều Chúa truyền dạy là: yêu như Chúa yêu. Tình yêu Thiên Chúa sẽ tẩy xóa và phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Tình yêu của Thiên Chúa làm cho chúng ta được đổi mới, để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Đức Kitô đã yêu chúng ta, đến nỗi, đã hiến mạng vì chúng ta, ước gì chúng ta luôn biết để cho tình yêu hiến tế của Người thanh luyện con tim chúng ta, để chúng ta có thể sống giới luật yêu thương như lòng Chúa ước mong. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Yêu như Thầy
Phụng vụ lời Chúa, Chúa nhật VI Phục sinh hướng chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa để sống tâm tình yêu thương như Người.
Bài đọc trích sách Công vụ Tông đồ (Cv 10,25-26.34-35.44-48) trình bày cho chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người bất kể họ là ai, thuộc dân tộc, quốc gia nào, Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người chẳng trừ ai.
Bởi lẽ “Thiên Chúa là tình yêu”, bản chất của Người là yêu thương. Tình yêu của Người được biểu lộ cụ thể khi sai Con Một đến thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta, để nhờ Con của Người mà chúng ta được sống. Vì lẽ đó, chúng ta hãy yêu thương nhau; ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra. Đó là điều thánh Gioan mạnh mẽ xác tín trong lá thư thứ nhất của ngài (1Ga 4,7-10).
Đặc biệt trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu bồi hồi tâm sự cùng các tông đồ: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy…”
Qua những lời tâm sự của Chúa Giêsu mà chúng ta biết được rằng mình đang ở lại trong tình thương của Chúa hay đã đi xa khỏi tình yêu của Ngài, đó là chúng ta có đang tuân giữ các điều răn của Chúa hay không. Là Kitô hữu hẳn chúng ta đang nghiêm chỉnh tuân giữ luật Chúa: không bỏ lễ ngày Chúa nhật nào và hằng ngày vẫn siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh tối sáng… rồi, trong đời sống hôn nhân chúng ta vẫn nỗ lực chung thủy với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Điều ấy thật tuyệt vời, thật đáng khích lệ! Hơn thế nữa, chúng ta hãy giữ điều răn của Chúa với sự tự do không vị luật, nhưng trong tình thương của Chúa và của anh chị em. Để cuộc sống với Chúa không là gánh nặng nhưng cảm nghiệm niềm an vui Chúa đang chăm sóc ta, để sống tâm tình cảm tạ không ngơi “trong hân hoan chúng con về đây mang tin yêu tha thiết nồng say cùng hợp tiếng ca tạ ơn Chúa lời thiết tha…”, đồng thời hãy biến cuộc sống của chúng ta với tha nhân luôn chan hòa tình thương mến thấm đẫm vào từng lời nói việc làm hằng ngày trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
“Điều Thầy truyền dạy anh em là phải thương yêu nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”. Lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc ly, trước lúc Chúa Giêsu lìa bỏ thế gian mà trở về cùng Chúa Cha cho thấy tính hệ trọng và mới mẻ của lệnh truyền. Đây là lời trăng trối, là lời di chúc mà đã là di chúc thì các môn đệ phải thi hành, không có chuyện thích thì làm không thích thì thôi. Và điều mới mẻ của lệnh truyền này là “yêu như thầy đã yêu anh em”. Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là “chết đi là đóng đinh là biết hy sinh cho người mình yêu”. Yêu như Thầy đã yêu là yêu vô điều kiện, yêu không mức độ, yêu không giới hạn vào một vài người nào hay vào một số hoàn cảnh nào đó. Biểu hiện của “yêu như Thầy”, đó là chia sẻ cơm áo với những người đói khổ, là tiếp rước những người cô đơn không nơi nương tựa, là tha thứ cho những người đã làm khổ mình dưới bất kỳ hình thức nào…
Xin Chúa thêm sức giúp chúng con biết yêu thương mọi người, ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh như chính Chúa đã và đang yêu thương chúng con luôn mãi. Amen
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
+++
A. DẪN NHẬP.
Phụng vụ Chúa nhật hôm nay nhấn mạnh đến một giới răn quan trọng nhất trong đạo: đó là giới răn yêu thương. Giới răn này đã có trong Cựu ước, nhưng một lần nữa, trước khi đi vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu nhấn mạnh đến giới răn này dưới khía cạnh tình yêu huynh đệ.
Thánh Gioan Tông đồ khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 7). Ngài yêu thương chúng ta trước nên đã dựng nên ta, nhất là ban Con Một của Ngài cho thế gian để mọi người được cứu chuộc. Đáp lại, chúng ta cũng phải yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
Nhưng yêu thương bằng cách nào? Hay nói cách khác, làm thế nào mà biết được tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là chân thật? Qua các bài đọc của thánh lễ hôm nay, chúng ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm: đó là chúng ta trung thành giữ các giới răn của Chúa và yêu thương nhau bằng những việc làm cụ thể, chứ không chỉ yêu thương nhau trên đầu môi chót lưỡi.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Cv 10, 25-48
Trong Giáo hội sơ khai, có một vấn đề gai góc cần phải được giải quyết: đó là có thể chấp nhận cho những lương dân chịu phép rửa mà không đòi buộc họ giữ các Lề luật Do thái không? Nhiều người không chấp nhận. Nhưng thánh Phêrô được Chúa Thánh Thần soi sáng đã tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thương mọi người không thiên vị ai, tất cả mọi người được chấp nhận tham dự vào nguồn mạch sự sống của Thiên Chúa”. Vì thế, ngài đã rửa tội cho viên sĩ quan Rôma tên là Cornêliô và nhận ông vào Hội thánh Chúa.
Trước biến cố này, thánh Luca tin rằng đó là một biến cố quyết định đối với tương lai Kitô giáo, nên trong dịp này, ngài không ngại cho chúng ta chứng kiến lễ Thánh Thần hiện xuống lần nữa, lần này trên các dân ngoại. Những ơn khi Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống lần đầu tiên cũng được ban cho họ, ngày cả trước khi họ chưa chịu phép Rửa.
+ Bài đọc 2: 1Ga 4, 7-10
Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 7) và mọi tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Không phải chúng ta đã yêu Ngài nhưng Ngài đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ cho chúng ta trong việc này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.
Từ đó sinh ra những hệ luận:
– Chúng ta phải yêu thương nhau.
– Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa, còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa.
+ Bài Tin mừng: Ga 15, 9-17
Tiếp tục dụ ngôn cây nho và cành nho, trong bài diễn từ ở nhà Tiệc ly trước giờ phút chịu tử nạn, Đức Giêsu khuyên các Tông đồ hãy kết hợp với Ngài: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Đồng thời Ngài cũng đưa ra một điều răn quan trọng để các ông thực hiện: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12)
Tình yêu mà Đức Giêsu muốn cho các ông thực hành có những đặc tính này:
– Yêu như Chúa yêu: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.
– Yêu đến tận cùng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”.
– Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm:”Nếu như các con giữ điều răn của Thầy”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Các con hãy yêu thương nhau
Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng tuần trước nói về cây nho và cành nho, nhắc cho chúng ta hãy sống kết hợp với Chúa như cây nho và cành nho. Hôm nay Đức Giêsu lại đưa ra cho chúng ta một bài học nữa về sự liên kết giữa các cành nho. Đó là đức bác ái mà các Kitô hữu phải thi hành đối với nhau: “Đây là giới răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
I. TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
1. Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 7)
Con người từ bản tính ai cũng biết yêu, tuy mức độ và sắc thái có khác nhau. Nhưng làm sao con người lại biết yêu? Trong bài đọc 2, thánh Gioan Tông đồ đã trả lời cho chúng ta: “Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4, 7). Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu, Ngài ban cho chúng ta tình yêu ấy để chúng ta yêu Ngài và chúng ta yêu nhau.
a) Tình yêu trong tạo dựng
Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cho nên ngay từ bẩm sinh, mỗi người chúng ta đều có khả năng biết yêu thương.
Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói: “Này là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào có nghĩa là chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt.
b) Tình yêu cứu chuộc
Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho con người, nhưng đã thất bại. Loài người không yêu Thiên Chúa, lại cũng không biết thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người.
Lại một lần nữa, Thiên Chúa tỏ lòng yêu thương con người trong việc cứu chuộc. Tình yêu ấy đã được thánh Gioan Tông đồ diễn tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).
Thiên Chúa không những yêu thương con người, đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, lại còn ban ơn cứu độ, nâng con người sa ngã lên, một việc làm còn lớn lao hơn việc tạo dựng.
2. Tình yêu của Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu
Chúng ta không thể nào ban tặng tình yêu, trừ phi chúng ta đã đón nhận tình yêu từ trước đó. Một lò sưởi không thể nào toả ra sức nóng, trừ phi nó đã được đón nhận sức nóng từ trước đó. Điều này cũng đúng cả đối với Đức Giêsu. Ngài nói với các môn đệ của Ngài: “Như Cha đã yêu mến Thầy, nên Thầy cũng yêu mến các con”. Tình yêu mà Ngài chia sẻ một cách quảng đại cho các môn đệ của Ngài, và cho mọi người nói chung, chính là tình yêu mà Ngài đã đón nhận từ Thiên Chúa Cha.
Tình yêu đã được lãnh nhận ấy thật là tuyệt vời. Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3, 16). Ngài đã dám gánh tội chúng ta, đã chịu chết để đền tội cho ta. Ngài không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người thí mạng vì người yêu” (Ga 15, 13).
Ngoài ra, Ngài cũng còn tỏ lòng thương yêu chúng ta bằng cách tôn chúng ta lên làm bạn hữu của Ngài: “Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn các con, Thầy gọi các con là bạn hữu”. Thực sự, chúng ta không xứng đáng được gọi là tôi tớ Thiên Chúa, vì chúng ta là vật thọ tạo đã dám xúc phạm đến Ngài, đến Đấng đã tạo dựng nên mình. Đây là một vinh dự quá lớn lao mà Ngài dành cho chúng ta.
II. TÌNH YÊU CỦA CHÚNG TA
1. Lệnh truyền của Đức Giêsu
Đức Giêsu có những lời tâm huyết muốn truyền lại cho các Tông đồ trong bữa Tiệc ly. Một trong những lời tâm huyết ấy là: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12). Đức Giêsu có ý nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc yêu thương nhau, vì yêu thương là một lệnh truyền duy nhất gồm tóm mọi lệnh truyền khác (x. Mc 12, 28-34). Lệnh truyền này là chúng ta yêu thương nhau như chính Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta. Và khuôn mẫu của tình yêu thương là Đức Giêsu yêu thương chúng ta. Tình yêu này có rất nhiều đặc tính mà chúng ta cùng tìm hiểu để áp dụng vào đời sống thường ngày của chúng ta.
2. Những đặc tính của tình yêu
a) Yêu không giới hạn
Trong bài Tin mừng này, Đức Giêsu nói: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta nên lưu ý đến chữ nhau và chữ như, hai chữ ấy nói lên mức độ của tình yêu cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
* Chữ NHAU. Nói lên chiều rộng của tình yêu. Chúa bảo chúng ta phải yêu thương nhau. Chữ “nhau” giả thiết phải có hai người trở lên. Vậy phải yêu ai và yêu bao nhiêu người? Chúa không bảo hai vợ chồng hay hai tình nhân yêu nhau, mà bảo phải yêu thương tất cả mọi người vì tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa. Vì thế, ta không nên hiểu chữ “nhau” này theo nghĩa hẹp, chỉ nhằm đến lòng yêu thương đối với một ít người thân thiết với ta mà thôi, mà phải hiểu theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người.
Cha Zosima nói trong cuốn sách “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky: “Bạn phải yêu thương tất cả những gì mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên, toàn bộ thế giới của Người, và mọi hạt cát trong đó. Nếu bạn yêu thương tất cả mọi sự, thì bạn cũng sẽ nắm bắt được mầu nhiệm có trong tất cả mọi sự” (Flor McCarthy).
Thánh Augustinô khi nói về mức độ của tình yêu thì ngài nói rất chí lý: “Mức độ của tình yêu là không có mức độ nào”. Câu nói của Đức Khổng Tử cũng tương tự: “Tứ hải giai huynh đệ” : bốn bể là anh em.
* Chữ NHƯ. Nói lên chiều sâu của tình yêu. Phải yêu thương mọi người không trừ ai, lại còn phải yêu thương với một tình yêu sâu đậm như Đức Giêsu đã yêu thương chúng ta.
Trong Thông điệp “Ánh sáng rạng ngời”, Đức Gioan Phaolô 2 đã viết: “Chữ ‘như’ này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể… Chữ “như”cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của Người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy” (Số 20).
b) Yêu thương là trao ban
Một trong các đặc tính của tình yêu là “trao ban”, là cho đi. Yêu là không muốn giữ lại cho mình mà muốn chia sẻ cho người khác.
Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc trong tình yêu như Paul Bourget nói: “Không khi nào người ta yêu như người ta đã được yêu, vì vậy, muốn đạt được hạnh phúc trong tình ái, chúng ta phải cho tất cả mà không đòi hỏi gì cả”.
Nếu tu viện trưởng Saint-Pierre quả quyết rằng: “Yếu tính của mọi tôn giáo, nền tảng của mọi chân lý, vương miện của mọi nhân đức căn cứ trên sự CHO và tha thứ”, thì thánh nữ Têrêsa Hài đồng đã thực hiện trong tình yêu đối với Chúa Giêsu trong mấy vần thơ mà thánh nữ sáng tác:
Sống yêu đương chính là cho tất cả,
Trên đời này không đòi hỏi công lao.
Không tính toán, không kể cho là bao,
Vì đã yêu có khi nào suy tính.
Truyện: Hai biển hồ
Palestine có hai biển hồ… Hai biển hồ này hoàn toàn khác nhau. Một biển hồ thường được gọi là biển hồ Galilêa. Đây là một biển hồ rộng lớn với nước trong xanh mà người ta có thể uống và cá cũng có thể sống trong đó. Chung quanh hồ là những vườn cây và thảm cỏ xanh tươi.
Biển hồ thứ hai tại Palestine là Biển Chết. Đúng như tên gọi của nó, không có sự sống nào ở trong cũng như chung quanh biển hồ này. Nước mặn đến nỗi cá không thể sống nổi, mà người cũng có thể trở nên bệnh hoạn nếu uống phải. Mùi hôi thối từ Biển Chết xông lên, khiến không ai muốn sống gần đó.
Có điều kỳ lạ là hai biển hồ này đều nhận nước từ cùng một nguồn là sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào Biển hồ Galilêa rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch khác. Hồ Galilêa nhận lãnh để rồi chia sẻ cho những hồ nhỏ khác, nhờ đó nước của nó luôn trong sạch và mang lại sức sống cho cây cỏ, muông thú cũng như con người.
Biển Chết cũng nhận nước từ sông Jordan, nhưng nó giữ lấy riêng cho mình, do đó nước của nó trở thành mặn chát và hôi thối.
“Cho thì có phúc hơn nhận”. Càng trao ban, càng được nhận lãnh. Chúa đã yêu thương chúng ta vô bờ bến, và Ngài không muốn cho chúng ta giữ lại cho riêng mình, nhưng là chia sẻ tình yêu ấy cho mọi người chung quanh. (Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, năm B, tr 154)
c) Yêu là hy sinh.
Tục ngữ Tây phương có câu: “Partir, c’est mourir un peu”: ra đi là chết trong lòng một ít. Lìa xa nhau là một hy sinh, hy sinh làm ta đau khổ và đau khổ được coi như chết trong lòng một ít. Tình yêu chân thật đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết: “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật” (Pierre l’Ermite).
Yêu là hy sinh và hy sinh lớn nhất là cho đi chính mạng sống của mình như Đức Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15, 13).
Nếu đọc cuốn tiểu thuyết “Anh phải sống” của nhà văn Khái Hưng, ta thấy cũng có một nhân vật dám thực hiện lời khuyên trên của Đức Giêsu. Câu truyện ấy gồm tóm như sau: Hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì “em phải sống để lo cho các con”. Người vợ cũng bảo chồng “Anh phải sống”. Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.
Tình yêu có cái giá của nó. Yêu là chấp nhận rằng chúng ta có thể phải chết đi bằng một cái chết khác, trước khi chúng ta chết thật. Con đường yêu thương là con đường của thập giá, và chỉ thông qua con đường thập giá, mà chúng ta mới đến được với sự sống lại. Nếu nỗi đau khổ dạy chúng ta về cách thức yêu thương, thì không có gì là khủng khiếp, khi phải chịu đôi chút đau khổ trên trái đất này.
d) Yêu đòi sự thành thật
Thánh Gioan Tông đồ luôn khuyên nhủ tín hữu hãy yêu thương nhau. Yêu thì có năm bảy đường yêu, nhưng tình yêu đòi hỏi sự chân thật. Ngài khuyên: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm; căn cứ vào điều đó chúng ta biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa” (1Ga 3, 16-18).
Nhiều người chỉ yêu thương hời hợt bên ngoài, lòng họ chẳng yêu gì, đúng là họ chỉ yêu trên đầu môi chót lưỡi như thánh Gioan đã nói ở trên. Vì thế người ta nói:
Tôi yêu anh vạn
Tôi mến anh nghìn.
Anh có ăn thuốc đưa tiền tôi mua.
Những người này bị người ta liệt vào loại:
Thương miệng thương môi
Thương miếng xôi miếng thịt.
Truyện vui: Cớ sao ông lại chết?
Trong một bãi tha ma tối đen như mực, có một người đàn ông đã 5 ngày liền ngồi buồn rầu trên một nấm mồ và luôn miệng nói một câu thảm thiết “Cớ sao ông lại chết? Cớ sao ông lại chết để tôi khổ thế này?”
Người hầu tìm thấy ông ta, muốn an ủi, bèn hỏi:
– Người quá cố là cha hay anh ông vậy?
Con người khốn khổ rên rỉ:
– Không phải cha, không phải anh. Đó là người chồng trước của vợ tôi đấy !!!
3. Đức Giêsu, khuôn mẫu của tình yêu
Giới trẻ ngày nay thích đi chọn thần tượng cho mình để học đòi bắt chước. Đối với họ, thần tượng của họ là lý tưởng của đời mình, họ ra công học đòi bắt chước để trở nên giống thần tượng của họ trong cách ăn mặc, nói năng, đi đứng… Vì thế, họ đi tìm thần tượng của họ nơi các ca sĩ nhạc trẻ, nơi các cầu thủ bóng đá, nơi người trí thức, nơi các nhà chính trị xuất sắc…
Nhưng có một người mà suốt 2000 năm nay đã rất nổi tiếng, đã được người ta suy tôn là thần tượng tuyệt vời mà họ không biết, đó là Đức Giêsu Kitô. Thần tượng này đã dám khuyên mọi người hãy bắt chước cách sống của mình để trở nên giống mình: “Các con hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”(Mt 11, 29). Biết bao người đã say mê thần tượng đó, người ta đã tin theo và bảo vệ thần tượng đó mặc dầu phải hy sinh mạng sống mình.
Thần tượng ấy đã làm gương và khuyên nhủ chúng ta một điều mà mọi người cần phải thực hiện: “Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 13). Rất nhiều người đã thực hành lời khuyên đó bằng cách thể hiện ra trong những việc làm cụ thể hằng ngày.
Truyện: Ngôi Nhà thờ
Trong một ngôi làng tại dãy núi Alpes ở Thụy sĩ, có một Nhà thờ nhỏ bé đã được sử dụng để làm nơi thờ tự, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Mặc dù không có một tác phẩm nghệ thuật nào, nhưng người dân địa phương luôn luôn dùng một tình cảm đặc biệt cho ngôi Nhà thờ này. Điều này khiến cho nơi đây mang vẻ rất tươi đẹp trong đôi mắt của cư dân. Đó chính là nhờ câu chuyện ngôi Nhà thờ được xây dựng trên mảnh đất đặc biệt này như thế nào. Câu chuyện đó như sau:
Có hai anh em tạo dựng một nông trại gia đình, cùng chia sẻ sản phẩm và lợi nhuận cho nhau. Người anh đã kết hôn, người em còn độc thân. Khí hậu khắc nghiệt đưa đến hậu quả là đôi khi, huê lợi trở nên hiếm hoi.
Ngày kia, người em tự nhủ “Thật không công bình khi chia sản phẩm bằng nhau. Mình còn độc thân, nhưng anh mình còn phải nuôi cả một gia đình”. Vì thế, thỉnh thoảng, người em lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, lặng lẽ băng qua cánh đồng nằm giữa hai ngôi nhà của hai anh em, và đổ vào thùng của người anh.
Đồng thời, người anh cũng có đồng một ý tưởng đó và tự nhủ “Thật không công bình khi chia sản phẩm bằng nhau. Mình có cả gia đình nâng đỡ mình, nhưng em mình vẫn độc thân”. Vì thế, thỉnh thoảng, người anh lại đi ra ngoài vào ban đêm, mang theo một túi hạt từ trong kho thóc của riêng mình, âm thầm đổ vào thùng của người em.
Việc này tiếp diễn trong nhiều năm, mỗi người đều thắc mắc không hiểu sao kho lúa của họ không bao giờ hao hụt đi. Thế rồi vào một đêm kia, họ đụng chạm với nhau trong bóng đêm. Sau khi nhận ra sự việc, họ bỏ túi hạt xuống, và ôm nhau. Đột nhiên, có một giọng nói xuất phát từ trên trời “Tại nơi đây, Ta sẽ xây dựng một ngôi Nhà thờ. Bởi vì ở đâu con người gặp gỡ nhau trong lòng yêu thương, thì ở đó, có sự hiện diện của Ta” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật, năm B, tr 271-272).