Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha.
(Ga 20,17)
BÀI ĐỌC 1: Cv 2,36-41
36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
TIN MỪNG: Ga 20,11-18
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.
15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”
18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
NHẬN RA ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH
Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về ?” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là “Lạy Thầy”). (Ga 20,11-18)
Suy niệm: Lạ một điều là khi Đức Ki-tô phục sinh hiện ra cho những người thân, rất thân nữa là đàng khác, họ lại không nhận ra Ngài! Ngài mà bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn; hai môn đệ Em-mau nghĩ là khách bộ hành; các môn đệ trên Biển Hồ lầm là khách đi dạo trên biển. Ngài quá thay đổi hay mắt họ có vấn đề? Thật ra, từ nay Đức Ki-tô phục sinh mang chiều kích của cả vũ trụ, không còn bị hạn chế nơi một thân xác thể lý. Ngài hiện diện nơi mọi người, mang lấy khuôn mặt của từng người. Ma-ri-a chỉ nhận ra khi được Ngài gọi đích danh; hai môn đệ nhận ra khi Ngài bẻ bánh; trên Biển Hồ, các môn đệ chỉ khám phá ra Ngài sau mẻ cá lạ. Vậy thì để có thể nhận ra Đức Ki-tô, phải có kinh nghiệm gặp gỡ Ngài, có tương quan cá vị với Ngài.
Mời Bạn: Hãy nhận ra Đức Ki-tô phục sinh đang hiện diện nơi những người thân trong gia đình, nơi bạn bè, thậm chí nơi những kẻ bạn không ưa thích. Bạn có cách nào để dễ nhận diện ra Ngài không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nói năng, cư xử thân ái, hoà nhã với mọi người tôi gặp gỡ mỗi ngày để tập nhận ra Đức Ki-tô phục sinh hiện diện nơi họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin cho chúng con sự sống của Chúa, sự sống làm đời chúng con mãi xanh tươi. Xin cho chúng con bình an của Chúa, bình an làm chúng con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời. Xin cho chúng con niềm vui của Chúa, niềm vui làm khuôn mặt chúng con tươi tắn. Xin cho chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người.
(Rabbouni).
B/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
NHÂN CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH
Chúa Kitô phục sinh đã đổi mới mọi sự, đó là lời Chúa đang nói với chúng ta. Sau ngày Chúa phục sinh, Hội thánh của Chúa được vươn lên mạnh mẽ phi thường. Phêrô từ một ngư phủ, ít học, sợ hãi trước một đứa tớ gái trong dinh Caipha. Thế mà giờ đây, trở nên mạnh mẽ, can đảm đứng trước toàn dân thiên hạ rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô phục sinh, khiến cho ai nấy ngỡ ngàng. Lời lẽ và chứng từ sống động của ông đã thu hút được thêm 3000 người tin theo Chúa, ngay hôm ấy. Đó là điều hết sức lạ lùng, không ai có thể tưởng tượng nổi. Thánh Phêrô đã làm được điều ấy là nhờ ơn Chúa phục sinh, chính Chúa phục sinh ban ơn Thánh Thần cho ông. Tuy thế, phải thừa nhận rằng chính lòng nhiệt thành cộng tác của Phêrô với ơn Chúa, đã làm nên kết quả kỳ diệu, cho chính ngài cũng như cho Hội Thánh sơ khai.
Lời chứng mà thánh Phêrô muốn nhắn gửi đến chúng ta những môn đệ của Chúa hôm nay là: Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng”. Thánh nhân đã làm chứng cho Chúa bằng suốt cuộc đời đi theo Chúa, dẫu có lúc sợ hãi chối Chúa, nhưng liền sau là sám hối và trung tín đến cùng. Chúa chỉ cần tình yêu chân thành mãnh liệt đó thôi, còn lại Chúa sẽ làm cho mọi sự nên hoàn hảo.
Phải chăng Maria Mácđala cũng đã dành cho chúa một tình yêu nồng thắm như vậy, cho nên Chúa đã chọn chị làm tông đồ đầu tiên loan Tin Mừng phục sinh? Theo Tin Mừng, Maria Macáđala là người được Chúa gọi đầu tiên trong số các phụ nữ, chị được Chúa chữa bệnh, rồi đi theo và phục vụ Chúa trên hành trình rao giảng (x. Lc 8,2). Vì yêu Chúa, Maria Mácđala đã trung thành đứng dưới chân Thánh Giá Chúa (x. Mc 15,40-41), hiện diện nơi táng xác Chúa (x. Mc 15,47).
Và hôm nay, chị cùng với mấy phụ nữ đã ra thăm viếng mồ Chúa (x. Mc 16,1-8). Chính chị được gặp Đấng Phục sinh và mừng rỡ loan Tin Mừng cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và kể lại những điều Người đã nói với chị (x. Mc 16,9 ; Ga 20,11-18).
Những môn đệ của Chúa năm xưa, như Phêrô, như Maria Mácđala đã thật lòng mến yêu, trung kiên tin theo Chúa và can đảm làm chứng cho Chúa, vượt lên trên những yếu đuối trong hoàn cảnh cụ thể của các ngài. Thế thì, đến lượt chúng ta những môn đệ của Chúa hôm nay, chúng ta cần hành động thế nào để mọi người có thể nhận biết Chúa vẫn đang sống động trong cuộc đời của ta, nhờ đó mà Tin Mừng phục sinh được loan báo giữa thế giới hôm nay: Người ta sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy nếu các con có lòng yêu thương nhau (x. Ga 13,35).
C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
CHÚA HIỆN RA VỚI BÀ MARIA MADALENA
- Hôm mai táng Đức Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mồ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Ngài không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các Tông đồ. Bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với bà Maria Madalena.
- Khi thấy mồ Chúa mở toang, xác Chúa không còn trong mồ, bà Maria Madalena chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Mađalêna cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Mađalêna ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau về kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
- Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì?” Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
- Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Đấng Phục sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Điều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
- Quả thật, Đấng Phục sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay.
Để tin nhận Ngài, con người luôn làm bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng (Mỗi ngày một tin vui).
- Lúc này lúc khác – qua những biến cố, những dữ kiện – Chúa vẫn lên tiếng gọi thẳng tên chúng ta nhằm để chúng ta biết Người sống lại và hằng sống… Những lần gọi thẳng tên như thế sẽ giúp chúng ta bình an và đi tới để nói cho mọi người rằng: chúng ta có Chúa sống lại cùng đi…
Cô bé đi học về muộn… Ở nhà bố mẹ rất lo…
Thấy cô về, bố mẹ hỏi xem cô đã đi đâu và làm gì?
– Con dừng lại giúp bạn con… Xe đạp của bạn con bị hỏng.
– Nhưng con đâu có biết sửa xe?
– Đúng ạ! Nhưng con dừng lại để cùng khóc với bạn ấy.
- Truyện: Cần biết tên từng người
Dù bà Maria không còn thấy gì và không nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Đức Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại, “Ta biết các chiên Ta… Chiên Ta biết tiếng Ta…”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không?
Một sinh viên Cao đẳng sư phạm đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả những học sinh thân yêu của anh tụ tập xung quanh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tất cả các em đều được gọi, nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng.
Tên người thật quan trọng (Góp nhặt)