“Thầy để lại bình an cho anh em,
Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. (Ga 14,27)
BÀI ĐỌC I: Cv 14, 18-27 (Hl 19-28)
“Các ngài thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người, các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ, khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: “Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian truân mới được vào nước Thiên Chúa”. Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ tin theo.
Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian lâu dài.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21
Đáp: Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. – Đáp.
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. – Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. – Đáp.
Tin mừng: Ga 14,27-31a
27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
28Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em.” Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.
29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
30Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
BÌNH AN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (Ga 14,27)
Suy niệm: Trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Bình an kiểu “Chúa Ban” không phải thứ bình an kiểu “Thế Gian” mà là bình an của Lòng Thương Xót. Ngay trong ngày phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra và ban cho các môn đệ bình an đó: “Bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Đó là bình an của Người Con đã vâng phục thánh ý Chúa Cha để chịu khổ nạn, chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Ngày nay trong mỗi thánh lễ chúng ta đón nhận từ lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa ở cùng anh chị em” để đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chúc bình an đó cho nhau.
Mời Bạn: Bao lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, bao lâu chúng ta còn hờn ghen, giận ghét tha nhân, chúng ta không có bình an nơi mình. Vì chưa có bình an nên lòng chúng ta vẫn bất an, căng thẳng, mặc cảm… Bạn hãy để Chúa đong đầy lòng bạn bằng bình an của Chúa khi bạn thực thi lời Ngài: đó là hy sinh quên mình, nhẫn nại bao dung và phục vụ anh chị em mình trong tinh thần khiêm tốn và vui tươi.
Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện để cảm nghiệm sâu xa bình an của Lòng Thương Xót đang tràn ngập tâm hồn bạn. Và ngày hôm nay bạn sẽ chia sẻ bình an ấy cho người khác bằng những hành động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Chúa, để con làm chứng tá của lòng thương xót Chúa, đem bình an của Chúa đến cho anh em.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Ga 14, 27-31a
Trước khi chuẩn bị từ giã các môn đệ để về với Cha Ngài, Chúa Giêsu chào chúc: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Ý nghĩa căn bản nhất của sự bình an đối với người Do Thái là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Vì thế bao lâu Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ, các Ngài cảm thấy được bình an. Nhưng khi thấy Chúa Giêsu chuẩn bị bỏ các Ngài để về với Chúa Cha thì các môn đệ không khỏi bối rối và sợ hãi. Trong hoàn cảnh đó thì Chúa Giêsu đã an ủi các Ngài: “Các con đừng sợ, vì Thầy đi và sẽ trở lại với các con”.
Và Chúa Giêsu về trời, thì sự bình an đó vẫn còn, vì Chúa hứa: “Thầy ra đi thì Đấng an ủi sẽ đến với các con”.
Từ những biến cố gây chấn động trong những năm đầu thiên niên kỷ này: vụ khủng bố Toà Tháp Đôi, nạn khủng bố lan tràn nhiều nơi trên thế giới, thảm hoạ sóng thần, cơn bão thế kỷ Katrina, v.v… người ta nhận ra rằng con người thời nay thường cố tạo ra cho mình cảm giác an toàn nhưng thực tế cho thấy cảm giác đó rất mong manh. Nhưng sự sợ hãi trước các thảm hoạ đó vẫn chưa khốc liệt bằng nỗi sợ hãi khuất phục trước sự cai trị của những chế độ độc tài. Và cũng chưa nguy hiểm bằng nỗi sợ hãi do quá luỵ thuộc vào lòng ham mê hưởng thụ vật chất.
Đức Giêsu cứu thế nhằm giải thoát con người khỏi mọi nỗi sợ hãi, vì thế xuyên suốt cuộc đời tại thế của Ngài là hai chữ bình an: lời “bình an dưới thế cho người thiện tâm” trong ngày Ngài giáng sinh, lời “Thầy đây đừng sợ” đem lại cho các môn đệ sự bình an giữa cơn sóng gió, và khi sống lại lời đầu tiên của Ngài cho các môn đệ vẫn là lời chúc: “Bình an cho anh em.”’
Chúng ta có thể cảm nghiệm được hương vị bình an của Chúa: chẳng hạn chúng ta thấy êm đềm thú vị khi ở với Chúa Giê-su Thánh Thể, thanh cao nhẹ nhàng khi làm một việc hy sinh phục vụ âm thầm, tin tưởng cậy trông khi vượt thắng một cơn cám dỗ thử thách, đầy cảm kích khi quảng đại tha thứ cho nhau…
Chúng ta hãy thực hiện những việc đề nghị trên để cảm nếm được bình an Chúa ban cho chúng ta.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
TIN CẬY VỮNG VÀNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Ba Tuần 5 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Nhờ mầu nhiệm Đức Kitô sống lại, Chúa đã tái tạo chúng ta, cho chúng ta được hưởng sự sống muôn đời, xin Chúa đừng để chúng ta nghi hoặc, nhưng, luôn luôn tin cậy vững vàng sẽ thấy Chúa thực hiện những gì Người đã hứa.
Tin cậy vững vàng sẽ thấy: Chúa thực hiện những gì Người đã hứa, một trời mới đất mới, mà Người sẽ ban cho chúng ta, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Vào thời sau hết, sự dữ sẽ bị đánh bại, kẻ chết sẽ phục sinh, và thế giới của chúng ta sẽ phải nhường chỗ cho một thế giới mới: Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. Bấy giờ Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ. Rồi Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa.
Tin cậy vững vàng sẽ thấy: Chúa thực hiện những gì Người đã hứa, đó là hoa trái sẽ nảy sinh từ những ai biết đến kết hợp với cây nho Giêsu, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô nói: Quả vậy, những ai đến gắn bó với cây nho là Đức Kitô, thì đó là do ý thức tự nguyện; còn Người liên kết với chúng ta, thì đó là do bản chất yêu thương của Người. Thật vậy, do ý định tốt lành mà chúng ta đến với Đức Kitô nhờ đức tin; còn chúng ta được trở nên dòng giống của Người, thì đó là vì chúng ta được Người ban cho ơn làm nghĩa tử. Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em: Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
Tin cậy vững vàng sẽ thấy: Chúa thực hiện những gì Người đã hứa, theo gương trung kiên của các chứng nhân, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật việc thánh Phaolô bị ném đá, nhưng chưa chết, sau đó, thánh Phaolô và thánh Banaba tiếp tục công việc rao giảng Tin Mừng: Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa. Hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 144, vịnh gia cũng cho thấy lòng tin tưởng vững vàng của mình vào triều đại của Thiên Chúa: Lạy Chúa, kẻ hiếu trung phải nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển. Để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Kitô phải chịu khổ hình, và từ cõi chết sống lại, rồi mới được hưởng vinh quang dành cho Người. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Bình an của Đức Giêsu là bình an của một niềm hy vọng, cậy trông vững vàng, cho dù: phải đối mặt với những khó khăn thử thách, cho dẫu: phải dò dẫm bước đi trong tăm tối mịt mù, nhưng, vẫn cứ hy vọng, vẫn cứ cậy trông, ngay cả khi, không còn gì để hy vọng, không còn gì để cậy trông. Ai bền đỗ đến cùng sẽ được nhìn thấy những gì Chúa đã hứa ban: theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang. Đây là một lời hứa chắc chắn: Tin cậy vững vàng, chúng ta sẽ thấy Chúa thực hiện những gì Người đã hứa. Ước gì chúng ta luôn biết dính chặt vào Chúa, như cành nho dính chặt với cây nho. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Bình an của Chúa
Trong bữa tiệc ly, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, lìa bỏ thế gian mà trở về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ một ân huệ trọng đại không có gì trên thế gian này có thể sánh bằng, đó là ơn Bình an: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu cách của thế gian.
Chúng ta tự hỏi rằng làm sao trước giờ chịu khổ nạn, lúc tâm hồn đang tràn ngập ưu phiền thế mà Chúa Giêsu có thể trao ban bình an cho các môn đệ được? Thưa câu trả lời chính Chúa Giêsu đã cho ta biết: Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian ban tặng. Thế gian cho rằng bình an là không có chiến tranh, không có nghèo đói bệnh tật, không có áp bức bóc lột; mọi người được sống cảnh nhàn hạ, giàu sang phú quý… Michael Jackson, một ca sỹ nhạc rock, anh đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi. Vì thế, anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí Oxi từ đỉnh núi cao, bơm đầy phòng kính nơi anh ở, để tránh mọi sự ô nhiễm (thế nhưng Michael Jackson lại mất khi 51 tuổi). Chúng ta tự hỏi: “Liệu những ngày còn sống, anh ấy có thật sự được an vui hay không?”
Chúa quả quyết rằng ơn bình an mà Chúa ban tặng khác hẳn với những quan niệm của chúng ta về bình an. Bình an của Chúa Kitô Phục Sinh vượt quá điều chúng ta có thể nghĩ tưởng hay mong đợi ở đời này. Ơn bình an Chúa ban cho chúng ta không phụ thuộc vào những bảo đảm về vật chất. Bình an của Chúa không phải là không có những gian nan sóng gió nhưng ngay cả trong sóng gió gian nan vẫn được bình an: Bình an của lòng tín thác vào Chúa Cha, bình an của tâm hồn thi hành ý Chúa Cha. Đó mới là điều kỳ diệu mà chúng ta đáng khao khát! Đó mới là điều chúng ta cầu xin trong cuộc lữ hành nơi dương thế này.
Chắc hẳn nhiều lần trong đời chúng ta cũng có kinh nghiệm được bình an theo nghĩa này, chẳng hạn khi chúng ta hăng say phục vụ công việc nhà Chúa, phục vụ người nghèo… nhưng lại bị ai đó xỉa xói, rỗi hơi, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, cũng có khi bị chụp mũ là hám danh hám lợi, hoặc có khi chúng ta làm việc ở cơ quan, có người lo vơ vét tham ô tài sản chung, nhưng chúng ta ý thức mình là con Chúa, con Sự Sáng nên chúng ta không sống như họ vì thế mà bị coi là ngu ngốc, lập dị có khi bị loại trừ, sa thải. Thế nhưng những gian nan đó chẳng làm ta thối chí mà trái lại làm ta chan chứa niềm an vui, vì được thông phần vào những gian nan thử thách với Chúa, vì đã sống lời Chúa dạy, noi gương Chúa làm và đã sống đẹp giữa cảnh đời bùn nhơ. Đấy là ơn bình an của Chúa, bình an không theo kiểu thế gian. Khi đó cùng với thánh Phaolô, chúng ta có thể tuyên xưng rằng: Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Trong mọi thử thách ấy, tôi sẽ toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến tôi. Tôi tin chắc rằng không có gì tách được tôi ra khỏi tình yêu của Chúa Cha thể hiện nơi cuộc sống của Chúa Kitô.
Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 14,19-28) hôm nay, cũng cho ta thấy niềm bình an của Thánh Phaolô không theo kiểu của thế gian. Ngài bị ném đá vì nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, họ nghĩ ngài đã chết nên lôi ngài ra ngoài thành. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, thánh Phaolô được đầy bình an và can đảm; ngài đứng lên và đi vào trong thành phố để tiếp tục làm chứng Chúa Kitô đã phục sinh. Thánh Phaolô đã không chạy trốn đau khổ, người không tìm tiện nghi và an toàn, nhưng tìm ơn bình an trong ý muốn của Thiên Chúa. Ngài hiểu ra rằng những thử thách phải trải qua là một phần của việc chết đi cho con người cũ để bước vào cuộc sống vinh quang.
Có lẽ con đường bình an của Chúa đã đi, con đường bình an của các Thánh đã bước qua cũng là con đường của chính chúng ta – những môn đệ của Chúa – đang lữ hành hôm nay.
Xin Chúa giúp chúng con biết noi gương Chúa: luôn thi hành Thánh Ý Chúa Cha, để nhờ đó mà được bình an trong mọi giây phút, và luôn quyết tâm xa tránh tội lỗi. Amen.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Thầy ban bình an cho anh em
(Ga 14,27-31a)
1. Khi nghe những lời giáo huấn của Đức Giêsu trong bầu khí chuẩn bị chia tay – bữa tiệc ly – các môn đệ tỏ ra đau buồn và xao xuyến. Nhận thấy rõ như vậy, Ngài đã an ủi, khích lệ bằng cách dạy các ông phải bình tĩnh, và Ngài sẽ ban cho tâm hồn các ông được hưởng bình an của Chúa.
Trong lúc đang hoang mang sợ hãi như thế mà Đức Giêsu lại nói “Thầy để lại sự bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Như thế, thứ bình an này hẳn là đặc biệt.
2. Bình an ở đây không phải là hòa bình, một tình trạng không chiến tranh, tranh chấp, cũng không phải là tâm trạng của người hết căng thẳng về tâm lý, hoặc tâm trạng khoan khoái thoải mái, sung sướng… là những trạng thái thuộc lãnh vực tự nhiên.
Theo ngôn ngữ của thánh Gioan, bình an, sự thật, ánh sáng, sự sống, niềm vui… là những từ diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu từ Chúa Cha mang đến cho loài người. Ân huệ này chính là giải thoát, ơn cứu độ. Việc Đức Giêsu chịu chết để đem lại ơn giải thoát, việc Ngài phục sinh đem lại sự sống đời đời : đó là ân huệ lớn lao, là bình an mà Ngài ban nhằm trấn an các môn đệ (Trần Hữu Thành).
3. Nếu hiểu bình an là không có chiến tranh, tranh chấp, thì loài người chúng ta cũng không nhận được bình an của Chúa. Theo sự phát giác của một số sử gia, thì khoảng 150 năm trước Chúa Giêsu và từ Chúa Giêsu tới nay, thế giới mới thực sự hưởng thái bình hơn kém 300 năm, còn lại trên 3000 năm đã xẩy ra biết bao cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Ai cũng trông mong bình an, mà đâu có bình an.
Thực ra, khởi điểm của sự bình an đó là chính đời sống của mỗi người chúng ta, một đời sống hòa hợp với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Do đó, để có được bình an của Chúa là khi chúng ta sống theo điều răn của Chúa, chu toàn bổn phận của mình, và nếu chúng ta có bình an nơi mình, chúng ta sẽ có bình an với người khác. Nói khác đi, bình an trong gia đình và hòa bình trên thế giới là phản ánh của bình an nội tâm.
4. Là nguyên ủy của sự bình an, dĩ nhiên Chúa Giêsu chỉ rao giảng và thể hiện sự bình an mà thôi. Nhưng hòa bình hay bình an mà Chúa Giêsu mang đến như Ngài xác nhận trong bài Tin mừng hôm nay không phải là thứ hoà bình thế gian ban tặng. Hòa bình hay bình an của thế gian thường chỉ là là hai chữ bình an đồng nghĩa với an phận, với trốn tránh, với thỏa hiệp. Hòa bình hay bình an Chúa Giêsu mang đến chỉ có thể có được bằng một giá đắt : nó đòi hỏi sự chiến đấu, chấp nhận mất mát, có khi cả mạng sống mình. Hòa bình hay bình an ấy chỉ có khi con người có thể thốt lên như thánh Phaolô :”Lương tâm tôi không trách cứ tôi điều gì”. Chỉ khi lương tâm không trách cứ chúng ta điều gì, lúc đó chúng ta mới có được bình an hay hòa bình thực sự trong tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).
5. Michael Jackson, một danh ca nhạc rock nổi tiếng, đã đạt tới đỉnh cao danh vọng. Ước mơ của anh là được sống tới 105 tuổi, nên anh chẳng ngại thuê trực thăng đem khí oxy từ đỉnh núi cao về rồi bơm đầy phòng kính nơi anh ở để tránh mọi sự ô nhiễm. Liệu anh có thật sự an toàn và bình an trong căn phòng của mình ?
Con người luôn khao khát được sống bình an và đã tìm kiếm bình an bằng tất cả những gì mình có. Tuy nhiên, họ chỉ có được sự bình an cách tương đối mà thôi. Bề ngoài trông họ có vẻ bình an, nhưng thật ra, bên trong tâm hồn, họ lại đầy những lo lắng và khổ đau. Đức Giêsu cho thấy chỉ Người mới có thể đem lại bình an đích thực cho con người, một thứ bình an nội tâm sâu xa. Bình an đó chỉ có khi con người biết cậy nhờ ơn Chúa giúp, để chiến thắng được kẻ thù lớn nhất là tính tham lam, ích kỷ, xấu xa, tội lỗi của mình.
6. Nếu chỉ mong bình an hòng tránh khỏi những bất trắc trong cuộc sống thì không đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta. Còn bình an mà hôm nay Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thì hoàn toàn khác. Khác ở chỗ : Nếu muốn được bình an thực sự, trước tiên phải có đức tin. Chỉ có đức tin mới cảm nghiệm được sự bình an sâu xa trong tâm hồn. Bởi lẽ : Bình an của Chúa Giêsu chính là bình an ngay trong những khổ cực đau thương, mất mát và ngay trong những hiểu lầm oán ghét, bất công… Như vậy, ơn bình an này chính là ân huệ đức tin và hệ quả của bình an chính là đem lại ơn cứu chuộc cho con người chứ không phải đem lại cho con người sự an tâm, đảm bảo phần xác.
7. Truyện : Bình an của Đức Giáo hoàng Gioan 23.
Ông Giacôbo Veisu, một nhà điêu khắc nổi tiếng của Italia đã viết hồi ký về những giây phút cuối đời của Đức Gioan 23 kể lại như sau :
Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, Linh mục Cabovila, bí thư riêng của Đức Thánh Cha, đến bên giường bệnh, hôn tay Ngài và hỏi xem Ngài cảm thấy thế nào. Đức Thánh Cha Gioan 23 trả lời :
– Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và bình an như thể tôi đang ở trong tay Chúa, nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo.
Linh mục Cabovila thưa :
– Xin Cha đừng lo, những người phải lo là chính chúng con đây. Chúng con đã nói chuyện với bác sĩ.
Đức Thánh Cha Gioan 23 ngắt lời :
– Họ đã nói những gì với con ?
Linh mục bí thư nghẹn ngào nói :
– Thưa Đức Thánh Cha, con muốn nói với Cha một sự thật. Hôm nay là ngày của Chúa, hôm nay là ngày Cha sẽ được về Thiên Đàng !
Nói xong, Linh mục bí thư quì gối xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy có một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng nói ôn tồn :
– Hãy ngước mắt nhìn lên ! Bình thường người thư ký của Cha rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng sao bây giờ lại trở thành mềm nhũn như thế. Cha đã nói với Người Bề Trên của Cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng Linh mục !
Vâng đó là thứ Bình an đích thực mà Chúa ban cho những ai tin Chúa.