“Để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
(Ga 11,52)
BÀI ĐỌC I: Ed 37, 21-28
“Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa là Thiên Chúa phán: “Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất sống trong đất của chúng, ở trên núi Israel; chỉ có một vua cai trị chúng; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, cũng chẳng còn chia làm hai nước nữa.
Chúng sẽ không còn dơ nhớp vì thần tượng, vì các điều ghê tởm và mọi tội lỗi của chúng. Ta sẽ cứu thoát chúng khỏi mọi nơi tội lỗi. Ta sẽ thanh tẩy chúng; chúng sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Đavit tôi tớ Ta sẽ là vua của chúng, chúng sẽ chỉ có một chủ chăn mà thôi. Chúng sẽ tuân giữ và thực thi các giới răn của Ta. Chúng sẽ cư ngụ trong đất mà Ta đã ban cho Giacóp tôi tớ Ta, và là đất tổ phụ chúng đã cư ngụ; chúng và con cái cùng cháu chắt của chúng sẽ cư ngụ ở đó đến muôn đời. Và Đavit, tôi tớ Ta, sẽ là vua của chúng đến muôn đời. Ta sẽ ký kết với chúng một giao ước hoà bình: Đó sẽ là một giao ước vĩnh cửu đối với chúng. Ta sẽ gầy dựng chúng, sẽ cho chúng sinh sản ra nhiều và sẽ thiết lập nơi thánh Ta giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà Tạm Ta sẽ ở giữa chúng. Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Các dân tộc sẽ biết rằng Ta là Chúa, Đấng thánh hoá Israel, khi đã lập nơi thánh Ta ở giữa chúng đến muôn đời”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Gr 31, 10. 11-12ab. 13
Đáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).
Xướng:
1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: “Đấng đã phân tán Israel, sẽ quy tụ nó lại, và sẽ gìn giữ nó, như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình”. – Đáp.
2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. – Đáp.
3) Bấy giờ người thiếu nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng ra niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. – Đáp.
TIN MỪNG: Ga 11,45-56
45 Khi ấy, trong những người đến thăm Maria, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giêsu. 46 Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. 47 Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây ? Vì người này làm nhiều phép lạ. 48 Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”.
49 Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! 50 Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. 51 Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, 52 và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối.
53 Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. 54 Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do Thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. 56 Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao ? Người có đến hay không ?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
SUY NIỆM
A/ 5 phút cho Lời Chúa
CHẾT THAY CHO MUÔN NGƯỜI
Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân… để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. (Ga 11,51-52)
Suy niệm: Những người thù địch với Đức Giê-su đều muốn giết Ngài. Nhóm Pha-ri-sêu vin vào lý do ‘chính trị’ để biện minh cho ý đồ khử trừ Đức Giê-su: Bởi vì nếu “mọi người tin vào ông ấy” thì người Rô-ma sẽ có cớ tiêu diệt toàn dân! Lãnh đạo tôn giáo bấy giờ là thượng tế Cai-pha còn phát biểu một điều mà Phúc Âm Gio-an xác định là một lời “nói tiên tri”: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” Thật bất ngờ, Đức Giê-su cũng ‘đồng quan điểm’ với họ rằng Ngài sẽ phải chết; nhưng điều khác biệt là một đàng “chỉ vì ghen tỵ” (Mc 15,10) mà họ mưu hại Ngài; còn chính Ngài, tự nguyện “vâng theo ý Cha” (Mt 26,42), Ngài đã tự hiến mạng sống mình để “làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28).
Mời Bạn: Chúa Giê-su tự nguyện chết đi để vâng phục ý Chúa Cha; cái chết của Ngài là cái chết đem lại ơn cứu độ và sự sống cho muôn người bởi vì Chúa Cha đã cho người sống lại; cũng thế, nếu chúng ta “dìm mình trong cái chết của Người” chúng ta sẽ được sống lại trong sự sống mới với Người (x. Rm 6,4). Có rất nhiều thứ nơi chúng ta có ‘chết đi’, nghĩa là được “dìm trong cái chết của Đức Ki-tô” – đó là tính ích kỷ kiêu căng, lòng tham lam tiền của, đam mê dục vọng… – chúng ta mới có thể tham dự vào sự sống mới của Chúa và chia sẻ sự sống đó cho nhiều người.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn ‘tiêu diệt’ một ý tưởng xấu xa, một ham muốn tội lỗi trong tâm hồn mình, để luôn sẵn sàng làm theo ý Chúa để phục vụ anh chị em.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa không ưa thích lễ toàn thiêu và lễ đền tội, nhưng Chúa đã tạo cho con một thân thể. Vì thế, con thưa với Chúa: Lạy Chúa này con xin đến để thực thi ý Ngài” (x. Hr 10,5-7).
B/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
CHẾT VÌ YÊU
Chứng kiến phép lạ cả thể, Đức Giêsu cho Lazaro sống lại, người Do Thái đã có hai thái độ: một số người tin vào Đức Giêsu, nhưng một số khác thì muốn giết Người. Tin Mừng hôm nay cho ta biết điều ấy.
Những người tin theo Đức Giêsu, chắc hẳn là họ có lòng tin chân thành, không chút thành kiến, nên khi nhìn thấy mọi việc Đức Giêsu làm, họ tin ngay Người là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai đến.
Ngược lại, những người không tin, gồm giới Thượng tế và Pharisêu nặng óc thành kiến tự phụ, nên cho dù họ đã thấy rất nhiều những việc Đức Giêsu đã làm, những công việc xuất phát từ tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Thế nhưng, họ vẫn không tin, lại tìm cách giết Người.
Nhóm Thượng tế và Pharisêu toa rập với nhau, lập thành một Thượng hội đồng để xét xử Chúa Giêsu: “Chúng ta phải làm gì đây, vì người này làm nhiều phép lạ? Nếu chúng ta để mặc người ấy như vậy, thì mọi người sẽ tin vào ông ta, và người Rôma sẽ đến hủy diệt nơi này và dân tộc ta”. Thế đấy, lý do mà họ lên án tử cho Chúa bởi vì: “Người làm nhiều dấu lạ”, bởi vì “mọi người sẽ tin theo Chúa”. Và như vậy có nguy cơ là vai trò lãnh đạo của họ sẽ bị suy giảm, bị mất tầm quan trọng. Do đó, giới lãnh đạo Do Thái giáo lôi Chúa vào trò chơi chính trị, nhân danh điều tốt “vì dân vì nước” để diệt trừ Chúa. Thượng tế Caipha góp cao kiến: “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt”. Nhưng thực tế, dù người Do Thái có giết Chúa, vào năm 33, cũng vẫn không ngăn được đế quốc Rôma đến tàn phá đền thờ Giêrusalem và dân tộc Do Thái, vào năm 70.
Ngày nay, cái chiêu bài của Thượng tế và Pharisêu nhân danh điều tốt để làm điều xấu dường như vẫn được áp dụng triệt để, những khẩu hiệu: “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” xem ra chỉ là trò mị dân, ít khi được giới lãnh đạo thực hiện. Chẳng vậy mà dân ta vẫn bị cướp đất dưới danh nghĩa để thực hiện dự án này nọ, điển hình như vụ đất Tòa Khâm Sứ Hà Nội, khu đô thị Thủ Thiêm, hay vườn rau Lộc Hưng…
Một cách nào đó, rất có thể cách sống của giới Thượng tế và Pharisêu cũng đã nhiễm vào chúng ta, khi ta nói hành nói xấu, khi kết án anh chị em bởi cái nhìn hẹp hòi của mình vì ganh tị trước sự thành đạt của người khác. Ấy là nguyên nhân làm cho tha nhân phải đau khổ có khi sống không bằng chết. Ấy là tội giết Chúa trong anh em.
Mùa Chay thánh giúp ta canh tân đời sống để nên giống như Chúa Giêsu chết thay cho nhân loại. Xin cho chúng ta biết chết đi tính ganh tị, tư tôn, ích kỷ để có thể yêu thương, phục vụ, tiêu hao bản thân cho than nhân, như chính Chúa đã yêu thương, phục vụ và hiến mạng vì chúng ta. Amen
C/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
ĐỨC GIÊSU CHẾT THAY CHO DÂN
- Phép lạ Đức Giêsu làm cho Lazarô phục sinh làm cho nhiều người Do thái tin Ngài, nhưng cũng không ít người còn nghi ngờ. Có người đi kể lại với các thượng tế và nhóm biệt phái về những việc Ngài đã làm. Nhóm biệt phái và thượng tế quyết định lập một Thượng hội đồng để kết án tử Đức Giêsu. Ông Cai pha đã nói: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”… “… Với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Đức Giêsu phải chết thay cho dân. Và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
- Đức Giêsu là người công chính đã bị các kẻ gian ác hùa nhau mưu hại. Tâm trạng này phù hợp với Đức Giêsu trong những ngày cuối cùng của Ngài ở trần gian. Sau ba năm vất vả để rao giảng Tin mừng Cứu độ và thi ân giáng phúc, Đức Giêsu phải đối diện với một thực trạng đáng buồn. Những cố gắng của Ngài chỉ được những kẻ thành tâm thiện chí đón nhận, mà đa số thuộc thành phần nghèo khổ, bất hạnh. Còn những kẻ có vai vế, những kẻ tự xưng là đạo đức, là có học vấn thì lại chống đối Ngài. Nếu chỉ xét về bên ngoài thì công lao của Chúa ví như muối bỏ biển. Nhìn từ góc độ con người thì góc độ cứu độ của Chúa Cha dường như chẳng mang lại kết quả bao nhiêu.
- Trong bất cứ xã hội nào, ngày xưa cũng như ngày nay, độc lập, tự do, quyền lợi của quốc gia dân tộc, thường được người ta nại đến, để biện minh cho chiến tranh và việc giết hại người vô tội, chẳng hạn hy sinh một mạng người có là gì, miễn là có lợi cho quốc gia và dân tộc.
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do Thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: Họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang, trong khi đó, Đức Giêsu lại đứng ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến để giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi.
Chứng kiến việc Đức Giêsu cho Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại, có nhiều người Do thái tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và biệt phái lại sợ rằng Ngài càng làm nhiều phép lạ, dân chúng càng tin theo Ngài, thì chính quyền Rôma sẽ đến tiêu diệt dân tộc, nên họ bàn luận và quyết định: “Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Người đó không ai khác hơn là Đức Giêsu, một mình Ngài hy sinh chịu chết để đem lại sự sống cho muôn người.
- “Thà một người chết thay cho dân…”
Đức Giêsu đã hy sinh chịu chết để cứu độ toàn thể nhân loại và qui tụ muôn dân thành một dân mới của Thiên Chúa là Giáo hội. Thật là một thay thế lạ lùng: chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thay thế cho mọi người, và vô tình sự tính toán vụ lợi của con người đã giúp Thiên Chúa thực hiện chương tình cứu rỗi của Ngài.
Cái chết của Đức Giêsu qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về một mối.
Trong bài giảng về “mục tử nhân lành”, Đức Giêsu từng nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Như vậy, sau cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, một dân mới của Thiên Chúa được khai mở, không còn bị giới hạn trong dân tộc Israel nữa; con cháu của tổ phụ Abraham không chỉ thuộc huyết thống nữa mà là những ai tin vào Con Thiên Chúa; một cuộc tân sáng tạo bắt đầu, mọi Kitô hữu khắp nơi trên thế giới được sinh ra dưới chân thập giá và xuất phát từ cạnh sườn Đức Giêsu. Sự sáng tạo ban đầu đã nhiệm lạ, thì ơn cứu độ còn lạ lùng biết bao (Mỗi ngày một tin vui).
- Một nông dân đi xe ngựa ra phố. Đến một cửa tiệm, ông dừng xe vào mua đồ. Ông vừa tới cửa thì con ngựa hí lên và bỏ chạy. Ông vội vàng chạy ra siết chặt dây cương.
Con ngựa càng hoảng sợ hơn và chạy tứ tung trên đường, kéo theo người nông dân tội nghiệp. Dân chúng đổ xô ra, đến khi ghìm được ngựa thì người nông dân bê bết máu và thoi thóp thở.
Một người hỏi: “Sao mà ông dại dột hy sinh đời mình vì con ngựa và chiếc xe như thế?”
Ông thều thào: “Cứ nhìn vào trong xe thì biết!”
Họ nhìn vào và thấy đứa con nhỏ của ông còn đang ngủ (Góp nhặt).
- Truyện: Cha Maximilien Kolbe chết thay người tù
Trong thế chiến thứ hai, ngày nọ trại giam có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh thấy thiếu mất một người, viên sĩ quan áp dụng ngay luật lệ của Phát xít Đức: Một tù nhân trốn thoát, mười tù khác phải đền mạng.
Trên sân nhà tù, ai nấy đều thinh lặng, ai nấy đều lặng thinh và khiếp đảm. Viên sĩ quan coi tù vừa giận dữ rảo bước vừa giơ tay chỉ định: Tên này… tên này…tên này… Ai lâm vào sổ đoạn trường thì phải sang sắp hàng một bên. Chợt có tiếng kêu thất thanh: “Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ”.
Giữa bầu khí thinh lặng rùng rợn ấy, một tù nhân bước ra khỏi hàng, đứng nghiêm nghị. Viên sĩ quan Đức quát hỏi:
– Mi là ai?
Cha Maximilien Kolbe trả lời:
– Linh mục Công giáo.
– Mi muốn gì?
– Tôi xin tình nguyện chết thay cho anh bạn tù này, vì anh ta còn đàn con nhỏ và vợ dại.
Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngẩn, ngạc nhiên, thán phục… Cha đã chết thay để trở nên chứng tích của tình yêu.