“Khi Đấng Bảo Trợ đến, […] Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha,
Người sẽ làm chứng về Thầy”. (Ga 15,26)
Bài Ðọc I: Cv 16, 11-15
“Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe những lời Phaolô giảng dạy”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Chúng tôi xuống tàu tại Trôa và đi thẳng đến Samôthra, và hôm sau đến Nêapôli; rồi từ đó đi Philippê là thành thứ nhất vùng Macêđônia, và là xứ thuộc địa. Chúng tôi lưu lại thành này một ít ngày. Ðến ngày Sabbat, chúng tôi đi ra ngoài cửa thành đến bờ sông, chỗ người ta thường hợp nhau đọc kinh. Chúng tôi ngồi xuống giảng cho những phụ nữ đang tề tựu ở đó. Bấy giờ có một bà tên là Lyđia, buôn vải gấm, quê ở Thyatira, có lòng thờ Chúa, cũng ngồi nghe; Chúa đã mở lòng cho bà chú ý nghe các điều Phaolô giảng dạy. Sau khi chịu phép rửa tội làm một với gia đình, bà nài xin rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi đã nên tín đồ của Chúa, thì xin đến ngụ tại nhà tôi”. Bà nài ép chúng tôi.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4. 5 và 6a và 9b
Đáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Đấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.
3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.
Tin mừng: Ga 15,26-16,4
26Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
1Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.
3Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
CÙNG THÁNH THẦN LÀM CHỨNG CHO CHÚA KI-TÔ
“Đấng Bảo Trợ… là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.” (Ga 15,26-27)
Suy niệm: Ngay lúc sắp chịu khổ hình, Đức Giê-su giao cho các môn đệ nhiệm vụ làm chứng về Ngài. Lời chứng chỉ đáng tin khi người làm chứng là người trực tiếp chứng kiến, và hơn nữa họ hoàn toàn xác tín nói lên điều mà chính họ đã “mắt thấy tai nghe” (x. Cv 4,20). Nhiệm vụ làm chứng cho Đức Ki-tô được giao cho các môn đệ thật là thích đáng bởi vì các ông “ở với Chúa ngay từ đầu”. Nhưng nhiệm vụ cao cả đó có thể trở nên bất khả thi bởi vì vô vàn khó khăn thách đố: Thế gian ghét Đức Ki-tô thì họ cũng ghét các môn đệ Người. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ được sai đến để họ cùng với Ngài làm chứng cho Đức Ki-tô. Tại công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49, các tông đồ đã tuyên bố như thế: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định…” (Cv 15,28).
Mời Bạn: Ở với Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Thánh Thần là điều kiện thiết yếu để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô. Làm chứng cho Chúa không chỉ là việc truyền đạt một thông tin, mà còn là dám sống và dám chết cho niềm tin ấy. Hiệp cùng Chúa Thánh Thần trong đời sống cầu nguyện, và trình bày Đức Ki-tô trước hết qua những cử chỉ, hành vi và cả sự hiện diện thể hiện tình yêu thương, đó là cách làm chứng hiệu quả mà lời nói suông không thể làm được.
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái với ý hướng làm chứng cho Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban sức mạnh để chúng con cùng với Chúa làm chứng rằng Đức Ki-tô chính là Đấng cứu độ trần gian. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Chúng ta đang ở vào những ngày cuối của mùa Phục sinh. Phụng vụ đang dẫn dần chúng ta tới lễ Thăng Thiên và Lễ Hiện Xuống. Vì thế Phụng vụ bắt đấu cho chúng ta nghe những đoạn Tin Mừng về hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Thánh Thần là Thần chân lý, là Thần khí của sự thật, điều này chúng ta không cần tìm đâu xa mà ngay trong bài đọc một đã chứng minh. Vì cứ theo sách Tông đồ công vụ thì sau khi lãnh nhận Thánh Thần vào dịp Lễ Ngũ tuần, các Tông Đồ đã lần lượt ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người như lệnh Chúa Giêsu đã truyền. Và quả thật Thánh Thần chân lý đã hoạt động trong các Tông đồ cũng như trong các kẻ nghe các Ngài, để rồi hành trình truyền giáo của các Ngài đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong cộng đoàn tín hữu thời sơ khai, không thiếu những hình thức bách hại, từ đe dọa, vu cáo đến lùng bắt, đánh đòn ném đá hoặc chém đầu. Nhưng dù vậy, các Tông Đồ vẫn can đảm rao giảng và củng cố lời giảng bằng các phép lạ. Mọi người đều đồng tâm nhất trí với nhau, chăm lo cầu nguyện, liên đới với người nghèo, năng nổ, nhạy bén với sứ vụ đến với muôn dân để rao giảng Tin Mừng. Cuộc sống cộng đoàn trở nên lời chứng hùng hồn về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh và sức sống mãnh liệt trong Chúa Thánh Thần.
Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động như vậy. Chúng ta có thể thấy trong các giáo họ, các khu xóm, giáo xứ của chúng ta, không thiếu những anh chị em giáo dân âm thầm thăm viếng người đau yếu, giúp đỡ người nghèo, nhắc nhủ nhau xưng tội, rước lễ, học hỏi giáo lý, lập các nhóm tông đồ giáo dân. Qua họ, Thánh Thần Chúa tiếp tục canh tân Giáo xứ, canh tân Giáo Hội và thế giới từ bên trong. Họ đem lại niềm vui, tình yêu thương và sự an bình, làm cho người chung quanh có được một kinh nghiệm trung thực về Thiên Chúa và tình yêu thương của Ngài.
Chúng ta hãy siêng năng cầu xin Chúa Thánh Thần xuống trên gia đình, trên khu xóm chúng ta. – tập quan tâm hơn đến đời sống chung, công việc chung; – sẵn sàng đóng góp công sức, sáng kiến để làm cộng đoàn đuợc thăng tiến.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
SINH HOA KẾT QUẢ
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 6 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Mầu Nhiệm Vượt Qua đã đem lại cho chúng ta ân huệ dồi dào, xin Chúa cho chúng ta được thấy những ân huệ Chúa ban sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời chúng ta.
Sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời nhờ tuân giữ giới luật yêu thương của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã cho thấy: Yêu thương hết mọi người, đó là điều răn mới Đức Giêsu đã dạy và còn tiếp tục dạy chúng ta: Căn cứ vào điều này chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Chúa Kitô, đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng.
Sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời nhờ ơn Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta qua Bí Tích Thánh Tẩy, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, ông Điđimô Alêxanria nói: Quả vậy, thân xác con người giống như chiếc bình sành, cho nên trước hết, cần lấy nước mà rửa cho sạch, rồi lấy lửa thiêng liêng mà nung cho cứng, cho hoàn chỉnh. Vậy, thân xác ấy cần có Thánh Thần để nên hoàn hảo và được đổi mới, vì lửa Thần Khí cũng có sức tưới gội, và nước Thần Khí cũng có sức nung lại.
Sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời là nhiệt thành loan báo Tin Mừng cứu độ đến cho tất cả mọi người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc các môn đệ không mệt mỏi ra đi rao giảng Tin Mừng, và Chúa mở lòng cho dân ngoại đón nhận lời rao giảng của các ông: Có một bà tên là Lyđia, quê ở Thyatira, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa; bà nghe, và Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phaolô nói.
Sinh hoa kết quả trong suốt cuộc đời là trung thành làm chứng cho Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 149, vịnh gia đã kêu gọi: Chúa mến chuộng dân Người. Kẻ hiếu trung hãy vui mừng rạng rỡ, nào phủ phục mà cất tiếng reo hò, miệng vang lời tán dương Thiên Chúa. Đó là niềm vinh dự cho mọi kẻ trung hiếu với Người. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng về Thầy. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.
Một cuộc đời làm chứng cho Đức Kitô là một cuộc đời sinh hoa kết quả từ những đau khổ, sỉ nhục, và thập giá của Đức Kitô. Thần Khí sự thật sẽ làm chứng cho Đức Kitô, Thần Khí chính là tình yêu, còn bằng chứng nào xác thực hơn bằng chứng của Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu: làm chứng cho Chúa Cha, Đấng là người yêu và Chúa Con, Đấng là người được yêu. Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu ngu dại và điên rồ trong mắt thế gian. Tin và làm chứng cho Đấng ấy, ắt hẳn, chúng ta sẽ bị thế gian bách hại: sẽ đến giờ, kẻ nào giết anh em, cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Ước gì chúng ta dám can đảm làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu, bằng chính cuộc sống: rập theo khuôn mẫu tình yêu hiến tế của Người, để cuộc đời chúng ta luôn sinh hoa kết quả như lòng Chúa ước mong. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Anh em cũng làm chứng
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói những lời từ biệt với các môn đệ trong bữa tiệc ly. Có hai điều căn bản Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ:
Điều thứ nhất, Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết về nguồn gốc của Chúa Thánh Thần: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ phái đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha”. Như thế, Chúa Thánh Thần có nguồn gốc Thiên Chúa, “Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con”. Chúa Thánh Thần còn được gọi là Thần Khí sự thật có uy quyền giải thoát chúng ta khỏi sự dối trá của Satan, và dẫn đưa các tín hữu vào trong sự thật toàn vẹn là chính Chúa Kitô.
Điều thứ hai, Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết: Chúa Thánh Thần làm chứng về Chúa Giêsu. Cho nên, những ai đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm chứng về Chúa Giêsu trong cuộc sống hằng ngày. Từ ngữ Hy Lạp “Martyr” có nghĩa là làm chứng, tử đạo. Và như thế, Kitô hữu làm chứng về Chúa là chấp nhận tử đạo mỗi ngày. Có nhiều hình thức tử đạo mà Kitô hữu sẽ gặp phải, chẳng hạn bị người ta nghi kị, thù ghét, bách hại, nói xấu nói hành, dù là Kitô hữu sống hiền lành lương thiện. Chẳng lại gì vì chính Chúa chúng ta đã bị đối xử như thế.
Có một người thanh niên kia đi làm thuê trong một công ty, người chủ tỏ ra khắc nghiệt với anh, thường xăm soi, la mắng. Nhưng anh vẫn nhã nhặn hiền hòa, làm cho ai lấy ngỡ ngàng. Mấy người bạn của anh thấy vậy, liền bảo:
– Mày bị điên hay sao mà lại chơi đẹp với kẻ xấu?
Nhưng có mấy người ngoại đạo làm chung với anh nhận xét:
– Anh ấy thật là môn đệ của Chúa Giêsu, vì sống theo Chúa Giêsu hiền lành và tha thứ. Đạo của anh ấy là đạo thật.
Vâng, làm chứng cho Chúa là chấp nhận tử đạo, chấp nhận hy sinh, bởi hy sinh là thước đo chứng tỏ tình yêu của ta dành cho Chúa và cho tha nhân.
Lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa của Thánh Phaolô bôn ba rao giảng khắp nơi và lòng nhiệt thành của người phụ nữ tân tòng Lyđia tận tình đón tiếp tha nhân, mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay (Cv 16,11-15) nêu lên, thật đáng cho chúng ta noi theo như một cách thức cụ thể để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
Lạy Chúa, xin cho lòng chúng con khắc khoải làm chứng cho Chúa bằng những công việc thường ngày của chúng con. Amen.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
(Ga 16,20-23a)
1. Tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau lúc sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về viễn tượng Khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Một lần nữa Đức Giêsu khẳng định chân lý “qua đau khổ đến vinh quang”.
Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều gian nan đau khổ, nhưng nếu kiên tâm và can đảm vượt qua, chúng ta sẽ chiến thắng cùng với Đức Giêsu và đạt được niềm vui bất diệt.
2. Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ :”Các con sẽ khóc lóc và than vãn”, lời cảnh tỉnh này còn nhắc cho các môn đệ sự thử thách họ sẽ trải qua trong cuộc khổ nạn và chịu chết trên thập giá của Đức Giêsu. Chúa bị bắt, các ông chạy tán loạn, Chúa bị treo trên thập giá và an táng trong mồ, các ông lo sợ, ẩn mình trong phòng, đóng kín cửa; vài người khác thất vọng bỏ về quê. Làm môn đệ của Đấng bị đóng đinh không phải là chuyện dễ dàng, êm xuôi :”Ai muốn theo Thầy thì hãy vác lấy thập giá mình hằng ngày mà theo Thầy”.
Nhưng cái chết của Đức Giêsu chỉ là một giai đoạn dù là giai đoạn không thể tránh né được. Chúa chết đi để sống lại. Chúa ra đi để rồi trở lại. Chúa Phục sinh trở lại gặp các môn đệ và biến đổi nỗi buồn thành niềm vui :”Thầy sẽ gặp lại các con và lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không ai có thể lấy mất đi được”.
3. Bằng hình ảnh tâm trạng vui buồn của người phụ nữ trước và sau sinh con được Đức Giêsu dùng để báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn và Phục sinh của Ngài. Qua đó, Ngài khẳng định :”xuyên qua thập giá đau khổ , mới đến vinh quang phục sinh.
Như hai môn đệ trong ngày Chúa phục sinh, bước nhanh trên con đường hướng về Emmaus, một làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Họ buồn sầu chán nản và than thở :”Chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ giải thoát dân Israel, nhưng… “(x.Lc 24,13-25), Chúa Giêsu Phục sinh mà họ không nhận ra, qua Kinh Thánh bắt đầu từ ông Maisen, tới các tiên tri, đã giải thích :”Đấng Thiên sai đã chẳng phải chịu những hình khổ ấy trước khi bước vào vinh quang của Ngài sao” (x.Lc 24,26-27). Qua đó, Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy rõ mầu nhiệm sự chết và sự sống lại là nền tảng của cuộc sống của người tin vào Chúa.
4. “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Đó là lời Đức Giêsu nói với các môn đệ, một lời khích lệ, một lời tiên báo, một lời hứa và cũng là lời bảo đảm chắc chắn. Thực vậy, khi Chúa chết, các môn đệ buồn phiền, nhưng khi Chúa sống lại, hiện ra với các ông, các ông vui mừng. Hai môn đệ trên đường đi Emmaus, sau khi gặp được Chúa đã phấn khởi vui mừng chạy về Giêrusalem báo tin cho các môn đệ khác. Cô Maria Madalena sau khi gặp được Chúa cũng vui mừng chạy về báo tin Thầy đã sống lại. Nỗi buồn chia tay nay lại trở thành niềm vui. Lời Chúa báo trước đã thành sự thật :”Bây giờ các con buồn sầu, nhưng khi Thầy gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng”.
5. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn vào những biến cố cuộc sống với cái nhìn đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tìm thấy được ý nghĩa cao cả của hy sinh : chỉ trong đức tin, đau khổ mới mang ý nghĩa của hy sinh và trở thành biểu tỏ của tình yêu Kitô giáo không phải là một tôn giáo đề cao đau khổ; Kitô giáo không tuyên xưng một Thiên Chúa chỉ biết vui lòng khi thấy con người đau khổ. Kitô giáo thiết yếu là đạo của tình yêu. Chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu được cảm nhận trong mọi hoàn cảnh cuộc sống mới có thể khiến cho người hy sinh ngay cả mạng sống mình; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
6. Chân lý “qua thập giá tới vinh quang” là bất biến. Và niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Niềm vui cao quí nhất dành cho những ai theo Đức Giêsu chính là sau khi trung tín vượt qua cuộc lữ hành trần thế, được gặp Đức Giêsu và hưởng niềm vui Phục sinh trong Nước Trời. Đó là niềm vui vĩnh hằng không ai có thể cướp mất được. Niềm vui mà thánh Phaolô từng nói :”Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18).
7. Truyện : Qua đau khổ tới vinh quang.
Có một người nọ luôn tỏ ra khó chịu, không thể nhìn bất cứ cái gì đẹp đẽ và khỏe mạnh. Một hôm đi ngang qua một vùng gần sa mạc, ông thấy một cây dừa non tươi tốt. Ông ta liền nhặt một cục đá khá nặng và đặt vào giữa đọt cây dừa rồi ra đi với nụ cười khoái trá đầy vẻ độc ác.
Cây dừa đã vùng vẫy tìm cách vứt hòn đá đi, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Cây dừa bèn đổi chiến thuật bằng cách đâm rễ thật sâu xuống tới những mạch nước ngầm dưới lòng đất. Sức sống đến từ lòng đất và hơi ấm mặt trời từ trên cao xuống đã làm cho cây dừa trở thành một cây dừa có sức mạnh nâng cả tảng đá lên cao.
Sau nhiều năm tháng trôi qua, người đàn ông kia trở lại với ước muốn hằn học rằng sẽ được nhìn thấy cây dừa oằn mình dưới sức nặng của viên đá. Cây dừa đã cúi sâu cho ông ta xem viên đá vẫn còn nguyên trong đọt non của mình và nói :
– Tôi cám ơn ông, chính viên đá tai ác của ông đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ và trưởng thành.