“Bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ”.
(Lc 16,25)
BÀI ĐỌC I: Gr 17, 5-10
“Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Đây Chúa phán: “Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc; họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn. Lòng người nham hiểm khôn dò, nào ai biết được ? Còn Ta, Ta là Chúa, Ta thấu suốt tâm hồn và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tuỳ theo cách sống và hậu quả hành vi của họ”.
ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa
1)Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Đáp.
2)Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.- Đáp.
3)Kẻ gian ác không được như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Đáp.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x. Lc 8,15
Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.
TIN MỪNG: Lc 16,19-31
Con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
19 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình.
20 Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, 21 ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy.
22 Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. 23 Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, 24 liền cất tiếng kêu la rằng:
“Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. 25 Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ.
Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. 26 Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.
27 Người đó lại nói: “Đã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, 28 vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”.
29 Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. 30 Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”.
31 Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
LẤP ĐẦY HỐ NGĂN CÁCH
“Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con… bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16,26)
Suy niệm: Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, cuộc sống con người ngày nay được cải thiện rất nhiều, bao nhiêu tiện nghi hiện đại giúp đời sống thoải mái hơn, đáng sống hơn. Thế nhưng trong xã hội hôm nay lại xuất hiện mặt trái đầy nhức nhối: sự phân hóa giàu – nghèo đang tồn tại và ngày càng phình to. Hố ngăn cách đó không phải tự nhiên mà có, mà là hậu quả của lối sống ích kỷ của con người. Hình ảnh ông nhà giàu ăn mặc xa hoa “ngày ngày yến tiệc linh đình” tương phản đến độ gây sốc với cảnh anh nhà nghèo La-da-rô cùng khổ nằm trước cửa nhà ông “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống” (cc. 19-21) đã nói lên tất cả. Không lấp được sự ngăn cách này bằng đời sống bác ái ngay ở đời này, thì người ta sẽ phải chịu sự ngăn cách bởi cái vực thẳm không thể vượt qua ấy ở đời sau.
Mời Bạn: Lối sống vô cảm trước khổ đau của tha nhân đang lây lan trong xã hội hôm nay. Bạn có suy nghĩ gì và có phản ứng gì trước tình trạng đó? Mời bạn nhìn sang bên cạnh mình xem thử có cái ‘hố’ nào bạn đang đào ngăn bạn và tha nhân đến với nhau không? Nếu có, xin bạn hãy lấp nó lại bằng những việc làm bác ái chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Luôn sẵn sàng chia sẻ với những ai lâm cảnh ngặt nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, từ cạnh sườn, Chúa đã đổ những giọt nước và máu cuối cùng cho chúng con được giải thoát khỏi cái chết đời đời. Xin cho chúng con cũng biết chia sẻ những giọt nước ấy cho anh chị em mình bằng đời sống đượm tình bác ái. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY
Lc 16, 19-31
“Có một ông nhà giàu kia… ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó, tên là La-da-rô… thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”.
Trong mọi thời đại, luôn có ‘người giàu’ và ‘người nghèo’, hình thành một khoảng cách, mà việc san bằng luôn đòi hỏi nỗ lực bền bỉ phải ‘quên mình’ và ‘nghĩ đến’ người khác. ‘Nhà giàu’ bị lên án không phải vì ‘giàu’, mà vì không biết ‘nghĩ đến’ người nghèo.
Chúa Giêsu đả kích giới Pha-ri-sêu vì họ chỉ nghĩ đến mình, nên họ không thể ‘mở lòng’ ra cho tha nhân và cho sứ điệp Phúc Âm. Nhà giàu cố tình lãng quên chân lý này: “Những gì họ có đều là do Trời ban”. Nên họ sử dụng tài sản chỉ cho riêng mình, cho gia đình mình, có khi sử dụng một cách phung phí, thậm chí bất công.
Chỉ có một điểm chung giữa người giàu và người nghèo: đó là cả hai đều phải chết; giàu cũng chết mà nghèo cũng chết. Và lúc đó, khoảng cách giàu-nghèo vẫn còn tồn tại, khoảng cách mà người giàu không muốn lấp đầy trong cuộc đời này thì sau khi chết khoảng cách đó vẫn còn và còn gia tăng gấp bội và đảo nghịch ngôi thứ ở đời sau: người nghèo trở nên giàu có trong ‘yến tiệc’ đời đời, còn nhà giàu thì trầm luân trong ‘lửa không hề tắt’.
– Màu tím của Mùa Chay, phải trở nên màu tím của tâm hồn, màu tím của lòng sám hối, của nỗi khát khao đổi mới tâm hồn mình. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lại mối tương quan với người nghèo. Tập nhận ra những anh chị em nghèo khổ bên cạnh chúng ta, trong nhà chúng ta, và cho chúng ta biết chân thành quan tâm đến họ.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
GIỮ VỮNG NIỀM TIN và THỰC THI BÁC ÁI
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 2 Mùa Chay này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa yêu thích những tâm hồn thanh khiết và làm cho con người tội lỗi lại trở nên tinh tuyền. Xin Chúa làm cho chúng ta hướng trọn về Chúa, để nhờ ơn Thánh Linh thúc đẩy, chúng ta luôn nhiệt thành giữ vững niềm tin và tích cực thi hành đức bác ái.
Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành đã tường thuật: Chúa truyền cho ông Môsê: Anh hãy xem trong toàn dân những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người. ĐỨC CHÚA lấy một phần thần khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi vị kỳ mục. Khi thần khí đậu xuống trên các ông, thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng, việc đó không tái diễn nữa. Các kỳ mục là những người có Thần Khí Đức Chúa, nhưng, không phải lúc nào họ cũng quy hướng về Chúa, giữ vững niềm tin vào Chúa và thực thi bác ái đối với Dân Chúa.
Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hilariô cho thấy: Lòng kính sợ đích thực đối với Thiên Chúa thì hoàn toàn nằm trong yêu mến, và khi mến Chúa đến mức trọn hảo thì sợ hãi tiêu tan. Yêu mến Chúa thì phải vâng nghe lời Người dạy, tuân theo lệnh Người truyền, và tin vào lời Người hứa. Những ai kính sợ ĐỨC CHÚA thì không ngang bướng bất tuân lời Người dạy, và những ai kính mến Người thì giữ vững đường lối của Người. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Giêrêmia nói: Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời; phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 1, vịnh gia cũng cùng chung tâm tình này khi nói: Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa. Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Kính sợ Chúa, yêu mến Chúa, thì hướng trọn về Chúa, giữ vững đường lối Chúa, và kiên trì nhẫn nại thực thi bác ái với anh chị em mình, như Lời Chúa dạy, đúng như câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca không cho thấy ông phú hộ phạm một tội nào khiến ông phải sa hỏa ngục, ngoại trừ việc, ông thờ ơ lãnh đạm trước anh Ladarô nghèo khó. Có lẽ, ông cũng giống như “người anh cả”, suốt đời không bao giờ làm sai Luật Chúa, nhưng, ông lại tự biến mình thành người nô lệ, thay vì, là người con Chúa. Ông cậy dựa vào chính mình, vào sự giàu có của mình, để rồi, ông không cần Chúa cũng chẳng cần ai. Việc ông không thực thi bác ái đối với anh Ladarô cho thấy: Ông không quy hướng về Chúa, như người Cha của mình, bởi lẽ, khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, thì đồng nghĩa, ông cũng đón nhận anh Ladarô là người anh em, con cùng một Cha với mình. Hỏa Ngục dành cho những ai tự mình cắt đứt tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Ước gì chúng ta luôn biết hướng trọn về Chúa: giữ vững niềm tin vào Chúa, để chúng ta sẽ như cây trồng bên dòng nước, trổ sinh hoa trái là các việc lành bác ái cho tha nhân. Ước gì được như thế!
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
NGƯỜI GIÀU CÓ VÀ NGƯỜI NGHÈO KHÓ
1.Hôm nay Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn người phù hộ và Lazarô nghèo khó. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho chúng ta biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo họ biết yêu thương tha nhân hay không. Ngài vạch ra cho chúng ta con đường dẫn tới ơn cứu độ: biết nghe theo lời hướng dẫn của Maisen, các tiên tri, đặc biệt là Lời Chúa để sám hối, hoán cải và yêu thương mọi người, nhất là những anh chị em đau khổ. Thiên đàng không dành cho một mình chúng ta, chúng ta chỉ có thể tiến vào cùng với anh chị em trong tình yêu thương.
2.Mở đầu dụ ngôn, chúng ta thấy hai con người với hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược xuất hiện. Một bên đại diện cho phú quí giàu sang, ngày ngày yến tiệc linh đình, còn bên kia là nghèo khổ, bệnh hoạn, dơ dáy bẩn thỉu. Một bên là thế giới của “lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình” và một bên là thế giới bệnh hoạn nghèo túng đến thảm thương, thế giới của “mụn nhọt ghẻ lở đầy mình” và là thế giới của những ước ao rất ư bình dị đáng thương “thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống ăn cho no”. Cả hai thế giới ấy đều được khép lại với cái cửa là sự chết, nhưng cũng đồng thời mở ra một thế giới mới với hai số phận, hai cảnh đời hoàn toàn trái ngược nhau.
3.Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hoả ngục ? Tội ông ở chỗ nào ? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hững hờ, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót” như chúng ta đọc trong kinh Cáo mình. Ông chỉ biết hưởng thụ, yến tiệc linh đình, ca hát suốt ngày đêm mà không màng gì đến người nghèo khó Lazarô nằm ngay cổng nhà ông, muốn ăn những hạt cơm rơi trên bàn ăn của ông mà cũng không được.
4.Người ta thường nói: “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”: lành dữ đều có thưởng phạt, cao bay xa chạy cũng không thể thoát được. Cái chết đã phân chia hai người thành hai thế giới đối nghịch. Người phú hộ bị phạt, Lazarô được thưởng. Bài học Chúa dạy ta hôm nay là phải biết quản lý tài sản của Chúa “cho nên” vì chúng ta không phải là chủ mà chỉ là quản lý những gì Chúa đã thương ban. Phải có tinh thần liên đới và bác ái, phải biết chia sẻ với người đau khổ hầu kiếm được nhiều bạn hữu để “họ sẽ đón rước các con vào an nghỉ đời đời” (Lc 16,9).
5.Chắc chắn cảnh giàu nghèo là điều không thể tránh được. Nhưng trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta cách giải quyết: người giàu luôn sẵn có kẻ nghèo bên cạnh để có dịp thực hành giới răn trọng nhất hầu được phần thưởng Chúa ban. Tiền của dư thừa là một nguy hiểm cho những ai không có lòng mến Chúa, nhưng người có lòng mến Chúa thật thì sẽ biết sử dụng tiền của Chúa ban để làm ích cho mình và cho người khác nữa. Chúng ta dễ hiểu tại sao người giàu bị Chúa phạt khổ cực, còn người nghèo lại được Chúa thương. Bởi vì tuy nghèo khổ, nhưng người nghèo vẫn một lòng tin tưởng phó thác nơi Chúa, trong khi đó người giàu có lại khép kín tâm hồn, không biết liên đới chia sẻ với người khác. Như thế, chúng ta thấy thái độ lãnh đạm dửng dưng trước đau khổ của người khác cũng là một trọng tội (Mỗi ngày một tin vui).
6.Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã lưu ý những người con tinh thần của mình như sau: “Của cải chôn vùi con, nếu con đội nó lên đầu. Của cải làm bệ chân con nếu con đứng trên nó. Không có của mà tham vẫn chưa phải là nghèo khó. Có của mà không dính bén vẫn có thể có lòng khó nghèo thật sự. Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Không phải là của con, nhưng là của Chúa trao cho con sử dụng. Để có tinh thần nghèo khó và nhất là sống tinh thần nghèo khó, cần có tràn đầy tình yêu Chúa. Con hãy về bán tất cả những gì con có, bố thí cho người nghèo, rồi đến đây theo Chúa. Chàng thanh niên giàu có không thể đáp lại lời mời gọi sống khó nghèo trên bước đường theo Chúa, nên đã buồn sầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của mà không có nhiều tình yêu Chúa”.
Truyện: Chúa đến thăm bà lão
Chúa hứa với một bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.
Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.
Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.
Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và ngủ qua đêm. “Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.
Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.
Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: “Hôm nay ta đến với con 3 lần và cả ba lần con đều đuổi Ta” (Góp nhặt).
E/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
NGƯỜI PHÚ HỘ VÀ ANH LAZARO
Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể cho dân chúng nghe một câu chuyện với mục đích giáo huấn cho họ biết cách sử dụng của cải. Câu chuyện có 2 vế nhân vật tương phản nhau: Người phú hộ và anh Lazaro.
Người phú hộ rất giàu: ông ta mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình, trong cung điện nguy nga, có kẻ hầu người hạ.
Còn anh Lazaro là người rất nghèo: nghèo đến nỗi không có nhà để ở, không có gì để ăn, không có tiền chữa bệnh ghẻ lở đầy mình…nằm xin ăn trước cửa nhà ông phú hộ.
Câu chuyện tưởng rất bình thường thôi, chẳng phải ở thời Chúa Giêsu mà ở thời nào cũng có; người giàu bên cạnh người nghèo “kẻ ăn không hết người lần không ra”. Thế nhưng, cái chết đã đảo ngược tình thế:
Anh Lazaro nghèo khổ được sung sướng ở trong lòng tổ phụ Apraham. Còn ông phú hộ phải ởtận dưới đáy âm phủ, bị lửa thiêu đốt, nóng khát cùng cực. Lazaro được hưởng hạnh phúc đời đời. Còn ông phú hộ phải khổ cực ngàn thu.
Phải chăng là bất công cho người phú hộ? Giàu đâu phải là một cái tội? Sở dĩ ông giàu là vì phải làm lụng vất vả, mất công tích góp mới có được. Của ông làm ra thì ông được hưởng. Hơn nữa, Chúa Giêsu không kết án ông phú hộvì đã bóc lột, lăng nhục hay xua đuổi anh Lazaro. Vậy thì tại sao ông phú hộ lại không được hạnh phúc ở đời sau?
Thưa, tại vì ông ta đã sống quá ích kỷ, không có lòng xót thương người. Ông nhìn thấy Lazaro đói lả, không còn sức để ngồi mà phải nằm, đói rét co ro, thân mình ghẻ lở ở ngay ngưỡng cửa hằng ngày ông đi ra đi vào. Thế mà, ông vờ như không thấy, không một chút động lòng xót thương, ông cố tình làm ngơ trước người đồng loại. Cho nên, Thiên Chúa thật công minh khi trả lại cho ông cân xứng với những việc ông làm khi còn sống.
Thái độ của người phú hộ gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Có thể chúng ta tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của chúng ta lại không biết yêu Chúa trong tha nhân.
Biết đâu, chúng ta cũng đang là những ông phú hộ của thời đại hôm nay sống dửng dưng vô cảm, không có lòng xót thương đồng loại. Ấy là khi chúng ta được Chúa ban cho có của cải, sức khỏe, tài năng… Nhưng lại giữ bo bo, không muốn chia sẻ, nâng đỡ những người nghèo, người đau bệnh… Chúng ta sẵn sàng vào quán hoang phí một bữa “nhậu” mấy triệu bạc, nhưng lại không thương đến người ăn xin nghèo khổ đang đứng trước cửa. Người ta nói rằng: “không ai giàu đến nỗi không cần ai cho gì cả. Cũng không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho”. Có nghĩa là mỗi người đều cần đến lòng thương xót của người khác. Đồng thời, cũng phải có lòng xót thương đồng loại.
Thật đau lòng, khi tổ chức lương thực thế giới FAO cho biết: mỗi ngày có 25.000 người chết vì đói, và mỗi năm có 6.000.000 trẻ em chưa đủ 5 tuổi bị chết vì đói. Chúng ta đã làm những gì để xóa đói giảm nghèo? Đức bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta phải liên đới với người nghèo khổ, “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống”, không được dửng dưng đồng lõa với những bất công vô nhân đạo trong xã hội hiện nay. Nếu chúng ta có lòng xót thương người thì phúc cho chúng ta, vì chắc chắn chúng ta sẽ được Thiên Chúa xót thương. Ngược lại sẽ là bất hạnh đời đời cho chúng ta vì đã sống ích kỷ không có lòng xót thương.
Lời Chúa đang thúc giục chúng ta: “Ai cho người bé mọn dù chỉ một chén nước lã thôi. Là trao ban cho chính Chúa là giơ tay đón nhận Ngài”.