Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy,
rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy (Ga 6,19)
Bài Ðọc I: Cv 18, 1-8
“Ngài cư trú và làm việc tại nhà họ, và giảng trong hội đường”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô rời Athêna đi Côrintô; ngài gặp một người Do-thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa từ đất Ý-đại-lợi đến làm một với vợ là Priscilla (bởi vì vua Clauđiô đã ra lệnh trục xuất mọi người Do-thái khỏi Roma); Phaolô đến gặp họ. Và vì chung một nghề, nên ngài cư trú và làm việc tại nhà họ: họ làm nghề dệt bố để làm nhà lều. Mỗi ngày Sabbat, ngài đến tranh luận tại hội đường, nêu danh Chúa Giêsu, thuyết phục người Do-thái và Hy-lạp.
Khi Sila và Timôthêu từ Macêđônia đến, Phaolô chỉ chuyên lo việc giảng dạy, minh chứng cho người Do-thái biết Chúa Giêsu là Ðức Kitô. Nhưng họ công kích và lăng mạ Ngài, nên ngài dũ áo nói với họ: “Máu các ngươi đổ trên đầu các ngươi. Phần tôi, tôi vô can, từ đây, tôi sẽ đến với dân ngoại”.
Ngài ra khỏi chỗ đó, vào nhà một người kia tên là Titô Giustô có lòng kính sợ Chúa, nhà ông ở bên cạnh hội đường. Bấy giờ Crispô trưởng hội đường, và cả nhà ông tin theo Chúa; nhiều người Corintô nghe giảng, cũng tin theo và chịu phép rửa.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. – Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân, Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. – Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
Tin mừng: Ga 16, 16-20
16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
17Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” và “Thầy đến cùng Chúa Cha” ?”
18Vậy các ông nói: “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì!”
19 Đức Giêsu biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’.
20Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
NỖI BUỒN THÁNH
“Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20)
Suy niệm: Trong ca khúc “Và con tim đã vui trở lại,” nhạc sĩ Đức Huy nói lên tâm sự của người muốn “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng vì thiếu niềm tin định hướng, họ “lạc loài niềm tin, sống không ngày mai” và chạy theo cuộc vui chóng tàn: “Rồi cuộc vui tàn mọi người bước đi, một mình tôi về nhiều lần ướt mi.” Và rồi, những cuộc vui như thế chẳng mấy chốc lại trở thành nỗi buồn bởi vì nó không lấp đầy được sự trống trải của tâm hồn cũng không trút bỏ được cái gánh trĩu nặng của tội lỗi.
Chúa Giêsu báo trước các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt với nỗi buồn thống thiết nhưng rồi nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm hoan lạc vô bờ: buồn với Thầy trong nỗi thương đau của cuộc Khổ nạn để rồi sẽ vui với Thầy trong niềm hoan lạc Phục Sinh.
Mời Bạn: Mỗi lần phạm tội, chúng ta cảm thấy buồn vì làm mất lòng Chúa, xa Chúa. Để “con tim vui trở lại” phải biết buồn vì tội lỗi, tức là sám hối trở về, Chúa sẽ biến nỗi buồn ấy trở thành niềm vui vì được giao hòa với Chúa và sống trong tình yêu của Ngài. Bạn hãy biết buồn khi lỡ phạm tội, buồn để thống hối, buồn để quay gót trở về, gặp Chúa Phục Sinh, đó là nỗi buồn thánh và mang lại niềm vui trong Chúa thật sự. Bạn có cảm nghiệm niềm vui đó sau một lần xưng tội sốt sắng không?
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tật xấu, bắt đầu từ tật xấu lớn nhất.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, lạy Chúa con, chính con trông cậy ở Ngài. Lạy Chúa, lạy Chúa con, hãy đưa con về sống trong niềm vui.” (“Sống trong niềm vui” – Lm. Nguyễn Duy)
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay làm cho các môn đệ thắc mắc phân vân. Và không riêng gì các tông đồ mà nếu chúng ta là những người sống đồng thời với các Tông đồ, có lẽ chúng ta cũng đã bàn tán với nhau như tâm trạng của họ hôm nay.
Và đáp lại thắc mắc của họ, Chúa Giêsu vẫn không làm sáng tỏ gì thêm khi Ngài nói: Các ngươi sẽ khóc lóc, sẽ than phiền, còn thế gian sẽ mừng rỡ. Các ngươi sẽ ưu phiền, nhưng sự ưu phiền của các ngươi sẽ trở thành niềm vui.
Các ngươi sẽ khóc, còn thế gian sẽ mừng rỡ. Mừng rỡ, vì dưới con mắt của dân ngoại thì cái chết của Chúa Giêsu là một sự sụp đổ, một thất bại lớn của một con người đang nổi tiếng. Và đó là lý do để họ có thể mừng rỡ vì những tưởng đã tiêu diệt được Ngài.
Trái lại, đối với những người đã từng theo Chúa giêsu với hy vọng theo kiểu trần gian, là Ngài sẽ giải thoát dân Israel ra khỏi ách đô hộ của ngoại bang, thì cái chết của Ngài cũng làm họ hụt hẫng: “Các ngươi sẽ ưu phiền”. Nhưng sự ưu phiền đó sẽ trở thành niềm vui, niềm vui mà mãi sau này khi Chúa Phục sinh, các môn đệ mới hiểu được. Và lúc đó cái chết của Chúa Giêsu đã thực sự trở thành niềm vui cho họ.
Chắc chắn chúng ta tin vào sự phục sinh của Đức Kitô; đó là niềm tin căn bản. Thế nhưng đứng trước cái chết của người thân, chúng ta phản ứng thế nào? Cách thực hành của chúng ta trong việc ma chay có nói lên niềm tin của chúng ta vào Đấng Phục Sinh không? Hay chúng ta cũng buồn nản thất vọng như những người ngoại giáo không tin gì về sự phục sinh?
Nếu không có Đức Kitô phục sinh thì đã không có những Phaolô, không có những tông đồ nhiệt thành ra đi rao giảng tin mừng, rao giảng Thập giá cứu độ để đem về những người con tin theo Chúa và chịu thanh tẩy như bài sách Tông đồ công vụ kể lại.
Đó chính là niềm vui mà Chúa đã biến đổi từ sự ưu phiền để trao tặng Hội Thánh chúng ta ngày nay.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
HOAN HỶ VUI MỪNG
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 6 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho Dân Chúa tham dự vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, xin Chúa cho chúng ta được luôn luôn hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại.
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với niềm hy vọng được sống: đời sống của con cái Thiên Chúa, một đời sống chỉ được bày tỏ khi Đức Kitô ngự đến, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan nói: Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với niềm trông cậy vững vàng vào những gì mắt phàm chưa thể nhìn thấy được, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả nói: Tin không do dự những gì mắt phàm không xem thấy, và trông cậy không nao núng những gì tầm nhìn không tới được. Nhưng lòng đạo đức này bởi đâu mà phát sinh, hoặc làm sao ai đó được nên công chính nhờ đức tin, nếu ơn cứu độ chúng ta chỉ hệ tại những gì mắt thấy?
Hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại là niềm hoan lạc của tất cả mọi người, kể cả dân ngoại, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc ông Phaolô và ông Xila bị chống đối, nhưng, hai ông vẫn tiếp tục hăng say rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 97, vịnh gia cho thấy chư dân cũng được hưởng ơn cứu độ của Chúa: Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ lại đến với anh em, và lòng anh em sẽ vui mừng. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Đức Giêsu không để chúng ta mồ côi, Người hứa: sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Người không hiện diện cách hữu hình, để đức tin của chúng ta trở nên tinh tuyền và vững chắc: không khiếp sợ gông cùm, tù tội, đói khát, lửa thiêu, hay bất cứ cực hình tinh vi nào khác. Chính các Tông Đồ, trước kia, dù đã được tận mắt chứng kiến các phép lạ Chúa làm, ấy thế mà, vẫn khiếp sợ trước Cuộc Thương Khó của Chúa, và do dự không chịu tin Chúa, khi Người đã sống lại, thì nhờ mầu nhiệm Chúa về trời, các ông đã tiến bộ, đến nỗi, tất cả những gì đã làm cho các ông khiếp sợ đều biến thành niềm vui. Bởi vì, không còn nhìn thấy thân xác của Chúa nữa, cho nên, tâm trí của các ông được bén nhạy, để dễ dàng nhìn ngắm Đấng, khi xuống trần không rời xa Chúa Cha, và khi lên trời cũng chẳng lìa bỏ các môn đệ. Đấng rời xa các môn đệ theo nhân tính, thì lại bắt đầu hiện diện cách nhiệm mầu khôn tả theo thần tính. Ước gì chúng ta luôn hoan hỷ vui mừng vì Đức Kitô đã sống lại, với một niềm hy vọng chắc chắn: Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta cách vô hình, cho đến khi, Người xuất hiện tỏ tường, để đưa chúng ta về với Chúa Cha. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Nỗi buồn của anh em sẽ biến thành niềm vui
Tin Mừng hôm nay tiếp tục tâm tình của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thổ lộ với các môn đệ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Lời Chúa Giêsu thổ lộ làm cho các môn đệ và cả chúng ta ngày nay, khó mà hiểu hết ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu câu: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy” một cách đơn giản thế này: Sau khi nói những lời ấy, Chúa Giêsu liền bước vào cuộc khổ nạn, chịu chết và mai táng trong mồ. Do đó mà, các môn đệ không còn nhìn thấy Chúa Giêsu bằng con mắt giác quan nữa, khiến các ông “lo buồn”. Nhưng Chúa Giêsu chỉ ở trong mồ có ba ngày, rồi sống lại vinh quang. Cho nên, “ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Thực sự, các môn đệ lại được nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh bằng đôi mắt đức tin, làm cho nỗi buồn của các ông biến thành hoan lạc. Và như vậy, Chúa Giêsu trở nên ý nghĩa của thời gian, các môn đệ đầy an vui hạnh phúc khi có Chúa hiện diện, ngược lại, các môn đệ đầy bất hạnh, khắc khoải, lo buồn khi vắng Chúa.
Mặt khác, câu nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”, cho thấy Chúa là chủ thời gian, thời gian là của Chúa, thời gian diễn ra theo thánh ý Chúa; bởi lẽ: “Đức Kitô vẫn là một hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Hr 13,8).
Con người sống trong thời gian là đang sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Cho nên trong mọi hoàn cảnh: thành công hay thất bại, gặp gỡ hay chia ly, buồn hay vui… đều trở nên có giá trị vĩnh cửu đối với những ai có lòng yêu mến Chúa thật tình: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28).
Thời gian tại thế, là cơ hội để chúng ta chiến đấu hoàn thiện bản thân, hết thời gian không ai còn có thể lập công đền tội được nữa. Cho nên, Thánh Biển Đức thúc giục các môn sinh: “Hãy chạy bao lâu còn ánh sáng, kẻo bóng tối sự chết bắt chụp các con”. Thánh Phaolô cũng cảnh tỉnh chúng ta: “Bạn không biết là lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải đó sao?”
Lạy Chúa, dù đang sống giữa thế sự thăng trầm xin cho chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật là chính Chúa nguồn hoan lạc của lòng con. Amen.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Nỗi buồn sẽ thành niềm vui
(Ga 16,16-20)
1. Sau khi loan báo về Chúa Thánh Thần sẽ đến, về hoạt động của Người, Đức Giêsu cũng loan báo về việc Người sẽ trở lại để khích lệ các môn đệ. Ngài nói :”Ít lâu nữa các con sẽ không còn trông thấy Thầy”. Nghĩa là:
– Người báo tin về sự tử nạn mà Ngài sắp chịu. Vì thế, các môn đệ sẽ không còn trông thấy Người nữa.
– Người loan báo về sự Phục sinh và sự trở lại của Người trong vinh quang. Vì thế, các môn đệ sẽ thấy Chúa, không bằng khả giác nhưng bằng đức tin.
2. Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Đức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông buồn. Sự lo buồn nơi các Tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước và bây giờ là gần kề : ”Một ít nữa… các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài nữa.
Vì thế Đức Giêsu nói : ”Các con sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.
Cho nên Ngài nhấn mạnh : ”Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Đức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu : Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang (Lm Vinh Sơn).
3. “Nhưng nỗi buồn của các con biến thành niềm vui”.
Với sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến : nước mắt trở nên tiếng cười… Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước :”Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn… nhưng khi sinh rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui… Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng; và niềm vui của các con không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục sinh mang lại.
4. Kitô giáo không chối bỏ thực tại của đau khổ, nhưng trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Kitô giáo không còn nhìn vào đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa, các con sẽ thấy Thầy”. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả những lúc tăm tồi của cuộc sống. Thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta (Mỗi ngày một tin vui).
5. Tóm lại, lời Chúa hôm nay là một lời nhắn nhủ đầy yêu thương, nhắc cho chúng ta nhớ mình chỉ là lữ khách sống tạm ở trần gian, như bông hoa sớm nở chiều tàn. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi lắm, chúng ta phải luôn sống tốt lành để được chết lành, chúng ta phải biết từ bỏ mình để gặp gỡ lại mình trong cõi vĩnh phúc.
6. Truyện : Niềm vui trong tình yêu Chúa.
Vào tuần thánh năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu :”Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ánh chính sự đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.
Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích :”Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.
Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi :”Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này” ?
Cô gái mỉm cười nói :”Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống”.