“Thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con
và đã yêu thương họ như đã yêu thương con”. (Ga 17, 23)
Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38
“Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.”
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11
Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. – Đáp.
2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Đáp.
3) Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. – Đáp.
4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Đáp.
Tin mừng: Ga 17,20-26
20Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.
22Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
25Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.
26Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN
“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.” (Ga 17,20)
Suy niệm: Trong bầu khí đầy xúc động của bữa Tiệc Ly, khi sắp sửa tự hiến mình làm hy tế, Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện tha thiết cùng Chúa Cha (x. Ga 17). Nhắm mục đích cao nhất là tôn vinh Chúa Cha, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu không chỉ giới hạn nơi các môn đệ mà còn mang tính phổ quát, mở rộng tối đa đến mọi người “để tất cả nên một,” “như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” Để làm được điều này, điều kiện thiết yếu là phải có lòng tin vào Chúa Giêsu, qua lời rao giảng của các tông đồ “mà tin vào Người Con.” Đức tin tông truyền là nền tảng trên đó toà nhà Giáo Hội được xây dựng. Đó là đặc tính của Giáo Hội Duy Nhất ta tuyên xưng qua kinh Tin Kính.
Mời Bạn: Chia rẽ là bóng ma luôn ám ảnh, rình rập và chờ cơ hội lung lạc đời sống cộng đoàn Kitô hữu. Khi chia rẽ, các bên liên quan đều cho rằng mình đúng, mình đang thuộc Hội Thánh, mình đang có Thánh Thần. Thế nhưng, Thần Khí Thiên Chúa là nguyên lý hợp nhất chứ không phải chia rẽ. Vì vậy, hành động nào mang tính chia rẽ không thể được coi là hành động của Thánh Thần. Và đảo lại, suy nghĩ, nhận định và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho tính duy nhất của Giáo Hội.
Sống Lời Chúa: Hằng ngày đọc kinh Chúa Thánh Thần: “an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành” để xin cho Giáo hội được ơn hiệp nhất.
Cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.”
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Trước khi từ giã các môn đệ để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu biết rằng những kẻ tin theo Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ và bị quyền lực sự dữ tấn công. Nếu đơn độc chiến đấu, chắc chắn họ sẽ thất bại. Vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các tín hữu được hợp nhất nên một: “Như Cha ở trong con và con ở trong Cha”. Ngài không cầu xin cho họ có sức mạnh, cũng không cầu xin cho họ có quyền lực, vì sức mạnh và quyền lực không phải là đường lối để đưa người ta đến với Chúa. Vì thế Chúa chỉ xin cho các tín hữu hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu họ cũng ở đó, và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa.
Qua dòng lịch sử, Chúa đã luôn hàn gắn sự đổ vỡ và kêu gọi chúng ta sống tinh thần hiệp nhất. Và hôm nay, Giáo Hội vẫn đang nỗ lực duy trì và phát triển sự hiệp nhất ấy. Thế nhưng, công việc của Giáo Hội còn rất nhiều bề bộn. Trong lòng Giáo Hội còn nhiều khó khăn làm cản trở sự hiệp nhất. Chính trong Giáo xứ, trong gia đình chúng ta vẫn còn nhiều nỗi bất hòa. Để các thành viên sống hiệp nhất với nhau, thiết nghĩ mỗi người cần đón nhận tình thương của Chúa trong lòng mình.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nỗ lực thông cảm với nhau, tha thứ cho nhau, biết gạt bỏ ra bên ngòai những ý riêng để đi tới hiệp nhất. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết quên mình, biết hãm dẹp tự ái và kiêu ngạo, để cùng nhau sống hiệp nhất trong tình yêu Chúa. Và qua dấu chỉ đó, chúng ta làm chứng cho tình yêu của Chúa. Nếu nhìn vào đời sống của các cộng đoàn tín hữu, của các giáo xứ, mà người ta thấy chúng ta luôn sống yêu thương đoàn kết, hiệp nhất, thì người ta sẽ dễ dàng nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và từ đó người ta sẽ tin vào Thiên Chúa.
Thực tế, có lẽ chúng ta chưa thực hiện được ước muốn đó của Chúa Giêsu, vì còn nhiều chia rẽ, nhiều bất công, nhiều ý riêng. Vì thế mỗi người hãy tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo chức vụ mà cố gắng thực hiện nguyện vọng cuối cùng của Chúa Giêsu là hãy sống đoàn kết, hiệp nhất với nhau.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
XIN TUÔN ĐỔ MUÔN ƠN THÁNH THẦN
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi lòng chúng ta, giúp chúng ta ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa như những người con thảo.
Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta có thể giữ vững đức tin giữa những giáo thuyết sai lạc, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan cho thấy: Đức tin của một số Kitô hữu đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng vì những người lạc giáo. Thánh nhân cố gắng làm sao cho các tín hữu này nhận ra những ân huệ vô cùng phong phú do đức tin đem lại: Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến, và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ ra cho biết.
Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô nói: Chúng ta phải chung số phận và thông phần bản tính với Ngôi Lời, nghĩa là, phải từ bỏ đời sống chúng ta và biến đổi sang một đời sống khác và được phục hồi để sống một nếp sống đạo đức mới. Điều này chỉ thực hiện được, nhờ việc chúng ta lãnh nhận Thánh Thần.
Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại: Đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.
Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta vững tin vào Chúa, và tìm nương ẩn nơi Chúa khi bị bách hại, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 15, vịnh gia đã cầu xin: Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một. Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô: Dù là Do thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần. Thánh Thần còn là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh, như lời thánh Phaolô: Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Thánh Thần ngự trong ai, thì Người biến đổi kẻ ấy, để họ sống một nếp sống khác, và phục hồi họ trong cuộc sống mới. Ước gì Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để Người biến đổi lòng trí chúng ta, giúp chúng ta ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa, như những người con thảo. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
“Để tất cả nên một”
Chương 17 Tin Mừng theo thánh Gioan là những lời nguyện hiến tế, trong đó Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ của Người trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, đoạn trích Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong Thiên Chúa: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con.” Những tâm tình tha thiết của Chúa Giêsu, gợi cho ta liên tưởng đến một câu chuyện rất ý nghĩa trong dân gian Việt Nam ta, câu chuyện “Bó Đũa”. Người cha già sắp về sum họp với tổ tiên, ông đã đưa cho các con mỗi người một chiếc đũa rồi bảo chúng bẻ ra, trong nháy mắt tất cả các con ông đều bẻ gãy một cách dễ dàng. Ông liền đưa cho các con một bó đũa và bảo chúng thay nhau bẻ xem có gãy được không, nhưng tất cả các con ông dù đã dùng hết sức lực mà không sao bẻ gãy cả bó đũa được. Lúc ấy, ông nhắn nhủ các con rằng: hãy hiệp nhất yêu thương đùm bọc nhau. Vì chỉ hiệp nhất mới tạo nên giá trị của cuộc sống và chỉ hiệp nhất mới tạo nên sức mạnh vô song.
Hiệp nhất có thể hiểu đơn giản là gộp lại, hợp lại thành một. Hiệp nhất là nguyên lý thống nhất mọi sự. Hiệp nhất tạo nên sức mạnh và tự nó, hiệp nhất cũng chính là sức mạnh. Mục đích của Hiệp nhất là để cùng hướng về đích tối hậu. Cá nhân cần hiệp nhất nội tại để có thể tồn tại và phát triển. Nếu không sẽ sinh ra những rối loạn về tinh thần và thể xác dẫn đến suy tàn. Tập thể cần hiệp nhất để vươn tới những thành tựu. Đối với một công ty, mọi người cần đồng lòng với nhau để tạo ra được nhiều lợi nhuận chân chính. Đối với một gia đình và cộng đoàn các thành viên cần hiệp nhất để yêu thương tha thứ thì mới có được cuộc sống an vui hạnh phúc.
Tuy mỗi người đều thấy cần sống hiệp nhất trong chính bản thân gia đình và xã hội hay Giáo hội, thế nhưng trong cuộc sống thường ngày dường như chúng ta chưa đạt được sự hiệp nhất cần có; chẳng vậy mà thi sĩ Xuân Diệu đã bộc bạch nỗi lòng: “Hôm nay trời nhẹ lên cao, Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Hay ngay trong mỗi gia đình, trong xã hội và Giáo hội của chúng ta đâu đó vẫn bất hòa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu tha thiết cầu xin với Chúa Cha: “Để chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để chúng cũng ở trong chúng ta”. Nghĩa là xin cho các môn đệ được hiệp nhất nên một trong tình yêu thương nhau như Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thành ra, sự hiệp nhất thực sự và khuôn mẫu tuyệt hảo chính là Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì nơi Thiên Chúa Ba Ngôi luôn là tình yêu hoàn hảo: Chúa Cha rất mực yêu Chúa Con nên ban mọi sự cho Chúa Con (x.Ga 5,20.22). Chúa Con rất mực yêu mến Chúa Cha nên đã tự nguyện vâng phục Thánh ý Chúa Cha (x.Ga 5,19). Và Chúa Thánh Thần là Tình yêu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con (x.Ga 15,26). Cho nên, để có được sự hiệp nhất thực sự chúng ta cần xây dựng trong tình yêu tín thác nơi Thiên Chúa và trong tình yêu thương tha nhân, với thái độ chân thành, tôn trọng và biết hy sinh vì nhau.
Bạn có bao giờ ý thức rằng: chính đời sống tốt lành của bạn – những Kitô hữu – đã giúp nhiều người chưa tin Chúa trở lại đạo? Vì”Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy khi các con sống chan hòa hiệp nhất yêu thương nhau” (x.Ga 13,35)
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chúa cầu cho Hội thánh hiệp nhất
1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn cho tất cả những người nghe và tin vào lời các môn đệ giảng. Để lời Chúa được mang đến khắp cùng bờ cõi, đến với mọi người, mỗi Kitô hữu chúng ta phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.
2. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giêsu từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu (Mỗi ngày một tin vui).
3. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho Giáo hội ngày mai, tức là cho mọi tín hữu trong tương lai, như vậy có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội Ngài thiết lập, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.
“Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo hội, Chúa Giêsu cũng cầu xin cho họ được điều ấy.
Lạy Cha, xin gìn giữ chúng trong tình hiệp nhất.
Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền : cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.
Mà là sự hiếp nhất dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.
Một sự hiệp nhất được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.
4. Chúa Giêsu cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi mà Chúa Giêsu đã chia sẻ cho chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần :”Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).
5. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau :”Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Kitô hữu và của chính Đức Kitô”.
Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.
Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.
6. Bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay đặt chúng ta – những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.
7. Truyện : Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất :”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói :” Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quí giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo :”Các con hãy bẻ gẫy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gẫy chiếc đũa dễ dàng.
Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói :”Các con hãy bẻ gẫy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gẫy được. Bấy giờ người cha mới nói :”Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gẫy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gẫy một cách dễ dàng, hiệp nhất :”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.
Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.