“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự;
Thầy biết con yêu mến Thầy”. (Ga 21, 17)
BÀI ĐỌC I: Cv 25, 13-21
“Đức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: “Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: ‘Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình’. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Đang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab
Đáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh (c. 19a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Đáp.
3) Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. – Đáp.
Tin mừng: Ga 21,15-19
15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?”
Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.
18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”
19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
TRẮC NGHIỆM LÒNG MẾN
Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon con ông Gio-an anh có yêu mến Thầy không?… Ông đáp: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,17)
Suy niệm: Nói theo kiểu học trò thời nay, ba câu trắc nghiệm của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô quá dễ. Cả ba câu cùng một nội dung, mà nhắm mắt cũng biết đáp án đúng phải trả lời là ‘có’. Nhưng đây không phải là bài kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa. Để chính thức trao cho Phê-rô quyền lãnh đạo Hội Thánh ở trần gian, Chúa khảo sát về một phẩm chất duy nhất mà người mục tử cho đoàn chiên của Ngài cần có: “Có yêu Thầy hơn tất cả những người này không?” Câu trả lời cũng không dễ dàng vì không có đáp án đúng trong sách vở; Phê-rô chỉ trả lời đúng với tấm lòng của mình: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Con số 3 là con số thể hiện mức độ cao nhất. Ba lần thưa “có” của Phê-rô cũng chính là lời tuyên thệ nhậm chức, lời tuyên khấn trọn đời của ngài. Để rồi từ đây Phê-rô hiến trọn tình yêu và cuộc sống của mình chăm sóc đoàn chiên Thầy giao phó.
Mời Bạn: Người Anh có câu: “Chỉ mất ba giây để nói ‘anh yêu em’ nhưng phải mất cả đời để chứng minh điều đó”. Bạn đã thưa có khi Ngài hỏi bạn có yêu Ngài không. Mời bạn hãy dùng cuộc sống của bạn để thực hành giới răn yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương bạn.
Sống Lời Chúa: Lòng mến Chúa là lý do sâu xa nhất và động lực thúc đẩy tôi làm việc phục vụ gia đình, cộng đoàn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin giúp con ngày càng yêu Chúa qua các việc bác ái cụ thể với anh em con, chứ không chỉ trong một ít giờ thờ phượng Chúa trong nhà thờ. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Mỗi người chúng ta, dù già dù trẻ, thì cũng đã trải qua một thời gian sống ở trần gian. Và thời gian đã qua đó, chúng ta đã có một chọn lựa cho cuộc sống. Nhưng nếu bây giờ Chúa cho chúng ta có cơ hội chọn lựa lại, có lẽ nhiều người chúng ta sẽ quyết định chọn lựa một lối sống khác.
Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu trao cho Phêrô một cơ hội thứ hai. Bởi vì trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu tiên báo: “Đêm nay tất cả chúng con sẽ vấp phạm vì Thầy” thì Phêrô đã quả quyết: “Dù tất cả vấp phạm vì Thầy thì con cũng không bao giờ vấp phạm”. Nhưng rồi chỉ vài giờ sau đó,ông đã cương quyết chối bỏ Chúa, mà còn chối đến ba lần. Hôm nay, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho Phêrô một cơ hội thứ hai: “Phêrô, con có mến ta không?” Phêrô đã học được bài học của quá khứ nên không còn dám tự cao tự đại nữa, nhưng đáp lại một cách rất khiêm tốn: “Lạy Thày, Thày biết mọi sự, Thày biết là con mến Thày.” Sau đó Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt Giáo hội. Và Phêrô đã tận dụng cơ hội thứ hai này để sống hết mình cho nhiệm vụ mới được giao.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng cho chúng ta cơ hội thứ hai, không phải một lần mà là nhiều lần. Có điều nhiều khi chúng ta giới hạn lòng nhân từ của Thiên Chúa cho nên không xin Ngài cơ hội khác. Đó là sự khác biệt giữa Giuđa và Phêrô: Cả hai cùng phản bội Chúa Giêsu trong cùng một ngày. Nhưng Giuđa không xin cơ hội thứ hai nên đã thất bại. Còn Phêrô đã tin vào lòng nhân từ của Chúa nên đã được Chúa cho một cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời.
Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta ý thức hơn về lòng nhân từ tha thứ của Chúa để dễ dàng đón nhận những cơ hội thứ hai để làm lại cuộc đời.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
TUÔN ĐỔ ÁNH SÁNG THÁNH THẦN
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng ta, thì xin cũng làm cho chúng ta thêm lòng tin kính mà phụng sự Chúa tận tình.
Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta có thể đứng vững trước những lạc thuyết, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan cho thấy: Tình yêu mến nhau chưa đủ để làm cho các cộng đoàn được hợp nhất. Điều quan trọng là tất cả phải cùng tuyên xưng một đức tin: Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên phản Kitô. Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng. Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa Con.
Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta có thể hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hilariô đã nói: Vì chúng ta yếu đuối không thể hiểu được Chúa Cha cũng như Chúa Con, cho nên, Thánh Thần can thiệp để thiết lập một thứ giao ước, giữa chúng ta với Thiên Chúa, và ban ơn soi sáng cho đức tin của chúng ta, vốn khó chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể. Linh hồn con người tuy có khả năng tự nhiên hiểu biết Thiên Chúa, nhưng, cần có ánh sáng hiểu biết, qua việc đón nhận hồng ân của Thánh Thần nhờ đức tin.
Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta kiên trung làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô vẫn một mực tuyên xưng: Đức Giêsu đã sống lại, cho dẫu, bị bắt bớ, bị xét xử. ông Phéttô đã nói với vua Ácríppa rằng: Ông Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế.
Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta nhớ lại những ân huệ Chúa đã ban cho chúng ta, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia đã kêu gọi: Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại việc: Đức Giêsu giao cho thánh Phêrô nhiệm vụ chăm sóc và chăn dắt chiên của Người. Thánh Phêrô đã nhận sứ vụ chăm sóc và chăn dắt chiên: để chiên không bị các giáo lý sai lạc mê hoặc, để chiên có thể hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và để chiên có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa những tấn công, bách hại. Tuy nhiên, để có thể làm được những điều đó, cả mục tử và đàn chiên đều cần có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dạy dỗ chúng ta mọi điều. Chúa Cha đã tôn vinh Đức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Cha đã ban ơn trọng đại này cho chúng ta, ước gì chúng ta biết gia tăng lòng tin kính và hết lòng phụng sự Người như những người con hiếu thảo. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Con có yêu mến Thầy không?
Ba lần Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” nói lên ba cấp độ yêu khác nhau. Bản dịch Việt ngữ dịch ba câu hỏi này ở cùng một mức độ “yêu mến” chung chung, nhưng Người Hy Lạp cổ đại xác định bốn hình thức của tình yêu rất rõ ràng:
Storge: chỉ về tình cảm họ hàng hay tình anh em ruột thịt.
Philia: chỉ về tình bạn bè.
Eros: chỉ về tình ái hoặc cảm xúc lãng mạn (có bao hàm sự ham muốn xác thịt).
Agape: chỉ về tình yêu quảng đại, tình bác ái (x. TĐ Thiên Chúa là tình yêu; Razinger, Đức Gêsu Thành Nazarét)
Kinh Thánh sử dụng bốn từ ngữ khác nhau trong tiếng Hy Lạp này để diễn tả tình yêu: storge, philia, eros, agape. Đặc biệt, agape là một danh từ mới được các tác giả Tân Ước sáng chế ra nhằm diễn tả nét đặc trưng của tình yêu Kitô giáo. Bởi vì những từ storge; eros và philia không thích hợp với Thiên Chúa (https://catechesis.net/tinh-yeu-va-chan-ly-tu-do-cong-binh)
Thánh Phêrô đã tuyên xưng lần lượt theo ba cấp độ tình yêu philia, eros, agape, đồng thời Thánh nhân đã sống và làm chứng cho Chúa Kitô ở mức độ cao nhất Agape: tức là hiến dâng mạng sống vì Chúa và tha nhân.
Tình yêu tột độ của Thánh Phêrô, giúp chúng ta thức tỉnh về tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân. Chúng ta tự hỏi tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân đang ở cấp độ nào philia, Eros, Agape? Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng danh Chúa trước mặt những người chống đối Chúa giữa xã hội Do Thái thời ấy khước từ Chúa. Còn chúng ta sống giữa xã hội hôm nay- một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi mọi sinh hoạt hằng ngày- liệu chúng ta có can đảm tuyên xưng niềm tin của chúng ta nơi công ty, nơi trường học, quán ăn…? Biểu hiện lòng tin của chúng ta nơi nhà thờ là đương nhiên rồi, nhưng cũng cần biểu lộ lòng tin của chúng ta trước mặt người đời; một lòng tin nhập thế bằng việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết, như lời Kinh Mười Bốn Mối chúng ta vẫn đọc nằm lòng.
Chúa hỏi Thánh Phêrô tới ba lần: “Con có mến Thầy không?” là để Thánh nhân có cơ hội tự do công khai xác định lại tình yêu của mình nơi Chúa, một cách mạnh mẽ và dứt khoát. Và Thánh Phêrô một lần nữa chân thành xác nhận: Con yêu mến Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy, dù con đã chối Thầy, dù cho con đã phản bội Thầy, nhưng đó không phải là điều con muốn, chỉ vì yếu đối, vì sợ hãi… chứ thực lòng con yêu mến Thầy. Rõ ràng chúng ta dễ dàng nhận ra một Phêrô hoàn toàn mới, Phêrô cao ngạo ngày nào: “Cho dù mọi người có bỏ Thầy, thì con đây, con không bao giờ bỏ Thầy” đã nhường chỗ cho một Phêrô dịu dàng khiêm nhu: “Thầy biết mà, Thầy biết con yêu mến Thầy!”
Hành trình đức tin của Thánh Phêrô phải chăng cũng phản ánh hành trình đức tin của chính chúng ta? Là kitô hữu, là môn đệ của Chúa, ngày lãnh Bí tích Thánh Tẩy chúng ta tuyên bố từ bỏ ma quỷ và mọi mưu chước của nó đồng thời quyết tâm yêu mến Chúa trọn tình. Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày khi đối diện với đau khổ bệnh tật, khó khăn thử thách,…đôi lúc chúng ta cũng sa ngã như Thánh Phêrô; đôi lúc chúng ta cũng chối Chúa vì ham mê danh lợi, lạc thú,…Vì sao ư? Vì các vị Thánh và chúng ta đều là con người yếu đuối! Nhưng điều quan trọng là ta có dám một lần nữa xác tín lại tự đáy lòng mình như Thánh Phêrô: Con yêu mến Chúa! Lời xác tín chân thành sẽ được biểu lộ qua chính đời sống khiêm nhường hy sinh phục vụ của chúng ta.
Xin cho chúng ta biết vượt qua yếu đuối, biết đứng lên sau những vấp ngã và luôn xác tín mạnh mẽ: “Lạy Chúa con yêu mến Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời”.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chúa trao quyền chăn dắt cho Phêrô
1. Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Tibêriat và trong lần này Chúa trao cho Phêrô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.
2. Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội cho Phêrô, Chúa Giêsu hỏi ông ba lần :”Anh có yêu mến Thầy không”? Câu hỏi được lặp đi lặp lại để Phêrô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phêrô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.
Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương ! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.
3. Tại sao Chúa Giêsu lại hỏi Phêrô tới ba lần như vậy ? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng : Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.
Có những tác giả khác cho rằng : Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phêrô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.
Một số người khác lại cho rằng : Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ” ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phêrô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,
Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phêrô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.
Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phêrô : giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ : giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm. Phạm Văn Phượng).
4. Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giêsu lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phêrô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, Người không nhìn Phêrô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phêrô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phêrô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài. Thiên Chúa đi tìm chiên lạc thay vì ở nhà với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là :”Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.
5. “Người nói vậy… Hãy theo Thầy”.
Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giêsu trong câu 18 : đó là cuộc tử đạo của Phêrô. Kiểu nói “anh sẽ phải giang tay ra” : có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phêrô sắp phải chịu vào cuối đời
Và Chúa thêm : Hãy theo Thầy” : Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây : Khi người bảo Phêrô :”Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13,16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.
Truyện : Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi :
– Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không ?
– Không.
– Vậy anh hãy theo ta.
Đó cũng là câu Chúa Giêsu nói với ông Phêrô :”Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).
6. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phêrô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng : Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.
7. Truyện : “Quo vadis” : Ngài đi đâu đó.
Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.
Ông hỏi : “Quo vadis” : Ngài đi đâu đó ?
Người ấy trả lời :”Ta đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.
Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.
Ông thực hiện đúng lời của Chúa :”Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).