Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái (Ga 15,5)
BÀI ĐỌC I: Cv 15, 1-6
“Người ta quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết vấn đề này”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo các anh em rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ”. Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng: “Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật Môsê”. Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa” (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”. Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. – Đáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. – Đáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. – Đáp.
Tin mừng: Ga 15,1-8
1 “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.
3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.
6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.
8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
NHƯ CÀNH LIỀN CÂY
“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho… Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5)
Suy niệm: Những người thân khi phải xa nhau thường trao nhau kỷ vật và nhắc nhở nhau đừng xa mặt cách lòng. Ở đây, càng hơn thế, trong Bữa Tiệc chia tay, Chúa Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể để trao ban chính mình Ngài. Ngài không kỳ vọng ta nhớ Ngài như một hoài niệm. Ngài cũng không hiện diện để ta chỉ sống bên cạnh Ngài. Chúa Giê-su dùng hình ảnh cây nho-cành nho để nói lên bản chất mối quan hệ giữa Ngài và các môn đệ. Ngài tha thiết mời gọi đến độ như năn nỉ các môn đệ ở lại với Ngài như cành nho gắn liền với cây nho.
Mời Bạn: Hãy nhìn một cây bất kỳ nào đó với những cành của nó và cảm nghiệm mối liên hệ sự sống của bạn đối với Chúa Giê-su: – Điều gì sẽ xảy ra nếu cành bị cắt lìa cây, hay nếu vì lý do nào đó, mạch nhựa sống giữa cây và cành bị tắc nghẽn? – Rồi đến trường hợp cành vẫn gắn liền với thân cây, nhưng chỉ xum xuê tán lá chứ không sai quả, cần được cắt tỉa để có thể sinh nhiều hoa trái – những hy sinh, khổ chế trong cuộc đời bạn cũng có mục đích như thế.
Sống Lời Chúa: 1/ Sắp xếp chương trình sống để tham dự Thánh Lễ và rước lễ cách thường xuyên và ý thức hơn. 2/ Làm việc hy sinh là những sự cắt tỉa tự nguyện để lớn lên đúng căn tính của một môn đệ Chúa Giê-su hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết ở lại với Chúa như cành liền cây – và xin dạy con biết chấp nhận những hy sinh khổ chế cần thiết để lớn lên và trổ sinh hoa trái dồi dào. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
“Thầy là Cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì Người cắt tỉa.”
Hình ảnh cây nho trong Kinh Thánh là biểu tượng cho mối tình của Thiên Chúa đối với dân Israel. Khi Đức Giêsu dùng lại dụ ngôn này Người muốn xác định: “Người đích thực thuộc về Dân của Thiên Chúa, Israel mới”.
“Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là người trồng nho”.
Vườn nho của Thiên Chúa phát xuất từ một gốc nho duy nhất là Chúa Giêsu, và ngoài Ngài ra thì không có sự sống, vì Chúa ví chúng ta như cành nho, mà cành không thể sống nếu xa lìa thân. Tuy nhiên một khi đã có sự sống từ thân chuyển sang thì cành có bổn phận phải sinh hoa trái. Đây cũng cũng là điều kiện cho cành tồn tại: cành nào không sinh trái sẽ bị chặt quăng vào lửa.
Khi thông hiệp với Đức Kitô, đời sống người tín hữu cũng sẽ được cắt tỉa nhờ Lời của Chúa. Lời Chúa buộc các tín hữu phải lựa chọn, lựa chọn đường hẹp, nhọc nhằn, lựa chọn Thập giá, khổ đau. Nhưng chính những lựa chọn này là những cắt tỉa, cắt tỉa đi những tính hư thói xấu như bỏ rượu chè, cờ bạc, tính nóng nảy… tuy có đau đớn có hy sinh, nhưng đó lại là điều kiện để phát sinh hoa trái, những hoa trái của tình thương, của công lý và hoà bình.
Từ xưa đến nay có biết bao vị Thánh: Visentê, Don Boscô, Antôn, Phaolô, Têrêsa Calcutta… Đời sống của các Ngài đã sinh hoa kết trái cho Giáo hội. Và ngày nay Chúa Giêsu cũng luôn chờ đợi mỗi người chúng ta biết tháp nhập vào với Chúa Giêsu, tiếp nhận sự sống của Ngài để rồi cũng sinh hoa kết trái cho đời.
Cám ơn Chúa đã cảnh tỉnh chúng ta phải sinh hoa trái. Cám ơn Chúa cũng đã luôn chăm sóc Giáo Hội của Chúa với bao ân tình. Cám ơn Chúa giúp chúng ta biết đón nhận những đau khổ Chúa gửi đến như những sự cắt tỉa cần thiết để chúng ta sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho vườn nho của Chúa.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
TÂM HỒN THANH KHIẾT
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 5 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa yêu thích những tâm hồn thanh khiết và làm cho con người tội lỗi lại trở nên tinh tuyền. Chính Chúa đã giải cứu chúng ta thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, thì xin Chúa đừng để chúng ta lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa bao giờ.
Những tâm hồn thanh khiết là nơi Thiên Chúa cư ngụ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Khải Huyền cho thấy: Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Thành thánh Giêrusalem tiêu biểu cho Hội Thánh đã đạt tới vinh quang, quy tụ dân đã được thánh hiến. Thành Thánh từ trời xuống, vì đây là một cộng đoàn do Thiên Chúa thiết lập và đón nhận sự sống từ Thiên Chúa.
Những tâm hồn thanh khiết luôn hướng về Quê Trời, như bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trích thư gửi cho Điônhêtô, có đoạn: Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luật pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu có.
Những tâm hồn thanh khiết luôn quy hướng về tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không nại vào việc tuân giữ chi li các khoản luật cứng nhắc, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô và thánh Banaba tranh luận gay gắt với những người bắt dân ngoại cũng phải cắt bì theo luật Môsê: Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Những tâm hồn thanh khiết luôn vui mừng trẩy lên Đền Thánh Chúa, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 121, vịnh gia đã cho thấy: Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa! và giờ đây, Giêrusalem hỡi, cửa nội thành, ta đã dừng chân. Giêrusalem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa, trẩy hội lên đền ở nơi đây.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Những tâm hồn thanh khiết là những tâm hồn chỉ khao khát một mình Thiên Chúa. Họ gắn kết với Chúa và luôn tiến bước theo sự chỉ dẫn của Người. Họ sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hồn ở trong xác thế nào, thì họ sống giữa thế gian cũng như thế. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác, thì họ cũng ở trong thế gian nhưng không bởi thế gian. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó nuông chiều theo những ham muốn lệch lạc; thế gian cũng ghét họ như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho thế gian, mà chỉ chống lại những vui thú giả tạo mà thế gian mang lại. Chúa đã giải cứu chúng ta thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, ước gì chúng ta đừng bao giờ lìa bỏ ánh sáng chân lý Chúa. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Ai kết hợp với Thầy thì sinh nhiều hoa trái
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha và mối tương quan giữa Ngài với chúng ta, cũng như mối tương quan giữa Chúa Cha với chúng ta, bằng hình ảnh cây nho: Cây nho là chính Chúa Giêsu, người trồng cây nho là Chúa Cha và chúng ta liên kết với Chúa Giêsu như là cành gắn liền với thân. Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Chúa Giêsu ví mình như là cây nho quý giá được chính Chúa Cha – Đấng uy quyền, toàn năng – trồng vào thế gian này, sai phái vào thế gian này qua mầu nhiệm Nhập thể để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu là cây nho tốt, cây nho quý, đã sinh hoa trái trường sinh cho chúng ta.
Còn chúng ta là cành được gắn vào thân nho Giêsu. Đó là điều rất đỗi vinh hạnh nhưng cũng bao hàm một trách nhiệm không thể thoái thác, như Chúa tuyên bố: Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Chúa Cha sẽ chặt đi. Chúng ta được liên kết mật thiết với Chúa trong bí tích Thánh tẩy, được thông dự vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều ấy không đương nhiên là chúng ta nắm chắc được sự sống đời đời, không chỉ mang danh Kitô hữu là được cứu độ nhưng phải sinh hoa trái bác ái yêu thương ngay trong cuộc sống hằng ngày. Nếu không sẽ ứng nghiệm lời Chúa đã cảnh giác: Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Chúa Cha sẽ chặt đi, nghĩa là bị cắt đứt khỏi sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Mỗi khi cố tình phạm tội trọng là chúng ta tự tách mình khỏi Thiên Chúa và trở nên khô héo chờ ngày làm mồi cho lửa. Còn cành nào sinh hoa trái thì Chúa Cha cắt tỉa cho nó sinh nhiều trái hơn. Để có được những trái nho căng tròn chín mọng, người làm vườn đã phải lắm công phu: chăm sóc, cắt tỉa, bỏ đi những cành rườm rà: nhằm tập trung dinh dưỡng vào những cành chính để những cành này sản sinh những trái nho ngon lành. Thiên Chúa cũng đang cắt tỉa, thanh luyện chúng ta trong thử thách, giúp chúng ta bỏ bớt đi kiêu căng, bớt cậy dựa tiền bạc để sinh trái tốt… để nhận ra, không có Chúa chúng ta chẳng là gì cả.
Bài trích sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay củng cố cho ta xác tín này: hai vị tông đồ Phaolô và Baraba đã được Chúa thanh luyện qua nhiều gian nan thử thách, các ngài đã được biến đổi thành con người mới, từ kiêu căng, sợ hãi, kém tin trở nên những người đầy Thánh Thần và lòng tin hăng say rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô Phục Sinh cho dân ngoại. Các ngài bất chấp những chống đối bách hại vẫn làm nên những hoa trái, giúp nhiều cộng đồng dân ngoại tin theo Chúa. Đi đến đâu các ngài cũng kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm. Có được thành quả đó là nhờ các ngài đã biết gắn kết với Chúa…
Chúng ta là cành nho, cành không thể tự mình sinh hoa trái; để có thể sinh được hoa trái, cành nhất thiết phải gắn liền vào cây. Có liên kết với cây, cành mới tiếp nhận được nguồn nhựa sống từ thân cây truyền sang, và từ đó mới sinh ra hoa trái tốt lành. Hình ảnh đó muốn nói về sự nhất thiết Kitô hữu phải gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu.
Chúng ta liên kết với Chúa trong cầu nguyện. Không có gì nuôi dưỡng mối quan hệ với Chúa tốt hơn là dành thời gian ở riêng với Ngài – gặp Ngài diện đối diện: tin tưởng, lắng nghe, suy ngẫm và thực thi Lời Chúa dạy, như chúng ta vẫn thường lắng nghe những người thân yêu của chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết sống khiêm nhường hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân ngay trong hoàn cảnh hiện tại của mình, nhờ đó sinh được nhiều hoa thơm trái lành trong cuộc đời này. Amen
Cây nho cành nho
Từ kinh nghiệm thực tế của người làm vườn, muốn cây cho nhiều hoa trái phải thường xuyên cắt tỉa, Chúa Giêsu đã áp dụng điều này vào đời sống đức tin, đời sống tương quan tình yêu với Thiên Chúa.
Đây không phải là mối tương quan hời hợt, hững hờ mà là mối tương quan sâu đậm và phải biểu lộ bằng việc trổ sinh hoa trái. Nếu không sẽ bị cắt bỏ như cành nho, hoặc như sách khải huyền ám chỉ: “Ngươi chẳng nóng chẳng lạnh thì ta sẽ mửa ngươi ra”
Lãnh bí tích rửa tội ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô như thể cành nho gắn liền với thân nho qua nhựa sống là muôn vàn hồng ân Chúa ban.
Nhưng chúng ta đã trổ sinh hoa trái như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?
Nếu như cành nho đã sinh nhiều hoa thơm trái ngọt thì chủ vườn ân cần cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn. Cũng vậy chúng ta được Thiên Chúa cắt tỉa qua những nỗi gian nan, thử thách phải đối mặt để tôi luyện đức tin của chúng ta thêm vững vàng, mạnh mẽ. Dẫu rằng, khi chịu cắt tỉa ai cùng cảm thấy xót xa đau khổ: con cái thường không vui khi cha mẹ sửa dạy, học trò không vui khi thầy cô bắt học… Nhưng nếu không chịu sửa dạy thì không thể nên tốt, không thể nên tài đức giúp ích cho đời. Do đó, khi chúng ta trung thành vâng nghe Lời Chúa, Lời Giáo Hội dạy bảo thì sẽ đạt ơn cứu độ muôn đời.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Dụ ngôn cây nho và cành nho
(Ga 15,1-8)
1. Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy Đức Giêsu dùng một hình ảnh rất cụ thể, rất đẹp để dạy chúng ta một bài học quí giá, đó là cây nho. Ngài tự ví mình là cây nho và chúng ta là cành nho. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa cửa sự hiệp thông, liên đới và hỗ tương giữa cây và cành nho, và giữa các cành với nhau, tức là giữa Thiên Chúa với chúng ta và giữa chúng ta với nhau.
2. Vườn nho hay cây nho là hình ảnh rất quen thuộc của người Do thái. Cây nho cho họ thứ rượu hằng ngày và trở thành thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc. Hình ảnh vườn nho hay cây nho cũng được ví như nhà Israel dưới ngòi bút của các tiên tri Isaia, Giêrêmia và Ezékiel. Dân Israel là vườn nho của Chúa trồng lên và chăm sóc bảo vệ chúng, lắm khi chúng đã trở nên tan hoang và nho dại.
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tương quan của Ngài với các môn đệ. Như cành lìa cây sẽ bị héo khô và chết vì mất nguồn sống, thì những ai tách lìa khỏi sự sống duy nhất là Đức Kitô sẽ hư mất đời đời. Cành nho sống được là nhờ hút nhựa sống từ thân cây, nhưng không phải hút để ra lá mà là để sinh hoa trái.
3. Nếu Đức Giêsu sinh sống ở Việt nam, Ngài sẽ không nói :”Thầy là cây nho”, nhưng sẽ dùng một loại cây quen thuộc hơn :”Thầy là cây mít, là cây ổi, là cây xoài… còn anh em là cành”, để diễn đạt hình ảnh cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây. Ngài cũng đã dùng một động từ để chỉ sự kết hợp này :”ở lại trong Thầy”. Động từ ấy được lặp đi lặp lại sáu lần trong bài Tin Mừng như lời mời gọi thiết tha, như tiếng van nài khẩn thiết, bởi vì Ngài biết rằng đời ta chỉ có giá trị, sinh hoa trái tốt lành khi ở lại trong Ngài. Muốn sinh hoa trái tốt tươi, cây nho phải được cắt tỉa. Cũng vậy, ta phải vui vẻ để cho Chúa Cha cắt tỉa, cắt đi cái tôi muốn bành trướng cách lộ liễu, tỉa bớt cái bản ngã muốn âm thầm vươn cao, lấn át Chúa và người lân cận (5 phút mỗi ngày).
4. Một sự thật hiển nhiên là cành nho bị cắt đứt lìa thân cây chắc chắn sẽ héo khô và chết, vì nhựa sống của cành nho không tự có mà là nhựa sống được truyền từ cây sang cành. Khi sử dụng hình ảnh cây nho – cành nho này, Đức Giêsu khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự hiện hữu của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới tự hữu, còn con người chỉ hiện hữu lệ thuộc vào sự sống của Thiên Chúa. Cụ thể, sự sống tâm linh của các tín hữu sẽ không còn khi tách lìa với Đức Kitô là “sự sống” như Người từng tuyên bố :”Thầy là sự sống”. Như vậy, không thể có Kitô hữu nào mà lại không kết hợp với Đức Giêsu, đặc biệt kín múc sự sống của Người từ việc cầu nguyện, lãnh các bí tích, đặc biệt là bí tich Thánh Thể.
5. “Cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (Ga 15,2b). Cành sinh trái là cành luôn gắn bó với thân, được nuôi sống bởi nhựa đến từ gốc cây nho. Thật thế, như hình ảnh cành nho liên kết với thân nho, chúng ta cũng vậy nếu “gắn liền với” hay “ở lại trong” Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài vì :”Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). Cho nên thi sĩ Tagore luôn cảm nghiệm :”Con nhận Chúa chính nguồn tình yêu”(bài thơ Mong chẳng còn gì).
6. Chữ “Kitô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Đức Kitô”. Cho nên cuộc sống Kitô hữu đương nhiên là phải sống trong Đức Kitô và sống bằng sức sống của Ngài. Muốn thế thì đương nhiên phải kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô : bằng cầu nguyện, bằng tưởng nhớ, bằng thi hành những lời Ngài dạy… Ai không làm những điều đó thì người ấy không phải là Kitô hữu thật, người ấy là cành nho khô, sớm muộn cũng bị chặt đi và quăng vào lửa.
7. Truyện : Kết hợp với Đức Kitô.
Văn hào kiêm triết gia nổi tiếng người Ấn độ Rabindranath Tagore đã viết như sau :”Trên bàn tôi là sợi dây guitar, tôi xoay nó qua lại theo các chiều khác nhau, nó không bị ràng buộc chi cả. Vì nó được cuộn tròn nên khi tôi xoắn đầu này thì đầu kia cũng bật dậy, sợi dây dẫy nảy trong tay tôi, mà chẳng phát ra một âm thanh nào. Hiện tượng này biến mất khi tôi buộc nó vào chiếc đàn guitar, hai đầu bị gắn chặt để sợi dây căng thẳng, rồi với đầu ngón tay, tôi gảy nhẹ vào sợi dây và lạ thay, một âm vang nổi lên hầu như du dương. Đây chính là lúc sợi dây được tự do để tạo nên nốt nhạc.
Cũng thế, trong cách trồng cây cà chua, cây yếu ớt ngã xoài trên mặt đất, nhiều khi lá bị héo úa dập nát. Nhưng nếu cây được cột vào một cọc dựng đứng, mọi phần tử của cây được phơi ra ánh nắng, cây sẽ mơn mởn và đâm nhiều bông trái. Chính vì bị ràng buộc mà cây đã có nhiều triển vọng sinh hoa kết quả” (Thiên Phúc, Lời gọi yêu thương, tr 39).
Chúng ta cần lặp lại lời Đức Giêsu đã nói với chúng ta :”Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 14,5). Chúng ta sống được là nhờ có ơn Chúa, mọi sự phải nằm trong Chúa. Đời sống thiêng liêng của chúng ta chỉ có thể phát triển được khi có ơn Chúa nâng đỡ; ngoài Chúa ra không ai có thể giúp đỡ chúng ta làm được việc gì sinh ơn ích cho phần rỗi chúng ta.