“Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con,
để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến”. (Ga 17, 19)
Bài Ðọc I: Cv 20, 28-38
“Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phaolô nói với các trưởng giáo đoàn Êphêxô rằng: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển giáo đoàn của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu. Phần tôi, tôi biết rằng sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa các ông, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa các ông sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ. Vì thế, các ông hãy tỉnh thức, và nhớ rằng trong ba năm trời, đêm ngày tôi không ngừng sa lệ mà khuyên bảo từng người. Và bây giờ, tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, Người là Ðấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp làm một với tất cả mọi người đã được thánh hoá. Tôi đã không ham muốn bạc, vàng, hay y phục của ai hết, như chính các ông đã biết. Những đồ gì tôi và những kẻ ở với tôi cần dùng, thì chính hai bàn tay này đã làm ra. Bằng mọi cách, tôi đã chỉ bảo cho các ông rằng phải làm việc như vậy, để nâng đỡ những người yếu đuối, và ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.”
Nói xong, ngài quỳ xuống cầu nguyện với mọi người. Ai nấy đều khóc lớn tiếng, và ôm cổ Phaolô mà hôn, họ đau buồn nhất là vì lời ngài vừa nói rằng họ sẽ không còn thấy mặt ngài nữa. Rồi họ tiễn đưa ngài xuống tàu.
Đó là Lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 67, 29-30. 33-35a. 35b-36c
Đáp: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa (c. 33a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, xin tỏ ra quyền năng của Chúa. Ôi Thiên Chúa, xin củng cố sự việc Chúa đã làm cho chúng con! Vì thánh đài của Chúa ở Giêrusalem, các vua sẽ tiến dâng Ngài lễ vật. – Đáp.
2) Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa, hãy xướng lên bài ca mừng Chúa, mừng Đấng ngự giá qua cõi trời, cõi trời ngàn thu! Kìa Ngài lên tiếng, tiếng nói quyền năng: “Các ngươi hãy nhìn biết quyền năng Thiên Chúa”. – Đáp.
3) Oai nghiêm Ngài chiếu giãi trên Israel, và quyền năng Ngài trên cõi nước mây. Từ thánh điện của Ngài, Thiên Chúa đáng tôn sợ. Thiên Chúa của Israel, chính Ngài ban cho dân Ngài được quyền năng và mãnh lực. – Đáp.
Tin mừng: Ga 17,11b-19
11Phần con, con đến cùng Cha. 12Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
13Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.
15Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
18Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
ĐĂNG GIẢ HỘI
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. (Ga 17,11b)
Suy niệm: Trong thời khắc cuối cùng ở trần gian, Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ điều Ngài ưu tư nhất, đó là xin cho họ được hiệp nhất, sự hiệp nhất tuyệt hảo: “được nên một trong chúng ta”, được hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi. Đó không phải là lời cầu đơn thuần theo cảm tính mà là mối ưu tư thiết yếu bởi vì đó là nguyên lý nền tảng làm nên Hội Thánh. Cũng như Thiên Chúa không phải là một Ngôi đơn độc mà là Ba Ngôi “cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau”, thì chúng ta khi được “nên một trong Ngài”, chúng ta cũng trở nên “một thân thể duy nhất, trong cùng một Thần Khí,… một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (x. Ep 4,3-6).
Mời Bạn: Bằng mấy từ ngắn gọn “Đăng giả hội” (= lên cao thì hội tụ với nhau), cha Teilhard de Chardin đã tóm tắt viễn tượng của sự quy tụ mà Đức Ki-tô cầu xin: muôn loài được quy tụ trong Đức Ki-tô, và chính Người quy phục Thiên Chúa, Cha của Người (x. 1Cr 15,28). Quả thật, chúng ta càng ‘lên cao’, càng ‘hướng thiện’, chúng ta càng gặp nhau, và do đó, càng “nên một trong Chúa”. Nói cách khác, khi chúng ta càng sống theo thánh ý Chúa, khi “ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, lúc đó, chúng ta sẽ được “nên một trong Chúa Ba Ngôi”.
Sống Lời Chúa: Trước khi bắt tay làm bất cứ việc gì, bạn cầu xin cho mình luôn làm theo thánh ý Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã hứa: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Xin hướng chúng con về những thực tại bền vững trên trời. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Có thể gọi bài Tin Mừng hôm nay là phần hai của bài từ biệt của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Nếu trong phần đầu Ngài hướng về chính Ngài, thì trong phần hai này, tất cả thao thức hướng về các môn đệ.
Dù chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng các môn đệ luôn được Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm. Suốt thời gian chung sống, Chúa Giêsu đã gìn giữ họ để không ai trong họ phải hư mất, trừ Giuđa, một đứa con hư hỏng. Giờ đây, sắp lìa bỏ họ để về cùng Cha, Ngài không che dấu được nỗi lo sợ của Ngài. Ngài đã xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ của Ngài.
Lời Chúa ngày hôm nay quả thật có một sức khích lệ an ủi chúng ta rất nhiều. Khó có một trang Phúc Âm nào cho chúng ta dể cảm nếm được mối tình nồng thắm của Chúa Chúa Giêsu, quan tâm đến các môn đệ bằng Lời Chúa hôm nay. Chúa về với Chúa Cha, nhưng Chúa không bỏ mặc chúng ta, Chúa không quên chúng ta, trái lại Chúa còn lo cho tương lai của các tông đồ và lo cho số phận của chúng ta còn ở lại trần gian.
Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở lại trần gian, và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Thân phận của người môn đệ Chúa ở giữa thế gian quả là một nghịch lý. Chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, sống ở giữa đời nhưng không được sống hoàn toàn như người đời. Không giống thế gian nên chúng ta bị thế gian ghét bỏ. Không theo hùa với thế gian nên chúng ta bị thế gian bách hại. Không để bị lây nhiễm tinh thần thế gian nên chúng ta phải can đảm chiến đấu chống lại cám dỗ của thế gian.
Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và quan tâm săn sóc của Chúa để ngay giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta luôn được kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.
C/ Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Tư Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã sai Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh, xin cho cộng đoàn tín hữu chúng ta đem hết nhiệt tâm phụng sự Chúa và luôn luôn hợp nhất cùng nhau.
Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh: Hội Thánh là cộng đoàn của những người tin và yêu mến Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan đã nói: Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Mà điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?
Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh: Hội Thánh là cộng đoàn hiệp nhất, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân của Công Đồng Vaticanô II về Hội Thánh cho thấy: Hội Thánh toàn cầu xuất hiện như đoàn dân được quy tụ thành một, nhờ được thông phần hợp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Nhờ những ơn riêng đó, Thần Khí làm cho họ thích hợp và sẵn sàng lãnh nhận nhiều công tác và nhiệm vụ khác nhau, hầu đổi mới và xây dựng Hội Thánh cho ngày thêm phát triển như có lời chép: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.
Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh, và Người đã đặt các kỳ mục trông coi Hội Thánh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc: Ông Phaolô nói với các kỳ mục trong Hội Thánh Êphêxô rằng: Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình.
Thánh Thần đến quy tụ muôn dân để lập nên Hội Thánh: Hội Thánh là nơi quy tụ mọi nước, mọi dân, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 67, vịnh gia đã kêu gọi: Hỡi vương quốc trần gian, nào hát khen Thượng Đế. Lạy Thiên Chúa, xin biểu dương quyền lực của Ngài, việc đã làm cho chúng con, xin Ngài củng cố, từ thánh điện Ngài ở Giêrusalem, là nơi vua chúa về triều cống.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại: Khi ấy, Đức Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Mang danh ai là thuộc về người ấy, và kết hợp nên một với người ấy. Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ được gìn giữ trong danh Cha và được kết hợp nên một với Cha, nghĩa là, được hiệp nhất nên một với Chúa Cha và Chúa Giêsu nhờ Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là mối dây hiệp nhất, liên kết tất cả nên một trong Thiên Chúa. Hội Thánh là Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát quy tụ tất cả mọi người để hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ước gì chúng ta lấy hết lòng tin kính, mến yêu, mà nhiệt thành phụng sự Chúa; và biết dùng những ơn riêng Chúa ban, mà nhiệt tâm xây dựng Hội Thánh lớn mạnh, trong tình hiệp nhất và yêu thương. Ước gì được như thế!
D/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Kitô hữu sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian
Một tình yêu chân thành sâu đậm sẽ diễn tả ra bằng hành động quan tâm lo lắng, thấu cảm niềm vui nỗi buồn của nhau. Chúa Giêsu đã yêu các môn đệ với một tình yêu như thế: yêu “đến cùng”. Cho nên trước giờ ly biệt, Chúa Giêsu đã tuôn trào cảm xúc, cầu nguyện tha thiết, xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ đang còn ở thế gian, vì rằng “thế gian ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14).
Kinh Thánh diễn tả thế gian dưới nhiều khía cạnh khác nhau: thế gian vừa được hiểu là thế giới nơi con người sinh sống (Ga 1,9-10), vừa được hiểu là một thế lực xấu chống lại Thiên Chúa (Ga 15,18-19), hay còn được gọi là thế lực của bóng tối (Ga 1,5), của sự dữ và đau khổ (Ga 16,33). Tuy nhiên, cho dẫu thế gian có xấu xa bạc bẽo cỡ nào thì Thiên Chúa vẫn yêu thương và muốn cứu chuộc thế gian khỏi vòng kềm toả của ma quỷ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và chính Chúa Giêsu vì yêu thương nhân loại đã tự nguyện “Xưa bởi trời mà xuống thế gian ba mươi ba năm cùng chịu những sự thương khó cho các linh hồn thiên hạ được rỗi”. Chúa nhập thế để cứu thế. Vì thế mà Chúa đã không xin Chúa Cha “đăng xuất” các môn đệ khỏi thế gian nhưng xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ khỏi vòng kiềm tỏa của ác thần.
Chúa Giêsu đã sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Cho nên, các môn đệ của Chúa hôm nay dù đang sống giữa thế gian cũng không thuộc về thế gian. Không thuộc về thế gian, không có nghĩa rằng các môn đệ của Chúa sống trên mây trên gió, sống hoang tưởng, không dùng hết tâm trí lực của mình mà xây dựng thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn, như một số người nghĩ. Trái lại, những ai là môn đệ chân chính của Chúa sẽ biết dùng chính Tình yêu của Chúa để Thánh hóa thế gian này. Nếu thế gian này đã là đối tượng để Thiên Chúa hy sinh phục vụ thì thế gian cũng là đối tượng để Kitô hữu phục vụ yêu thương. Đối với Kitô hữu, ở đâu cũng là quê hương, nhưng ở đâu Kitô hữu cũng là lữ khách, vì quê hương đích thực của Kitô hữu ở trên trời (thánh Augustinô). Và Kitô hữu chúng ta đang nỗ lực chuẩn bị Nước Trời cho mình qua cung cách khiêm nhường phục vụ mọi người ngay khi còn tại thế.
Thư gửi cho Diognète vào thế kỷ thứ II đã mô tả chân thực cuộc sống của các Kitô hữu giữa thế gian rằng: “Các Kitô hữu không phân biệt với những người khác bởi quốc gia, ngôn ngữ hay cách ăn mặc. (…) Mỗi người họ cư trú trên quê hương của mình, nhưng như những người nước ngoài cư trú. (…) Họ lập gia đình như tất cả mọi người, họ có con cái nhưng họ không bỏ rơi con mới sinh của họ. (…) Họ sống trong thân xác, nhưng họ không sống theo xác thịt. Họ trải qua cuộc sống của họ trên trần gian, nhưng là công dân của Nước Trời. (…) Tắt một lời, linh hồn ở trong thân xác thế nào, thì các Kitô hữu ở trong thế gian như vậy”.
Như thế cho thấy rõ ràng Kitô hữu chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Và tất cả niềm vui và nỗi ưu sầu của nhân loại này cũng là niềm vui và ưu sầu của chính chúng ta những người con cái Chúa hôm nay.
Ước chi đối với chúng ta thế gian này là con đường dẫn ta lên trời. kiếp sống này giúp ta xây dựng thế giới, để dọn đường cho Nước Trời mai sau.
E/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ
1. Trong Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cầu cho các môn đệ của Ngài. Phải hiểu chữ “môn đệ’ ở đây theo nghĩa hẹp, nghĩa là không phải tất cả những kẻ tin Ngài, mà là một nhóm cán bộ nồng cốt của Ngài, tức nhóm 12 và nhóm 72 . Môn đệ Chúa Giêsu hôm nay là các Giám mục, Linh mục và tu sĩ. Chúa cầu nguyện với ba ý chính :
– Gìn giữ các môn đệ trong đức tin.
– Che chở các ông khỏi thế gian hư đốn.
– Tác thánh các ông theo sự thật.
Thánh hiến các ông qua bí tích Truyền Chức.
2. “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ…”
Trong lời mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cất lời cầu xin cùng Cha Ngài hãy gìn giữ các môn đệ mà Cha đã trao cho Ngài. Vì thế trước khi rời bỏ thế gian, Chúa Giêsu đã thấy trước những tương lai sắp đến với các môn đệ và những người theo Ngài : những thử thách, có cả những môn đệ rời bỏ Ngài, sự chia rẽ của các đồ đệ, của các người tin Ngài… có cả người rời bỏ niềm tin. Ngài cất lời cầu xin khẩn thiết đến Chúa Cha , cho môn đệ, cho thế giới hiệp nhất :”Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”. Chúa Giêsu luôn tin tưởng các môn đệ sẽ trung thành thi hành sứ mạng của các ông.
Có một câu truyện tưởng tượng như sau : Khi Chúa Giêsu về trời giữa muôn vàn tiếng tung hô của các thiên thần. Tổng lành Thiên thần Gabriel đã phỏng vấn Ngài :
– Lạy Chúa, có phải bây giờ cả trần gian đã biết tình yêu Thiên Chúa dành cho họ chăng ?
Chúa Giêsu trả lời :
– Không, chỉ có một nhóm nhỏ đếm được trên đầu ngón tay.
Thiên thần Gabriel giật mình sửng sốt :
– Lạy Chúa, nếu nhóm nhỏ này gặp chống đối khiến họ thất vọng từ bỏ Chúa trong trường hợp này, Chúa có dự định quay trở lại trần gian không ?
Chúa Giêsu đáp :
– Không. Ta hy vọng nơi họ và tin chắc họ không bỏ rơi Ta.
3. Trong lời cầu nguyện cho các môn đệ, chúng ta thấy, Chúa Giêsu không cầu xn Chúa Cha miễn cho các môn đệ khỏi những đau khổ gian truân khi họ thi hành sứ mạng tông đồ. Bởi vì Ngài biết thế nào họ cũng sẽ gặp căm thù, ghen ghét, hành hạ, thử thách, cực khổ. Nhưng Ngài chỉ xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi bị nhiễm lây tội lỗi và sống trong sự thật của lời Ngài. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ của Ngài, để trong lúc sống giữa đời, họ vẫn giữ được sự thánh thiện nguyên tuyền.
4. Chúa Giêsu sắp về cùng Cha, nhưng các môn đệ vẫn còn ở thế gian và phải đương đầu với thế gian, vì họ đã bước theo Chúa và đã đón nhận lời Ngài. Nhưng nếu vì lời mà họ đã bị thế gian ghét bỏ, thì lời cũng giúp họ được thánh hóa trong chân lý, điều đó cho phép họ lãnh nhận sức sống của Thiên Chúa và xứng đáng được sai đi. Chúa Giêsu sai các môn đệ vào thế gian, cũng như Chúa Cha đã sai Ngài. Và để có thề chu toàn sứ mạng đó, Ngài đã chuẩn bị cho họ đầy đủ. Trong cuộc hành trình này, họ không đơn độc một mình, vì có Chúa luôn ở với họ và cùng chiến đấu với họ. Ngài đặt nhiều tin tưởng vào họ trong mọi gian nan thử thách.
5. Ước gì lời Chúa hôm nay củng cố chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự hiện diện và sự quan tâm săn sóc của Chúa, để giữa những khó khăn thử thách của cuộc sống, chúng ta được luôn kiên vững trong tình yêu và trung thành làm chứng cho Chúa.
Về phía chúng ta, chúng ta hãy sống thánh giữa đời, nghĩa là chúng ta phải sống như sen giữa bùn lầy, ở giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải sống như men trong bột, như muối ướp cá, như những chiếc đèn trên cao soi sáng cho mọi người.
6. Truyện : Ảnh hưởng của gương sáng.
Nhà giáo dục vĩ đại Booker T. Washington có viết như sau trong cuốn tự thuật mang tựa đề :”Từ ách nô lệ đi lên” của ông :”Càng lớn tôi càng tin chắc rằng, không một sự giáo dục nào có thể gặt hái được từ sách vở hay từ những dụng cụ đắt tiền có thể sánh ví được với những gì ta có thể gặt hái được do tiếp xúc với các bậc vĩ nhân”.
Cách đây ít lâu một phụ nữ Ấn độ giáo đã trở lại Công giáo, sau một thời gian nghe rao giảng Lời Chúa. Bà chịu nhiều dèm pha, đay nghiến từ người chồng do việc bà trở lại đạo. Có lần cha xứ hỏi bà :”Khi chồng con nổi giận và hành hạ con, thì con làm gì” ? Bà đáp :”Thưa Cha, con cố gắng nấu ăn ngon hơn, khi ông than trách, con lau chùi nhà sạch hơn; khi ông ăn nói cộc cằn, con trả lời ôn tồn nhỏ nhẹ. Con cố gắng được chứng tỏ cho ông thấy khi con trở lại đạo, con phải là người vợ và người mẹ tốt hơn”.
Một thời gian sau, ông xin trở lại đạo Công giáo, không phải vì lời giảng của cha xứ nhưng chính nhờ gương sáng sống đạo của bà vợ đạo đức của ông.