Đức Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667), qua đoản sắc Super Cathedram được ấn ký ngày 09/9/1659, đã quyết định thiết lập hai giáo phận tại miền đất truyền giáo Việt-nam và đặt hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông Toà. Hai giáo phận đầu tiên của giáo hội Việt-nam có tên là Đàng Trong và Đàng Ngoài, lần lượt từ sông Gianh trở xuống miền Nam và từ sông Gianh trở lên miền Bắc. Hai vị Đại diện Tông Toà là Đức Cha Phê-rô Lambert de la Motte coi sóc giáo phận Đàng Trong và Đức Cha Phan-xi-cô Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài. Nhưng vì Đức Cha Phan-xi-cô không hề đến được với giáo phận của mình, nên Đức Cha Phê-rô được coi là vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt-nam.
Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Lambert de la Motte được tấn phong ngày 11/6/1660 tại Paris và một tuần sau ngài lên đường sang Viễn Đông. Ngài đến Juthia (thủ đô nước Thái-lan thời bấy giờ) ngày 22/8/1662. Nhưng phải đến 7 năm sau, ngài mới có thể thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài. Trong chuyến kinh lý đầu tiên đó, diễn ra từ 30/8/1669 đến 14/3/1970, ngài đến với giáo phận Đàng Ngoài và ngài đã thực hiện 3 công trình quan trọng: phong chức linh mục cho 7 thầy giảng (tháng 01/1670), triệu tập Công Đồng Dinh Hiến (ngày 14/02/1670) và chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam (ngày Lễ Tro, 19/02/1670).
Ngày 19/02/2005, Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam tròn 335 tuổi, một tuổi đời không nhỏ so với bề dày lịch sử Giáo hội Công giáo Việt-nam (472 năm, nếu tính từ khi vị thừa sai truyền thuyết I-ni-khu tới rao giảng Tin Mừng tại vùng Ninh-cường, Quần-anh, Trà-lũ, thuộc tỉnh Nam-định ngày nay, vào năm 1533; hoặc 390 năm nếu tính từ ngày đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, 18/01/1615). Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho ta thấy rằng các nữ tu MTG Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ (như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ) và những thử thách khách quan (đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em MTG).
Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.
Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-diệm dẫn đến việc 61 chị em MTG đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.
Sau đây xin trích đăng bài viết về Dòng MTG Việt-nam đăng trong Niên Giám GHCGVN 2004 (trang 388-391), để bổ sung cho những gì vừa được ghi.
Dòng MTGVN “là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc đấng bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo…
Sáng kiến này của vị sáng lập (Đức Cha Phê-rô Lambert de la Motte, + 1679) đã được Công đồng Đông Dương năm 1934 xác nhận. Theo tinh thần của Công đồng này, và do hoàn cảnh xã hội và Giáo hội Việt-nam cũng như nhu cầu phục vụ, các Giám mục giáo phận đã lần lượt cho thành lập nhiều Hội Dòng MTG trên khắp các miền Bắc, Trung, Nam.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều Hội Dòng MTG đã bị mai một, nhưng lại nảy sinh nhiều Hội Dòng mới… Năm 1954,… các Hội Dòng MTG từ Bắc di cư vào Nam… Đây là thời cao điểm (1954-1975) cho Dòng MTG (với 14 Hội Dòng tại miền Nam) phát triển về nhân sự, tu đức, văn hoá và tông đồ… Đặc biệt năm 1970, chị em mừng 300 năm thành lập Dòng (1670-1970) với nhiều biến chuyển tinh thần, vật chất: 14 Hội Dòng hướng tới Hiến chương và Học viện chung…
Công việc trở về nguồn được xuất phát từ các Hội Dòng trực thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, do Đức Tổng Giám mục Phao-lô Nguyễn Văn Bình khởi xướng với Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá.
Năm 1990, một Bản Hiến chương tạm thời được phê chuẩn để thử nghiệm trong 10 năm (1990-2000) cho 7 Hội Dòng trực thuộc Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (Bản Hiến chương này được soạn thảo từ năm 1985, dựa trên Bộ Giáo luật 1917 và Bộ Giáo luật 1983, trên các Văn kiện của thánh Công đồng Vatican II, và trên các bút tích của vị sáng lập – phần trong ngoặc là của VMHV). Đến ngày 02/02/2000, Bản Hiến chương được phê chuẩn vĩnh viễn do Đức Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Hầu hết các Hội Dòng MTG thuộc các giáo phận khác cũng được phép Giám mục của mình cho áp dụng cùng một bản Hiến chương này…”
***
Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.
YU-MA
(Trích Bản Tin Vui Mừng và Hy Vọng
Giáo Xứ Chính Tòa Đàlạt
tháng 10/2005)