– Lời Chúa: Rm 1, 19-20
– Ý chính: Lý trí của chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên và qua tiếng nói lương tâm.
– Giáo cụ trực quan: Một bình bông.
I. CẦU NGUYỆN KHAI MẠC
Lạy Chúa Giêsu, năm học giáo lý mới lại bắt đầu. Chúng con thật diễm phúc được quy tụ nơi đây để học hỏi, trau dồi những kiến thức về Chúa, cùng gặp gỡ Chúa qua các giây phút cầu nguyện và tập sống theo Lời Chúa dạy bảo. Chúng con dâng lên Chúa năm học mới này. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn chúng con mỗi ngày thêm hiểu biết Thiên Chúa qua từng giai đoạn của Lịch Sử Cứu Độ và giúp chúng con biết áp dụng lời Chúa vào trong đời sống hàng ngày.
Hát Cầu xin Chúa Thánh thần.
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA
Hôm nay chúng ta học bài đầu tiên: Con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa. Trước khi đi vào bài học, anh (chị) kể cho các em nghe câu truyện sau đây.
Bên cạnh nhà bác Tư có một em bé gái bằng tuổi các em, bạn ấy rất thông minh lại siêng năng học giáo lý. Một lần kia, Bác Tư muốn thử niềm tin của em bé nên đã đặt ra hàng chuỗi câu hỏi:
– Nào ! Cháu tin có Thiên Chúa không?
Cô bé mở tròn đôi mắt và trả lời: Thưa Bác, có chứ, cháu luôn tin có Thiên Chúa .
– Sao cháu biết có Thiên Chúa mà tin?
– Thưa bác, cháu đi học giáo lý mà! Anh chị giáo lý viên dạy các cháu rằng hãy nhìn bầu trời, cảnh vật núi rừng, biển khơi có thể nhận ra Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên những thứ đó. Qua đó, cháu tin có Thiên Chúa.
– Cháu chỉ cho bác biết Thiên Chúa của cháu ở đâu được không?
Cô bé trả lời: Thưa bác Thiên Chúa ở khắp mọi nơi không có chỗ nào mà không có Thiên Chúa, Chúa còn ở trong tâm hồn cháu nữa.
Bác Tư ngạc nhiên quay sang nhìn cô bé và tỏ ra khâm phục, quý mến vì cô bé đã sớm ý thức về Thiên Chúa.
Các em thân mến,
Trong đoạn Lời Chúa chúng ta sắp nghe, Thánh Phaolô nói trí khôn chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên. Mời các em đứng lên lắng nghe.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA
Rm 1, 19-20.
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA
- Dẫn giải Lời Chúa
Lời Chúa chúng ta vừa nghe là của ai? (Thánh Phao-lô).
Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn nào? (Roma).
Thánh Phaolô đã nói với giáo đoàn Roma điều gì? (Lý trí của chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua các công trình tạo dựng của Ngài: trời đất, trăng sao, núi đồi biển khơi….
Như thế, Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng lý trí của chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm hiểu về điều này trong phần bài học dưới đây.
- Giải thích câu hỏi thưa
Câu 1: Ta sống ở đời này để làm gì?
– Các em có bao giờ tự hỏi mình: Ta sống ở đời này để làm gì chưa?
– Chúng ta được sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc để tìm kiếm cơm ăn, áo mặc, các tiện nghi…. để làm cho đời mình được hạnh phúc. Điều đó rất tốt nhưng đủ chưa? (Chưa).
– Chắc chắn là chưa đủ vì những điều này chưa bảo đảm cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc thật, hạnh phúc mãi mãi. Vì sao? Vì cái chết đến sẽ phá hủy tất cả những gì mình đã tìm kiếm, đã tích lũy được. Chúng ta phải tìm kiếm thứ hạnh phúc thật là được sống mãi mãi.
– Tự sức con người có thể làm cho mình sống mãi mãi được không? (Không).
– Vậy ai có thể làm cho ta được sống mãi mãi? Chỉ có Đấng đã dựng nên ta mới có thể làm cho ta sống mãi mãi. Đấng ấy là ai? (Là Thiên Chúa).
– Như vậy ta sống ở đời này để làm gì? (Để nhận biết Thiên Chúa để Ngài làm cho ta được sống mãi mãi).
Đọc chung câu 1
Câu 2: Nhờ đâu ta có thể nhận biết Thiên Chúa?
– Qua đoạn thư gửi cho các tín hữu Roma mà chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô nói ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng cái gì? (Lý trí).
– Lý trí là gì? (Là khả năng suy nghĩ, suy luận, từ những cái trông thấy, cái đã biết tìm tòi những cái chưa biết, phân biệt cái đúng cái sai…).
Ngoài ra, Chúa còn ban cho ta sự ước muốn, lòng khao khát. Thật vậy, mỗi người chúng ta đều có ước muốn và lòng ước muốn này không bao giờ dừng lại. Chẳng hạn, nếu chúng ta có một cái xe đạp, chúng ta sẽ ước muốn cái gì? (Xe hơi). Có xe hơi rồi, chúng ta sẽ ước muốn cái gì? (Máy bay…. ).
Như vậy, nhờ lòng ước muốn cái tốt, cái đẹp nhất, cái tốt cái đẹp tuyệt đối và nhờ lý trí Chúa ban cho ta, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa.
Đọc chung câu 2.
Câu 3: Với lý trí Chúa ban, ta dựa vào đâu mà nhận biết Thiên Chúa?
Chúng ta có thể dựa vào 2 điều này để nhận biết Thiên Chúa: Thiên nhiên và tiếng nói lương tâm.
- Lý trí dựa vào thiên nhiên để nhận biết Thiên Chúa.
Trong đoạn Lời Chúa chúng ta đã nghe, Thánh Phaolô nói lý trí chúng có thể nhận biết Thiên Chúa dựa vào vũ trụ thiên nhiên.
Trước hết các em nhìn vào bình bông trên bàn này. Chúng ta dùng lý trí suy luận từ những bông hoa này để nhận biết Thiên Chúa nhá!
-Những bông hoa này có đẹp không? Do đâu mà có? (Do người ta lấy hạt hoa gieo, hạt nảy mầm, lớn lên và cho bông).
-Người ta lấy hạt từ đâu? (Từ những bông hoa đã già).
-Vậy hạt cây bông đầu tiên từ đâu mà có vì lúc đó chưa có cây bông? Chắn chắn phải có ai đó tạo ra hạt hoa. Người đó là ai? (Là Thiên Chúa).
Cũng vậy, mọi vật mọi loài đều phải do ai đó dựng nên, làm ra mới có.
-Căn phòng giáo lý các em đang ngồi học đây không phải tự nhiên mà có, phải có người làm ra nó. Các em có biết ai làm ra nó không? (Cha xứ, các người thợ…).
-Các em nhìn lên bầu trời vào một buổi sáng đẹp, các em thấy có mặt trời, ban đêm có mặt trăng, các ngôi sao. Các em thấy có đồi núi, biển cả mênh mông…Chắc chắn phải có ai làm ra chúng. Loài người có làm ra được không? (Không). Vậy ai làm ra? (Thiên Chúa).
– Hơn nữa, các hành tinh đều chuyển động rất có trật tự. Chẳng hạn trái đất chúng ta quay chung quanh mặt trời, mặt trăng quay chung quanh trái đất. Nếu tất cả các hành tinh đứng yên hay di chuyển sai trật tự thì chúng ta sẽ chết hết. Vậy chắc chắn phải có người điều khiển chúng. Ai? Loài người chúng ta ư? (Không, nhưng do Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng điều khiển).
Như vậy nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, lý trí chúng ta có thể suy luận tìm hiểu để nhận ra có Thiên Chúa.
- Lý trí dựa vào tiếng nói của lương tâm để nhận biết Thiên Chúa.
-Khi các em làm được điều gì tốt như giúp đỡ người bạn nghèo nào đó, các em cảm thấy thế nào? (Thấy tâm hồn reo vui).
-Hoặc khi các em có lỗi lầm, ví dụ ăn cắp của ai cái gì đó, các em có thấy có cảm thấy bứt rứt trong tâm hồn không? (Có)
– Hoặc khi các em định làm điều gì đó không tốt, các em có nghe thấy một tiếng nói nào bên trong nói với chúng ta đừng làm không? (Có).
-Những điều ta cảm thấy ấy: Vui tươi, bứt rứt, tiếng ngăn cản ta đừng làm điều không tốt đó được gọi là gì? (Tiếng nói lương tâm).
Với lý trí ta suy luận ra rằng phải có người nói bên trong tâm hồn ta. Các em có biết người ấy là ai không? (Là chính Thiên Chúa nói).
Như thế, lý trí của chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa dựa vào thiên nhiên và tiếng nói lương tâm.
Đọc chung câu 3.
Câu 4: Để nhận biết Thiên Chúa, ngoài lý trí ta có cần chính Thiên Chúa tỏ bầy cho chúng ta biết không?
-Dựa vào thiên nhiên, tiếng nói lương tâm, lý trí chúng ta chỉ nhận ra rằng có Thiên Chúa. Nhưng để biết rõ Ngài là ai, Ngài có chương trình gì cho ta, Ngài muốn ta làm gì thì lý trí hạn hẹp của chúng ta có biết được không? (Không, vì Thiên Chúa thì vô hạn còn lý trí chúng ta thì có giới hạn).
-Vậy làm sao ta có thể biết nhiều hơn về bản thân, về dự tính của Ngài? (Phải được chính Thiên Chúa cho biết).
Như vậy, để nhận biết Thiên Chúa rõ hơn, chúng ta cần phải được chính Thiên Chúa mạc khải cho, nghĩa là chính Thiên Chúa tỏ bầy cho chúng ta biết về Ngài.
Đọc chung câu 4.
Tóm lại, bài học Giáo lý hôm nay dạy chúng ta rằng với lý trí do Chúa ban, chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua thiên nhiên và qua tiếng nói lương tâm.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ
- Gợi tâm tình
Khi ngắm nhìn những buổi bình minh, một buổi hoàng hôn, một đêm trăng thanh gió mát, chúng ta thấy tâm hồn mình lâng lâng vui sướng, thanh thản, quên hết mệt nhọc, ưu sầu. Đứng trước biển cả mênh mông, đồi núi chập chùng, ta thấy tâm hồn mình mở rộng…. Những cảm giác ngất ngây, tươi vui. sảng khoái, bao là đó đến từ vũ trụ thiên nhiên do chính Thiên Chúa đã dựng nên. Vì thế giờ phút này chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa.
- Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con xin tạ ơn Chúa vì Chúa đã dựng nên mọi loài mọi vật để chúng con hưởng dùng, Chúa đã dựng nên vũ trụ thiên nhiên để chúng con có chỗ để sống, để làm việc, để chiêm ngưỡng… Xin cho chúng con mổi khi nhìn vào vũ trụ tự nhiên biết nhận ra Chúa chính là tác giả của chúng, tin vào Chúa, cảm tạ Chúa và phó thác đời sống mình trong tay Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.
VI. SINH HOẠT
VII. BÀI TẬP
- Em hãy khoanh tròn vào đầu câu mà em cho là đúng .
a- Ta sống ở đời này để vui chơi muốn làm gì thì làm.
b- Ta sống ở đời này để tìm hạnh phúc . Nhưng hạnh phúc đích thật chỉ có nơi Thiên Chúa nên ta sống ở đời này là để nhận biết Thiên Chúa.
- Lý trí của con người có khả năng nhận biết Thiên Chúa qua:
a- Vũ trụ
b- Lương tâm
c- 2 câu trên đều đúng
d- 2 câu trên đều sai
VIII. SỐNG LỜI CHÚA
Trong tuần này, em quyết tâm mỗi khi thấy một cảnh thiên nhiên nào đẹp như buổi bình minh, buổi hoàng hôn, thác nước, biển cả em nghĩ ngay đến Thiên Chúa là tác giả và dâng lời cảm ơn Chúa.
IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC
Lạy Thiên Chúa là Đấng mà chúng con hằng tin thờ và kính mến, chúng con cám tạ Chúa, vì qua bài học hôm nay chúng con đã được biết cách thức nhận biết Chúa. Xin Chúa thương giúp chúng con luôn biết nhận ra Chúa qua vũ trụ tự nhiên và qua tiếng nói lương tâm để chúng con thêm lòng tin tưởng và yêu mến Chúa.
Đọc kinh Sáng danh