“Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ. Vợ chồng đừng từ chối nhau, trừ phi hai người đồng ý sống như vậy trong một thời gian, để chuyên lo cầu nguyện; rồi hai người lại ăn ở với nhau, kẻo vì hai người không tiết dục nổi mà Satan lợi dụng để cám dỗ” (1 Cr 7,4-5)
Hôn nhân là một giao ước ký kết giữa một người nam và một người nữ, với ý thức tự do và trách nhiệm, để sống trọn đời yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái. Như vậy, đời sống hôn nhân và gia đình liên hệ tới giới tính (người nam, người nữ), tính dục và tình dục (yêu thương nhau và sinh sản con cái). Khi nói tới những vấn đề này, nhiều người có thái độ khinh bỉ vì cho là xấu xa tội lỗi, hay lại quá đề cao để rồi lạm dụng bừa bãi.
Vì thế, để có thái độ đúng đắn về những vấn đề này, chúng ta sẽ bàn tới 4 điểm sau đây: vấn đề tính dục, vai trò quan trọng của tính dục trong đời sống hôn nhân, tính dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng, các nguyên tắc luân lý tính dục.
1. Vấn đề tính dục
Để hiểu đúng về vấn đề tính dục, thiết tưởng chúng ta cần phải giải thích các từ ngữ liên hệ: giới tính (hay phái tính), tính dục và tình dục.
1.1. Giới tính
Giới tính là tất cả những đặc điểm phân biệt người nam với người nữ.
1.2. Tính dục
Tính là bản chất con người, dục là ước muốn được thể hiện ra bên ngoài. Tính dục là một khuynh hướng tự nhiên nơi người nam và người nữ vận dụng giới tính để tìm kiếm, hiểu biết và thương yêu nhau dù nam hay nữ.
1.3. Tình dục
Tình là cảm xúc yêu thương trong tâm hồn, dục là ước muốn được thể hiện ra bên ngoài. Tình dục là toàn bộ những cách thế mà người nam và người nữ vận dụng bản năng giới tính để yêu thương, ước muốn kết hợp với nhau như vợ chồng.
So sánh các giải thích trên ta thấy:
– Tính dục khác với giới tính ở chỗ tính dục là sử dụng giới tính để gặp gỡ, yêu thương, còn giới tính chỉ là đặc điểm của giới.
– Tính dục vừa khác với tình dục vì tính dục bao hàm chung các quan hệ bạn bè, người yêu,vợ chồng, còn tình dục nói riêng đến quan hệ vợ chồng.
Theo Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, giới tính (người nam, người nữ), tính dục và tình dục (những hoạt động mà mỗi giới vận dụng bản năng giới tính để gặp gỡ, yêu thương, trao hiến và nên một với nhau) đều do Thiên Chúa phú ban để “bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình[1]“.
Trong bài này ta hiểu tính dục theo nghĩa bao hàm cả ý nghĩa của tình dục.
2. Vai trò của tính dục trong tình yêu vợ chồng
Giới tính và tính dục là ân huệ Thiên Chúa ban cho con người. Con người là một thực thể gồm xác và hồn. Xác và hồn không phải là hai phần cô lập nhau, nhưng chúng liên hệ mật thiết với nhau, tác động lên nhau cách sâu xa. Do đó, khi vợ chồng sử dụng giới tính để nên một với nhau và sinh sản con cái, thì đây không phải chỉ là chuyện sinh lý thuần túy, mà còn liên quan đến điểm thâm sâu nhất trong ngôi vị con người là tình yêu.
Như thế, tính dục chỉ có giá trị nhân linh đích thực, nếu nó là thành phần không thể thiếu được của tình yêu, một khi vợ chồng đã cam kết hiến thân trọn vẹn cho nhau trong suốt cả cuộc đời[2].
Tình yêu vợ chồng là một tình yêu vị tha, trao hiến và đón nhận nhau suốt đời, nên là một thứ tình yêu vị tha cao cấp nhất giữa người với người. Chính vì thế, tính dục có một vai trò quan trọng trong tình yêu vợ chồng. Nó là ngôn ngữ của tình yêu, giúp con người thông đạt với nhau một cách sâu xa nhất.
3. Tính dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng
3.1. Các hành vi tính dục giúp đem lại niềm hoan lạc chính đáng
Việc vợ chồng vận dụng các năng lực về giới tính để trao hiến trọn vẹn cho nhau, hầu đem lại một cảm xúc hoan lạc sâu xa, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe, sự quân bình trí não, làm cho vợ chồng ngày càng trưởng thành hơn trong tình yêu, nghĩa là vừa biết trao hiến vừa biết đón nhận trong sự tôn trọng và yêu thương nhau; điều này rất cần thiết cho sự chung thủy của vợ chồng và sự êm ấm của gia đình.
“Chính Đấng Tạo Hóa đã muốn rằng trong nhiệm vụ truyền sinh đôi vợ chồng cảm thấy một sự vui thú và thỏa mãn nơi thân xác và tinh thần. Vì vậy, vợ chồng chẳng làm điều gì xấu khi tìm kiếm và tận hưởng sự khoái lạc đó. Họ đón nhận những gì Đấng Tạo Hóa đã ban cho. Tuy nhiên, họ phải biết giữ tiết độ[3].”
3.2. Các hành vi tính dục giúp tình yêu vợ chồng mở ngỏ cho sự sống
Tình yêu vợ chồng vừa bao gồm, lại vừa vượt qua tình bạn thông thường để trao hiến trọn vẹn theo nam tính và nữ tính của mình, nhờ đó họ lập thành một cộng đồng các ngôi vị. Từ cộng đồng này, Thiên Chúa muốn có một con người khác được hình thành, sinh ra và lớn lên.
Thiên Chúa không muốn sự trao hiến của vợ chồng dừng lại trong cuộc sống lứa đôi, mà còn mở ngỏ cho việc trao hiến lớn lao hơn, đó là cộng tác với Ngài để trao ban sự sống cho một con người khác. Việc mở ngỏ cho sự sống này là dấu chỉ chứng minh tình yêu vợ chồng có giá trị đích thực. Chính từ sự hiệp thông vì tình yêu và sự sống này, vợ chồng đạt được sự phong phú về nhân bản cũng như tâm linh, và tạo được bầu khí tích cực rất cần cho việc giáo dục con cái về tình yêu và đức khiết tịnh.
3.3. Các hành vi tính dục còn diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa và góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu
Thiên Chúa Tình Yêu đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, và Ngài đã tạo dựng họ có nam có nữ. Thiên Chúa không có giới tính, nhưng con người thì được dựng nên có giới tính, nên có thể nói chỉ khi nào nam tính và nữ tính kết hợp nên một trong hôn nhân, thì đó mới là hình ảnh trọn vẹn của Thiên Chúa.
Giới tính vừa là ân sủng lớn lao của Đấng Tạo Hóa, vừa có tính chất thể lý và trần tục. Chính Thiên Chúa đã muốn con người có nam có nữ, và chính Ngài cũng muốn cả hai thành một xương một thịt (x. Mt 19, 4-5), nhờ đó con người có thể diễn tả được sự phong phú của Thiên Chúa.
Khi vợ chồng thành một xương một thịt trong hôn nhân, và khi sự trao hiến này diễn tả việc vợ chồng bổ sung cho nhau, thì tình yêu vợ chồng trở thành sức mạnh làm cho hai người được thêm phong phú và tăng trưởng, đồng thời góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu. Trái lại, khi những hành vi tính dục không mang ý nghĩa bổ sung và trao hiến cho nhau, thì nó chỉ làm phát sinh một nền văn minh đồ vật, trong đó con người bị sử dụng chẳng khác nào như một thứ đồ vật. Trong bối cảnh của nền văn minh hưởng thụ, người nữ có thể trở thành một thứ đồ vật cho người nam, và con cái trở thành một chướng ngại vật cho cha mẹ.
Ước gì đôi bạn luôn đến với Lời Chúa để nhận được ánh sáng và sức mạnh trong lãnh vực này: “Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong anh em mà anh em đã lãnh nhận nơi Thiên Chúa, và anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.” (1Cr 6,19-20).
4. Các nguyên tắc luân lý tính dục
Tính dục là ngôn ngữ của tình yêu vợ chồng, giúp vợ chồng thông hiệp với nhau, đem lại cho nhau niềm hoan lạc chính đáng và trao ban một sự sống khác. Vì vậy, để có thái độ đúng đắn về vấn đề tính dục trong đời sống vợ chồng, đôi bạn phải nắm vững một số nguyên tắc luân lý sau đây:
4.1. Nguyên tắc 1:
Trong khuôn khổ hôn nhân tự nhiên và hôn nhân Công giáo, các hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quý và chính đáng[4].
Tự hiến cho nhau trong sinh hoạt vợ chồng là hành vi cần thiết để biểu lộ tình yêu, làm phát sinh sự sống và nâng đỡ cho lòng trung tín.
– Dấu hiệu biểu lộ tình yêu. Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài sống mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu nơi chính bản thân. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình và tạo dựng họ có nam có nữ, Thiên Chúa trao ban cho họ một thiên chức; do đó họ có khả năng và trách nhiệm sống yêu thương và hiệp thông.
– Dấu hiệu làm phát sinh sự sống. Người nam và người nữ, bình đẳng về phẩm giá, dù với cách thức khác nhau, cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa quyền năng và yêu thương. Sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong hôn nhân mô phỏng nơi thân xác con người sự quảng đại và sung mãn của Đấng Tạo Hóa: “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Sự kết hợp này giúp bảo tồn giống nòi.
– Dấu hiệu biểu lộ lòng trung tín. Tình yêu chân thật đòi phải trung tín. Nhờ các hành vi tự nguyện trao hiến, đôi bạn được hỗ trợ để mãi mãi gắn bó, trong tư tưởng cũng như trong thân xác, lúc bĩ cực cũng như hồi thái lai, nhờ đó tránh được mọi thứ ngoại tình và bất tín.
4.2. Nguyên tắc 2:
Luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi giới tính.
Thiên Chúa tạo dựng con người có hồn và xác. Chính việc Ngôi Hai xuống thế làm người và việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết, là bằng chứng xác nhận giá trị của thân xác. Niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” cũng khẳng định giá trị của thân xác. Thật vậy, thân xác có một giá trị nhất định trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thân xác không phải là tất cả con người. Các hành vi sinh lý chỉ có giá trị giới hạn. Chúng chỉ đáng quý trọng khi được thực hiện phù hợp với luật lệ của Thiên Chúa. Do đó, không thể quá đề cao hành vi trao hiến đến độ làm phương hại các giá trị cao quý khác của con người.
4.3. Nguyên tắc 3:
Đời sống hôn nhân Công giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.
Không phải chỉ bậc tu trì, mà mọi người, kể cả những người sống bậc vợ chồng, đều được mời gọi giữ đức khiết tịnh: “Mỗi người giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: người này trong bậc trinh khiết hay độc thân của đời thánh hiến, một cách thức dễ dàng tận hiến trọn vẹn tâm hồn cho Thiên Chúa; kẻ khác trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định[5].”
Sống khiết tịnh là làm chủ giới tính, giúp ta làm chủ bản thân, nhờ đó, ta có thể thống nhất đời sống và hiến thân trọn vẹn[6].
Người có gia đình cần sống khiết tịnh, nghĩa là sống trong sạch và tiết độ, bởi vì:
– Trong sạch và tiết độ qua hành vi ân ái là thước đo tinh thần xả kỷ, hiến thân vì hạnh phúc và nhu cầu của người mình yêu.
– Trong sạch và tiết độ còn là sự biểu lộ mức trưởng thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương và kính trọng nhau.
– Phải trong sạch trong thân xác: lạc thú tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình. Do đó, chỉ những ai là vợ chồng của nhau mới có quyền trên xác của nhau.
5. Những lỗi phạm đến đức khiết tịnh và xúc phạm đến phẩm giá Hôn nhân
Những lỗi phạm đến đức khiết tịnh và xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân gồm có:
– Dâm ô là ham muốn sai trái hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Khoái lạc tình dục trở thành sai trái, khi con người chỉ tìm hưởng thụ để thỏa mãn chính mình, chứ không nhằm mục đích truyền sinh và kết hợp trong tình yêu[7].
– Thủ dâm là cố tình kích thích cơ quan sinh dục nhằm gây khoái lạc tình dục. Thủ dâm tự bản chất là một hành động sai trái nghiêm trọng, vì tự ý sử dụng khả năng tình dục ngoài quan hệ vợ chồng bình thường, dù với động lực nào đi nữa, cũng là sai mục đích. Làm như vậy, người ta hưởng thụ khoái lạc tình dục bên ngoài “quan hệ tình dục hợp luật luân lý là quan hệ thực hiện một sự hiến thân trọn vẹn cho nhau và thực hiện việc truyền sinh trong khuôn khổ của tình yêu đích thực[8].”
– Tà dâm là quan hệ xác thịt giữa một người nam và một người nữ chưa lập gia đình. Đây là lỗi nặng, xúc phạm đến nhân phẩm và giới tính của con người, vốn qui về lợi ích của đôi vợ chồng, cũng như sinh sản và giáo dục con cái[9].
– Khiêu dâm cố ý phơi bày những hành vi tình dục thầm kín. Chúng xúc phạm đến đức khiết tịnh vì làm biến chất hành vi ái ân là việc trao ban thầm kín của vợ chồng với nhau[10].
– Mại dâm xúc phạm đến phẩm giá của người bán dâm vì họ biến mình thành trò vui xác thịt cho người mua dâm. Kẻ mua dâm phạm tội nặng nơi bản thân: họ vi phạm đức khiết tịnh đã cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, và làm ô uế thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,15-20). Mại dâm là một đại họa cho xã hội. Mại dâm bao giờ cũng là tội trọng; nhưng trách nhiệm của kẻ mại dâm có thể giảm khinh vì túng bấn, bị hăm dọa hay áp lực xã hội[11].
– Hiếp dâm là dùng bạo lực bắt kẻ khác quan hệ xác thịt với mình. Đây là tội phạm đến công bằng và bác ái. Hiếp dâm xúc phạm nặng nề đến quyền được tôn trọng, quyền tự do và toàn vẹn thể lý cũng như tinh thần của nạn nhân, gây thương tổn nghiêm trọng có thể kéo dài cả cuộc đời của nạn nhân. Hiếp dâm tự nó là một hành vi xấu xa, tội này lại càng nặng nề hơn nữa, khi cha mẹ hay người giáo dục lạm dụng thân xác các em được ủy thác cho họ[12].
– Đồng tính luyến ái là những liên hệ tính dục giữa những người cùng giới tính[13].
– Ngoại tình là tội vợ chồng thất tín với nhau. Khi hai người nam nữ có quan hệ tính dục với nhau, dù là nhất thời mà trong đó có ít nhất một người đã kết hôn, thì cả hai phạm tội ngoại tình. Đức Kitô lên án tội này ngay cả khi chỉ là một ước muốn[14]. Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm tội ngoại tình[15].
Ngoại tình là điều bất công vì không thực hiện những cam kết của mình, làm tổn hại đến dây liên kết hôn nhân là dấu chỉ của giao ước, vi phạm quyền của người phối ngẫu và xâm phạm định chế hôn nhân khi lỗi phạm hôn ước. Người ấy làm phương hại đến lợi ích của việc sinh sản và của con cái vốn cần đến sự kết hợp bền vững của cha mẹ[16].
– Ly dị vi phạm nghiêm trọng luật tự nhiên, phế bỏ khế ước mà vợ chồng đã tự do ưng thuận để sống với nhau cho đến chết. Ly dị làm tổn hại giao ước cứu độ mà bí tích Hôn phối là dấu chỉ. Người tái hôn, sau khi ly dị, phạm tội ngoại tình công khai và thường xuyên: “Nếu người chồng, sau khi đã chia ly với vợ mình, ăn ở với một người phụ nữ khác, thì phạm tội ngoại tình, vì làm cho phụ nữ đó cũng phạm tội ngoại tình; người phụ nữ ăn ở với người đàn ông đó phạm tội ngoại tình vì đã dụ dỗ chồng của người khác” (T. Baxiliô, nguyên tắc luân lý 73). Ly dị là phi luân vì làm xáo trộn gia đình và xã hội. Việc xáo trộn này kéo theo nhiều tổn hại nghiêm trọng: cho người phối ngẫu vì bị ruồng bỏ; cho con cái phải đau khổ vì cha mẹ phân ly, và lắm khi còn bị dằng co không biết theo ai; cho xã hội vì hiệu quả lây lan của nó, nó thực sự là một tai ương cho xã hội[17].
– Đa thê tuyệt đối nghịch lại với sự hiệp thông giữa vợ chồng: trực tiếp chối bỏ kế hoạch của Thiên Chúa đã được mặc khải cho ta từ buổi đầu, nghịch với phẩm giá bình đẳng của người nữ và người nam, cả hai hiến thân cho nhau trong một tình yêu trọn vẹn, duy nhất và độc hữu[18].
– Loạn luân là quan hệ tính dục giữa những người họ hàng cùng huyết tộc, mà luật cấm kết hôn với nhau[19]. Thánh Phaolô lên án trọng tội này[20]. Tội loạn luân phá vỡ quan hệ gia đình và cho thấy một sự thoái hóa trở về thú tính[21].
Có thể gọi là loạn luân, những lạm dụng tính dục do những người trưởng thành đối với trẻ con hoặc thiếu niên đã được ủy thác cho họ. Người phạm tội này phải chịu trách nhiệm gấp đôi: một mặt vì gây gương xấu xâm phạm đến sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các người trẻ, và để lại hậu quả tai hại suốt đời, mặt khác vì họ lỗi trách nhiệm giáo dục của mình[22].
– Tự do sống chung là khi nam nữ sống chung như vợ chồng nhưng không cưới xin, từ chối kết hôn theo đúng bản chất của hôn nhân, không thể ràng buộc nhau bằng những cam kết dài lâu.[23] Tất cả những trường hợp này xúc phạm phẩm giá của hôn nhân, phá hủy ý niệm về gia đình, làm suy giảm cảm thức về lòng thủy chung. Chúng nghịch với luật luân lý: hành vi tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; còn nếu ngoài hôn nhân, thì đó là một tội trọng và không được hiệp thông các bí tích[24].
– Hôn nhân thử là nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng tạm thời để thử, rồi sau đó, nếu hợp thì sẽ kết hôn. Tuy nhiên, dù họ có quyết tâm kết hôn, cũng không thể bảo vệ giữa họ là chân thật và thủy chung, và nhất là giữ cho quan hệ này khỏi những ý muốn ngông cuồng và nông nổi. Về phương diện luân lý, sự kết hợp xác thịt chỉ hợp pháp khi đã chính thức kết hôn. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm; nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau trọn vẹn và dứt khoát[25].
GHI NHỚ:
1. H. Tính dục là gì?
T. Tính dục là khuynh hướng tự nhiên Thiên Chúa đặt nơi con người để tiếp xúc, gặp gỡ với người khác, dù là nam hay nữ, hoặc để người nam và người nữ yêu thương nhau hướng tới hôn nhân và gia đình.
2. H. Tính dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng thế nào?
T. Các hành vi tính dục giúp đem lại niềm hoan lạc cho đời sống vợ chồng và làm cho họ gắn bó nên một với nhau một cách sâu xa. Ngoài ra, còn giúp tình yêu vợ chồng mở ngỏ cho sự sống và diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa, cũng như góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu.
3. H. Vợ chồng cần nắm vững những nguyên tắc luân lý nào trong đời sống tính dục?
T. Vợ chồng cần nắm vững những nguyên tắc luân lý sau đây:
– Một là các hành vi tính dục được thực hiện trong khuôn khổ hôn nhân đều chính đáng và cao quý.
– Hai là luân lý Công giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi tính dục.
– Ba là đời sống hôn nhân Công giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.
5. H. Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là gì?
T. Sự khiết tịnh trong đời sống hôn nhân là biết làm chủ giới tính, nhờ đó vợ chồng ăn ở với nhau một cách tiết độ.
6. H. Có những tội nào phạm đến đức khiết tịnh?
T. Có những tội này là: dâm ô, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm và hiếp dâm.
7. H. Có những tội nào xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân?
T. Có những tội này là: ngoại tình, ly dị, đa phu, đa thê, loạn luân, đồng tính luyến ái và tự do sống chung như vợ chồng.
GỢI Ý SUY NGHĨ:
1. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm, nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau trọn vẹn và dứt khoát. Anh chị nghĩ gì về điều đó?
2. Anh chị nghĩ thế nào về hiện tượng trong xã hội hiện nay: Tự do sống chung – nhiều bạn trẻ chung sống với nhau như vợ chồng mà không cần bất cứ một thủ tục kết hôn nào.
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã tạo dựng nên chúng con có nam có nữ, để như người nam và người nữ chúng con yêu thương nhau và trở nên biểu tượng tình yêu của Chúa.
Bởi vì Chúa đã ban cho chúng con một thân xác để diễn tả tình yêu của chúng con: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa.
Bởi vì Chúa đã ban cho chúng con một thân xác để chúng con nhận ra nhau, hiểu biết nhau và cùng chia sẻ vui buồn với nhau: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa.
Bởi vì Chúa ban cho chúng con một thân xác để giúp chúng con kết hiệp trong tâm hồn trọn vẹn hơn: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa.
Bởi vì Chúa đã ban cho chúng con một thân xác để chúng con ca tụng ngợi khen Chúa: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa.
——————————————————
[1] GLHT 2333
[2] x. GD 11
[3] ĐGH Piô XII, Bài giảng ngày 29.10.1951
[4] MV 49,2; GLHT 2362
[5] x. GLHT 2349
[6] x. GLHT 2337 và 2395
[7] GLHT 2351
[8] GLHT 2352; x. CDF, déd. “Persona humana” 9
[9] GLHT 2353
[10] x. GLHT 2354; 2523
[11] GLHT 2355
[12] GLHT 2356
[13] x. GLHT 2357
[14] x. Mt 5,27-28
[15] x. Mt 5,32; 19,6; Mc 10,11; 1Cr 6,9-10
[16] GLHT 2380-2381
[17] GLHT 2384-2385
[18] GLHT 2387; x. GĐ 19; MV 47,2
[19] x. Lv 18,7-20
[20] x. 1 Cr 5,1.4-5
[21] GLHT 2388
[22] GLHT 2389
[23] x. GĐ 81
[24] GLHT 2390
[25] GLHT 2391 ; x. GĐ 80