CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
Lãnh đạo xấu và lãnh đạo tốt của Cộng đồng dân Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Ml 1:14b – 2:2b, 8-10; 1 Tx 2:7b-9, 13; Mt 23:1-12)
Cộng đồng nào cũng cần những lãnh đạo tốt để giúp cho các phần tử của cộng đồng được thăng tiến. Đề tài về lãnh đạo được khai triển trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thời nào cũng có lãnh đạo tốt và lãnh đạo xấu. Trong thời Cựu Ước, ngôn sứ Ma-la-khi nói đến những lãnh đạo xấu của Ít-ra-en và việc Thiên Chúa cảnh báo họ vì họ gây chia rẽ cho Ít-ra-en (bài đọc 1). Qua thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô, một vị mục tử tốt lành, đã không ngại nhắc đến công lao khó nhọc của ngài và các cộng sự viên trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho cộng đoàn. Sau cùng là lời chỉ trích thẳng thắn của Chúa Giê-su khi Người nói về lối hành xử đạo đức giả của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu (bài Tin Mừng). Đề ra một đức tính cần thiết cho người lãnh đạo, Chúa Giê-su dạy: người lãnh đạo phải làm người phục vụ anh chị em.
1. Những lãnh đạo xấu của Ít-ra-en thời Cựu Ước. Việc chia nước Ít-ra-en làm hai, phía bắc là vương quốc Ít-ra-en và phía nam là vương quốc Giu-đa, bắt nguồn từ những người lãnh đạo không sống theo đường lối Thiên Chúa. Họ đã bỏ Thiên Chúa và lôi kéo dân chúng hướng theo các thần ngoại giáo. Vì thế ngôn sứ Ma-la-khi được Chúa sai đến, mang theo một sứ điệp nghiêm khắc. Thiên Chúa hài tội các tư tế vì họ đã “không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Người”. Lối sống của đám tư tế là lối sống “đi trật đường”, tức là không theo đường lối Thiên Chúa và không tuân giữ Lề Luật của Người. Do đó, họ “đã làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy”. Thế là kẻ mù lại dắt một đám mù, cả hai lăn cù xuống hố! Lãnh đạo như vậy đáng bị Chúa trừng phạt, nên Người sẽ làm cho họ “đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân”. Thiên Chúa hỏi tội các tư tế, còn ngôn sứ Ma-la-khi thì khiển trách toàn dân. Ngôn sứ bảo dân chúng: nếu họ ý thức họ có cùng một cha dưới đất là tổ phụ Áp-ra-ham và một Cha trên trời là Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng, thì tại sao họ lại chống đối nhau và không theo những thỏa thuận cha ông họ để lại? Dĩ nhiên trách nhiệm quy về các lãnh đạo của họ, nhưng chính họ cũng có phần lỗi vì không nghe lời các ngôn sứ Chúa đã sai đến.
2. Thánh Phao-lô là một vị lãnh đạo đáng kính đáng mến. Điều trước tiên chúng ta ngưỡng mộ thánh Phao-lô là rất ít khi ngài sử dụng đại danh từ “tôi”. Khi viết thư, ngài thường nói “chúng tôi”, tức là ngài và các cộng sự viên của ngài. Điều này biểu lộ sự khiêm tốn của một lãnh đạo tốt, không độc tài, không khoe khoang. Những gì Phao-lô nói lên trong thư luôn luôn có tâm tình, như ngài tâm sự hôm nay: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ”! Với ngài, nhà lãnh đạo phải biết cho đi tất cả những gì tốt, thí dụ Tin Mừng, ngay cả mạng sống mình nữa. Luôn nghĩ đến và thông cảm với những người dưới là điều không thể thiếu đối với lãnh đạo có tâm hồn nhạy cảm. Thí dụ cụ thể là thánh Phao-lô không muốn mình trở thành gánh nặng cho cộng đoàn về vấn đề tài chánh, nên “đêm ngày chúng tôi đã làm việc để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em”. Với tay nghề sẵn có là dệt lều, Phao-lô đã làm việc để mưu sinh đang khi tiếp tục công cuộc truyền giáo. Cuối cùng, đặc điểm của lãnh đạo tốt là phải biết tạ ơn Thiên Chúa thay vì khoe khoang những việc làm của mình. Vì thế, khi thấy tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đón nhận Tin Mừng và thăng tiến đức tin, Phao-lô mừng lắm và đã “không ngừng tạ ơn Thiên Chúa”. Thật là tuyệt vời! Khác hẳn với nhiều “lãnh đạo ngày nay” hãnh diện vì đã xây nhà thờ này, dựng trung tâm mục vụ kia, đi đến đâu cũng để lại công trình! Ước gì linh mục chúng ta biết noi gương thánh tông đồ Phao-lô mà thưa với Chúa rằng: Chúng con chỉ làm việc bổn phận chúng con phải làm mà thôi.
3. Huấn dụ của Chúa Giê-su về thái độ chúng ta đối với lãnh đạo. Sau khi đã nói thẳng nói thật về đám kinh sư và Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su không quên căn dặn chúng ta phải có thái độ nào đối với các lãnh đạo. Thứ nhất là những người “cấp dưới”. Lãnh đạo của họ là thầy, là cha hoặc là người chỉ đạo. Nhưng họ đừng quên những người này chỉ là thay mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô thôi. Do đó, họ phải tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha và Đức Ki-tô là Thầy, để biết tuân phục và đi theo đường lối Chúa. Đức Ki-tô là người chỉ đạo, hoặc đúng hơn nữa, là Đường đưa ta đến với Chúa Cha. Thứ hai là chính các người lãnh đạo. Kiêu căng và lạm dụng quyền bính là căn bệnh thường thấy nơi các lãnh đạo. Vì thế, Chúa Giê-su đặc biệt căn dặn hễ ai càng làm lớn thì càng “phải làm người phục vụ” hơn. Chính Đức Ki-tô là “Thầy” và là “Chúa” mà Người còn phục vụ, rửa chân cho các tông đồ, thì đó là một nhắc nhở vô cùng sống động cho các lãnh đạo mọi nơi mọi lúc.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Qua các bài đọc hôm nay, chúng ta có một cái nhìn đầy đủ về lãnh đạo. Tuy nhiên, với tính cách là giáo dân, chúng ta có thể rút ra những thực hành cụ thể, nhất là đối với các vị lãnh đạo trực tiếp là giám mục, linh mục của mình. Các ngài cũng là con người như chúng ta thôi. Vì thế cách đối xử của ta phải làm sao vừa kính trọng, vừa khiêm nhường, cộng với tinh thần bác ái xây dựng để giúp đỡ và hỗ trợ các vị trở nên các mục tử tốt hơn. Nhưng xin cũng đừng quên cầu nguyện cho các vị lãnh đạo của chúng ta!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi