CANA LÀ DẤU HIỆU ĐỔI MỚI HÔN ƯỚC
THIÊN CHÚA VỚI NHÂN LOẠI
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Is 62:1-5; 1 Cr 12:4-11; Ga 2:1-11)
Chúng ta đã bắt đầu mùa Thường niên từ Chúa Nhật trước. Phụng vụ Lời Chúa mùa Thường niên mời gọi chúng ta cùng đi với Chúa Giê-su trên đường Người thi hành sứ vụ: rao giảng Tin Mừng, thực hiện những dấu lạ điềm thiêng và kêu gọi người ta sám hối. Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục chủ đề Hiển Linh với phép lạ Chúa Giê-su biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na. Vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa được tỏ ra qua ba biến cố: các hiền sĩ Đông phương đến bái thờ Hài Nhi, Chúa Giê-su chịu phép rửa và Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên tại Ca-na. Sứ vụ công khai của Chúa Giê-su có mục đích giúp cho con người nhận biết tình yêu cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính tình yêu và lòng thương xót ấy đã biến đổi thân phận con người được biểu tượng qua hình ảnh Xi-on và Giê-ru-sa-lem (bài đọc 1), đã hoạt động qua sức mạnh của Thánh Thần (bài đọc 2) và đã đổi mới hôn ước giữa Thiên Chúa và nhân loại (bài Tin Mừng).
Trước khi nói đến ý nghĩa của phép lạ biến nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na, chúng ta hãy lắng nghe Chúa phán dạy qua ngôn sứ I-sai-a về quyết định đổi mới thân phận con người. Như chúng ta biết, Xi-on và Giê-su-sa-lem là biểu tượng cho nhân loại sẽ được Thiên Chúa cứu độ. Đã có một thời trước mặt Thiên Chúa, Xi-on và Giê-ru-sa-lem mang thân phận “đồ bị ruồng bỏ” và “phận bạc duyên đơn” vì họ đã trót đi theo con đường tội lỗi mà xa lìa Thiên Chúa. Tội lỗi của họ đã cắt đứt mối quan hệ với Thiên Chúa. Đó là hình ảnh nói lên hiện trạng của toàn thể nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Hiện trạng ấy chẳng khác nào một cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa Thiên Chúa và nhân loại. Nhưng tình yêu và lòng thương xót của “chàng rể” Thiên Chúa không để tình trạng này kéo dài mãi. Thiên Chúa muốn hàn gắn và nối lại mối quan hệ này. Giờ đây, qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa công bố Người sẽ đi bước đầu để đổi mới “hôn nhân” giữa Người và nhân loại. Người sẽ biểu lộ “lòng sủng ái” với nhân loại tội lỗi và “cưới” nhân loại về để làm “cô dâu” của Người. Người muốn nhân loại là “niềm vui” của Người. Thật là kỳ diệu! Tình yêu và lòng Chúa thương xót sẽ biến đổi nhân loại từ thân phận bị ruồng bỏ trở thành “Ái khanh lòng Ta hỡi” và từ duyên phận đơn bạc trở thành “Duyên thắm chỉ hồng”! Cuộc biến đổi này bắt đầu được thể hiện rõ ràng qua sứ vụ của Chúa Giê-su trên trần gian.
Những điều ngôn sứ I-sai-a tiên báo nay được thể hiện khi Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ. Phép lạ Chúa biến nước hóa thành rượu không chỉ là sự can thiệp cứu giúp đôi tân hôn đang gặp khó khăn vì hết rượu cho thực khách, mà nó còn mang ý nghĩa cứu độ áp dụng cho việc Thiên Chúa canh tân mối quan hệ của Người với nhân loại nữa. Rượu biểu tượng cho tình yêu. Theo lối người đời, cách đem rượu đãi khách là “thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn”. Còn đường lối Thiên Chúa thì ngược lại: khi thấy khách ngà ngà, nghĩa là khi thấy tình trạng tội lỗi của loài người ngày càng trở nên tệ hại hơn, thì đó là lúc Thiên Chúa đem rượu ngon ra để cứu độ, để đổi mới hôn ước của Người với họ bằng tình yêu nhập thể là Chúa Giê-su, Con Một Người. Chúa Giê-su là “rượu ngon” Thiên Chúa sai xuống trần gian để cứu vãn hôn ước của Người với nhân loại. Sau khi tường thuật phép lạ, thánh sử Gio-an cẩn thận ghi lại rằng: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người”. Phép lạ đầu tiên có tầm quan trọng đặc biệt. Chẳng lạ gì thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã đặt phép lạ này vào mầu nhiệm thứ hai trong Năm mầu nhiệm Sự Sáng của kinh Mân-côi, vì sau việc rao giảng Tin Mừng và ơn sám hối thì việc làm phép lạ là quan trọng để tỏ ra vinh quang Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Như chúng ta biết, công trình cứu độ không phải là việc của riêng Thiên Chúa Cha, nhưng là với sự hợp tác của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Con đã xuống thế làm người do quyền năng Thánh Thần. Người được Chúa Cha sai đi rao giảng Tin Mừng dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Sau khi Chúa Giê-su lên trời là giai đoạn hành động của Thánh Thần. Đoạn thư 1 Cô-rin-tô cho chúng ta thấy một số sinh hoạt căn bản của Chúa Thánh Thần nhằm mục đích giúp chúng ta loan báo cũng như đón nhận Tin Mừng cứu độ. Thiên Chúa tiếp tục biểu lộ ơn cứu độ của Người qua những cách hoạt động phong phú của Thánh Thần. Thánh Phao-lô kể ra ba dạng hành động của Thánh Thần: đặc sủng, việc phục vụ và hoạt động. Rồi ngài đưa ra một nguyên tắc chung: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung”. Ích chung ở đây là ơn cứu độ Thiên Chúa dành cho mọi người không trừ ai. Điều ngày có nghĩa là nơi mỗi người chúng ta, Thánh Thần có cách hoạt động riêng, để mỗi người chúng ta cộng tác với Ba Ngôi Thiên Chúa vì ích chung là phần rỗi của chúng ta và của anh chị em. Vậy chúng ta hãy tự xét mình xem: Đâu là đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho tôi? Giảng dạy giáo lý? Lòng tin để làm chứng cho Chúa Ki-tô? Chữa bệnh, nhất là các bệnh tâm lý và bệnh linh hồn? Làm phép lạ bằng những cử chỉ và lời nói yêu thương? Chắc chắn ai cũng có ít nhất một đặc sủng của Thánh Thần. Quan trọng là ta có sử dụng đặc sủng ấy vì ích chung không?
Lm. Đaminh Trần đình Nhi