ĐỨC GIÊSU HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ EMMAU
(Luca 24,13-35 – Phục Sinh; CN III PS – A)
1.- Ngữ cảnh
Sau khi các phụ nữ đã mang sứ điệp Phục Sinh đến cho cộng đoàn (23,55–24,12), tác giả Luca mô tả hai cuộc hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh: Đức Giêsu cùng đi đường với hai môn đệ Emmau (24,13-35) và hiện ra giữa cộng đoàn (24,36-53).
Riêng cho giai thoại Emmau, chúng ta không có đoạn văn Nhất Lãm song song nào cả. Bản văn có ngữ cảnh sau: Sau khi các phụ nữ đã viếng (cả Phêrô: 24,12) ngôi mộ mở và trống của Đức Giêsu (24,2t), ta biết rằng Đức Giêsu đã sống lại và đang sống, nên không thể gặp Người giữa kẻ chết. Nhưng ta không biết là có thể gặp Người ở đâu và gặp Người cách nào. Chính Đức Giêsu đã lấy sáng kiến và hiện ra trong những hoàn cảnh khác nhau.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Hai môn đệ đi về Emmau (24,13-14);
2) Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (24,15-27);
3) Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (24,28-32);
4) Trở lại Giêrusalem (24,33-35).
3.- Vài điểm chú giải
– Emmau (13): Bản văn cho biết Emmau cách Giêrusalem 60 dặm (stadious), tức 11,5 cây số (một dặm = 192m). Đến nay người ta vẫn chưa xác định được chắc chắn đây là làng nào: làng Amwas = Nicôpôli (176 dặm = 32,5cs; 1 Mcb 3,40.57: Ammaous), hay làng Kulonje (30 dặm = 5,5 cs; Phơlaviô Gioxép, Chiến tranh Do Thái VII 6,6 § 217: Ammaous), hoặc làng Kubêbe (64 dặm = 12cs; vào thời các thập tự quân: Castellum Emmaus)?
– (Và) xảy ra là đang lúc (15): Trong chương 24, có bốn lần tác giả Luca dùng cụm từ “kai egeneto en tô…”, mà Bản dịch CGKPV không dịch, còn cha NTThuấn thì dịch là “đang khi…”, “xảy ra là đang lúc…”, “và xảy ra là khi…”, “và xảy ra là đang khi…”. Tác giả dùng công thức này để dẫn vào những sự cố đặc biệt: hai chứng nhân xuất hiện (c. 4), Đức Giêsu đến cùng đi với hai môn đệ (c. 15), Đức Giêsu tỏ ra như là người chủ tọa bữa ăn (c. 30), và Đức Giêsu được đưa lên trời (c. 51).
– trò chuyện và bàn tán (15): Homilein, “trò chuyện”; syzêtein, “tìm với nhau, tranh luận, tranh cãi; bàn tán”; động từ syzêtein lại được dùng trong Cv 15,7.10, là nơi nhắc đến những tranh cãi kịch liệt trong Hội Thánh tiên khởi về vấn đề cắt bì. Như thế, câu chuyện tỏ ra sôi nổi và dường như các ông không hoàn toàn đồng ý với nhau.
– vẻ mặt buồn rầu (c. 17): Skythrôpos do skythros, “buồn rầu” và ôps, “gương mặt”.
– chẳng hiểu gì (25): Anoêtos có nghĩa là “thiếu khả năng suy nghĩ; không có đầu óc; kém thông minh; ngu xuẩn” (x. Gl 3,1: ô anoêtoi Galatai, “hỡi những người Galát ngu xuẩn”). Sau này, ở 24,45, tác giả cho biết Đức Giêsu “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.
– lòng trí thật là chậm tin (25): dịch sát là “chậm (bradeis) về trái tim để tin”. “Trái tim” (kardia), trung tâm của ý chí, trí tuệ và tình cảm của con người (x. 24,25.32.38). Động từ pisteuein, “tin” (Mt 11x, Mc 14x, Lc 9x, Ga 98x) chỉ được Lc dùng ở đây (danh từ pistis, “đức tin”: Mt 8x, Mc 5x, Lc 11x, Ga 0x). Trong Lc, động từ này luôn quy về lời nói, ở đây là lời các ngôn sứ. “Tin” có nghĩa là cương quyết chấp nhận giá trị của lời nói.
– Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình (26): “Phải” đây là động từ dei ở thì vị hoàn (edei): động từ nay diễn tả một điều cần thiết thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Xem 9,22; 17,25; 22,37; 24,7.44.
– trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (27): “Ông Môsê” là Bộ Ngũ Thư; “các ngôn sứ” là các sách sử và các sách ngôn sứ; “tất cả Sách Thánh” là những sách còn lại của Cựu Ước. Xem cách chia Kinh Thánh Do Thái thành ba phần ở 24,44.
– giải thích (27): Diermêneuein có nghĩa là “giải nghĩa, giải thích, chú giải”. Động từ này chỉ được Lc dùng ở đây; ở Cv 9,36, động từ này có nghĩa là “dịch”, và ở 1 Cr 14,5.13.27, có nghĩa là “giải thích điều được nói bằng các tiếng lạ; giúp hiểu điều người ta không tự mình hiểu được; đưa đến chỗ hiểu biết”. Những công thức có nghĩa tương tự là: “giải thích (dianoigô tas graphas, “mở trọn vẹn, mở toang Kinh Thánh”) Kinh Thánh cho chúng ta” (24,32) và “Người mở trí (dianoigô ton noun, “mở rộng trí”) cho các ông hiểu Kinh Thánh” (24,45).
– Mắt họ liền mở ra (31): Dịch sát là “mắt họ đã được mở ra” (diênoichthêsan, aor. pass. của động từ dianoigô, “mở trọn vẹn”). Đây là thái bị động thay tên Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Hai môn đệ đi về Emmau (13-14)
Bản văn mở ra với “hai người trong nhóm môn đệ” đang bước đi và trò chuyện. Sau đó, ta được biết một người tên là Cơlêôpát (c. 18). Họ không thuộc về Nhóm Mười Một, nhưng thuộc về nhóm những người khác đang cùng ở với Nhóm Mười Một (x. 24,11). Qua lời họ kể (24,22-24), họ chứng tỏ họ biết tất cả những gì đã được kể ở 24,1-12; họ biết những gì cộng đoàn biết và sẽ góp phần làm cho sự hiểu biết này gia tăng thêm.
Về thời gian, đây “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần (24,1). Họ cho biết là họ chỉ ra đi khi đã kiểm chứng tất cả các sự cố của 24,1-12. Bây giờ họ đang tiến về một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem khoảng mười một cây số.
Trong khi đi đường, họ trò chuyện sôi nổi với nhau. Đối tượng của cuộc bàn tán được mô tả tổng quát: “tất cả những sự việc mới xảy ra” (c. 14; x. c. 18) và ta hiểu nhờ những phần tường thuật trước đó của tác giả Tin Mừng.
* Đồng hành và đối thoại với Đức Giêsu (15-27)
Hai môn đệ cùng đi với nhau, họ chia sẻ các tâm tình với nhau, nhưng dường họ cũng không đồng quan điểm với nhau; có chuyện gì đó đã xảy ra khiến họ bị chao đảo và họ vẫn chưa có thể đồng ý với nhau về chuyện ấy hoặc tìm lại được bình an. Đức Giêsu tiến đến cùng đi với họ, rồi hỏi họ (cc. 15-19a). Họ kể lại các sự cố đã xảy ra cho Đức Giêsu theo quan điểm của họ (cc. 19b-24). Sau đó, Đức Giêsu đã trình bày cho thấy là tất cả những gì đã xảy ra đều phù hợp với Kinh Thánh (cc. 25-27).
Sau khi Đức Giêsu đã trở thành bạn đồng hành của họ, dù họ vẫn không biết Người là ai (cc. 15-16), hai bên đã trao đổi ba câu hỏi (cc. 17-19a), đưa đến chỗ họ kể chuyện rõ ràng hơn. Tác giả nhắc lại rằng con người đến gần hai môn đệ và bắt đầu bước đi với họ đúng là Đức Giêsu. Chính tác giả đã kể lại rằng hành vi cuối cùng Đức Giêsu đã làm sau khi kêu lên với Chúa Cha (23,46) là “tắt thở”. Bây giờ các hành động mới của Người là: đến gần, cùng đi, hỏi, cho thấy rằng Người thật sự đang sống (x. 24,5) và quan tâm trước tiên đến các môn đệ Người. Rõ ràng Đức Giêsu đến như một người lữ khách bình thường, nhưng hai người môn đệ không nhận ra Người. Kế đó, Lc đưa vào ba câu hỏi (24,17.18.19). Câu thứ nhất là của Đức Giêsu, Người tham gia vào cuộc thảo luận của họ (c. 17).
Phản ứng đầu tiên của họ là dừng lại. Cho tới nay, chỉ toàn là chuyển động: đi đến (c. 13), cùng đi (c. 15), đi (c. 17). Việc dừng lại dường như là do sự ngạc nhiên được diễn tả trong câu hỏi tiếp sau (c. 18). Tác giả cho biết “vẻ mặt họ buồn rầu”. Phản ứng thứ hai là câu hỏi của một ông tên là Cơlêôpát (Kleopas là dạng tắt của Kleopatros). Ông này cho biết là trong những ngày này, người ta chỉ có thể nói về một chuyện duy nhất, nên một người lạ cũng phải biết; thế mà người bạn đồng hành này lại không biết! Tâm trí của Cơlêôpát còn đầy các biến cố vừa xảy ra. Đức Giêsu trả lời bằng một câu hỏi thứ hai, rất ngắn: “Poia? (Những chuyện gì vậy?)”. Là nhân vật chính trong các biến cố ấy, Người lại tỏ ra như không biết. Người chứng tỏ sẵn sàng lắng nghe và đã tạo cơ hội cho họ diễn tả các tư tưởng và các mối bận tâm.
Họ bắt đầu kể. Có thể nói phần tường thuật của họ là một bản tổng hợp hành trình của Đức Giêsu và của TM Lc. Phần tường thuật có chủ đề “Chuyện ông Giêsu Nadarét”, với mở đầu cô đọng nhưng càng lúc càng rõ hơn. Hoạt động công khai của Người (x. Lc 4–21) được tổng hợp trong câu nhận định: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (c. 19; x. Lc 7,16). Dân chúng đã nhận biết Người là một ngôn sứ vĩ đại. Về cuộc Thương Khó của Người, hai ông nhắc đến các vị có trách nhiệm: “các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta” và diễn tả biến cố này bằng hai từ, “nộp” và “đóng đinh” (x. 24,7). Đến đây, họ ngưng phần kể truyện mà đưa vào một lời bình diễn tả nỗi thất vọng của họ: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en” (c. 21). Họ đã nghĩ đến một cuộc giải phóng dân tộc Do Thái mang tính chính trị. Ở c. 47, Đức Giêsu sẽ cho hiểu đây là cuộc giải phóng muôn dân khỏi tội lỗi.
Và cứ thế, họ đi đến giờ phút hiện tại: các sự việc xảy ra đã sang ngày thứ ba rồi (c. 21). Phải chăng họ đang gợi tới các lời tiên báo về Phục Sinh vào ngày thứ ba (9,22; 18,33; 24,7.46) và muốn ám chỉ rằng các lời ấy đã không thành sự? Phải chăng họ đang quy chiếu về niềm tin dân gian Do Thái cho rằng linh hồn vẫn ở gần thân xác cho đến ngày thứ ba, rồi mới vĩnh viễn tách ra? Dù thế nào, nhận xét ấy vẫn cho thấy nỗi thất vọng của họ.
Họ lại kể lại câu truyện và lần này kể rộng rãi hơn: đoạn 24,22-23 tương ứng với 24,2-11, còn đoạn 24,12 tương ứng với 24,24. Họ kể chi tiết kinh nghiệm của các phụ nữ: các bà này đến mộ từ sáng sớm, không thấy thi hài Đức Giêsu đâu cả, nhưng lại nói là đã thấy các thiên sứ hiện ra bảo rằng Người vẫn sống (x. 24,5t). Quả thật, các phụ nữ trở về, kể truyện, đã làm cho cộng đoàn sửng sốt. Họ kể lại sứ điệp của các phụ nữ (c. 24); rồi cũng cho biết có “mấy người trong nhóm chúng tôi” đã đến và thấy mộ trống, nghĩa là “thấy sự việc y như các bà ấy nói”. Để kết luận, họ nêu một nhận định cho đến nay chưa nói ra: “còn chính Người thì họ không thấy”. Trong khi họ nói ra điều này, họ nhìn Đức Giêsu mà không nhận ra Người (x. c. 16). Rồi họ sẽ là những người đầu tiên thấy Người (c. 31). Trong cuộc hiện ra với các môn đệ, chính Đức Giêsu cũng nhấn mạnh trên việc thấy: ở 24,39, hai lần động từ idete, “hãy nhìn xem”, được dùng (Có thể dịch lại 24,39 như sau: “Hãy nhìn xem (idete) tay chân Thầy đi, vì chính Thầy đây mà! Hãy rờ Thầy và nhìn xem (idete) đi, vì ma đâu có thịt có xương như anh em thấy (theôreite) Thầy có đây ?”).
Kế đó, tác giả ghi lại giọng văn trực tiếp của Đức Giêsu, trước hết là một tiếng than và một câu hỏi mang tính hùng biện (cc. 25-26), rồi cách thức Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh cho hai ông (c. 27). Trong khi các ông đã tóm các biến cố, Đức Giêsu lại cho thấy liên hệ của các biến cố ấy với Kinh Thánh, là nơi tỏ bày ý muốn của Thiên Chúa.
Trong tiếng than, Đức Giêsu đã đánh giá hai ông là “chẳng hiểu gì và lòng trí thật là chậm tin”; đây là một lời trách: trí tuệ và trái tim của các ông không sao tin được tất cả những gì các ngôn sứ đã nói. Trong câu hỏi mang tính hùng biện, Đức Giêsu nhấn mạnh trên sự kiện là, thể theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhất thiết Đức Kitô phải (dei) đi qua cuộc Thương Khó để vào vinh quang. Họ nói về Đức Giêsu như là vị ngôn sứ lớn (c. 19), Đức Giêsu lại nói về Đấng Kitô (cả 24,46): quả thật, trong cuộc xử cũng như khi chế giễu Đức Giêsu, người ta tập trung vào “Đấng Kitô” (22,67; 23,2; 23,35.39). Trong câu “chịu khổ hình, rồi mới vào trong vinh quang của Người”, cụm từ thứ hai đã thay thế động từ “trỗi dậy” trong những đoạn tương tự (x. 9,22;24,7.46): như thế, “trỗi dậy”, hay “sống lại”, có nghĩa là “đi vào trong vinh quang”, tức là đi vào sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa và thông phần vào vinh quang của Người.
Sau đó, Đức Giêsu rảo qua toàn bộ Cựu Ước để giải thích cho hai môn đệ những điều liên quan đến Người: trong tư cách là “nhà chú giải” (diermêneuein, “giải thích, chú giải”), Đức Giêsu cho hai ông thấy Kinh Thánh đã nói về Người ở đâu và nói như thế nào. Câu 24,27 và 24,44 có cùng nội dung là “những gì liên quan đến Đức Giêsu”, nhưng câu đầu thì Đức Giêsu nói mà chưa được nhận ra, còn câu sau thì Người nói sau khi đã được nhận biết.
* Nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (28-32)
Trong phần đầu, hai môn đệ tha thiết thuyết phục Đức Giêsu ở lại với họ (24,28-29). Trong phần giữa, Đức Giêsu bẻ bánh, được nhận biết và biến mất (24,30-31). Cuối cùng là lời bình luận của hai môn đệ (24,32).
Ba người đã đến gần mục tiêu hai môn đệ nhắm tới (x. 24,13). Đức Giêsu làm bộ (“làm ra vẻ, giả bộ”) muốn đi tiếp, nghĩa là Người tiếp tục tỏ ra như là người bạn đồng hành ngẫu nhiên. Họ tha thiết xin (“ra sức, ép buộc”) Người ở lại với họ và Người đã thuận theo lời họ xin. Họ viện lý do là trời đã xế chiều, nhưng sự khẩn khoản của họ chứng tỏ họ hết sức quý trọng người bạn đồng hành này. Những chi tiết được lặp đi lặp lại trong cc. 29 và 30 cho thấy có nguyện vọng được ở lại với nhau (“Mời ông ở lại với chúng tôi”: 24,29; “Người vào và ở lại với họ”: 24,29; “Khi đồng bàn với họ”: 24,30). Sự hiệp thông giữa ba người trở thành một sự hiệp thông trong bàn ăn (c. 30).
Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa; Người đã làm bốn hành động: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Người xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng (Lc 22,19-20. So sánh 22,19 // 24,30), tuy ở đấy Đức Giêsu có nói một số lời và cho phân phát một chén rượu. Ta cũng thấy Người xử sự như thế khi nhân bánh và cá ra nhiều (9,12-17), chỉ có điều là ở đấy, sau khi cầm lấy, Người lại ngườc mắt lên trời (9,16). Các môn đệ đã nhận ra Người. Khó có thể cho rằng các ông đã nhận ra Người vì nhớ lại Bữa Tiệc cuối cùng, bởi vì các ông không có mặt ở đấy. Hợp lý hơn, có thể nói là vì các ông đã có mặt khi Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều hoặc đã thường thấy Đức Giêsu làm cử chỉ này. Còn một câu hỏi khác: Phải chăng Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai môn đệ Emmau? Người ta thường trả lời là “không”, với các lý do: cử chỉ Đức Giêsu làm là mở đầu thông thường cho một bữa ăn Do Thái; Lc không ghi lại một lời giải thích nào của Đức Giêsu; thiếu việc trao một chén rượu; hai môn đệ này không có mặt trong Bữa Tiệc cuối cùng, vì chỉ dành cho các tông đồ (22,14). Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận là có tương quan chặt chẽ giữa 24,30 và 22,19. Thế rồi, hai môn đệ ấy đã nói đến “việc bẻ bánh” của Đức Giêsu (24,35). Cụm từ ấy chỉ xuất hiện ở đây và ở Cv 2,42. Vậy không thể chứng minh được là Đức Giêsu đã ban Mình Người cho hai ông, nhưng 22,30.35 là những câu nhắc các độc giả Lc nhớ tới Bữa Tối cuối cùng và những buổi cử hành Thánh Thể của họ. Và hẳn là khi nghe hai ông kể lại kinh nghiệm vừa trải qua, Nhóm Mười Một cũng nhớ lại Bữa Tối cuối cùng, trong đó quả thật Đức Giêsu đã ban Mình Người cho các ông (22,14.19). Như thế, Bữa Tối cuối cùng, với tất cả ý nghĩa của nó, lại trở nên sống động trong tâm khảm của cộng đoàn.
Kết quả mà hành vi của Đức Giêsu tạo ra là tương quan của hai môn đệ với Người được đảo ngược: Trước kia, ở 24,16, mắt của các ông còn bị ngăn cản, nay ở 24,31, mắt các ông đã mở ra để nhận biết Người, nhưng thật ra là Thiên Chúa mở mắt cho các ông (thái bị động thay tên Thiên Chúa). Người ta không thể nhìn thấy và nhận ra được Đức Giêsu Phục Sinh bằng cặp mắt nhân loại; nhận ra Đức Giêsu hiện diện và chân tính của Người là một ơn Thiên Chúa ban. Hai ông đã hưởng nhờ ân huệ lớn lao từ cách xử sự của Đức Giêsu. Các ông đã kết thúc truyện kể ngược lại quá khứ với một nhận định buồn rầu: “còn chính Người thì họ không thấy” (24,24). Bây giờ họ là những người đầu tiên của cộng đoàn (nhưng x. 24,34) được ban cho ơn thấy Đức Giêsu Phục Sinh và đang sống. Và khi đã nhận biết Đức Giêsu đang sống, họ mới có thể nhận ra là Đức Giêsu đã làm gì cho họ, khi đi bên họ, giải thích Kinh Thánh và trao bánh cho họ. Nhưng cũng ngay khi đó, Đức Giêsu biến mất. Họ phải học biết rằng nay đã chấm dứt hình thái hiện diện của Người theo kiểu loài người và trần thế, mà họ đã quen.
Trong lời bình luận (24,32), hai ông đã nêu bật kinh nghiệm vừa trải qua với Đức Giêsu, khi Người giải thích Sách Thánh cho họ (24,25-27). Họ ghi nhận một sự thay đổi trong tim, vì bây giờ con tim họ bắt đầu nóng cháy lên.
* Trở lại Giêrusalem (33-35)
Trong phần kết luận này, tác giả kể lại chuyến quay trở lại Giêrusalem của hai môn đệ (24,33), tại đó họ được loan tin là Chúa đã sống lại và đã hiện ra với Simôn (24,34). Rồi các ông cũng nói đến kinh nghiệm trải qua với Đức Giêsu Phục Sinh (24,35).
Vì giờ đã muộn, hai môn đệ đã xin người bạn đồng hành ở lại. Nay chính họ lại lên đường quay trở lại Giêrusalem. Chuyến đi được kể chi tiết (24,13-27), còn chuyến về chỉ được nêu lên bằng sự kiện. Hai môn đệ hết sức ao ước được thông tin cho cộng đoàn, cho Nhóm Mười Một và những người khác đang cùng ở với các ông (x. 24,9), nhưng trước khi có thể nói ra, các ông đã nhận được một lời loan báo với hai thông tin: (1) “Chúa trỗi dậy thật rồi” (x. 24,6) (2) “và đã hiện ra với ông Simôn” (x. 1 Cr 15,5). Hành vi cuối cùng của Chúa (kyrios) mà Lc ghi lại là ở 22,51: “Chúa quay lại nhìn ông Phêrô; ông Phêrô sực nhớ lời Chúa đã nói với mình”. Sự thông cảm đầy yêu thương của Chúa đối với người tông đồ đầu tiên đã chịu thua sự yếu đuối, đã bắt đầu lại ngay sau khi ông chối Người (22,54-62) và được hoàn tất với cuộc hiện ra của Đức Chúa Phục Sinh (x. cả 5,8-l1; 22,31-32). Phêrô là chứng nhân đầu tiên thông tin cho cộng đoàn biết Đức Chúa đã sống lại và đang sống. Hai môn đệ Emmau có thể xác nhận. Hai ông có thể làm chứng về kinh nghiệm hai điểm của mình: (a) về những gì đã xảy ra cho họ trên đường (24,15-27); (b) về những gì họ đã trải nghiệm tại bàn ăn (24,28-32).
Sau khi hai môn đệ đã tường thuật, cộng đoàn có ba chứng từ về cuộc sống lại và về cuộc sống của Đức Giêsu.
+ Kết luận
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu không sao đưa các môn đệ đến chỗ hiểu Kinh Thánh được (18,31-34). Chỉ trong tư cách là Đấng Phục Sinh, Người mới mở được ý nghĩa của Kinh Thánh ra cho họ (x. 24,32.45). Như thế, người ta chỉ có thể hiểu Kinh Thánh khởi đi từ cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu. Chìa khóa giúp giải thích những gì Kinh Thánh nói về hành trình của Đức Giêsu chính là cuộc Phục Sinh của Người; Đấng giải thích là Đức Giêsu Phục Sinh.
Trong khi Đức Giêsu Phục Sinh giải thích Kinh Thánh, lòng các môn đệ đã nóng cháy (24,32), nhưng chỉ sau khi Người bẻ bánh, mắt họ mới mở ra (24,31). Hai hành vi này không đưa vào những yếu tố mới, nhưng nhắc lại những gì đã được ban cho các môn đệ, và bây giờ lại được ký thác cho họ theo cách mới. Từ nay, Đức Giêsu không ở trong những hoàn cảnh sống trần thế nữa. Do đó, họ phải đọc Kinh Thánh từ quan điểm của Đức Giêsu Phục Sinh. Khi đón nhận Mình và Máu Người, họ phải nhận ra tình yêu vô biên của Đức Giêsu đối với các môn đệ Người.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Qua những chia sẻ cho Đức Giêsu, hai môn đệ nói về “chúng tôi” bằng nhiều cách (“mấy phụ nữ trong nhóm chúng tôi”, “mấy người trong nhóm chúng tôi”): họ chứng tỏ là họ rất gắn bó với cộng đoàn. Cộng đoàn xuất hiện ra trong bài Tin Mừng này như là một điểm quy chiếu vững chắc và như là nơi quy tụ tất cả các chứng từ và kinh nghiệm. Các thành viên của cộng đoàn chưa được tiếp xúc trực tiếp với Đức Chúa Phục Sinh, nhưng cộng đoàn là nơi chuẩn bị cho họ nhận biết chính Đấng Phục Sinh khi Người hiện ra giữa họ (24,36-53).
2. Lộ trình của hai môn đệ là “đi từ Giêrusalem về Giêrusalem”, hay “Giêrusalem-Emmau: chuyến đi khứ hồi”. Khi họ đi về Giêrusalem, họ đã rời bỏ cộng đoàn, Đức Giêsu đi bên họ mà họ không nhận ra Người. Khi họ quay trở lại Giêrusalem, họ muốn được liên kết trở lại với cộng đoàn, Đức Giêsu không còn đi với họ nữa, nhưng trái tim của họ chan hòa kinh nghiệm đã trải qua. Đã có một tiến trình đào sâu trong đó Đức Giêsu nổi bật hoặc như là đối tượng hoặc như là chủ thể. Kết quả là từng cá nhân và cộng đoàn đạt được một sự hiểu biết ngày càng sâu hơn về hành trình của Đức Giêsu và một sự nhận biết ngày càng chắc chắn hơn về sự Phục Sinh của Người.
3. Đọc truyện này, tôi cũng nhận ra được bố cục của một cuộc cử hành Thánh Thể: phần thứ nhất là Phụng vụ Lời Chúa: lắng nghe Lời Chúa và tìm hiểu ý nghĩa (Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh), phần thứ hai là Phụng vụ Thánh Thể (Đức Giêsu bẻ bánh). Chính Thánh lễ cũng sẽ đưa người tín hữu đến chỗ gắn bó với cộng đoàn hơn, làm chứng cho nhau để củng cố niềm tin, rồi lên đường tiếp tục chứng từ ấy giữa muôn dân.
4. Đức Giêsu đã làm một số hành vi: đến gần, cùng đi, hỏi, giải thích Kinh Thánh, bẻ bánh, mở mắt cho hai môn đệ, biến mất. Ba hành vi đầu có thể tóm lại bằng công thức “đi tìm con chiên lạc”. Hai môn đệ giống như con chiên trong bài dụ ngôn, đã bỏ đàn, và Đức Giêsu như người mục tử đi tìm con chiên lạc để đưa nó về đàn (x. 15,4-7). Trước khi tỏ mình ra cho toàn thể cộng đoàn (24,36-53), Đức Giêsu đã tìm lại được hai kẻ đã bỏ đi. Như thế, Đức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn quan tâm đến những gì đã mất (đối với Phêrô cũng vậy: 22,61; 24,34).
5. Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa nói với dân Ngài là thẩm quyền cao nhất cho họ và là điểm quy chiếu mà mọi người đều biết. Khi cho thấy Sách Thánh nói về Người và về những biến cố chính của hành trình đời Người, Đức Giêsu giúp ta thấy rằng các biến cố ấy không phải là những biến cố xa lạ và phi lý, nhưng thuộc về tương quan và lịch sử của Thiên Chúa với dân Ngài. Khi đó ta mới vượt qua được chướng kỳ là Đức Kitô bị nộp và bị đóng đinh (23,35-39; 24,20-21).
5. Lời của hai môn đệ đúng là kêrygma: cho dù ở dạng không mấy minh nhiên (như ontôs êgerthê ho kyrios, “Chúa sống lại thật rồi”, Lc 24,34), kêrygma này có các yếu tố căn bản: ba ngày, các phụ nữ tại mộ, các thiên sứ, tin nói rằng Đức Giêsu vẫn sống. Nhưng ở đây kêrygma được kể ra như là một điều không hiểu được, một điều hẳn là không thể nào đã xảy ra và lại là một bi kịch cho tất cả những ai đã đặt tin tưởng vào Người. Các lời thì có đó, nhưng con tim thì không; phải nói là con tim chỉ đầy phiền muộn, thất vọng, khiến cho người nói cảm thấy cay đắng, và do đó không thuyết phục được người nghe. Cần phải nghe câu trả lời của Đức Giêsu, một câu trả lời diễn tả kêrygma đích thật. Đức Giêsu hành động như người loan báo Tin Mừng và như vị tôn sư; Người sử dụng khả năng nhà chú giải và huấn giáo viên để cung cấp lời giải thích các môn đệ đang chờ.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm