HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH B
Cv 4,8-12 ; 1 Ga 3,1-2 ; Ga 10,11-18
NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 10,11-18
(11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (12) Người làm thuê vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn. (13) Vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. (15) Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. (17) Sỡ dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh chính mình. Tôi có quyền hy sinh và lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh Cha tôi mà tôi đã nhận được.
2. Ý CHÍNH: Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tự ví mình như vị Mục Tử nhân lành. Sự nhân lành của người Mục Tử được biểu lộ qua 3 hành động sau: Một là biết rõ từng con chiên và cũng được chiên nhận biết và đi theo. Hai là quan tâm đến cả đoàn chiên, nhất là những con chiên bị đau ốm, thương tích hay đi lạc đàn. Ba là sẵn sàng thí mạng mình đương đầu với sói rừng để bảo vệ đoàn chiên.
3. CHÚ THÍCH:
– C 11-13: + Tôi chính là: Đây là kiểu nói của Thiên Chúa khi mặc khải danh xưng: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đức Giê-su cũng nhiều lần dùng kiểu nói này: “Tôi Hằng Hữu”(Ga 8,24.28); “Chính tôi là Bánh trường sinh” (Ga 6,35), “Tôi là Bánh từ trời xuống” (Ga 6,41) ; “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12 ; 9,5); “Tôi là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10,7.9) ; “Tôi chính là Mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14) ; “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25) ; “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6) ; “Thầy là cây nho thật… Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,1.5). + Mục Tử nhân lành: Mục Tử là người chăn chiên. Mục tử là hình ảnh diễn tả tình thương bao la của Thiên Chúa đối với dân Ít-ra-en như lời tuyên sấm của ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ;.Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào khỏe mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,15-16). Thiên Chúa cũng dùng một số mục tử để chăn dắt dân Ít-ra-en như Mô-sê (x. Is 63,11), Đa-vít (x. Tv 78,70-71). Có hai loại mục tử là mục tử tốt và mục tử xấu (x. Gr 10,21). Thiên Chúa hứa ban một mục tử dòng dõi Đa-vít, luôn làm đẹp lòng Người sẽ đến (x. Gr 23,4-6) là Đức Giê-su (x Ga 10,11). + Hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên: Đây là khác biệt quan trọng giữa mục tử chân chính với kẻ chăn thuê. Hy sinh mạng sống cho người mình yêu là dấu hiệu của một tình yêu tột đỉnh (x. Ga 15,13). + Người làm thuê không phải là mục tử: Người chăn thuê ám chỉ các đầu mục Do thái như các kinh sư, Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 23,2), các ngôn sứ giả (x. Mt 24,11). Họ thường có thái độ hèn nhát và vô trách nhiệm (x. Ga,12-13), chỉ lo tìm tư lợi, dẫn đường sai lạc, nói mà không làm và đạo đức giả (x. Mt 23,14.16.25.28).
– C 14-16: + Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi: Từ ngữ “biết” trong Kinh Thánh không những là sự hiểu biết về mặt kiến thức, mà còn nói lên mối quan hệ mật thiết: Biết điều gì nghĩa là có kinh nghiệm cụ thể về điều đó. Biết người nào là có quan hệ mật thiết với người đó (x. Lc 1,34). Đức Giê-su biết các tín hữu là chiên của Người, và họ cũng biết Người là Mục Tử của họ và họ luôn vâng nghe lời Người. + Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này: Sự quan tâm của Mục Tử nhân lành còn phổ biến đến hết mọi dân tộc qua các môn đệ của Người. Sứ mạng loan Tin Mừng và làm chứng cho Người được trao cho các môn đệ là đại diện của Giáo Hội và cũng là sứ mạng của mỗi tín hữu (x. Mt 28,19; Cv 1,8). + Sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Mục Tử: Nhờ sự chết của Đức Giê-su trên cây thập giá, biên giới ngăn cách giữa Do Thái và dân ngoại đã bị phá hủy (x. Gl 3,28). Từ nay mọi người thuộc mọi dân tộc đều có thể gia nhập vào đoàn chiên của Chúa Giê-su, vì Người đã đổ máu ra để cứu chuộc toàn thể nhân loại (x. 1 Tm 2,4).
– C 17-18: + Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi: Khi hiển dung trên quả núi cao, Đức Giê-su đã được Chúa Cha công nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17;17,5).. + Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình: Việc Đức Giê-su chịu chết không phải do ý muốn của các đầu mục Do Thái, do ý của tổng trấn Phi-la-tô, Giu-đa, quân lính và dân chúng… Nhưng là do Người tự ý chấp nhận vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. Mt 26,39) vào “GIỜ” Con Người được tôn vinh (x. Ga 12,23). + Để rồi lấy lại: Đức Giê-su đã báo cho các môn đệ biết trước: Người sẽ đi lên Giê-ru-sa-lem, chịu đau khổ, sẽ bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại (x. Mt 16,21), nhờ quyền năng của Thiên Chúa (x. Cv 2,32-33).
4. CÂU HỎI: 1) Mục tử là gì? 2) Ba đặc điểm của người mục tử tốt lành là gì? 3) Đức Giê-su nhiều lần tự khẳng định về mình qua những câu nào trong Tin Mừng? 4) Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm Thiên Chúa chính là Mục Tử nhân lành của dân Ít-ra-en trong câu nào? 5) Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã đặt những vị nào làm mục tử để thay Ngài chăn dắt dân Ít-ra-en? 6) Khác biệt quan trọng nhất giữa mục tử tốt với kẻ chăn thuê là gì? 7) Đức Giê-su quở trách các đầu mục dân Do thái vốn là những kẻ chăn thuê vì những tội nào? 8) Ý nghĩa sâu xa của từ “biết” trong Thánh Kinh là gì? 9) Tin mừng ghi lại hai lần Đức Giê-su được Chúa Cha xác nhận là Con yêu dấu như thế nào? 10) Đức Giê-su đã tình nguyện chọn thi hành sứ mệnh cứu thế bằng con đường chịu khổ nạn theo thánh ý Chúa Cha trong câu nói nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚa: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
2. CÂU CHUYỆN:
1) QUO VADIS ? – THẦY ĐI ĐÂU ?
Thời hoàng đế NÊ-RÔNG ra tay bách hại đạo công giáo. Thủ đô Rô-ma ngập tràn máu lửa: biết bao tín hữu đã bị giết chết dưới bàn tay của bạo chúa tàn bạo điên loạn.
Giáo hội non trẻ do Đức Giê-su thiết lập như sắp bị tan tác tiêu diệt. Phê-rô là trụ cột của Giáo hội. Các tín hữu đã tha thiết xin ông trốn khỏi Rô-ma, để có thể tiếp tục lãnh đạo đoàn chiên. Đề nghị này khiến tông đồ Phê-rô phân vânm vì đoàn chiên chắc sẽ bị nao núng nếu mất đi chủ chiên? Thầy Giê-su đã chẳng khuyên các môn đệ: khi người ta bắt chúng con ở thành này, thì hãy trốn sang thành khác đó sao? Thế là Phê-rô đã mang theo bị gậy và hóa trang để trốn ra khỏi thành. Nhưng rồi ông lại gặp Chúa Giê-su Phục Sinh đang đi vào thành nên ông hỏi:
– Quo vadis, Domine ? Lạy Chúa, Chúa đi đâu vậy ?
Chúa Giê-su Phục Sinh trả lời :
– Ta đi vào trong thành để chịu đóng đinh thêm một lần nữa. Nói xong Chúa biến mất.
Hiểu ý Thầy, nên Phê-rô đã quay trở vào thành Rô-ma để động viên an ủi đoàn chiên đang bị bách hại. Sau cùng ông đã bị bắt và bị đóng đanh ngược đầu để nêu gương chết vì lòng mến Chúa cho đoàn chiên.
2) MẸ TÌNH NGUYỆN CHẾT THAY CHO CON
Trên một tạp chí y học ở Ac-hen-ti-na, bác sĩ GIĂNG COÓC-TÊ (Jean Cortez) đã kể lại một trường hợp đặc biệt mà chính ông chứng kiến. Ông đang điều trị cho một bé gái tên là Ăng-gien (Angel). Em bị ung thư bao tử, một bệnh rất hiếm gặp nơi trẻ em. Sau khi giải phẫu và điều trị đủ cách, ông đành phải báo tin buồn cho bà mẹ của bé về sự bất lực của mình trước căn bệnh hiểm nghèo này, và tuyên bố bé Ăng-gien đã chết! Bà Ma-ri-a mẹ em bé gần như hóa điên khi nghe tin dữ ấy. Bà nhất quyết không cho ai đụng vào thi thể của con, và bà quỳ cầu nguyện nhiều giờ bên giường của con. Bác sĩ Coóc-tê rất xúc động khi nghe bà cầu xin được chết thay cho con. Ông cùng mọi người im lặng ra ngoài để bà một mình với đứa con đã chết.
Nửa tiếng đồng hồ sau, mọi người lại vào phòng và rất ngạc nhiên khi thấy bé Ăng-gien bây giờ đã khỏe lại. Gương mặt em rạng rỡ vui vẻ như không bị bệnh tật gì. Em đang ngồi trên giường, còn mẹ em thì nằm gục bên cạnh giường và sắp chết. Bà thều thào nói với bác sĩ rằng: “Thưa bác sĩ, tôi rất mừng được Chúa thương nhậm lời cầu của tôi là cho tôi được chịu bệnh thay cho con tôi!”. Bấy giờ bác sĩ Coóc-tê lập tức cho tái xét nghiệm và kết quả là bé Ăng-gien đã hoàn toàn bình phục, còn bà Ma-ri-a thì lại bị mắc chứng bệnh bao tử của em mà trước đó bà chưa hề mắc phải. Thân nhân xúm lại xung quanh bà Ma-ri-a để động viên an ủi bà và hứa sẽ nhận bé Ăng-gien làm con và sẽ chăm sóc nuôi dạy bé nên người tốt sau này. Vài giờ sau bà Ma-ri-a đã ra đi trong bình an. Bà được mọi người kính phục vì tình mẫu tử cao quý bà dành cho con.
Bác sĩ Coóc-tê kết luận: “Tôi không thể giải thích tại sao lại có thể xảy ra như thế được! Vì rõ ràng trước đó cô bé Ăng-gien đã chết. Có thể có một thần lực siêu phàm nào đó đã tác động và hoán chuyển căn bệnh quái ác từ đứa con sang bà mẹ!”.
3) MUC TỬ NHÂN LÀNH HY SINH CHỊU CHẾT VÌ ĐOÀN CHIÊN
Đức cha RÔ-MÊ-RÔ, Tổng Giám Mục San Salvador ở Trung Mỹ đã cương quyết phản đối chính phủ đã vi phạm nhân quyền, khi ủng hộ giới địa chủ và đại tư sản để áp bức bóc lột nông dân, mà tuyệt đại đa số là người Công Giáo (98%). Đức cha đã can đảm đứng về phía nông dân để bênh vực quyền lợi cho họ, dù biết rằng hành động như thế có thể đưa ngài đến chỗ bị cầm tù và bị giết chết nữa. Nhưng, giống như Chúa Giê-su, vị Mục Tử nhân lành, Đức cha Rô-mê-rô đã sẵn sàng chịu chết, hiến mạng sống mình để “đoàn chiên được sống và sống dồi dào”.
Ngày 24/3/1980, một tay súng chuyên bắn thuê đã hạ sát Đức cha Rô-mê-rô trong lúc ngài đang cử hành thánh lễ trong nhà thờ với đoàn chiên, khiến ngài đã tắt thở ngay tại chỗ. Chỉ trước đó vài phút, ngài đã giảng một bài thật hùng hồn về niềm hy vọng tràn đầy vào hạnh phúc vĩnh cửu của con cái Chúa; trong đó, ngài tha thiết khuyên giáo dân hãy hy sinh phục vụ tha nhân theo mẫu gương hy sinh của Chúa Ki-tô.
Từ ngày Đức Tổng Giám Mục Ro-me-no tranh đấu đòi nhân quyền cho giáo dân bị áp bức, ngài đã ý thức rằng tính mạng của ngài đang bị đe dọa. Một lần kia ngài đã quả quyết với các phóng viên rằng: “Mặc dầu kẻ thù có giết chết tôi, tôi cũng sẽ “trỗi dậy” giữa dân của tôi”. Bởi vì Đức Tổng Giám Mục rất thương mến giáo dân của Ngài tại San Salvador, và chính vì thế, ngài đã sẵn sàng chịu chết để bênh vực quyền lợi cho họ. Ngài đã sống lời Chúa phán trong Tin Mừng hôm nay: “Ta là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên… Ta biết chiên của Ta và Ta hiến mạng sống vì chiên của Ta”.
4) MỤC TỬ NHÂN LÀNH HY SINH PHỤC VỤ ĐOÀN CHIÊN:
Vào năm 1870 theo lệnh của chính quyền Ha-wai, những người mắc bệnh phong cùi phải cách ly với mọi người để đến sống trên cù lao Mo-lo-kai. Tàu của nhà nước mỗi tuần chỉ tiếp tế cho những người ở đây một lần. Những người phong hủi sống ở đó thiếu thuốc thang, thiếu sự chăm sóc, nhất là thiếu an ủi và nâng đỡ đặc biệt là về phương diện tôn giáo. Khi vừa nghe thấy tin này, được lòng mến Chúa thúc đẩy, cha Damien dòng Thánh Tâm người nước Bỉ, đã tình nguyện xin Đức Giám mục Giáo phận cho phép ngài được ra sống chung với những người xấu số đó. Thấy Đức Giám mục có vẻ lưỡng lự, cha Damien đã quỳ xuống đất thưa rằng:
– Thưa Đức cha, mặc dầu con còn trẻ, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo dòng đen nhà tu, con đã trở nên những người của Chúa, con đã sẵn sàng chết cho các linh hồn theo gương Chúa Giêsu.
Sau khi được phép đức Giám mục Giáo phận, cha Damien lên đường ra đi, đến cù lao Molokai để sống chung với anh em phong hủi. Cha đã sống với họ 16 năm: ra vào thăm nom, tập cho họ nghề nghiệp, dạy họ đọc và chữ viết, rửa tội, giải tội, xức dầu thánh. Sau một thời gian vì quá gần gũi với những người cùi, cha đã lây bệnh. Bác sĩ Woons viết rằng: cha Damien đã khác hẳn mười năm trước đây. Mặt mũi giờ đây bị rộp và sưng lên. Hai tai dày cộm và xệ xuống, các ngón tay đang lần lượt co quắp lại… cha đã trở nên giống các con chiên của cha: da trán sưng lên; hai tai phồng ra to; mũi, má, cổ tay đều bị hủi ăn.
Sau 16 năm sống trong hy sinh và bệnh nạn, cha Damien bị những vi trùng cùi đêm ngày tấn công, và sau hết phải ngã gục và chết giữa con chiên.
Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế để ở với loài người. Chúa còn chết cho loài người.
Cha Damien đã chết giữa những con chiên mắc bệnh phong hủi của cha, để một phần nào nói lên được điều Chúa đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Mục tử tốt lành liều mạng sống vì con chiên”.
NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA CÁC MỤC TỬ THỜI ĐẠI MỚI:
Linh mục là người mục tử được Chúa trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên về phần linh hồn.
– “LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI?”: Văn hào Giu-ăng A-ri-a (Juan Arias) viết: “Lạy Chúa, Linh mục là ai? Đối với nhiều người: Ông ta là một người cô độc ích kỷ. Đối với nhiều người khác: Ông ta là thứ trai già vô tích sự, một nhân viên bàn giấy của tôn giáo”. Người nghèo tỏ vẻ bực bội khi thấy Linh mục hay tiếp xúc với người giàu có và rủa Linh mục là “đồ tư bản chết tiệt!”. Nếu linh mục hiến thân chuyên lo phục vụ người nghèo ít học, người bệnh tật, cô đơn… thì người ta lại ganh ghét và gọi Linh mục là “Đồ tả khuynh bần tiện!”.
Làm Linh mục thời đại ngày nay thật không đơn giản chút nào!
– “MỘT NGƯỜI LUÔN LUÔN SAI LẦM” (He is always wrong): Đây là tựa đề của một bài báo nhỏ nói lên sự cảm thông đối với các Linh mục là chủ chăn thời nay như sau:
* Giảng ngắn dưới 10 phút: “Ông Linh mục này lười không chịu dọn kỹ bài giảng!”.
* Giảng quá 20 phút: “Ông ta là ưa nói dai và nói dài!”
* Nếu giảng với giọng bình thường: “Ông ta có biệt tài dỗ ngủ cho người bị khó ngủ!”
* Nếu giảng hùng hồn: “Ông ta la lối om sòm thật bất kính với Chúa đang ngự trong nhà chầu!”
* Nếu năng đến thăm các gia đình trong giáo xứ: “Ông ta chẳng có việc gì để làm, suốt ngày la cà hết nhà này sang nhà nọ để kiếm chác! chẳng mấy khi thấy ông ta có mặt ở nhà để tiếp xúc với các người cần gặp hay để đi thăm kẻ liệt!”.
* Nếu ít đi thăm: “Ông ta chẳng quan tâm để biết con chiên của mình sống chết ra sao!”.
* Nếu linh mục còn trẻ: “Ông ta mới ra trường nên tay nghề còn non và chưa có kinh nghiệm mục vụ!”.
* Nếu đã cao niên: “Một lão già lẩm cẩm hủ lậu! Ông ta nên sớm về hưu đi là vừa!”
Thật đúng như người đời thường nói: “Ở sao cho vừa lòng người: Ở rộng người cười ở hẹp người chê”. Làm Linh mục thật không dễ chút nào phải không các bạn ?”.
3. THẢO LUẬN: Bạn sẽ làm gì để trở nên chiên ngoan trong đoàn chiên do các mục tử được Chúa sai đến chăm sóc?
4. SUY NIỆM:
1) Về hai loại mục tử trong Hội Thánh:
Mục tử là người lãnh đạo và chăn dắt đoàn chiên. Trong Tin mừng hôm nay Đức Giê-su đã phân biệt hai loại mục tử là: mục tử chân chính và mục tử giả hiệu như sau:
– Mục tử chân chính là chủ chiên thực sự của đoàn chiên noi gương Đức Giê-su như Người khẳng định: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10,14). Đức Giê-su đã hy sinh quên mình cho đoàn chiên: Người đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng Nước Trời (x Mt 13,1-9), làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế, sẵn sàng chịu chết trên cây thập tự để đền tội thay cho đoàn chiên như Người đã nói: «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11). Điều Đức Giê-su luôn quan tâm là lo cho «chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Sống dồi dào về thể xác bằng cách chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền cho dân (x. Mt 8,16-17), xua trừ ma quỷ (x. Mt 9,32-34), nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông đang đói (x. Mt 14,15-21). Dồi dào về tinh thần như nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Tin mừng Nước Trời, thiết lập bảy phép bí tích, bao dung tha thứ tội lỗi, rửa chân phục vụ môn đệ, đổ Thần Khí trên các tông đồ… noi gương Mục Tử nhân lành Giê-su.
– Mục tử chăn thuê, ám chỉ các đầu mục dân Do Thái đương thời gồm các kinh sư, người Pha-ri-sêu và các tư tế phục vụ Đền thờ. Những người này không phải là chủ chiên thực sự nên «không thiết gì đến chiên» (10,13). Họ tỏ thái độ vô trách nhiệm trước sự an nguy của đoàn chiên: «Khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy», để «sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn» (10,12). Đối với hạng mục tử này, đoàn chiên chỉ có giá trị lợi dụng để phục vụ cho họ, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm lời Đức Chúa cáo trách các mục tử chăn thuê của Ít-ra-en như sau: «Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa chiên thì các ngươi uống, len thì các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, nhưng đoàn chiên thì lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc» (Ed 34,2-4).
2) Mục tử lý tưởng cho Hội Thánh hôm nay:
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô quan niệm mục tử lý tưởng cho Hội Thánh hôm nay phải là người có “mùi chiên”, gần gũi với con chiên; Là người cha, người anh em với sự hiền dịu, kiên nhẫn và đầy lòng thương xót; Là người có lối sống khó nghèo, sự khó nghèo nội tâm cũng như khó nghèo bề ngoài như sống đơn giản khắc khổ trong cuộc sống; Là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”; Là những người không có tham vọng làm phu quân của Giáo Hội; Là những người có khả năng thức tỉnh đoàn chiên được giao phó, và quan tâm duy trì sự hiệp nhất, canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa đoàn chiên, làm cho niềm hy vọng được lớn lên.
Ước gì các Mục Tử luôn có mặt trời và ánh sáng trong trái tim mình. Là những người có khả năng hỗ trợ Thiên Chúa nơi dân Người, với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
Cuối cùng để chu toàn sứ vụ chăn dắt, vị mục tử có ba vị trí trong đoàn chiên như sau: Một là đi phía trước để dẫn đường; Hai là đi giữa để duy trì sự hiệp nhất và giữ vững tinh thần của đoàn chiên; Ba là đi phía sau để tránh cho chiên khỏi bị tụt hậu, và tạo điều kiện cho chiên đánh hơi hầu tìm ra hướng đi mới cho đoàn.
3) Ngày Thế giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu:
Hiện nay trên thế giới nhất là tại các nước Âu Mỹ đang thiếu ơn gọi linh mục và tu sĩ cách trầm trọng. Nhiều nhà thờ không có linh mục coi sóc, nhiều tu viện to lớn bị bỏ hoang vì không còn tu sĩ trẻ tiếp nối, nên Giáo Hội đã chọn ngày Chúa Nhật 4 Phục Sinh làm ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu ơn gọi này như sau:
– Một là vì những gương mù gương xấu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ: thái độ sống thiếu khiêm tốn, thiếu đạo đức, thiếu khôn ngoan, thiếu lịch sự, thiếu nhân bản và thiếu cả bác ái của một số linh mục và tu sĩ, nên ít được mến phục và đi theo con đường này.
– Hai là thiếu sự cảm thông và cộng tác với các vị chủ chăn nơi các tín hữu.
– Ba là thiếu cầu nguyện cho ơn thiên triệu như lời Chúa Giê-su: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người” (Lc 10:2).
4) Cụ thể chúng ta nên làm gì?
a) Đối với các linh mục tu sĩ:
– Hãy luôn khiêm tốn yêu thương thể hiện qua thái độ lịch sự, vui vẻ và luôn mỉm cười mỗi khi có dịp tiếp xúc với tha nhân.
– Tránh than vãn về các nỗi khổ gặp phải trong đời tu khi nói chuyện với các bạn trẻ.
– Nhắc nhở cộng đoàn năng cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
– Nếu biết bạn trẻ nào có ý muốn dâng mình cho Chúa, hãy đến thăm, trò chuyện và giải thích cho họ hiểu biết thêm về ý nghĩa và giá trị của đời tu…
b) Đối với những người đang sống đời hôn nhân gia đình:
– Hãy năng cầu xin Chúa giúp con cháu mình nhận ra ơn Chúa kêu gọi và mau mắn đáp lại.
– Tránh phê bình, chỉ trích, nói hành nói xấu các chủ chăn như Giám Mục, linh mục, và tu sĩ.
– Tham gia vào hội Bảo Trợ ơn gọi linh mục tu sĩ bằng lời cầu nguyện và quảng đại đóng góp tài chánh hằng năm để ủng hộ cho ơn thiên triệu.
5.CẦU NGUYỆN:
LẠY CHÚA GIÊ-SU.
Xin ban cho chúng con những linh mục quảng đại, hy sinh phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Xin ban cho chúng con những linh mục có trái tim biết yêu thương bằng tình yêu của Chúa, một trái tim mở rộng đón nhận mọi người, nhất là những người đau khổ bất hạnh.
Xin ban cho chúng con những linh mục có đức tin vững mạnh, luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa, để giúp chúng con gặp được Chúa.
Xin ban cho chúng con những linh mục biết nhiệt tình rao giảng Lời Chúa, có sức làm bùng cháy ngọn lửa yêu thương trong lòng chúng con, giúp chúng con thêm đức tin để nhìn thấy Chúa hiện thân trong mọi người nhất là những người nghèo khổ và sẵn sàng phục vụ họ.
Cuối cùng xin Chúa ban cho chúng con những linh mục là những chủ chăn tốt lành luôn biết noi gương Chúa: “Đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM