cây nho thẬt
(Gioan 15,1-8 – CN V PS-B)
1.- Ngữ cảnh
Các chương 15 và 16 không ăn khớp với ngữ cảnh, bởi vì làm thế nào có thể liên kết chúng với câu cuối cùng của ch. 14: “Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!”? Nhiều nhà chú giải cho rằng sau khi đã rời bàn ăn, Đức Giêsu lại tiếp tục trò chuyện với các môn đệ trong Nhà Tiệc Ly hoặc trong một phòng kế cận (Maldonat, Schanz, Knabenbauer, Calmes, Tillman). Nhưng ngưới ta không biện minh được là làm thế nào, sau một hiệu lệnh ra đi quá rõ như thế, mà lại còn có một cuộc trò chuyện khá dài (86 câu). Do đó, có những học giả khác nói rằng Đức Giêsu vừa đi vừa nói chuyện (Godet, Fillion, Wescott, Swete). Tuy nhiên, giả thiết này chỉ hợp lý nếu ở miền quê, chứ không phải trong những con phố nhỏ hẹp như trong thành Giêrusalem, mà người ta phải đi qua trước khi đến thung lũng Kítrôn. Đã thế, người ta chỉ đến đó vào đầu ch. 18!
Hai giả thuyết này cũng như giả thuyết về một bố cục khác cho các ch. 1317 đều không đầy đủ và không được biện minh bởi truyền thống các thủ bản. Hợp lý nhất là giả thuyết cho rằng các ch. 15 và 16 là một phần do chính tác giả thêm vào sau (Lepin, Durand, Lagrange, Lebreton, Huby). Điều này hợp lý cả về nguyên tắc cả về thực tế: vì tác giả kể lại các kỷ niệm đã xa rồi trong thời gian, ngài cứ viết rồi lại bổ sung; do đó, bản văn có nhiều tầng soạn thảo.
Để hỗ trợ cho nhận định này, chúng ta ghi nhận rằng các ch. 15 và 16 trình bày ba đề tài chính: sự kết hợp của các môn đệ với Đức Giêsu và với nhau dưới hình ảnh cây nho (15,1-17); sự thù ghét của thế gian đối với các môn đệ và loan báo những bách hại (15,1816,4a); Đức Giêsu ra đi và ban các lời hứa cho thời gian Người vắng mặt (16,4b-33). Phần cuối cùng này có một đối tượng giống hệt ch. 14. Như vậy, đây là một bổ túc cho các kỷ niệm đã được bài diễn từ ghi lại.
Về phân đoạn 15,1-17 cũng thế. Nếu giáo lý về sự hiệp nhất của Chúa Cha với Chúa Con không triển khai rõ bằng trong ch. 14, thì đề tài sự kết hợp của Đức Giêsu với các môn đệ, được triển khai bằng những từ ngữ rất sống động, và màu sắc Thánh Thể do sự lặp lại liên tục các từ ngữ như karpos, “trái” (8 lần), agapê, “tình yêu” (4 lần), mênô, “ở lại” theo nghĩa thần bí (11 lần), phải được liên kết với bài Diễn từ Thánh Thể (6,27-56), dường như cho thấy rằng bản văn có lẽ đã được nói trước ch. 14, nhưng trong quan hệ chặt chẽ với việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể.
Còn khối 15,1816,4a, ngay ở đểm nói về vai trò của Đấng Bảo Trợ (15,26), tương ứng với lời loan báo các bách hại của Bài Diễn từ cánh chung theo các TMNL (Mt 24,1-23 //) và chứa những lời thuộc về các hoàn cảnh khác. Hẳn là tác giả TM IV đã thêm các lời đó vào bài diễn từ sau Tiệc Ly để làm trọn phần giáo huấn các môn đệ, giống như Mt đã gom vào Bài Giảng trên núi những giáo huấn khác nhau của Đức Giêsu liên hệ đến luật sống Kitô hữu (Guillemette).
2.- Bố cục
Bản văn đầy đủ là 15,1-17. Ta có thể xác định được ranh giới các phân đoạn (15,1-8.9-11.12-17) nhờ các câu “đóng khung” (“Cha Thầy”: 15,1.8; “sinh hoa trái”: 15,2.8; “nhiều”: 15,2.8; “điều răn/truyền dạy”: 15,12.17; “để anh em thương yêu nhau”: 15,12.17).
Riêng phân đoạn có bố cục đồng tâm như sau:
A = 1-2
B = 3-4a
C = 4bcd
D = 5
C’= 6
B’= 7
A’= 8
3.-Vài điểm chú giải
– người trồng nho (1): Dịch sát geôrgos là người đào xới đất đai, người làm vườn.
– chặt đi … cắt tỉa (2): Trong tiếng Hy Lạp, có một kiểu chơi chữ ở đây do hai động từ có cùng âm điệu (paranomasia): airein (chặt) và kathairein (tỉa). Tuy hai động từ được dùng ở đây cho việc chăm sóc cây nho, dường như airein với nghĩa là “lấy đi, mang đi (= giết) và kathairein với nghĩa là “thanh luyện” được chọn ở đây không phải vì phù hợp với việc trồng nho, nhưng vì phù hợp cho những con người, đó là Đức Giêsu và các môn đệ.
– cắt tỉa … được thanh sạch (2-3): Ở đây cũng có một kiểu chơi chữ giữa katharei, “Người cắt tỉa” và katharoi, “được thanh sạch”.
– lời (3): Đây là toàn thể giáo huấn của Đức Giêsu (x. Ga 5,38; 1 Ga 2,24). Chính giáo huấn của Người, một khi được lắng nghe và đón nhận, làm cho các môn đệ nên thanh sạch. Chính lòng tin gắn bó với lời giáo huấn của Đức Giêsu đã liên kết họ với cây nho và làm cho họ nên thanh sạch.
– ở lại (4): Động từ “ở lại” (menô) là động từ chính yếu của ch. 15 và của cả TM IV. “Ở lại” có nghĩa là bám chắc nhưng năng động vào những gì đã được ban cho trong quá khứ, nắm lấy nó trong hiện tại và nhìn tới tương lai theo chiều hướng của nó. Có thể theo nghĩa này mà hiểu các câu nói về người tín hữu phải “ở lại” trong lời (8,31), trong tình yêu (15,9-10), trong ánh sáng (1 Ga 2,10), trong Thiên Chúa (1 Ga 4,13-16). Còn với Thiên Chúa hoặc với Đức Giêsu, “ở lại” có nghĩa là bền bỉ ban ơn cứu độ cho các tín hữu (x. 1 Ga 2,27; 3,9.15; 4,12-15). Do trung thành, người tín hữu gắn bó cuộc đời với Đức Giêsu Kitô và thấy rằng nơi Người, Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho loài người mãi mãi. Sự trung thành này cũng hàm ý một sự tương giao năng động và sự hiểu biết tiệm tiến.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Cho tới đây, trong bài Diễn từ cáo biệt, Đức Giêsu đã đặc biệt cho thấy là Người không để các môn đệ phải cô đơn và đã nói những gì họ phải làm để ở lại kết hợp với Người theo nhiều cách. Bây giờ Người lưu ý họ về sự kiện là, sau khi Người đã được nâng lên, họ sẽ phải mang hoa trái, sẽ phải có một nhiệm vụ truyền giáo. Người cho họ biết họ cần gì để chu toàn được nhiệm vụ này.
Cấu trúc của bản văn 15,1-8 với trung tâm là a. 5 (D): “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Bản văn nêu bật đề tài trung tâm là nhu cầu hiệp nhất giữa Đức Giêsu và các môn đệ để sinh nhiều hoa trái. Quả thật Dụ ngôn Cây nho thật tập trung vào việc mang hoa trái (15,2.4.5.8.16). Chỉ có trong hai đoạn khác, Đức Giêsu mới cũng nói đến hoa trái, đó là trong những đối thoại với các môn đệ. Khi Người nhấn mạnh trên sự kiện là được người Samari đón tiếp và nhận biết, Người đã nói với các môn đệ: “Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi (= trái) để được sống muôn đời […]. Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra” (4,36.38). Khi lần đầu tiên một vài người Hy-lạp đến tìm Người, Người đã giải thích cho các môn đệ: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (12,24; x. 15,5.8). Trong cả hai trường hợp, bản văn nhắm đến sự kiện là cộng đoàn những người tin vào Đức Giêsu tăng trưởng và đi xa hơn vòng các môn đệ hiện thời. Đức Giêsu là hạt lúa chết đi để sinh nhiều hoa trái. Nhưng Đức Giêsu cũng là cây nho mà các cành phải mang những trái tốt tươi. Trong dụ ngôn đầu, Người nói đến tầm quan trọng của cái chết của Người để lôi kéo các tín hữu đến với Người (x. 12,32); trong dụ ngôn thứ hai, Người cho thấy hoa trái của các môn đệ Người hệ tại điều gì.
Nói rằng bản văn nhấn mạnh trên việc “mang hoa trái”, chúng ta thấy điều này qua ba lần lặp lại cụm từ “nhiều hoa trái” (karpon pleiona / polyn pherein) ở đầu (c. 2), ở giữa (c. 5) và ở cuối (c. 8), tức là ở yếu tố đầu, yếu tố trung tâm và yếu tố cuối của cấu trúc đồng tâm (x. cả “sinh [mang] hoa trái” ở cc. 2ab.4b). Để sinh hoa trái, cần phải kết hợp (mênô) với Đức Giêsu: điều này được khẳng định thật rõ ràng bằng hai cách: cách tích cực (“ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em”: c. 4a; “ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy”: c. 5b; “nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em”: c. 7ab) và cách tiêu cực (“nếu không ở lại [gắn liền] với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”: c. 4cd; “ai không ở lại trong Thầy”: c. 6a). Hệ luận của việc không ở lại trong Đức Giêsu-cây nho, đó là cành ấy không sinh hoa trái (c. 4bc) và sẽ bị chặt đi (c. 2a), bị quăng ra ngoài và bị đốt đi (c. 6bcde). Trong khi các cành không sinh hoa trái thì bị cắt đi (airei: c. 2a), các cành mang hoa trái được Chúa Cha là người trồng nho (geôrgos) cắt tỉa (katharei: c. 2b) nhờ lời của Ngài (logos: c. 3b) mà Đức Giêsu đã nói ra. Trong thực tế, chính là lời hoặc mạc khải của Đức Giêsu đã thanh luyện các môn đệ (c. 3; x. 13,10). Sự hiện diện thường trực hoặc sự ở lại (menein) của lời Người (ta rhêmata) trong các môn đệ là một điều kiện để cho lời cầu nguyện của họ được nhận (c. 7) bởi vì chính mạc khải của Đức Giêsu đã được đón vào trong tim các môn đệ, làm cho con tim họ đồng thanh tương ứng với con tim của Đức Giêsu và của Chúa Cha, khiến cho lời thỉnh cầu của họ sẽ phù hợp với ý muốn của Chúa Cha. Các môn đệ ấy, giống như các cành khỏe mạnh thường xuyên hút được nhựa sống từ cây nho, sẽ sản sinh hoa trái dồi dào và tôn vinh Chúa Cha (c. 8), là người trồng nho (c. 1).
+ Kết luận
Như thế, hình ảnh cây nho và các cành nho cho thấy sự ở lại thâm sâu và sự hiệp thông thường trực giữa Đức Giêsu và các môn đệ chân thật của Người, đồng thời nêu bật dây liên kết bên trong bằng việc mang hoa trái. Giống như cành nho, vì liên kết với cây nho, được thông dự vào sự sống của cây nho, người tín hữu, nhờ gắn bó với Đức Kitô, được thông dự vào sự sống chân thật, là sự sống của chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự thông dự này bó buộc họ phải sống và hành động theo nếp sống mới đã được Đức Giêsu mạc khải cho biết.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đoạn văn này trích từ bài Diễn từ thứ hai của Bữa Tiệc Ly. Muốn đọc và nhận được các ánh sáng phong phú, nên đăt bản văn vào trong bầu khí của cử hành Thánh Thể là trung tâm của Bữa Tiệc Ly. Lời chúc phúc và thánh hiến rượu nhắc đến ẩn dụ cây nho. Cựu Ước đã dùng hình ảnh cây nho mà ví Dân Thiên Chúa. Ở đây, Đức Giêsu muốn nói rằng Người thực hiện nơi bản thân Người toàn bộ sự tuyển chọn, sự ân cần và phương tiện cứu độ mà xưa kia được gán cho Dân Chúa. Tư tưởng chính của bản văn tập trung vào sự kết hợp ngay ở trần gian này giữa ki-tô hữu và Đức Kitô.
2. Bất cứ kết quả phong phú nào về truyền giáo của các môn đệ đều hoàn toàn tùy thuộc việc họ được liên kết với Đức Giêsu. Bất cứ toan tính nào nhắm đạt tới một kết quả mà lại không cần tới Người thì chỉ có thể thất bại. Không có Người, các môn đệ không thể làm gì được. Do đó, họ phải tìm cách ở trong thế liên kết với Người ngày càng chặt chẽ và vững chắc hơn. Sự cần thiết này càng lớn do chỗ chính Thiên Chúa quan tâm đến việc họ mang hoa trái và sẽ đối xử với họ tương ứng theo đó (c. 2).
3. Tất cả tùy thuộc sự kết hợp của các môn đệ với Đức Giêsu. Làm thế nào để họ có thể trở thành những cành nho cứ lớn lên mà vẫn liên kết với cây và được phong phú nhờ dòng nhựa của cây? Các môn đệ ở lại trong Đức Giêsu nếu các lời của Người ở lại trong họ (c. 7) và nếu họ tuân giữ các giới răn của Người (15,10). Tất cả phát xuất từ Đức Giêsu: các lời và các giới răn phát xuất từ Người. Nhiệm vụ của các môn đệ là đón nhận cách đúng đắn sáng kiến này của Đức Giêsu. Như thế, họ được liên kết với Người và sẽ có thể sinh hoa trái.
4. Trong cách Thiên Chúa hướng dẫn người tín hữu chân thành, mọi sự được quy hướng đến chỗ sinh hoa kết trái, như là dấu chứng tỏ người ấy đã đạt được mục tiêu của đời mình. Khi sống trong Đức Kitô, người ki-tô hữu được nuôi dưỡng bằng giáo huấn, gương sáng, Lời, ân sủng bên trong, Thánh Thể của Người. Tuy nhiên, có khi do hứng khởi vì những ý tưởng, những dự phóng, hoặc có khi chỉ là do thiếu sáng suốt, do trí tuệ yếu kém, do ý chí yếu đuối, v.v., người tín hữu lạc vào một sai lầm hay rơi vào một thất trung nào đó. Chính khi đó, vì nhắm tới hoa trái, Chúa “cắt tỉa” linh hồn và con tim con người ấy, thanh luyện người ấy, xén đi những gì đang chiếm các năng lực của người ấy cách vô ích. Khi đó, chắc chắn có đau đớn. Nhưng làm sao tránh khỏi hy sinh, khi muốn bước theo Đức Kitô và ở lại với Người? Nếu đôi khi Chúa Cha dường như cắt xén vào xác thịt chúng ta, trong linh hồn chúng ta, chúng ta hãy cứ nuôi dưỡng mình thêm bằng dòng nhựa của Đức Kitô và giữ vững can đảm vì nhìn tới các hoa quả đầy hứa hẹn.
5. Cứ tiếp tục suy tư từ bài dụ ngôn Cây nho thật, chúng ta biết rằng cây nho sinh trái ở cành. Các cành không có đó để trang điểm cho cây nho. Chính các cành sai trái chứng tỏ sức khỏe và sức sống của cây nho. Nhưng “sinh nhiều trái” không phải là kết quả của một nỗ lực của con người; đó là kết quả của niềm tin sinh động đặt nơi Đức Giêsu. Tuy nhiên, toàn thể tiến trình lại là công việc của người trồng nho, là Chúa Cha.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm