“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Bài Ðọc I: Kn 2, 12. 17-20
“Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã”.
Trích sách Khôn Ngoan
(Những kẻ gian ác nói rằng:) “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Vậy chúng ta hãy xem điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!”
Ðáp Ca: Tv 53, 3-4. 5. 6 và 8
Ðáp: Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con (c. 6b).
Xướng: Ôi Thiên Chúa, xin cứu sống con nhân danh Ngài, và xin sử dụng uy quyền phán quyết cho con! Ôi Thiên Chúa, xin nghe tiếng con cầu, xin lắng tai nghe lời miệng con xin.
Xướng: Vì những kẻ kiêu căng nổi lên chống đối, và bọn người hung hãn tìm sát hại con, bọn chúng không nhớ Thiên Chúa ở trước mặt mình.
Xướng: Kìa, Thiên Chúa phù trợ con, Chúa đang nâng đỡ tâm hồn con. Con sẽ tự nguyện hiến dâng lễ vật lên Chúa. Lạy Chúa, con sẽ ca tụng danh Ngài, vì danh Ngài thiện hảo.
Bài Ðọc II: Gc 3, 16 – 4, 3
“Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, ở đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Nhưng sự khôn ngoan từ trời xuống, thì trước tiên là trong trắng, rồi ôn hoà, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình.
Bởi đâu anh em cạnh tranh và cãi cọ nhau? Nào không phải tại điều này: tức tại các đam mê đang giao chiến trong chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được hưởng, nên anh em giết nhau. Anh em ganh tị mà không được mãn nguyện, nên anh em cạnh tranh và cãi cọ. Anh em không có là tại anh em không xin. Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng, cứ mơ tưởng thoả mãn các đam mê của anh em.
Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”. – Alleluia.
Tin Mừng: Mc 9, 29-36
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
NÊN GIỐNG NHƯ TRẺ NHỎ
Khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9,33)
Suy niệm: Vẫn biết trên cõi đời, sống là phấn đấu đi lên. Nhưng đi lên không có nghĩa là tranh giành địa vị, dùng thủ đoạn hạ bệ người khác. Người lớn hơn cả đối với Chúa và trong Nước của Ngài là người sống khiêm tốn, đơn sơ, chấp nhận lệ thuộc vào Ngài như trẻ con phụ thuộc cha mẹ. Trở về như trẻ con có thể giải quyết nhiều vấn đề rắc rối giữa người với người, trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Trẻ nhỏ cần được người lớn quan tâm giúp đỡ. Trẻ nhỏ không biết tham sân si. Trẻ nhỏ chẳng cần địa vị cao thấp, không cậy dựa vào thân thế, khả năng, công trạng của mình. Trẻ nhỏ dễ hòa nhập và làm bạn với nhau. Trên hết, trẻ thơ hiểu rằng mình hoàn toàn cậy dựa, phụ thuộc vào cha mẹ, tin tưởng tuyệt đối, vâng lời cha mẹ của mình. Khi trở nên giống trẻ thơ, ta không lấy mình làm trung tâm, bản ngã là tâm điểm cuộc đời, nhưng là Thiên Chúa. Đó là đức tính của người môn đệ Chúa Ki-tô, của công dân Nước Trời.
Mời Bạn: Chiêm ngắm cung cách sửa dạy môn đệ của Chúa Giê-su, Ngài không dập tắt tham vọng của các ông, nhưng biến đổi thành ước vọng làm lớn theo tinh thần Nước Trời: khiêm tốn, xả thân phục vụ người lân cận. Ngài đảo ngược kim tự tháp: mình xuống dưới thấp, còn Chúa đưa lên cao. Hơn ai hết, Ngài đã sống tư thế người lớn nhất ấy.
Sống Lời Chúa: Tôi có khi nào nghĩ mình là kẻ xứng đáng lãnh đạo người khác không? Và tôi có tự ti xem mình chẳng ra gì trong đám bạn bè không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết mình rõ hơn, sống khiêm nhường tin tưởng, không quản ngại nhận lấy những trách nhiệm Chúa giao phó, ý thức mình đang phục vụ Chúa. Amen.
B/ Lm. Inhaxio Hồ Thông
Như Chúa Nhật trước, Chúa Nhật XXV tuần này nêu bật viễn cảnh về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh được Đức Giê-su loan báo lần thứ hai theo sách Tin Mừng Mác-cô. Ở nơi chủ đề này, ngầm chứa những tranh cãi phàm nhân có thể dẫn đến ghen tuông, thù hận, thậm chí sát hại đối thủ của mình. Người Công Chính (Bài Đọc I và Tin Mừng) là nạn nhân tiêu biểu cho sự ghen tuông và thù hận này.
Kn 2: 12, 17-20
Trong Bài Đọc I trích từ sách Khôn Ngoan, chính vì cuộc sống trọn tình vẹn nghĩa với đạo mà Người Công Chính bị quân vô đạo bách hại cho đến chết.
Gc 3: 16-18; 4: 3
Đoạn trích thư của thánh Gia-cô-bê là cuộc bút chiến lên án những ghen tuông tranh chấp xuất phát từ những đam mê và những khuynh hướng xấu. Trái lại, Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa là yêu thương anh em mình cho đến quên bản thân mình.
Mc 9: 29-36
Trong Tin Mừng, Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp đến của Ngài, nhưng các ông chẳng những không chịu hiểu mà còn tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm họ. Chúa Giê-su muốn họ hiểu rằng trong Giáo Hội của Ngài người lớn nhất là người hầu hạ mọi người. Đó là bầu khí thân thương của một gia đình trong đó cha mẹ là người lớn nhất lại trở thành người hầu kẻ hạ tận tình phục vụ con cái của mình.
BÀI ĐỌC I (Kn 2: 12, 17-20)
Tác giả sách Khôn Ngoan là một người Do thái sinh trưởng ở thành A-lê-xan-ri-a, ông đã viết tác phẩm của mình vào giữa thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. Thành A-lê-xan-ri-a lúc đó là một trong những trung tâm rực rỡ nhất của văn hóa Hy lạp và đồng thời là một trong những thành phố quan trọng nhất của những người Do thái Hải Ngoại.
Quả thật, cộng đồng Do thái ở đây gìn giữ nét đặc thù của mình. Tuy nhiên, sức cám dỗ của môi trường ngoại giáo chung quanh là một thực tế hằng ngày: tính đa dạng của những lý luận triết học, sự phát triển của các bộ môn khoa học, tôn giáo tổng hợp, sức hấp dẫn của những tôn giáo bí nhiệm, vân vân. Ở thành phố này, số lượng những người bội giáo càng lúc càng đông. Tác giả viết sách Khôn Ngoan để phòng ngừa những sa ngã mới ở nơi những anh em đồng đạo của ông. Với tâm trí sáng suốt của một hiền nhân, ông ra sức chận đứng sự thù ghét càng ngày càng gia tăng ở giữa họ: từ ước muốn dập tắt những lời trách cứ gây phiền hà cho cuộc sống vô đạo của mình, cho đến ước muốn làm khổ và làm hại người công chính lòng dạ sắc son.
1. Lập luận cực đoan của quân vô đạo
Đoạn trích sách Khôn Ngoan này không là sấm ngôn trực tiếp liên quan đến cuộc Tử Nạn của Đức Ki-tô, nhưng là một phân tích tâm lý mô tả tình trạng tinh thần của những người Do thái bội giáo trước cuộc sống đạo hạnh của người công chính. Cuộc sống trọn tình vẹn nghĩa với đạo của người công chính khiến quân vô đạo chướng tai gai mắt không thể nào chịu nỗi. Lòng căm tức đã đẩy họ đến lập luận quá khích, dẫn họ đến làm khổ và sát hại người công chính: “Ta hãy gài bẫy hại người công chính, vì nó làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm luật Chúa và hạch ta không giữ lễ giáo. Ta hãy xem những lời nó nói có thật không và nghiệm xem cuối cùng nó sẽ ra sao”. Tiến trình thù ghét này một ngày kia được áp dụng chống lại Người Công Chính tuyệt hảo là Đức Giê-su. Vì thế, sứ điệp này mặc lấy một khía cạnh ngôn sứ.
2. Người công chính chịu đau khổ
“Nếu người công chính là con Thiên Chúa, thì Người sẽ phù hộ nó”. Tước hiệu “con Thiên Chúa” được dành cho dân Chúa chọn, họ hãnh diện vì Thiên Chúa đã công bố họ là con cái của Ngài. Nhưng trong trường hợp này, tước hiệu “con Thiên Chúa” mặc lấy một sấm ngôn, vì đó sẽ là lý do mà Thượng Hội Đồng Do thái sẽ nại đến để kết án tử Đức Giê-su: “Người này tự xưng mình là Con Thiên Chúa”.
“Ta hãy lên án cho nó phải chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm”. Những lời này nhắc nhớ Tv 22 mô tả người công chính bị bách hại kêu gào nỗi khốn khổ của mình, nhưng cũng đặt niềm cậy trông của mình vào Đức Chúa. Chính Thánh Vịnh này mà trên Thập Giá Đức Giê-su thốt lên cách thống thiết: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.
Những kẻ thù của Đức Giê-su cũng sẽ trích Thánh Vịnh này để nói với nạn nhân của họ đang hấp hối trên thập giá: “Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa” (Mt 27: 43). Tác giả sách Khôn Ngoan phác họa trước dung mạo Người Công Chính lý tưởng gần một trăm năm sau đó.
BÀI ĐỌC II (Gc 3: 16-18; 4: 3)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Gia-cô-bê. Đoạn trích thư hôm nay chứa đựng những lời khuyên bảo theo hình thức châm ngôn gợi nhớ cách thức mà các bậc hiền nhân Cựu Ước đã sử dụng, nhưng mang hơi thở Tin Mừng. Thánh Gia-cô-bê đã nhiều lần khai triển mối phúc thứ nhất: “Phúc thay những người nghèo khổ!”. Đoạn văn trích dẫn hôm nay minh họa một mối phúc khác: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình!”. Đoạn văn này có hai phần đối nghịch nhau:
1. Những danh thơm tiếng tốt của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa (3: 16-18)
Trong phần thứ nhất, tác giả liệt kê những danh thơm tiếng tốt của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa. Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa “làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, mến chuộng điều lành, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình”. Việc liệt kê những phẩm chất của Đức Khôn Ngoan nhắc nhớ bài ca đức mến trong thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13: 4-7). Nhưng thánh Gia-cô-bê đặt dấu nhấn chủ yếu trên việc xây dựng hòa bình: “người xây dựng hòa bình là người gieo giống trong hòa bình; và hoa trái họ thu hoạch được là cuộc đời công chính”.
2. Những hận thù, ghen ghét của con người (4: 1-3)
Đối nghịch với những phẩm chất của Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa là những xung đột ở bên trong con người, trong đó những ham muốn là nguyên do sâu xa nhất của “những hành động hung ác”. Cung giọng của tác giả trở nên khẩn thiết, văn phong được đẩy cao đến mức ngoa dụ: “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột nhau, gây chiến với nhau”. Cách diễn tả dữ dội này, chúng ta cũng gặp thấy ở nơi thư thứ nhất của thánh Gioan: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân” (1Ga 3: 15). Những từ ngữ và hình ảnh ở đây thuộc thể loại bút chiến.
Là thủ lãnh của cộng đồng tín hữu Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội Mẹ, thánh Gia-cô-bê cảm thấy mình chịu trách nhiệm về những tín hữu ở xa của mình; vì thế, thánh nhân đặt tất cả hồn tông đồ của mình vào những lời kêu gọi sống cuộc đời Ki-tô hữu chân chính.
TIN MỪNG (Mc 9: 30-37)
Trong đoạn trích Tin Mừng hôm nay, ý tình đan quyện vào nhau, tâm tư tình cảm dạt dào cảm xúc. Đức Giê-su thực hiện giai đoạn sau cùng sứ vụ tại miền Ga-li-lê của Ngài. Ngài trở lại lần cuối cùng thành Ca-phác-na-um được xem là bản doanh sứ vụ của Ngài. Từ đó, Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem để bước vào con đường Thương Khó và Tử Nạn, Phục Sinh và Lên Trời của Ngài. Chúng ta biết rằng trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm, Chúa Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần, trong khi Tin Mừng Gioan tường thuật Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem nhiều lần vào các đại lễ trong năm.
1. Loan báo lần thứ hai cuộc Tử Nạn và Phục Sinh
Khi đi ngang qua miền Ga-li-lê, Đức Giê-su tránh gặp gỡ đám đông; Ngài giới hạn giáo huấn của Ngài chỉ trong vòng các môn đệ của Ngài. Khi Thầy trò đang đi trên đường, Ngài gợi lên lần thứ hai viễn cảnh cuộc Tử Nạn và Phục Sinh sắp đến của Ngài bằng những ngôn từ hầu như y hệt lời loan báo thứ nhất.
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”. Động từ “nộp” ở đây có một ý nghĩa rất mạnh, nhưng được dùng ở thể thụ động “bị nộp” muốn nói lên điều gì? Sau này, thánh Mác-cô sẽ vạch mặt chỉ tên những kẻ nộp Đức Giê-su đưa Ngài đến cái chết: đó là ông Giu-đa (14: 10), các thượng tế (15: 1) và quan tổng trấn Phi-la-tô (15: 15). Tuy nhiên, đây cũng là hình thức thụ động thần linh thông dụng mà người Do thái thường dùng để chỉ Thiên Chúa là tác nhân bằng cách tránh nêu danh Người vì lòng tôn kính. Vì thế, cái chết của Đức Giê-su có thể quy trách cho những kẻ tội lỗi gây ra, nhưng nhất là nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Đó cũng là điều mà lời loan báo đầu tiên diễn tả: “Con người phải chịu nhiều đau khổ”. Đây không là cái tất yếu của định mệnh mà Đức Giê-su phải chịu, nhưng là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà Đức Giê-su phải thực hiện.
“Vào tay người đời”, đây là diễn ngữ Kinh Thánh để chỉ những kẻ thù không có lòng xót thương. Ở đây kiểu nói này hình thành nên một sự đối chiếu thống thiết với danh xưng “Con Người”. Qua danh xưng “Con Người”, Đức Giê-su nhấn mạnh nhân tính của Ngài. Như bao nhiêu con người khác, Ngài cũng biết đau khổ và sự chết đang chờ đợi Ngài, nhưng vận mệnh của Ngài được hoàn tất theo thị kiến của Đa-ni-en về Con Người trong vinh quang. Vì thế, như trong lần loan báo đầu tiên, trong lời loan báo thứ hai này, sau khi báo trước cuộc Tử Nạn của mình, Đức Giê-su cũng báo trước cuộc Phục Sinh của Ngài. Như vậy Tử Nạn và Phục Sinh là hai mặt của một thực tại bất khả phân.
2. Nỗi cô đơn của Đức Giê-su
Mỗi lần Chúa Giê-su loan báo rõ ràng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, thánh Mác-cô đều nhấn mạnh đến “sự ngu muội” chậm hiểu của các môn đệ (8: 32; 9: 32). Các ông không hiểu, nhưng không dám hỏi Ngài; thay vì đó, các ông lại nghĩ đến việc khác. Các ông đinh ninh rằng việc đi lên Giê-ru-sa-lem lần này chắc hẳn Thầy mình sẽ thực hiện sứ mạng của Đấng Mê-si-a, Ngài sẽ thiết lập vương triều của Ngài; vì thế, các ông bắt đầu tranh luận với nhau về những đặc quyền đặc lợi, xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Đức Giê-su không dự phần vào cuộc tranh luận của họ; chắc chắn Ngài đi một mình riêng ra. Không ai trong nhóm Mười Hai, những người đã gắn bó với Ngài suốt ba năm nay, hỏi Ngài về vận mệnh đau thương mà Ngài mời gọi họ dự phần vào. Nói cho cùng, ở nơi họ Ngài không gặp thấy sự đồng hội đồng thuyền đồng sinh đồng tử với Ngài. Đây là khúc dạo đầu cho việc bỏ rơi hoàn toàn mà Ngài sẽ nhận biết vào lúc Ngài bị bắt. Chúng ta cảm thấy nỗi đau đớn của Ngài qua cách trình bày giản dị của đoạn Tin Mừng này.
3. Bài học về sự phục vụ
Khi đến thành Ca-phác-na-um, vào trong nhà, Đức Giê-su hỏi các môn đệ: “Dọc đường, anh em tranh luận với nhau về chuyện gì vậy?”. Các ông làm thinh, không ai dám thú nhận điều làm họ bận lòng trên đường. Nhưng Đức Giê-su không cần ai nói với Ngài. Vả lại, bài học mà Ngài sắp cho họ có thể giúp cho họ hiểu một cách gián tiếp những lời của Ngài mà vào giây phút này, họ đã không thể hiểu được: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Với giáo huấn về sự phục vụ này, Đức Giê-su đả đảo ngược cơ cấu phẩm trật thông thường của nhân loại theo đó người đứng đầu là người chiếm những chỗ ngồi danh dự, ăn trên ngồi trước, hưởng những đặc quyền đặc lợi, mà Ngài đã rất dị ứng ở nơi cách sống của giai cấp lãnh đạo Do thái. Có lần Ngài đã nói lên sứ mạng của Ngài: “Con Người đến không để được người ta phục vụ nhưng để phục vụ”.
Đức Giê-su sẽ đưa ra một mẫu gương rõ ràng hơn nữa vào bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ, khi Ngài rời chỗ ngồi danh dự của Ngài, mặc bộ đồng phục của người hầu và cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Ngài (Ga 13: 4-16) kèm theo với lời dạy rõ ràng: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13: 13-15).
Nhưng ngay từ bây giờ, Ngài ban cho họ một bài học đặc biệt, soi sáng mặc khải trên đường lên Giê-ru-sa-lem, con đường tiến về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Ngài, ở đó Ngài đích thân hiện thực sứ điệp của Ngài: Ngài sẽ bị đối xử như người rốt hết và sẽ chịu khổ hình như kẻ nô lệ. Sau điều đó, Ngài sẽ là người đầu hết, trưởng tử của một nhân loại mới. Ngài ngầm hướng tư tưởng của các môn đệ Ngài về sấm ngôn Người Tôi Trung đau khổ của I-sai-a, chịu thương chịu khó kể cả hy sinh mạng sống mình để đem lại ơn cứu độ cho muôn người.
4. Bài học về đức khiêm hạ
Để có thể nhổ tận gốc rể tính tự cao tự đại và tự mãn của các môn đệ Ngài, Đức Giê-su đưa ra một ví dụ khác. Ngài đem một em nhỏ đặt giữa các ông và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Chúa Giê-su đối lập thế giới người lớn tự phụ và tham vọng với thế giới trẻ thơ. Trẻ thơ có nhiều đức tính mà người môn đệ của Ngài phải học: chúng biết rõ thân phận nhỏ bé của mình, vì thế, chúng không phô trương sự khôn ngoan và quyền hành của mình, nhưng bày tỏ một niềm tin tưởng đơn sơ và chân thành. Hơn thế nữa, trong Tin Mừng, những người phận nhỏ lại là đoàn chiên của Ngài mà Ngài tận tình chăm sóc và hy sinh mạng sống mình cho chúng (Ga 10: 11-15). Đó cũng là những “chiên con” mà Ngài sẽ trao gởi cho thánh Phê-rô chăm sóc với lời căn dặn đến ba lần phải yêu mến đoàn chiên của Ngài như yêu mến Ngài hơn bất cứ ai (Ga 21: 15-16).
Trang Tin Mừng này là một trong những trang làm chứng về sự chân thật của các tác giả sách Tin Mừng. Các Tông Đồ chẳng có lý do gì để mà tự phụ về mình ở nơi những tình tiết này; tuy nhiên họ đã để lại một mẫu gương cho những thế hệ mai sau, họ khiêm tốn nhận ra tâm trí chậm hiểu và thiếu độ nhạy bén của mình.
Sức hấp dẫn và lôi cuốn của Giáo Hội Đức Ki-tô không phải ở nơi việc phô trương những quyền cao chức trọng, nhưng ở nơi thái độ khiêm tốn hạ mình xuống mà phục vụ những anh chị em bé nhỏ cách đơn sơ chân thành. Nói cho cùng, đây là bầu khi thân thương của một gia đình, ở đó cha mẹ là người lớn nhất nhưng đã tự biến mình thành con sen, đứa ở để phục vụ con cái của mình, con cái càng nhỏ thì cha mẹ càng tận tình yêu thương phục vụ hơn nữa.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
ĐỨC KITÔ, MẪU GƯƠNG PHỤC VU
A.DẪN NHẬP.
Phục vụ ! Từ ngữ này nói lên tính cách khiêm nhường, lệ thuộc và hy sinh của người đầy tớ. Bình thường, không ai muốn làm đầy tớ mà chỉ muốn làm ông chủ để được hầu hạ. Ai cũng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị thiên hạ. Nhưng Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng đổi ngược thứ tự này trong xã hội. Ngài tuy là Thiên Chúa mà đã trút bỏ mọi vinh quang của một vị Thiên Chúa, xuống trần làm một người đầy tớ rốt hết để phục vụ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài là “ôâng chủ” đã tự nguyện biến thành “đầy tớ” khiêm hạ để phục vụ hạnh phúc cho muôn người.
Đã có lần tông đồ Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô”, nhưng theo sự hiểu biết của ông, đây là “Đấng Kitô vinh hiển”, Đấng đến giải thoát dân tộc Do thái khỏi ách đô hộ của người Rôma và làm cho nước Do thái được hùng cường, bá chủ hoàn cầu. Nhưng thực sự, Đức Giêsu lại là “Đấng Kitô đau khổ” “bị loại bỏ, bị giết đi và sau ba ngày sẽ sống lại”. Chính vì không hiểu rõ con người của Ngài, không hiểu được Lời của Ngài, nên các ông chỉ nghĩ đến địa vị thấp cao trong nước Ngài sắp thành lập và đã tranh cãi với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước đó.
Đức Giêsu muốn sửa đổi quan niệm sai lạc của các ông và vạch ra cho các ông một hướng đi mới khi Ngài nói :”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”(Mc 9,36). Sau này, các ông mới hiểu được Lời Chúa và đã đi rao giảng Tin mừng, làm chứng cho Chúa và đã hiến dâng mạng sống mình cho phần rỗi các linh hồn.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Kn 2,12-20.
Sách Khôn ngoan được viết vào thế kỷ I trước công nguyên bởi một người Do thái tại Alexandria, nơi cộng đoàn Do thái thịnh vượng. Nhiều người trong họ đã bị lây nhiễm những quyến rũ của nền văn minh phóng đãng, đã trở thành phường vô đạo. Do đó, mới có sự xung khắc giữa những người công chính và phường vô đạo.
Đây là những lý do khiến phường vô đạo bách hại người công chính :
– Việc làm của người công chính chống lại việc làm xấu xa của phường vô đạo.
– Cách sống tốt lành của người công chính tự nó vạch trần những việc xấu xa của phường vô đạo.
– Phường vô đạo bách hại người công chính để thử xem Thiên Chúa có đến bênh vực họ không ?
Truyền thống Công giáo qua mọi thời vẫn nhận ra hình ảnh của Chúa Kitô nơi người công chính bị bắt bớ và nhiều chi tiết báo trước cuộc khổ nạn của Người.
+ Bài đọc 2 : Gc 3,16-4,3.
Thánh Giacôbê là người rất thực tế. Đối với ngài, tiêu chuẩn của sự khôn ngoan là “lối sống tốt đẹp”, nghĩa là lối sống thực hành đúng đắn điều răn yêu thương, nhất là thói xấu ganh tị tranh chấp.
Chúng ta có thể tóm lại đoạn thư của ngài bằng mấy ý tưởng sau đây :
– Ở đâu có ganh tị và tranh chấp thì ở đó có xáo trộn và đủ thứ xấu xa.
– Người xây dựng hoà bình sẽ thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, đó là cuộc đời công chính.
– Đầu mối của sự xung đột và chiến tranh là lòng ham muốn vì lòng ham muốn thì vô đáy.
+ Bài Tin Mừng : Mc 9,30-37.
Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần :
1/ Đức Giêsu lần thứ hai loan báo cuộc Thương khó của Ngài cho các môn đệ, và từ nay Ngài chuyên lo việc đào tạo họ lần cuối. Nhưng Nhóm Mười Hai vẫn không hiểu gì hơn đám đông dân chúng về các điều kiện để đạt tới Nước Trời. Các ông vẫn quan niệm rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô theo nghĩa trần gian mang mầu sắc chính trị. Các ông không hiểu rằng Ngài là Đấng Kitô đau khổ, đến để phục vụ và đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Vì thế, trên đường đi các ông tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong nước Ngài sắp thành lập.
2/ Về đến nhà, Đức Giêsu ôn tồn nói cho các ông thái độ phải có trong Nước Ngài sắp thành lập :
– Phải biết phục vụ, đừng ai để ý đến địa vị lớn hay nhỏ để ganh đua.
– Người có chức vụ càng cao càng phải hạ mình xuống phục vụ như người đầy tớ.
– Phải tiếp đón mọi người, không phân biết già trẻ, sang hèn với tinh thần quảng đại.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Đức Giêsu, mẫu gương phục vụ.
I. LOAN BÁO CUỘC KHỔ NẠN.
Phát xuất từ vùng miền Bắc đi về Cêsarê Philipphê, Đức Giêsu tiền gần về Giêrusalem. Ngài băng qua xứ Galilê mà ở đó cách đây vài tháng Ngài đã rất thành công, nhưng một sự thành công không rõ rệt. Lần này Ngài không tìm dịp nói chuyện trước công chúng, Ngài chỉ nói với các m6n đệ là mầm mống Kitô hữu tương lai. Và những gì Ngài sắp nói với họ, là chính những luật lệ giúp họ sống trong cộng đoàn Giáo hội. Ngài đã nói với các ông rằng :”Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.
Trước lời loan báo này, xem ra Đức Giêsu đã bị thất bại vì họ chưa hiểu được con người thật của Ngài. Trước đây, tuy ông Phêrô đã tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô” nhưng vẫn còn cái nhìn lệch lạc về Ngài. Đây là bằng chứng : khi Đức Giêsu loan báo lần nhất cuộc Thương khó và Phục sinh :”Con Người phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại”(Mc 8,31), Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người đến nỗi Đức Giêsu nặng lời quở trách ông :”Satan, lui lại đàng sau Thầy ! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”(Mc 8,33).
Té ra, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, tư tưởng của Phêrô và của Nhóm Mười Hai hướng tới một nhân vật nổi nang nào đó trong xã hội. Chẳng hạn một chính trị gia có khả năng giải phóng dân tộc khỏi bị lệ thuộc vào đế quốc Rôma. Do đó, huấn dụ của Đức Giêsu liền sau đó là “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34) làm cho các ông bỡ ngỡ và khó hiểu.
Lần thứ hai loan báo về cuộc Thương khó và Phục sinh, Đức Giêsu còn gặp một thất bại lớn hơn nữa. Ngài nói với các môn đệ :”Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”(Mc 9,31). Nhưng các ông không hiểu lời đó và còn sợ không dám hỏi Người. Tại sao lời loan báo không lọt vào tai môn đệ ? Điều xẩy ra liền sau đó giúp cắt nghĩa sự kiện. Marcô cho ta thấy các môn đệ bận tâm về điều ngược hẳn lại với cuộc Thương khó của Thầy các ông. Vì thế, trên đường đi Capharnaum, các ông đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả trong Nước mà Đức Giêsu sắp thành lập (Mc 8,34).
II. BÀI HỌC ĐỨC GIÊSU MUỐN DẠY.
Marcô kể tiếp :”Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông :”Dọc đường, anh em đã tranh luận với nhau về chuyện gì vậy ? Các ông làm thinh vì khi đi dọc đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”(Mc 9,33-34)
Thật là hoàn toàn bất đồng ý kiến với Thầy của các ông ! Chúa thì nghĩ đến cái chết của mình, còn các ông thì chỉ nghĩ đến “địa vị cao”. Các ông vẫn một mực bám vào quan niệm sai lầm về Đấng Messia. Các ông vẫn tiếp tục mong chờ một “biến cố vẻ vang”, chứng tỏ quyền năng của Đấng Messia, một vương quốc trần gian mà các ông đã tranh luận xem ai là người đứng đầu khi Chúa và các ông thắng thế.
Bị Chúa hỏi bất ngờ, các ông hổ thẹn không dám nói sự thật, các ông ngậm miệng làm thinh. Sau đó Người ngồi xuống với tư cách là một vị tôn sư, Người ôn tồn dạy bảo :”Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”(Mc 9,35)
Trong xã hội và tập thể con người (và cũng là luật tự nhiên trong thế giới động vật), người ta thường tìm kiếm sức mạnh, sự kính nể, uy tín, danh dự và quyền lợi. Đức Giêsu lật đổ nhào tận gốc rễ thứ tự này : người “thứ nhất” trở thành “người sau rốt”, “ông chu”û trở nên “đầy tớ”. Chắc chắn Đức Giêsu đã nói một cách có vẻ khiêu khích và cách mạng.
Nhưng một lần nữa, đó không phải là làm một cuộc “cách mạng” nghĩa là thay đổi “chủ” mà thôi ! Ở đây, nhằm đưa ra giải pháp thực sự cho nội tâm con người, để “thống trị”, để đoạt giầu sang, quyền thế, bằng cách đè bẹp người khác.
J. Hervieux giải thích thêm :”Chúa lấy người rốt hết để đối chọi với người đứng đầu, lấy người đầy tớ mọi người đối chọi với người cai quản. Điều nghịch lý này tất nhiên có nghĩa rõ rệt nhất khi nhìn cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã thực hiện trong bản thân và trong sứ mạng của Người. Người là Đấng cao cả hơn hết đã tự đặt mình vào chỗ rốt hết để phục vụ mọi người.
1. Theo khuynh hướng tự nhiên.
Trong xã hội ai cũng muốn cho thân mình được đề cao, được khen ngợi, được kính trọng. Ai lại không muốn ăn trên ngồi trước, không muốn cai trị người khác, không muốn được người ta hầu hạ ? Nói chung, ai cũng muốn tranh dành quyền bính trong tay để bắt mọi người phục vụ mình.
Các màn kịch tranh giành quyền bính đã diễn ra từ xưa. Lúc mới dựng nên loài thiên thần, Luxiphe đã tranh ngôi bá chủ với Thiên Chúa. Thiên Chúa buộc lòng phải tống cổ hắn xuống làm bá chủ hoả ngục. Adong Evà cũng đòi đồng hàng với Thiên Chúa và cũng bị tống cổ ra khỏi vườn địa đàng, đến làm vua trái đất khô cằn và chết chóc.
Đến đây chúng ta phải giải đáp một thắc mắc : Người ta có được phép có CAO VỌNG không ? Cao vọng là tốt hay xấu ?
a) Cao vọng tự nhiên của con người.
Thực ra cao vọng không là gì sai trái cả. Người Anh có một câu tục ngữ :”My place is at the top” : chỗ của tôi phải ở trên cao. Đấy là câu tâm niệm giúp kích thích mọi người phải biết sống vươn lên, không được sống tà tà trên ngọc cỏ, đáng cho các triết gia hiện sinh gán cho cái danh hiệu là “cuộc đời đáng nôn mửa”.
Thực vậy, sống là phải biết đặt mục tiêu cho đời mình, làm việc thì phải muốn thành công. Tuy nhiên, cao vọng có thể vượt qua tầm kiểm soát của mình, khiến mình quên hết tất cả mọi sự khác để chỉ còn biết đeo đuổi điều mình mong ước.
Bởi đó, chúng ta phải cẩn thận để ý xem những gì mình hy sinh khi theo đuổi cao vọng. Chúng ta có thể hy sinh đời sống gia đình, sự công bình, sự khả ái và thậm chỉ cả cuộc sống của mình nữa. Cao vọng có thể khiến người ta đối xử với người khác một cách bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, dù được lời lãi cả thế gian mà phải đánh mất chính mình thì nào có ích gì ?
Truyện : Tôn Ngộ Không.
Trong phim truyện Tây Du Ký, vai trò nổi bật nhất là Ngộ Không. Ngộ Không bá chủ loài khỉ, chưa đủ, anh còn học 78 phép biến hoá, rồi đi thống trị các lân bang. Vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh : Tề Thiên là bằng Trời. Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết Ngộ ngạo mạn quá trớn phong cho Ngộ làm mã quan. Ngộ hý hửng tưởng bở, nhưng khi bị sai đi chăn ngựa, Ngộ mới hiểu mã quan là quan coi ngựa. Ngộ bực tức vì ngu mà bị mắc bẫy. Ngộ giận dữ phá phách, bị đại tướng nhà trời đánh đuổi rơi xuống đất bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm để thấy mình bất lực mà ăn năn cải thiện.
Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn đi tìm chân lý. Khi Ngộ Không bất mãn, bất phục lệnh, Ngộ lại bị cái vòng kim cô xiết vào đầu làm Ngộ Không nhức óc kêu la thảm thiết. Khi biết tuân lệnh quay về đường phục vụ, thì Ngộ được lành mạnh, tài giỏi. Nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã tìm được chân lý và hạnh phúc, và giúp cho cả đoàn tới được chân lý.
Phim truyện có hai màn đối nghịch nhau. Màn đầu : diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không. Màn sau : diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không.
(Vũ khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 182)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Chuyện này chẳng tốt đẹp gì. Nó chứng tỏ các ông chưa học được bao nhiêu từ những giáo huấn của Đức Giêsu. Nó cho thấy các ông chả hiều gì về sứ mạng Đức Giêsu. Bởi đó, Đức Giêsu gọi các ông lại và dạy cho họ biết ý nghĩa của việc làm lớn.
Đức Giêsu không huỷ bỏ cao vọng, nhưng Ngài định nghĩa nó lại cho đúng. Thay vị cao vọng thống trị người khác, Ngài dạy họ phục vụ người khác. Thay vì cao vọng muốn người khác hầu hạ mình, Ngài dạy họ biết hầu hạ người khác. Như thế điều Ngài lên án không phải là cao vọng mà là cao vọng sai.
b) Cao vọng của các vĩ nhân.
Những con người danh tiếng được gọi là vĩ nhân đều có một lý tưởng là phục vụ nhân quần xã hội. Đây không phải là một quan điểm lý tưởng không thể thực hiện, nhưng là quan điểm hết sức phù hợp với lương tri nhân loại. Những nhân vật thực sự vĩ đại, những con người luôn luôn được người đời nhớ ơn vì đã thực sự đóng góp cho đời, không phải là những người đã tự nhủ thầm “Ta có thể lợi dụng đất nước này, xã hội này để gây thêm uy tín cho riêng ta, thực hiện những tham vọng của riêng ta như thế nào đây” , nhưng tự hỏi “Ta phải dùng tài năng mình để phục vụ quốc gia dân tộc mình như thế nào” ? Sự vĩ đại của một người không phải là việc người ấy leo được đến tột đỉnh các nấc thang của quốc gia, xã hội, nhưng ở trong sự kiện người ấy sẵn sàng phục vụ quốc gia dân tộc, xã hội, đồng bào mình bất cứ lúc nào và ở đâu.
Truyện : Nghị viên Paedateros.
Người Hy lạp có một câu truyện về một người ơ thành Spartes tên gọi Paedateros là một ứng củ viên. Người ta chọn và bầu ra ba trăm người để cai trị thành Spartes. Paedateros là một ứng cử viên. Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông. Một bạn thân của ông ta nói :
– Tiếc thật, người ta không bầu cho anh, thiên hạ không biết nếu bầu cho anh , anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào” ?
Nhưng Paedateros thản nhiên đáp :
– Trái lại, tôi rất vui vì trong xứ Spartes này còn có ba trăm người có tài, có đức hơn tôi.
Đây là một người đã đi vào truyền thuyết vì sẵn sàng nhường cho kẻ khác ngôi vị hàng
đầu mà không hề tỏ ra cay đắng.
Nhà văn hào R. Tagore cũng có một lý tưởng cao đẹp như thế khi ông nói :”Khi tôi ngủ, tôi mơ rằng cuộc đời là niềm vui. Lúc thức dậy, tôi thấy rằng cuộc đời là phục vụ. Khi phục vụ, tôi thấy rằng phục vụ là niềm vui”.
2. Theo tinh thần Kitô giáo.
Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã làm một bài thánh ca để ca tụng tinh thần phục của Đức Giêsu :
Đức Giêsu Kitô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
Mặc lấy thân nô lệ,
Trở nên giống phàm nhân,
Sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự…. (Pl 2,6-8).
Đức Giêsu đã có một tinh thần khác hẳn với tinh thần thấp kém của loài người. Bởi vì con người tự nhiên thích ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phải chỉ là tật xấu của các môn đệ Đức Giêsu. Tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng, Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ, vì Tin Mừng chủ trương sống khiêm nhường, quên mình, quảng đại, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được đề cao trước Thiên Chúa. Lòng khiêm nhượng ở đời này là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong Nước Trời.
Truyện : chân phước Charles de Foucauld.
Cha Charles de Foucauld, , biệt danh là người hùng sa mạc Sahara, trước đây là một viên thượng tá trong quân đội Pháp. Đã từng chỉ huy các đoàn kỵ binh anh dũng rong ruổi ngược xuôi trên lưng ngựa để phục vụ hoàng triều nước Pháp. Foucauld tưởng như vậy là thành công và oai hùng. Nhưng nắm trong tay những tấm huy chương chói lọi, và tai nghe tiếng vó ngựa vang trời, Foucauld vẫn cảm thấy sự trống vắng, vô nghĩa của cuộc đời ! Để cho đời mình có ý nghĩa tròn đầy, ông rời quân ngũ, xin vào phục vụ trong một tu viện ở làng Nazareth. Tại đây, Foucauld gánh nước cho từng nhà, nhất là những người già yếu bệnh tật. Rồi Chúa lại dẫn lối cho Foucauld đi tĩnh huấn trong sa mạc để đem Tin Mừng cho người Phi châu. Trong đời quân ngũ, Foucauld không chinh phục được ai, nhưng trong đời tu sĩ, ông đã đem nhiều linh hồn vê với Chúa.
3. Thực hành trong cuộc sống.
Chúng ta sống sau những biến cố đau thương của Đức Giêsu, chúng ta suy niệm, học hỏi những biến cố đó. Thế nhưng sau đó chúng ta vẫn còn tranh giành địa vị lớn nhỏ : những chuyện tranh giành ngôi thứ trong các giáo xứ, tức là các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta thấy nhiều nơi còn phản ảnh tâm trạng của các môn đệ xưa kia. Chung qui cũng tại bản năng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị người khác mà thời đại nào cũng thế.
Đức Giêsu đã dạy chúng ta :”Hãy làm tôi tớ cho mọi ngườ”(Mc 9,35). Đã là tôi tớ thì phải hầu hạ, phục vụ, giúp đỡ. Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Đó cũng là khuôn vàng thước ngọc của Đức Giêsu : “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”(Cv 20,35). Bởi vì, cho tức là trao tặng cho chính mình.
Người Anh có một câu ngạn ngữ tương tự :
Điều tôi tiêu đi thì tôi có
Điều tôi giữ lại thì tôi mất
Điều tôi cho đi thì tôi được.
Đó là lý luận của tình yêu. Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương con người mới thực sự triển nở và gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới tìm được hạnh phúc đích thật và một sự bình an trong cuộc sống :
Thành quả của sự thinh lặng là cầu nguyện,
Thành quả của sự cầu nguyện là yêu thương,
Thành quả của yêu thương là phục vụ,
Thành quả của phục vụ là bình an.
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
Truyện : bác sĩ Mike.
Bác sĩ Mike trong phim “Vận mệnh” thấy đời mình thất bại nhiều, chồng chết… có ý định tự tử. Tình cờ đỡ đẻ cứu sống được cả mẹ con, lúc ấy Miki bừng tỉnh và thấy đời mình còn có ích cho người khác. Miki quyết định đến một hòn đảo xa phục vụ đồng bào với số ngày còn lại. Và Miki đã thực sự thấy mình được hạnh phúc trong phục vụ.
Để kết thúc, chúng ta hãy lắng nghe trong tinh thần cầu nguyện những lời của bác sĩ Albert Schweitzer, một Kitô hữu vĩ đại thời nay, người đã từ giã những phòng hoà nhạc Aâu châu để trở thành một bác sĩ thừa sai phục vụ cho người nghèo khổ ở Phi châu :
“Tôi không biết số phận bạn ra sao, chỉ biết một điều duy nhất là :”Trong các bạn, chỉ những ai biết tìm và tìm thấy cách thức phục vụ tha nhân thì mới thực sự được hạnh phúc”