Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm B
Con Người Ðến Ðể Hầu Hạ
(Ysaia 53,10-11; Hipri 4,14-16; Marcô 10,35-45)
Phúc Âm: Mc 10, 35-45
“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”.
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B
Ysaia 53,10-11; Hipri 4,14-16; Marcô 10,35-45
Những suy niệm của chúng ta trong Chúa nhật trước, hôm nay lại được các bài Kinh Thánh củng cố thêm. Bài sách Ysaia nói về Người Tôi Tớ đau khổ. Bài Tin Mừng cho thấy môn đệ phải uống chén cay đắng với Thầy mình. Và bài thư Hipri một lần nữa nhắc đến ý nghĩa cuộc khổ nạn của Ðức Kitô. Tất cả những ý tưởng này có thể giúp chúng ta thi hành một khía cạnh của nhiệm vụ truyền giáo mà Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta trong ngày Chúa nhật hôm nay. Vậy chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ với bài Tin Mừng vì dù sao vẫn là phần chủ yếu của Lời Chúa trong mọi thánh lễ.
1. Con Người Ðến Ðể Hầu Hạ
Hôm ấy Ðức Yêsu cũng đang đi đàng với các môn đệ lên Yêrusalem. Thánh Marcô nói rằng: Người dẫn đầu đi trước họ. Và họ thì kinh hoàng theo sau một cách sợ hãi. Người còn nói với họ về những khổ đau Người sắp phải chịu, nhưng ba ngày sau Người sẽ sống lại.
Yacôbê và Yoan là hai anh em trong số môn đệ. Họ không lưu ý đến những lời của Người, hay họ chỉ nhớ lời hứa phục sinh? Có lẽ họ tưởng rằng cứu thế là việc riêng của Người; Người muốn đi đàng nào thì đi; còn họ và đồng bạn chỉ có việc chờ đợi ngày vinh quang của Người. Thế nên họ tiến lại với Người và thưa một cách tính toán: “Thưa Thầy, chúng tôi ước chớ gì Thầy làm cho chúng tôi những điều chúng tôi xin Thầy”. Họ làm như thể Ðức Yêsu chưa nghĩ gì về tương lai của các môn đệ. Họ tưởng Người chỉ quan tâm đến công việc của Người và họ không có chỗ đứng nào trong công việc này. Người và họ dường như hai thế giới. Người hăm hở lên Yêrusalem, có vẻ phấn khởi nghĩ đến những gì sắp xảy ra. Còn họ thì kinh hoàng sợ hãi theo sau chầm chậm vì họ thấy bầu khí chống đối Người ở đó đang sôi lên…
Nhưng không, Người đã chọn họ là để họ ở với Người, chia sẻ mọi sự với Người. Thầy đi đến đâu môn đệ cũng sẽ đi đến đó. Phận tôi tớ không có thể hơn phận chủ mình. Thế nên Người đã nói với hai anh em kia: “Các ngươi không biết các ngươi xin gì!… Chén Ta uống, các ngươi sẽ uống, thanh tẩy Ta chịu, các ngươi sẽ chịu; còn việc ngồi bên tả hay bên hữu Ta, Ta không có quyền ban, nhưng là dành cho ai điều ấy đã được dọn cho”.
Rồi Người đã gọi tất cả các môn đệ lại. Họ đừng nổi xung lên vì thái độ của hai anh em muốn “đánh mảnh” kia, bởi vì “nơi các ngươi thì khác, (không được giống như nơi thế gian); ai muốn làm lớn trong các ngươi thì hãy hầu hạ các ngươi; và ai muốn cầm đầu giữa các ngươi, thì hãy làm tôi tớ mọi người”.
Những lời này lạ tai. Cần được giải thích. Nhưng lại chẳng có một lời cắt nghĩa nào kèm theo. Chỉ có một gương mẫu: Vì chưng, Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ. Có thể nói gương mẫu này chưa thực hiện một cách rõ ràng, nên các môn đệ chưa thể hiểu được lời của Thầy họ nói hôm nay. Phải đợi đến khi Ðức Yêsu hạ mình xuống rửa chân cho họ trong bữa tiệc ly và bị điệu ra khỏi thành chịu đóng đinh vào thập giá, gương mẫu ấy mới được treo cao lên. Họ sẽ chiêm ngưỡng và sẽ hiểu dần dần lời của Thầy đã nói với họ. Và bấy giờ họ cũng sẽ hiểu lời kết thúc đoạn Tin Mừng hôm nay: Con Người đến thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người.
Như vậy, có thể nói bài đọc hôm nay còn phải để đó cho đến sau ngày có cuộc Tử nạn và Phục sinh của Ðức Yêsu. Chúng ta chính là những người đến sau biến cố cứu độ này. Chúng ta có nhiệm vụ đi vào đường lối Người đi hôm nay. Chúng ta luôn phải ngắm nhìn gương mẫu ở trước mắt. Con Người đã không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và thí mạng sống mình thay cho nhiều người. Chúng ta không còn dám xin như Yacôbê và Yoan nữa. Ngược lại có chăng chúng ta chỉ có quyền thắc mắc vì sao Con Người lại chọn đi con đường như vậy để tất cả chúng ta muốn theo Người cũng không được đi con đường nào khác. Có lẽ bấy giờ bài sách Ysaia và bài thư Hipri sẽ giúp ích cho chúng ta hơn.
2. Người Vác Lấy Tội Vạ Của Chúng
Ðã nhiều lần chúng ta có dịp đề cập tới các bài ca về Người Tôi Tớ trong sách tiên tri Ysaia. Chúng nằm trong phần II của sách này, được gọi là tác phẩm “Những lời an ủi Israel”. Ðúng hơn, có lẽ chúng đã được thêm vào sau và rất ăn khớp với văn mạch. Là vì trong phần này, sách Ysaia loan báo việc Thiên Chúa sẽ đoái nhìn lại Israel đang đau khổ trong cảnh lưu đày. Người sẽ viếng thăm và giải cứu họ, đưa họ về quê hương và trùng tu lại xứ sở tốt đẹp hơn trước. Trong công việc này, Người sẽ dùng một dụng cụ là một nhân vật mà ta tạm gọi là cứu tinh.
Thoạt đầu có lẽ sách Ysaia chỉ gồm những chương nói như vậy. Nhưng về sau một số bài ca về Người Tôi Tớ đã được đem vào, làm thay đổi khuôn mặt Vị Cứu tinh kia. Viễn tượng này không còn phải là cuộc cứu dân khỏi cảnh lưu đày nữa. Biến cố này trở thành một hiện tượng trước mắt, dẫn tới một thực tại sau này, sâu xa và bao quát hơn. Ðó là việc Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi cảnh đời lầm than trong thời kỳ cánh chung để đưa dân đến một cảnh trời mới đất mới. Nhân vật mà Người sẽ dùng được gọi là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ. Ngài bị khinh khi và là đồ phế bỏ của loài người (53,3). Ngài đã bị chặt phăng khỏi đất người sống (53,8). Nhưng Yavê đã ái mộ Ngài, đã cho Ngài hồi phục; Ngài sẽ được thấy dòng giống, và sẽ thọ trường niên.
Tất cả những lời tiên tri trên, chúng ta biết đã được thực hiện nơi Ðức Yêsu trong mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh. Nhưng Ysaia không chỉ tiên báo mà còn giải thích. Ông nói rằng chính Ngài vác lấy tội vạ chúng ta và như vậy để ý định của Thiên Chúa được nên trọng. Hai ý tưởng đã được nêu lên để giải thích sự đau khổ của Người Tôi Tớ, hình ảnh của cuộc khổ nạn mà Ðức Yêsu đã chịu. Một đàng, Người sẽ vác lấy tội vạ mọi người. Ðúng như Yoan sẽ giới thiệu: Người là Con Chiên gánh tội trần gian. Người là Chiên Vượt qua. Chiên hy tế của đạo mới. Thiên Chúa đánh phạt tội lỗi chúng ta nơi thân xác của Người vì Người đã xuống thế vì chúng ta và để cứu độ chúng ta.
Nhưng tuy rất hợp lý, lời giải thích này vẫn chưa làm chúng ta thỏa mãn. Thiên Chúa không thể tha bổng cho chúng ta sao? Người không tốt lành đến mức không đòi của lễ đền tội ư? Thế nên phải có một lời giải thích thêm. Ysaia trong bài ca Người Tôi Tớ đã đưa ra lời giải thích này. Nhưng đúng ra là để đưa chúng ta vào sâu hơn trong mầu nhiệm,vì ông viết: Người Tôi Tớ phải chịu cay đắng như vậy là để làm trọn ý Chúa. Các tác giả Tân Ước sau này cũng luôn luôn nói: Ðức Yêsu phải chịu khổ hình thập giá chiếu theo ý nhiệm mầu của Thiên Chúa và để làm trọn các lời Thánh Kinh đã được viết về Người. Như vậy chúng ta có thể biết chắc được rằng chẳng có lời cuối cùng nào giải thích được mầu nhiệm thập giá. Mọi ý kiến thêm vào các lý lẽ Thánh Kinh ở trên chỉ là suy tư thần học để an ủi lý trí loài người một phần nào thôi. Ơn cứu độ dành cho lòng tin. Con người phải có thái độ khiêm cung trước ân ban của Thiên Chúa và các mầu nhiệm của Người.
Nhưng dù không hiểu rõ đường lối siêu việt của Thiên Chúa, chúng ta vẫn nhắm được chủ đích của ý định nhiệm mầu Người. Người dẫn Tôi Tớ Người đi ngang qua thống khổ, không phải để hủy diệt, nhưng để tôn vinh Ngài và để Ngài làm cho nhiều kẻ được nên công chính. Ysaia đã nhìn thấy như thế và các tác giả Tân Ước cũng sẽ luôn luôn nói rằng: Ðức Kitô phải đi qua gian khổ để vào nơi vinh quang và ban ơn cứu độ cho loài người. Sự phục sinh của Ngài đã thực hiện lời Ysaia và các vị tiên tri. Ðó là niềm vui to lớn làm chúng ta quên được những mối u uẩn trên con đường thập giá. Chúng ta không hiểu được mọi chi tiết của con đường này, nhưng như lời Ðức Yêsu nói trong các sách Tin Mừng: người đàn bà sinh nở xong nhìn vào sự sống mới chào đời sẽ quên hết những cơn đau trong lúc lâm bồn. Chúng ta cũng vậy, hãy lấy mầu nhiệm phục sinh chiếu ánh sáng vào mầu nhiệm thập giá để dễ chấp nhận đường lối của Người Tôi Tớ lý tưởng đã đi và đang kêu gọi mọi tôi tớ Thiên Chúa hãy đi vào. Ðó cũng là ý của bài thư Hipri hôm nay.
3. Chúng Ta Hãy Nắm Giữ Tín Ðiều
Tác giả khuyên chúng ta hãy ngước mắt nhìn vị Thượng tế của đạo ta. Người đã ngang qua các tầng trời. Tức là Người đã phục sinh và lên trời vinh hiển. Chúng ta hãy nắm giữ niềm tin đó để giúp mình đi con đường trần gian này.
Ai phủ nhận đường đời đầy khổ đau và hiểm nguy! Con đường của người tín hữu lại còn nhiều yếu đuối và thử thách. Ý thức tội lỗi và các cám dỗ phủ nhiều mây mù ảm đạm trên đường đời của họ. Chưa kể đến những bắt bớ và nhục nhã vì danh Chúa. Dường như càng giữ luật Chúa, càng muốn nên thánh lại càng bị thiệt thòi và hất hủi. Thánh giá thường là kỷ phần của người công chính.
Sức mạnh nào giúp họ vác được thánh giá mình hằng ngày và dám đi đến chỗ thí mạng mình cho sự thánh thiện, nếu không phải là niềm tin vào Ðức Yêsu đã đi qua thống khổ mà đạt tới vinh quang? Ðứng nơi Người đang ở, Người tỏ ra thông cảm hoàn toàn với những lao nhọc của ta. Hơn nữa những yếu đuối và tội lỗi của mọi người đang được cuộc khổ nạn của Người tẩy xóa trước mặt Thiên Chúa. Loài người hãy dạn dĩ đến với Người để được ở gần ngai ân sủng.
Một niềm tin như vậy, tác giả thư Hipri khuyên chúng ta nắm giữ. Và trong ngày truyền giáo hôm nay, đó cũng có thể là nguồn an ủi lớn cho chúng ta.
Ða số chúng ta biết nhiệm vụ phải góp phần vào việc mở rộng Nước Chúa ở trần gian theo như lời kinh Lạy Cha đọc hằng ngày. Không tha thiết với công việc truyền giáo quả thật là sống ngoài tình thương của Thiên Chúa, vì Người đầy lòng xót thương đến nỗi danh xưng rất đẹp lòng Người là tước hiệu Cứu Chúa. Người là Thiên Chúa chúng ta, nhưng là Thiên Chúa cứu độ, không những luôn suy nghĩ kế hoạch cứu thế mà còn thi hành khi ban chính Con Một Người chịu chết để cứu vớt trần gian. Lòng Thiên Chúa như vậy và sự sống của Người như thế, thì làm sao người ta có thể chia sẻ tấm lòng và sự sống của Người mà không tha thiết với phần rỗi anh em? Chúng ta phải “khao khát các linh hồn”, tức là muốn ơn cứu độ được mọi người nhận lấy. Nhưng chúng ta dường như bất lực… Vì thực tế chúng ta quá lam lũ khổ sở ở trần gian.
Huấn giáo của Lời Chúa hôm nay không thích hợp để an ủi chúng ta sao? Con đường cứu thế phải đi qua gian khổ. Chúng ta đang đi con đường khổ sở trần gian, thì chúng ta có khả năng cứu thế. Trước hết bằng việc thánh hóa các khổ đau của mình, tức là thanh luyện mình qua các thống khổ hằng ngày. Hữu xạ tự nhiên hương. Sự hiện diện của một người thánh thiện tự nó đã có sức thu hút và thuyết phục. Rồi chúng ta có thể dâng cuộc đời khổ sở nhưng đạo đức làm của lễ đền tội thế gian và cầu xin ơn cứu độ cho các linh hồn.
Chúng ta còn có thể tham gia vào các khổ đau của những tông đồ truyền giáo khi giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần. Những giúp đỡ này cũng gây thêm cho chúng ta ít nhiều đau đớn, nhưng là những đau đớn dành cho người tôi tớ vác tội vạ trần gian. Cuối cùng sẽ quý hóa biết bao khi có những tâm hồn thấy cuộc đời tông đồ vất vả, nhục nhã, khó khăn mà vẫn tình nguyện đi vào và quyết đi cho đến cùng! Những người ấy thật sự phải nghe được lời Ðức Yêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay, suy nghĩ được gương Người Tôi Tớ trong sách Ysaia và nhất là nắm giữ được niềm tin như thư Hipri khuyên bảo. Chúng ta hết thảy hãy ghi những lời Thánh Kinh ấy vào lòng và cố gắng đem ra thi hành, để đường đời chúng ta đi sẽ là con đường cứu thế và truyền giáo mưu được ơn cứu độ và hạnh phúc cho nhiều người, qua các hy sinh xả kỷ của những người tôi tớ Chúa.
Chúng ta hãy tuyên xưng niềm tin như vậy. Và nhất là hãy cử hành mầu nhiệm Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa, để muốn bước theo Người và đồng hóa với Người trong công cuộc cứu thế.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)