CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN B
Mc 16,15-20
HÃY NÊN CHỨNG NHÂN CỦA THẦY
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 16,15-20
(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi lòai thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. (17) Đây là những dấu lạ sẽ di theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe. (19) Nói xong Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họat động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
2. Ý CHÍNH:
Trước khi về trời, Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời khắp thế gian. ai tin và chịu phép rửa thì sẽ nên dưỡng tử của Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ. còn kẻ không tin là tự loại mình ra khỏi Nước Trời và sẽ bị kết án. Cuối cùng Đức Giê-su còn hứa ban cho các ông quyền làm nhiều phép lạ. Các môn đệ đã vâng lời Thầy đi khắp nơi loan Tin Mừng.
3. CHÚ THÍCH:
– C 15-16: + Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. nhưng sau khi phục sinh, Người lại trao cho các Tông Đồ sứ mạng phổ quát đến với muôn dân + Loan báo Tin Mừng: theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Euaggelion) là một “Tin Vui, Tin Mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là chính “Tin Mừng được Đức Giê-su công bố”. hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. + cho mọi loài thọ tạo: Nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19), Chúa sẽ biến đổi mọi tạo vật nên Trời Mới Đất Mới vào ngày tận thế (x. Kh 21,1). + Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên người mới, dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhờ đó họ sẽ được sống đời đời.+ còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên sẽ bị khô héo và bị quăng vào lửa hỏa ngục đời đời (x. Ga 15,5-6). + Còn những người không tin Đức Giê-su nhưng không do lỗi của họ thì có được ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình làm tay sai cho ma quỷ để làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc chắn sẽ phải xuống hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra “dành cho ma quỷ và những kẻ đi theo chúng”.
– C 17-18: + Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông Đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để các ông xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. + Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông Đồ thực hiện. Chẳng hạn: vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông Đồ (x. Cv 5,12). Tông Đồ Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). còn Tông Đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Ly-tra (x. Cv 14,8-10) ; Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay cắn mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).
– C 19-20: + Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Chúa Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. + và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh, được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22). + ra đi rao giảng khắp nơi: các Tông Đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + có Chúa cùng hoạt động với các ông…: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội Thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần để Hội Thánh tha tội cho người ta giống như Người (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa cho Hội Thánh làm được những việc lớn lao hơn Người nữa, đó là đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc với quyền năng Thánh Thần (x Ga 14,12).
HỎI: 1) Mầu nhiệm Phục sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông Đồ được Chúa sai đến với những ai? 2) Tin Mừng Đức Giê-su có những ý nghĩa nào? 3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su? 4) Những ai chắc chắn sẽ bị sa vào hỏa ngục? Những người chưa có đức Tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không? 5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền nào? 6) Trườc khi về trời, Đức Giê-su trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông Đồ kèm theo những dấu lạ nào? 7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo Lời rao giảng của các Tông Đồ đã ứng nghiệm thế nào vào thời Giáo Hội sơ khai? 8) Thời Cựu Ước, Ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc Mông triệu của Đức Ma-ri-a thế nào? 9) Người lương dân luôn ăn ngay ở lành chết thì có được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su ban cho không? 10) So sánh Lời Chúa Giê-su truyền cho các Tông Đồ trước khi lên trời là “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”(x Mt 28,19) và “Hãy nên chứng nhân của Thầy…” (x Cv 1,8) giống và khác nhau thế nào? 11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn hiện diện trong Hội Thánh nữa không? 12-Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội Thánh nhằm mục đích gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
2. CÂU CHUYỆN: VIÊN NHẠC SĨ VÀ CHIẾC VĨ CẦM QUÍ GIÁ
PHÍT KÂY-DƠ-LÊ (fritz kreisler) (1875-1962) là một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng khắp thế giới. Ông đã tạo được một tài sản đồ sộ nhờ các buổi hòa nhạc và soạn nhạc, nhưng lại hào phóng cho đi gần hết những của cải kiếm được. Do đó, trong một chuyến đi lưu diễn, ông phát hiện ra một cây vĩ cầm rất đẹp và âm thanh của nó nghe thật tuyệt vời, nhưng ông lại không có đủ tiền để mua ngay. Sau một thời gian để dành, khi ông mang tiền đến mua thì cây vĩ cầm kia đã được bán cho một nhà sưu tầm nhạc cụ. Phít theo địa chỉ tìm đến chủ nhân mới của cây vĩ cầm để xin được mua lại. Nhà sưu tầm lúc đầu không muốn bán, vì theo ông ta cây đàn này là một bảo vật quí giá. Phít cảm thấy chán nản thất vọng. Tuy nhiên trước khi ra về, ông nảy ra sáng kiến và nói với người chủ mới của cây đàn như sau: “Tôi xin phép được chơi một bài trước khi cây đàn này bị rơi vào cỏi thinh lặng”. Được chủ nhân đồng ý, viên nhạc sĩ tài ba này đã làm cho ông chủ cây đàn vô cùng xúc động khi nghe được tiếng đàn du dương réo rắt của nó qua bàn tay tài hoa của ông, đến nỗi ông ta đã phải thốt lên: “Này Kây-dơ-lê ơi! Tôi không có quyền giữ cây đàn này. Nó thuộc về ông. Ông hãy đem nó đi khắp thế giới, để thiên hạ được thưởng thức âm thanh tuyệt vời của nó”.
3. SUY NIỆM:
+ Có người lên tiếng chỉ trích công việc truyền giáo của Hội Thánh cho lương dân. Theo họ: “Đạo nào cũng tốt vì đạo nào cũng bắt nguồn từ Trời, và đều dạy người ta phải ăn ngay ở lành. Do đó, cần chi phải rao giảng về đạo Công giáo cho ngừoi ta? Tốt hơn là cứ khuyên họ hãy sống thật tốt theo đúng tôn chỉ của đạo giáo mà họ đang theo”.
+ Thực ra, nếu xét về mặt luân lý tự nhiên thì xem ra mọi tôn giáo đều tốt. Đạo nào cũng dạy người ta phải hướng thượng, phải ăn ngay ở lành, phải giữ công bình và sống từ bi nhân ái. Nhưng về tín lý, mỗi đạo giáo đều có những chân lý chủ quan, có giới hạn và những sai lầm làm méo mó hình ảnh Thiên Chúa, Tùy theo ơn mặc khải mà vị sáng lập đạo đã ngộ ra. Do đó, các tôn giáo không thể có giá trị bằng nhau cả về tín lý cũng như luân lý. Ta có thể ví chân lý của các tôn giáo tự nhiên giống như ánh sáng lu mờ của cây đèn dầu, chỉ có giá trị tương đối về luân lý, và làm cho con người bị lầm lạc khi coi loài thụ tạo là Chúa tể phải tôn thờ. Còn chân lý của đạo Công giáo phát xuất từ Đức Giê-su Con Thiên Chúa làm người, thì như ánh sáng chói chan của mặt trời chính ngọ, giúp người ta nhận biết, tôn thờ yêu mến Thiên Chúa tòan năng chân thật, và nhờ đó, sẽ đón nhận được hạnh phúc đời đời. Công đồng Vaticanô đã dạy: “Tất cả những gì tốt lành chân thật trong các tôn giáo chỉ có giá trị như để chuẩn bị cho họ lãnh nhận Tin Mừng, và như một hồng ân mà Đấng soi sáng mọi người ban cho để cuối cùng họ sẽ được sống đời đời” (LG số 16).
+ Để qui tụ tất cả con cái loài người đã bị tội lỗi làm cho tản mác lạc đường, Thiên Chúa Cha muốn tập họp toàn thể loài người trong Hội Thánh của Chúa Con. Hội Thánh là nơi loài người tìm thấy sự hiệp nhất và ơn cứu độ. Hội Thánh là thế giới đã được hòa giải, là con tàu giúp ta vượt biển trần gian với sức mạnh của gió Thánh Thần, dưới cánh buồm thánh giá của Đức Ki-tô. Hội Thánh còn được ví như con tàu của tổ phụ Nô-e, con tàu duy nhất cứu loài người thoát nạn hồng thủy (x. 1 Pr 3,20-21).
+ Về phần các tín hữu: đã tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế, đã được tái sinh làm con Thiên Chúa nhờ phép rửa tội để được gia nhập vào Hội Thánh và nhờ đó hy vọng được hưởng hạnh phúc đời đời. Ta phải làm gì để giúp anh em khác nhận biết Thiên Chúa đễ được hưởng ơn cứu độ giống như ta?
4. THẢO LUẬN: 1-Noi gương nhà sưu tập nhạc cụ trong câu chuyện trên, chúng ta phải làm gì với cây đàn quý giá là đức Tin mà chúng ta đã được đón nhận? 2-Trong xã hội hôm nay, chúng ta cần rao giảng Tin Mừng cho anh em lương dân bằng cách nào để đạt hiệu quả nhất?
5. NGUYỆN CẦU:
– Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay là ngày thế giới truyền giáo. Xin giúp chúng con trở nên chứng nhân giúp người khác nhận biết và tin yêu Chúa bằng lời nói việc làm của chúng con: Giữa một thế giới chỉ biết chạy theo các tiện nghi để hưởng thụ, xin cho chúng con biết chấp nhận cuộc sống đơn sơ trong cách ăn ở tiêu dùng các của cải vật chất. Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo, xin cho chúng con tránh thói tham lam, chỉ lo thu tích của cải cho mình, nhưng biết quảng đại chia sẻ cho những người nghèo đói bất hạnh. Giữa một thế giới khinh thường người nghèo, xin cho chúng con biết quí trọng phẩm giá của hết mọi người. Giữa một thế giới không tìm ra phương hướng cho cuộc sống, xin cho chúng con biết giúp họ nhận biết tin yêu Chúa và phục vụ tha nhân, hầu tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.
– Lạy Chúa. Xin cho chúng con cảm thông được những cơn đói đang giày vò biết bao người nghèo khó chung quanh chúng con. Xin cho chúng con nghe được Lời Chúa mời gọi: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Ứớc gì chúng con dám trao tất cả những gì chúng con có cho Chúa, để Chúa sẽ trao tất cả những gì Chúa có cho chúng con và cho hết mọi người.
X. HIỆP CÙNG MẸ MARIA.-Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
www.hiephoithanhmau.com