GIÁO XỨ KA ĐƠN – ĐƠN DƯƠNG
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: Thánh Gia
- Cha Quản xứ: Phêrô Trần Quốc Hưng Long
- Tổng số hộ gia đình : 1.000
- Tổng số nhân danh : 6.201 (Kinh : 2.127 + Thượng: 4.100)
- Địa Chỉ: K’Đơn, Đơn Dương, Lâm Đồng
– Lịch Phụng Vụ:
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 05h30
- Lễ 2: 16h00
- Ngày thường:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 18h00
– Lược sử Giáo xứ:
Khác với các nhà thờ trong giáo phận Đà Lạt, nhà thờ Ka Đơn, Giáo hạt Đơn Dương, có thiết kế đơn giản, khiêm nhường ẩn mình giữa núi đồi nhưng lại tạo ra những giá trị mới, vượt qua giới hạn hình khối và công năng sử dụng.
NHÀ THỜ ĐẠT 2 GIẢI THƯỞNG KIẾN TRÚC
Nhà thờ Ka Đơn, được xây dựng năm 2011, theo đồ án thiết kế của 2 kiến trúc sư trẻ Nguyễn Tuấn Dũng và Vũ Thị Thu Hương từ CHLB Đức.
Bản thiết kế nhà thờ Ka Đơn đã giành giải thưởng Quỹ Frate Sole tại Pavia (Ý) giải đặc biệt về kiến trúc Thánh tại Châu Âu năm 2008. Quỹ do linh mục Costantino Ruggeri (1925 – 2007) sáng lập với mục đích khuyến khích sự sáng tạo trong quá trình kiến tạo không gian thánh. Đến năm 2016 Nhà thờ Ka Đơn nhận Giải Nhì Thế Giới về kiến trúc tôn giáo.
Nhà thờ sử dụng vật liệu khung sắt, lợp ngói, lót đá tự nhiên, bao quanh là những nan gỗ dán và lớp kính trong suốt dọc từ trên xuống. Nét độc đáo là nhà thờ không có cửa sổ, không có cửa chính, thay vào đó là những tấm phên gỗ kéo qua kéo lại.
Chèn giữa các thanh gỗ là lớp kính trong suốt để từ bên trong nhà thờ, có thể nhìn thấy núi rừng xung quanh; và ngược lại, từ ngoài sân vẫn nhìn thấy bên trong cung thánh. Nét độc đáo, nhà thờ không có bậc thềm, chẳng tiền sảnh và cũng không có cổng rào tạo không gian mở phù hợp với sinh hoạt của người bản địa….
Phần mái của nhà thờ Ka Đơn không cao vút như các nhà thờ khác mà thoai thoải như mái nhà của người Chu Ru, thấp thoáng trong rừng thông; duy chỉ có tháp chuông đưa thánh giá lên cao để giáo dân nhìn thấy.
Có thể nói Nhà thờ Ka Đơn tiêu biểu cho sự hội nhập nghệ thuật thánh với không gian và cộng đồng dân tộc thiểu số Chu Ru. Nhà thờ có hình khối đơn giản mang nét đặc trưng vùng cao, hòa lẫn vào thiên nhiên chung quanh,
Sau hơn 4 năm xây dựng, vào ngày 13.7.2014, Nhà thờ Ka Đơn được Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli – đại diện Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam cắt băng khánh thành. Cùng hiện diện có Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc – Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam, TGM Giáo Phận TP.HCM, Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – TGM Giáo Phận Hà Nội, Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân cùng các Linh mục, Giáo sư đến từ Học viện Công giáo Paris, các Linh mục từ Tu Hội truyền giáo Vinh Sơn Paris và Hội Thừa Sai Paris, các Linh mục đặc trách việc đào tạo các ứng sinh Linh mục tại 10 Đại Chủng Viện, 11 Dòng tu và 26 Giáo Phận trên cả nước, các Giáo sư đến từ phân viện Kiến trúc, trường Đại học Kỹ thuật Berlin (CHLB Đức) và gần 6000 giáo dân, khách mời trong và ngoài giáo xứ Ka Đơn.
NIÊN BIỂU ĐÁNG NHỚ
1958: Các Cha Thừa Sai Paris (MEP), gồm cha Darricau, Cha Grison và Cha Phêrô Võ Trung Thành, thuộc Trung Tâm Dân Tộc M’lon (Thạnh Mỹ), đảm trách truyền giáo cho vùng Đơn Dương, trong đó có vùng Ka Đơn.
1961: Với sự thỏa thuận của các Cha Thừa Sai Paris, các Cha Lazarist (Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn), gồm Cha Cartier, Cha Déthune, Cha Dulucq, Cha Berset, Cha Jacques Gros đến làng Diom và đảm trách truyền giáo cho vùng nam sông Đa Nhim, trong đó có vùng Ka Đơn.
1967: Cha Jacques Gros dựng một nhà nguyện tại làng Ka Đơn và phụ trách vùng Ka Đơn, với sự trợ giúp của các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn người Âu Châu và người Việt Nam.
1975: Cha Jacques Gros và các Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn người Âu Châu trở về Pháp.
1977: Cha Gioan Baotixita Nguyễn An Khang, Chính xứ Lạc Hòa (Ka Đô), đảm nhận mục vụ vùng Ka Đơn, trong đó có khu Kinh tế mới K’răngọ 2, Sao Mai và Próh.
1978: lần đầu tiên sau năm 1975, một Thánh lễ được cử hành tại vùng Ka Đơn do một Cha dòng Phanxicô chủ sự. Đó là Thánh lễ an táng cho một giáo dân ở Lạc Nghĩa. Cuối năm, khoảng trước lễ Giáng sinh, Cha Alexis Tống Phước Hậu và Thầy Augustinô Nguyễn Hữu Gia đến Giáo xứ. Thánh lễ Giáng sinh được Cha Hậu cử hành tại gò mối thuộc đất của thôn K’răngọ 2.
1991: Đầu năm, Cha Hậu mời các cụ già làng đến bàn địa điểm để xây dựng Nhà thờ. Sau khi đã ngỏ ý với một giáo dân về việc nhượng cho Giáo xứ một khu đất, với sự giúp đỡ của Tòa Giám mục Đà Lạt và Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn, Cha Hậu mua được một nhà kho tiền chế của Công ty trà Bảo Lộc, dùng để làm Nhà thờ. Tháng 5, Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm làm phép Nhà thờ Ka Đơn. Giáo dân Giáo xứ thời điểm này là 2.612 người, trong đó, với anh em K’ho và ChuRu là 1.500 người và anh em người Kinh là 1.112 người.
1992: Thầy Giuse Nguyễn Đức Ngọc được cử về giúp mục vụ Giáo xứ.
1993: Thầy Augustinô Nguyễn Hữu Gia được thụ phong linh mực và được Đức Giám mục bổ nhiệm làm Chính xứ Próh, Giáo xứ được tách ra từ phần đất của Giáo xứ Ka Đơn.
1998: Thầy Giuse Nguyễn Đức Ngọc được thụ phong linh mục.
2007: Cha Giuse Nguyễn Đức Ngọc phụ trách Giáo xứ Ka Đơn, với tổng số giáo dân là 4.632 người, trong đó, anh em K’ho và ChuRu là 2.838 người và anh em người Kinh là 1.794 người. Anh em K’ho và Churu cư ngụ trong 4 làng, 1/2 là Ka Đơn, Ka Rái, Ka Đê, K’răngchớ và 1/2 là K’răngọ 1. Anh em người Kinh cư ngụ trong 4 làng là K’răngọ 2, Sao Mai, Hòa Lạc và Lạc Nghĩa.
Ngày 11.4.2019, Cha Phêrô Trần Quốc Hưng Long nhận bài sai về làm Quản xứ Ka Đơn cho đến nay.
Bài: Cha Phêrô Hưng Long- Hữu Phước
Hình: Mạnh Thi
– Bản Đồ: