VÀO ĐỀ
Trước khi đi vào nội dung bài 17, xin chia sẻ với quí độc giả bản tin của Vietcatholic News ngày 2 tháng 11 năm 2006 về “Hội Nghị Quốc tế Chống Nghèo Đói” vừa diễn ra tại San Francisco (Hoa Kỳ):
San Francisco – Gần 1000 người đã tham dự Hội Nghị Quốc Tế chống Nghèo Đói tại San Francisco trong 2 ngày 27-28/10/2006. Hôị nghị qui tụ các lãnh tụ các tôn giáo, kinh tế gia, và các chuyên viên về phát triển, các nhà khoa bảng, thương gia và lao động, đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tổng Giám Mục George H. Niederauer của San Francisco phát biểu rằng: “Chúng ta có trách nhiệm nêu lên bi kịch luân lý về sự nghèo đói trên toàn cầu. Chúng ta ngồi lại với nhau để đưa ra những điều quan tâm, động lực nguồn tài trợ và suy nghĩ làm thế nào đức tin của chúng ta sẽ biến thành hành động và xây dựng một thế giới mới công bằng hơn”.
Tổng Giáo Phận San Francisco đồng bảo trợ Hội Nghị này cùng với Văn Phòng Họi Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.
Mở đầu Hội Nghị, các diễn giả từ India, Kenya và Brazil đã trình bày cho thấy tình trạng nghèo đói tại Á châu, Phi châu và Nam Mỹ, những nơi mà phần lớn dân chúng sống trong cảnh nghèo đói nhất.
Qua màn truyền hình chuyển vận từ xa, giáo sư đại học Columbia là Jeffrey Sachs nói rằng “sự quyết tâm dấn thân từ các cuốc gia cho Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (Millennium Development Goals) không phải là vấn đề các nước giầu giúp nước nghèo nhưng là mối liên hệ của con người với con người trong sự liên đới”.
Trong một thế giới mà hiện này phân nửa dân chúng sống trong nghèo đói và hơn 1 tỉ người phải sống chật vật nghèo đói từng ngày thì ý niệm loại trừ nghèo đói trên thế giới xem ra là một ảo tưởng.”
Tình trạng của hơn phân nửa dân số thế giới sống trong nghèo đói và hơn 1,1 người phải sống chật vật túng thiếu từng ngày khiến cho những người có lương tâm phải đau lòng và xấu hổ, cho những người Kitô hữu chúng ta cảm thấy mình “có tội”. Giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội Công Giáo về “thăng tiến con người” (1) trở nên cấp bách đòi mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta phải khẩn cấp hoạt động cho sự “thăng tiến con người”, vì đó là Đường Lối Truyền Giáo đích thực nhất.
TRÌNH BÀY
I. GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ TRONG SÁCH PHÚC ÂM
1.1 Hai giới răn “quan trọng ngang nhau”của Đạo Chúa:
“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (2).
1.2 Khuôn vàng thước ngọc của môn đệ Chúa Giêsu Kitô:
“Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (3).
1.3 Giới răn riêng của Thày Giêsu:
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (4).
1.3 Lý do thâm sâu : Làm hay không làm cho người nghèo điều gì là làm hay không làm cho chính Chúa điều ấy:
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”
* Làm như thế là: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.
* Không làm như thế là: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi không đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã không thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi không đến hỏi han.” (5).
II. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ THĂNG TIẾN CON NGƯỜI
2.1 Của Công Đồng Vatican II (nêu nguyên tắc thần học và mục vụ):
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô. Quả vậy không có gì thực sự của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (6).
2.2 Của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu và Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á:
Năm 1998 trong khuôn khổ chuẩn bị Mừng Năm Thánh 2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về Châu Á. Tài liệu đúc kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục này được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biên soạn thành Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á. Tông huấn này đã công bố năm 1999 tại Ấn Độ. Tông Huấn đã dành trọn chương VI cho vần đề “thăng tiến con người”. Để giúp quí độc giả hiểu nội dung chương VI nói trên, tôi xin chia sẻ những câu hỏi đáp trong một tài liệu gọi là “Học Hỏi Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á” do một nhóm linh mục và giáo dân đã soạn cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2000-2001.
* Hỏi: Tại sao Giáo Hội quan tâm đến con người và các vấn đề của con người?
– Thưa: Giáo Hội quan tâm đến con người và các vấn đề của con người vì sứ mạng của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng cho cộng đồng nhân loại mà Giáo Hội là thành phần và có mối liên đời sâu sắc như Công đồng Vatican đã xác định trong Lời Mở Đầu Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui Mừng và Hy Vọng” (7).
* Hỏi: Giáo Hội thể hiện sự quan tâm đối với con người và các vấn đề của con người bằng cách nào?
– Thưa: Giáo Hội thể hiện sự quan tâm ấy bằng cách đưa ra những giáo huấn về xã hội. Đó là những nguyên tắc có tính hướng dẫn mọi hoạt động của Kitô hữu cũng như của những người thành tâm thiện chí, khi họ muốn phục vụ sự phát triển đích thực của con người, nhất là của người nghèo và những người bị thiệt thòi trong xã hội.
* H: Thế nào là sự phát triển đích thực và toàn diện của con người theo học thuyết xã hội của Giáo Hội?
– Thưa: Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á khẳng định: “Con người, chứ không phải của cải hay kỹ thuật là tác nhân chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Thế nên sự phát triển mà Giáo Hội cổ võ vượt xa những vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Sự phát triển ấy bắt đầu và kết thúc với sự toàn vẹn của con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và đã được Thiên Chúa ban cho một phẩm giá cũng như các quyền con người bất khả nhượng” (8).
* H: Về vấn đề phát triển con người tại Châu Á, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nói gì?
– Thưa: Về vấn đề phát triển con người tại Châu Á, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng “ý thức rất rõ tại nhiều nơi trên thế giới quyền con người vẫn liên tục bị xâm phạm, nhất là tại Châu Á, nơi có biết bao nhiêu triệu người đang phải chịu sự kỳ thị, bóc lột, nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội”. Cách cụ thể các ngài nêu những ưu tiên cho hoạt động thăng tiến con người, như bảo vệ sự sống, chăm sóc sức khỏe, đề cao giáo dục, xây dựng hòa bình, ngăn chặn những tiêu cực của toàn cầu hóa,giảm hoặc xóa nợ cho các nước nghèo, bảo vệ môi trường. Các ngài còn nói lên nhu cầu đặt ra cho toàn thể Dân Chúa tại Châu Á là phải nhận thức rõ về sự thách đố không thể né tránh hay từ khước được, khi phải bênh vực các quyền con người và cổ võ cho công lý và hòa bình. (9).
* H: Theo Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, thì người nghèo là ai? và Giáo Hội phải làm gì cho họ?
– Thưa: Theo Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, thì người nghèo là “những người di cư, những dân tộc bản địa và bộ tộc, phụ nữ và trẻ em, những người đang bị kỳ thị vì văn hóa, mầu da, chủng tộc, giai câp, tình trạng kinh tế hay vì cách suy nghĩ của mình”. Và Giáo Hội phải đặc biệt thương yêu, trợ giúp, chăm sóc để họ giữ gìn được phẩm giá và bảo tồn được văn hóa của mình (10).
2.3 Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ ngày 8.9.2006:
Thư Mục Vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, với chủ đề “Sống Đạo Hôm Nay”, kêu gọi mọi người Công giáo Việt Nam thực hiện hai điều là dấn thân phục vụ và góp phần xây dựng một xã hội công bằng:
(1) Dấn thân phục vụ sự sống và phẩm gía con người:
“Đời sống bác ái có thể thực hành bằng nhiều cách, nhưng Thư Mục Vụ năm nay nhấn mạnh đặc biệt đến việc dấn thân phục vụ. Vì thế, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy phát huy tinh thần liên đới và yêu thương phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu, phục vụ sự sống và phẩm giá con người, đặc biệt những người nghèo khổ: nghèo kiến thức, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo niềm hy vọng, nghèo hạnh phúc” (11).
(2) Góp phần xây dựng một xã hội công bằng:
“Lòng mến Chúa yêu người thoi thúc chúng ta góp phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, bởi vì con người là anh em của nhau, được tác tạo do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ tổ chức hay thế lực nào.
Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một đường lối thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp từ nhiều phía. Là Kitô hữu, được mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế gian, muối cho đời, men trong bột, chúng ta hãy tập trung xây dựng một cộng đoàn trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng.
Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu thương. Chúng tôi tin chắc rằng gương sáng phát xuất từ cộng đoàn của những người con cái Chúa sẽ có ảnh hưởng tích cực trong xã hội chúng ta.” (12).
THAY LỜI KẾT
Giáo Huấn về trách nhiệm và sứ mạng “thăng tiến con người” của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội hết sức phong phú và đầy đủ. Vần đề vẫn là làm sao người Công Giáo Việt Nam đem những Giáo Huấn ấy vào thực tế. Đó là vấn đề cốt lõi của Đạo Chúa và là sự tồn vong của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Với tư cách là chi thể, mỗi người chúng ta có phần trách nhiệm của mình. Co một loạt các câu hỏi tôi xin đặt ra cho bản thân mình và cho mọi thành phần Dân Chúa ở Việt Nam là:
(1) Sự sống và phẩm giá con người ở Việt Nam đã được Giáo Hội, Chính Quyền và Xã hội tôn trọng đủ chưa?
(2) Sự sống và phẩm giá của những người/nhóm người nào ở Việt Nam đang bị chà đạp? bị ai hay cơ chế xã hội nào chà đạp?
(3) Tôi đã và đang làm gì để đồng bào tôi bớt đói nghèo, lạc hậu, có công ăn, việc làm, nhà ở, trường học, bệnh viện, có cuộc sống xứng đáng và phẩm giá được tôn trọng?
(4) Tôi và Giáo Hội tôi đã và đang làm gì để cả người giáo dân và người lương dân Việt Nam được phát triển về mặt kinh tế, tài chánh, văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo và tâm linh?
Trả lời cách thẳng thắn, trung thực cho 4 câu hỏi trên là một cuộc xét mình đích thực. Đó là bước đi căn bản để có thể thực thi Lời Chúa và Giáo Huấn của Giáo Hội trong lãnh vực thăng tiến con người ngày hôm nay.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
Kansas City (MO/USA) ngày 03.11.2006
…………………….
Ghi chú:
(1) Giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội về “thăng tiến con người” là một kho tàng vô cùng phong phú. Vì giới hạn của bài viết nên tôi chỉ nêu một ít điều quan trọng và tiêu biểu nhất mà thôi.
(2) Mc 12,29-32.
(3) Mt 6,12; Lc 6,31.
(4) Ga 13, 34-35.
(5) Mt 25,31-46.
(6) Lời mở đầu Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay “Vui Mừng và Hy Vọng” số 1.
(7) như trên.
(8) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 33.
(9) như trên.
(10) nhu trên số 34.
(11) Thư Mục Vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 6.
(12) như trên, số 7.