Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống C
Đấng Bảo Trợ Khác Đến Ở Với Anh Em Luôn Mãi
(Lễ Ban Ngày)
Gio 14:15-16.23-26: 15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.
23 Đức Giêsu đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
Đoạn tin mừng trên đây gồm những câu liên quan đến Chúa Thánh Thần, rút từ các đoạn trong chương 14. Xin xem bài chú giải Chúa Nhật VI Phục Sinh C. Ở đây chúng ta chỉ chú giải đoạn 14:15-18 trong văn mạch của nó 14:15-24, gồm những câu làm khung “yêu” và “tuân giữ” (14:15.21.23.24), tiếp theo là một lời hứa: ban Đấng Phù Trợ (14:17); Chúa Cha yêu mến người tuân giữ lời (14:21); Chúa Cha không chỉ yêu thương, mà cùng với Chúa Giêsu đến cư ngụ nơi người ấy (14:23). Yêu Chúa và tuân giữ lời của Ngài là chủ đề chính của đoạn nầy. Diễn từ nầy ngỏ trực tiếp với các môn đệ, ở ngôi thứ hai số nhiều; đối trọng với họ là “thế gian” (kosmos) (14:17.19.22.27.30.31). Thế gian không được hưởng những điều như người môn đệ được: không thể nhận lấy Đấng Phù Trợ, không thấy và cũng không biết Đấng nầy (14:17), không thể thấy Chúa Giêsu (14:19), vì Người không tỏ mình ra cho họ (14:22). Đoạn 14:15-24 có thể phân chia như sau: – Ban Thánh Thần (14:15-18); – Chúa tỏ mình (14:19-21); – Chúa đến cư ngụ (14:22-24).
Lời hứa đầu tiên cho môn đệ nào yêu mến và tuân giữ lời của Chúa Giêsu là được lãnh nhận Đấng Phù Trợ. Trong các câu trước (14:13-14), Chúa Giêsu bảo các môn đệ lấy danh của Người mà cầu xin, “aitein”, Người sẽ thực hiện cho. Ở đây, chính Người có sáng kiến thỉnh cầu, “erōtaō”, với Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ cho họ. Đấng Phù Trợ là ân huệ Chúa Cha ban cho và được gởi đến qua lời thỉnh cầu của Chúa Con. Đấng Phù Trợ, “parakletōs”, chỉ vai trò trợ giúp hơn là biện hộ (14:16-17.26; 15:26). Trong tên gọi “Đấng Phù Trợ khác”, tính từ “khác” chỉ Đấng không phải là Chúa Giêsu.
Việc trợ giúp trước tiên là ở với các môn đệ luôn mãi (14:16). Người ở với họ và trong họ (14:17); điều mà Người không làm cho thế gian. Việc trợ giúp khác nữa là Người sẽ dạy dỗ các môn đệ mọi điều và nhắc nhở cho họ những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy cho họ (14:26; 16:13). Chúa Giêsu thỉnh cầu Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ cho những ai tuân giữ lời Người, vì Đấng Phù Trợ chính là Thánh Thần của sự sống, hiểu biết và tình yêu. Nhận lấy Thánh Thần, người tuân giữ lời Chúa sẽ được tham dự vào sự sống chung của Thánh Thần và Chúa Giêsu. Công việc của Ngài là làm cho họ hiểu sâu xa và cảm nghiệm hơn ý nghĩa của chân lý Tin mừng.
Thánh Gioan đưa ra hai dẫn chứng cho thấy các môn đệ, sau khi Chúa Giêsu đã sống lại, nhớ lại lời của Người về việc xây cất đền thờ (2:22) và việc Người cỡi trên con lừa vào thành. Chỉ họ mới hiểu ý nghĩa của các việc nầy; bởi đó Đấng Phù Trợ được gọi bằng tên khác là Thần Chân lý (14:17). Ngoài ra, nhờ Ngài và với Ngài, các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt thế gian (15:26-27). Họ sẽ không hổ thẹn hay sợ bắt bớ và khốn khổ vì Người. Vậy việc Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ là để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của Ngài bảo đảm cho họ sẽ không mồ côi (14:18tt; 16:7). Lý do thế gian không thể nhận lấy Đấng Phù Trợ vì họ không tin vào Chúa Giêsu. Trong khi đó, các môn đệ tin vào Chúa Giêsu, nên có thể đón nhận Người (7:39; x. 14:12-14).
Chúa Giêsu không hiện diện hữu hình giữa chúng ta, nhưng chúng ta có lời của Người và giới răn của Người. Chúng ta phải giữ lấy và gắn bó vào đó. Chỉ nhờ Thánh Thần, chúng ta mới hiểu ý nghĩa, sống lời ấy cách triệt để và hiệp thông cách sung mãn vào sự sống của Thiên Chúa.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến