Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Năm C
Bàn tiệc huynh đệ
(Khởi nguyên: 14, 18-20; Thư 1 Côrintô 11, 23-26; Tin Mừng Luca 9, 11b-17)
Phúc Âm: Lc 9, 11b-17
“Tất cả đều ăn no nê”.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân chúng về nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa. Vậy khi đã xế chiều, nhóm mười hai đến thưa Người rằng: “Xin Thầy giải tán dân chúng, để họ đi vào trong các làng mạc và trại quanh đây mà trú ngụ và kiếm thức ăn, vì chúng ta đang ở nơi hoang địa”. Nhưng Người nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Các ông trả lời: “Chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, trừ phi chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám đông này”. Số đàn ông độ năm ngàn. Người nói với các môn đệ rằng: “Hãy cho họ ngồi xuống từng nhóm độ năm mươi người”. Các ông đã làm như thế, và bảo tất cả ngồi xuống. Chúa Giêsu cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, nhìn lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. Tất cả đều ăn no nê, và người ta thu lượm được mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.
Suy Niệm:
Lễ nào không phải là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hay sao, mà phụng vụ còn phải đặt ra ngày lễ hôm nay? Ðó là vấn đề được tranh luận sôi nổi ở cuối thế kỷ XIII và đầu thế kỷ XIV trước khi lễ kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được phổ biến ở mọi nơi.
Trước đó, tức là trong hơn 10 thế kỷ đầu của Kitô giáo, Hội Thánh vẫn cử hành thánh lễ tạ ơn, nhưng không nghĩ tới việc đặt ra một ngày đặc biệt để tôn thờ Chúa Giêsu ngự nơi Thánh Thể. Hội Thánh coi Thánh Thể là lương thực hằng ngày nên không để ý quan sát, mà chỉ quan tâm lãnh nhận. Sang đến cuối thế kỷ 12, vì có người đặt vấn đề về sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Thánh Thể, Hội Thánh mới thấy việc chiêm ngưỡng và suy nghĩ về bí tích này là cần thiết. Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu được đặt ra để nói lên niềm tin vào việc Chúa ngự nơi Thánh Thể. Và niềm tin này đòi hỏi việc tôn thờ xứng đáng, biểu hiện trong thái độ chầu Mình Thánh, và kiệu Mình Thánh. Ðó còn là những việc mà chúng ta muốn làm hôm nay cùng với việc dự lễ và rước lễ để nói lên lòng tin yêu của chúng ta đối với bí tích Thánh Thể.
Nhưng cho dù chính đáng, những cách thức biểu lộ niềm tin này vẫn không cần thiết bằng việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể mà Hội Thánh vẫn quan tâm ngay từ đầu. Và những bài đọc Kinh Thánh hôm nay muốn giúp chúng ta làm công việc này.
1. Bánh Rượu Trong Tay Melkisedek
Bài sách Khởi nguyên đưa chúng ta về một thời đại xa xưa. Thời đại của tổ phụ Abraham cách đây gần 40 thế kỷ. Hôm ấy vị tổ phụ đi giao chiến về để cứu anh em mình là gia đình ông Lót. Abraham đã toàn thắng. Trên đường về có vua ở Sôđôm ra đón để chúc mừng và tỏ tình thân thiện. Lại có vua ở Salem là Melkisedek cũng ra gặp gỡ. Tác giả sách Khởi nguyên chỉ dùng có ba câu để thuật lại câu chuyện. Nhưng đây là ba câu đã có ảnh hưởng lớn trong truyền thống của Kinh Thánh. Hết mọi từ ngữ đều có ý nghĩa. Melkisedek nếu chiết tự thì có nghĩa là Vua Công Chính, và Salem không những là tên được đồng hóa với Giêrusalem mà còn gợi lên tư tưởng hòa bình. Chắc chắn câu chuyện kể ở đây đã thành danh tiếng vì nó đã xảy ra tại Giêrusalem ở ngay thời của tổ phụ dân Chúa. Người ta truyền tụng nó để đề cao Giêrusalem và để nói lên rằng thủ đô của Dân Chúa đã được vị tổ phụ của dân tộc đặt chân đến.
Hơn nữa, ở đây, nơi đô thị “Hòa Bình” này, vị tổ phụ đã gặp một nhân vật “mầu nhiệm”. Ông không phải chỉ là vua mà còn mang danh hiệu là “Ông vua công chính”.
Về sau người ta đã cố gắng tìm hiểu lai lịch của ông, nhưng mọi nỗ lực chỉ đi đến một kết luận: ông như không cha, không mẹ; đột nhiên xuất hiện rồi lại biến mất tăm hơi. Ông là con người mầu nhiệm, y như thái độ của ông trong câu chuyện này.
Ông ra đón Abraham, nhưng khác hẳn với vua Sôđôm đã ra gặp vị tổ phụ. Vì mặc dù là vua Salem, ông đã không nghênh đón “Người đại thắng khải hoàn” theo cung cách triều đình, nhưng với tác phong tư tế; Vì theo tục lệ đông phương thời ấy, hoàng đế cũng là tư tế. Ông mang bánh và rượu ra. Ông làm một cử chỉ tôn giáo. Ông chúc lành cho Abraham và ông ca tụng Chúa Tối Cao dựng nên trời đất để chúc phúc. Ông làm cho Abraham như phải cúi đầu và dâng cho ông thập phân về hết mọi sự.
Có lẽ hàng tư tế Do Thái đã thích câu chuyện này và thích lợi dụng tối đa. Họ nhắc đi nhắc lại để cho con cái Israel phải quý việc nộp thập phân huê lợi cho hàng tư tế, vì chính tổ phụ đã làm như thế!
Nhưng phần lớn truyền thống Cựu Ước lại chú ý đến vai trò tư tế của Melkisedek và vị Chúa tối cao mà ông tôn thờ. Ngài là Ðấng dựng nên trời đất nên Ngài cũng là chính Giavê, Chúa của dân Israel. Ngài đã phó địch thù trong tay Abraham, và như vậy Ngài là Chúa toàn năng của tất cả mọi người, cả khi người ta không biết Ngài. Tất cả những tư cách này khiến con cái Israel – cũng như tổ phụ Abraham thấy ngay Ngài cũng là Thiên Chúa của họ, và Giêrusalem thật là nơi thánh địa, vì từ đầu vẫn là đô thị của Thiên Chúa.
Ðiều này cũng nói lên quan niệm của Cựu Ước không coi tôn giáo tự nhiên, tôn thờ đấng dựng nên trời đất, như tôn giáo của các dân ngoại. Ngoại giáo là tà giáo, chứ tôn giáo tự nhiên thờ Ðấng Tối Cao là chính giáo ở thời chưa được mạc khải, nên vẫn đáng trọng.
Tuy nhiên Cựu Ước chưa chú trọng đến bánh rượu ở trên tay Melkisedek như phụng vụ muốn cho chúng ta phải làm trong ngày hôm nay. Những của lễ kia, nằm trong tay vị tư tế mầu nhiệm của tôn giáo tôn thờ Ðấng Tối Cao là hình ảnh báo trước bánh rượu sẽ được đôi tay của vị tư tế đạo mới dâng lên sau này. Thiên Chúa, Ðấng dựng nên trời đất, ngay từ buổi đầu lịch sử dân Chúa, đã tỏ ra muốn dùng bánh rượu làm lễ vật. Những của lễ này nằm trên tay Melkisedek nói lên lòng tôn thờ tự nhiên chuẩn bị cho việc phụng thờ hoàn chỉnh sau này.
Do đó, ngày nay trong Thánh Lễ, chúng ta dâng lên Chúa bánh rượu “là hoa màu ruộng đất và lao công vất vả của con người” để trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh lễ của chúng ta kiện toàn lễ dâng của Melkisedek. Bánh rượu trên tay vị tư tế này đang chờ được vị Thượng tế đạo mới thánh hóa. Và như vậy, Thánh lễ đã bắt nguồn từ xa xưa và kiện toàn mọi lễ dâng từ thời Abel qua Melkisedek và cho tới nay. Chúng ta không dâng lễ ở ngoài lịch sử, nhưng dâng tất cả lịch sử làm của lễ khi nhận lấy bánh rượu và được dâng từ thời Melkisedek để trở nên bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho chúng ta.
Và Melkisedek là hình ảnh báo trước về Chúa Kitô và các tư tế của Người, trong đó có cả chúng ta. Do đó, mỗi khi dâng lễ, chúng ta lại nhớ đến vị tư tế xa xưa này. Mỗi khi cầm bánh rượu, chúng ta như nắm lấy tất cả thiên nhiên và lịch sử. Chúng ta muốn tất cả trở thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta sau khi đãbiến đổi nên Mình và Máu Chúa Giêsu. Chính Người với lễ hy sinh của Người nối kết và hoàn chỉnh mọi lễ dâng của các thế hệ xa xưa cũng như của những thế hệ sau này. Chúng ta hãy nhìn Người trong hành vi tế lễ.
2. Bánh Rượu Trong Tay Chúa Giêsu
Chắc chắn, khi còn ở trần gian và sống với các môn đệ, Ðức Giêsu đã nhiều lần cầm lấy bánh và rượu. Nhưng có thể nói, môn đệ đã quên hết mọi lần khác để chỉ nhớ một lần, lần xảy ra trong bữa ăn tối sau hết trước khi Người ra đi chịu chết.
Lần ấy Người đã cầm lấy bánh rượu một cách khác thường, không thể quên được, đến nỗi mỗi lần khi nhắc lại đã có lần nào Người cầm bánh rượu, là môn đệ lại nhớ đến lần này và lấy cử chỉ, thái độ của Người trong lần này để mô tả mọi lần khác. Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta xem bài thư Phaolô trước nói đến lần Ðức Giêsu cầm lấy bánh rượu ở bàn tiệc ly. Rồi chúng ta mới nói đến bài Tin Mừng kể việc Ðức Giêsu cầm lấy bánh để chia trong một dịp khác.
Việc này xảy ra trước bữa tiệc ly, nhưng như đã nói, môn đệ Chúa kể lại việc này theo “khuôn mẫu” của việc Người cầm lấy bánh rượu trong bữa ăn cuối cùng. Thành ra, chính bài thư Phaolô sẽ giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng, mặc dù câu chuyện kể ở đây đã xảy ra trước, nhưng lại đã được viết lại sau và theo kinh nghiệm bàn tiệc ly.
Thánh Phaolô viết đoạn thư này vào khoảng năm 57, căn cứ vào truyền thống chân thật. Ðây là điều Ngài đã nhận được nơi Chúa, tức là bắt nguồn từ Chúa để truyền lại cho tín hữu. Do đó, đây là sự kiện chân thật. Chỉ có uy tín chân thật này mới có thể làm cho giáo dân Côrintô suy nghĩ và sửa mình.
Họ vẫn hội họp nhau để cử hành “bữa tiệc của Chúa”. Nhưng Phaolô thấy chẳng có vẻ gì là “của Chúa” cả. Gần giống như các bữa tiệc tôn giáo của dân ngoại rồi. Bởi vì ai đến ăn, cũng mang phần riêng của nhà mình tới. Người có nhiều thì ngồi chung với nhau ăn nhậu một cách tham lam và khinh bỉ những người khác. Những người nghèo hơn, mang theo phần ít, ngồi ăn một cách buồn bã. Người ta chỉ mượn “nhà của Chúa” để mang đồ ăn “nhà mình” tới. Người ta lợi dụng buổi lễ tôn giáo để ăn uống chứ không cử hành “bữa ăn tối” của Chúa nữa.
Thế nên để sửa dạy giáo dân của Ngài, Phaolô phải nhắc lại thế nào là “Bữa ăn” đích thực của Chúa. Ngài làm cho họ nhớ lại giáo huấn chân truyền. Và sự thật ấy thế này: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu đã cầm lấy Bánh và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: “Này là Mình Ta vì các ngươi…”. Cũng vậy về Chén, sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói: “Chén này là giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống mà nhớ đến Ta”.
Chỉ trong mấy câu vắn tắt, Phaolô đã thuật lại tất cả sự thật. Ngài nói rõ việc ấy xảy ra trong đêm Ðức Giêsu bị nộp. Thế nên việc ban bánh rượu này cho môn đệ gắn liền với cuộc khổ nạn của Người. Và bữa ăn của Chúa, luôn luôn mang sắc thái của buổi tiệc ly.
Ðó cũng là bữa ăn Vượt qua của người Do Thái, nhắc lại việc Chúa cứu dân ra khỏi Ai Cập và tin tưởng cầu xin cùng chờ đợi Chúa còn tiếp tục giải cứu nữa trong tương lai cho đến khi có giao ước mới và vĩnh cửu như lời các ngôn sứ của Chúa từng loan báo. Và trong bữa ăn này, việc giết một con chiên để lấy máu bôi lên cửa là việc cốt yếu. Thế mà khi chia bánh rượu cho môn đệ, Ðức Giêsu lại tuyên bố: Ðây là Mình Ngài bị nộp và đây là chén Máu Ngài sẽ đổ ra. Người còn gọi đó là chén giao ước mới. Do đó rõ ràng Người đã tự coi, tự biến mình nên Chiên Vượt qua để mang đến ơn cứu độ mà các ngôn sứ từng loan báo.
Các môn đệ không lầm. Họ thấy rõ với các cử chỉ này Chúa Giêsu đã khai trương thời đại mới. Người đã thay thế bữa ăn Vượt qua của người Do Thái bằng bữa ăn của Người hôm nay. Có thể họ chưa hiểu rõ những lời về Mình và Máu; vì phải đợi đến ngày hôm sau khi thấy Mình Người bị nộp và Máu Người chảy ra họ mới hiểu hết ý nghĩa. Nhưng họ đã cảm thấy chắc chắn Chúa Giêsu muốn dùng các cử chỉ của Người hôm nay để ký kết giao ước mới, chấm dứt đạo cũ và nghi lễ cũ. Từ nay bước sang thời đại cứu độ và nếp sống mới. Và nghi lễ mới cũng đã được thiết lập, vì Ðức Giêsu đã bảo: phải làm sự này mà nhớ đến Người. Tức là mỗi khi nhớ đến Ngài, nhớ đến để hiệp thông với Ngài trong hành vi cứu độ để được giao ước mới, phải làm việc Ngài vừa làm, tức là phải cầm lấy Bánh Rượu mà làm như Ngài.
Thế mà giáo dân Côrintô đâu có làm như thế! Thánh Phaolô bảo họ: “mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan báo sự chết của Chúa… anh em làm bất xứng, thì sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa”.
Những lời này tuyên bố rõ ràng có sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể. Bánh rượu đã trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Nếu ngày lễ hôm nay có ý nói lên niềm tin Chúa hiện diện nơi Bánh Thánh, Rượu Thánh, thì những lời Phaolô vừa nói đã đạt yêu cầu. Nhưng mục đích của Phaolô không phải chỉ muốn nói đến sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể; Ngài muốn nói rằng người ta phải hiệp thông với Chúa, có tâm tình của Chúa để cử hành tiệc Bánh Rượu.
Ðây là bữa ăn Vượt qua. Người ta phải ôn lại và ôm lấy tất cả lịch sử từ trước cho đến nay với tâm tình tạ ơn nhưng cũng với ý thức xót xa vì bao nhiêu khiếm khuyết để ước mong được cứu độ nhờ giao ước mới. Người ta sẽ cầm lấy bánh và chén rượu. Và lúc ấy theo lời Chúa Giêsu đã nói, người ta nhớ đến Người, nhớ đến cuộc tử nạn hồng phúc của Người. Người ta tham dự, thông phần lễ hy sinh Người đã dâng để được vượt qua, sống lại, hướng về ngày vinh quang Người trở lại.
Bánh rượu trên tay Chúa, vì thế, không phải chỉ là bánh rượu trên tay Melkisedek nữa. Nếu trên tay vị tư tế mầu nhiệm này, bánh rượu tượng trưng cho thiên nhiên và đạo tự nhiên, thì trên tay Chúa Giêsu bánh rượu mang thêm ý nghĩa lịch sử và giao ước cũ. Ðó không phải chỉ là hoa màu ruộng đất nhưng còn là lao công vất vả của con người. Thiên nhiên và con người đều phải trở nên tạo vật mới nhờ mầu nhiệm Chúa Giêsu nơi Bí Tích Bánh Rượu mà chúng ta còn tiếp tục dâng trên bàn thờ.
3. Bánh Rượu Trên Tay Chúng Ta
Dĩ nhiên khi dâng bánh rượu, chúng ta phải có những tâm tình như trên vừa nói; vì lời thánh Phaolô đã nói với tín hữu Côrintô cũng là để cho chúng ta. Nhưng mục đích cuối cùng của Phaolô không phải chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ “Bữa ăn của Chúa” mà còn khuyên chúng ta vì tính chất của bữa ăn như vậy, nên phải cử hành tiệc Thánh Thể mà gia tăng bác ái. Bữa ăn của Chúa phải là bữa ăn Huynh đệ.
Ở đây chúng ta hãy nhớ bài Tin Mừng Luca. Chúng ta đã nói cử chỉ cầm bánh rượu của Ðức Giêsu nơi bàn tiệc ly đặc sắc quá khiến mỗi khi nhắc lại những lần khác mà Ðức Giêsu cầm lấy bánh rượu, các môn đệ lại nhớ đến các cử chỉ của Người ở bàn tiệc ly và dùng chúng làm khuôn mẫu để diễn tả.
Ðiều này rõ ràng trong bài Tin Mừng hôm nay. Luca kể hôm ấy Chúa muốn thiết những người đi theo Người vào nơi hiu quạnh. Người cho họ ngả mình xuống thành từng cỗ, mỗi cỗ độ năm mươi… Rồi Người cầm lấy bánh và hai con cá. Người ngẩng mặt lên trời và chúc tụng trên bánh và cá, đoạn bẻ ra và ban cho môn đệ để họ thết dân chúng…
Chúng ta bảo bữa ăn này báo trước bàn tiệc ly và nhất là bàn tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh; hay chúng ta phải nói các bữa ăn Thánh Thể và bàn tiệc ly đã cung cấp cho Luca mọi yếu tố để thuật lại một câu chuyện xảy ra trước?
Dĩ nhiên câu chuyện này cũng có ý báo trước những sự việc xảy ra sau… nhưng chính những sự kiện xảy ra sau đã đem ý nghĩa đến cho câu chuyện xảy ra trước và cung cấp cho nó những tài liệu để diễn tả.
Chúng ta không cần nói thêm điều ấy nữa. Nhưng vì Luca đã nhìn vào bàn tiệc Thánh Thể trong Hội Thánh để thuật câu chuyện đã xảy ra nơi sa mạc, thì chúng ta hãy xem ngoài các yếu tố báo trước bàn tiệc ly và bàn tiệc Thánh Thể, Luca còn muốn chú trọng đến điểm nào nữa? Dường như tác giả đã chú ý đến vai trò của các tông đồ. Lúc đó họ muốn giải tán dân vì thấy bất lực cung cấp lương thực cho dân. Nhưng được Chúa gợi ý cho dân ăn, họ nhiệt tình muốn đóng góp tất cả và sẵn sàng làm thêm… Chúa bảo họ tổ chức cho dân ngả xuống thành từng cỗ. Người trao bánh cá cho họ phân phát… cuối cùng còn thu được 12 giỏ mảnh vụn, đúng số 12 tông đồ.
Những điều ấy há không đáng suy nghĩ sao? Trong bàn tiệc Thánh Thể, Chúa muốn chúng ta phải biết nghĩ đến nhu cầu của anh em. Có thể chúng ta bất lực, nhưng Chúa sẽ giúp. Mình Máu Người còn trao cho chúng ta để chia sẻ, huống nữa là của cải vật chất và tài năng tự nhiên mà Chúa đã đặt trong tay mỗi người. Chúng ta không phải chia sẻ những của ấy sao? Chúng ta sợ mất mát thiệt thòi sao, khi thấy cuối cùng còn thu lại được 12 giỏ mảnh vụn?
Chắc chắn Hội Thánh ban đầu đã hiểu rằng bàn ăn của Chúa cũng phải là bàn tiệc huynh đệ, nên khi cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, Hội Thánh cũng tổ chức việc chia sẻ nâng đỡ vật chất. Giáo dân Côrintô đã quên phương diện này, nên Phaolô đã phải nhắc lại. Lời thánh Phaolô hôm nay cũng chất vấn chúng ta, chúng ta sốt sắng tôn thờ Thánh Thể nhưng có biết chia xẻ với nhau một cách thực tế không, để không một ai phải thiếu thốn quá đang khi những người khác thì no đầy?
Thế nên hôm nay chúng ta phải suy nghĩ về cả ba bài đọc để khi long trọng tôn thờ Chúa trong Thánh Thể, chúng ta ý thức thêm về nhiệm vụ bác ái để mỗi lần cử hành bàn tiệc của Chúa, chúng ta lại nghĩ đến bàn ăn của anh em. Nơi bàn thánh chúng ta được Chúa thì sự sống mới chúng ta nhận được phải đưa chúng ta đến với anh em và chia xẻ số phận với anh em để khi trở lại dâng lễ chúng ta có bánh rượu là hoa màu ruộng đất và lao công của con người dâng lên để trở thành bánh nuôi sống và của uống thiêng liêng cho tất cả chúng ta.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)