(gpquinhon.org) Thứ sáu – 06/02/2015 06:02
Lm. Jack Mahoney SJ
Trong Tin Mừng Marcô, nhóm Pharisiêu hỏi Chúa Giêsu rằng người đàn ông ly dị vợ có hợp luật không vì Môisen đã cho phép. Chúa Giêsu trả lời rằng luật Môisen cho phép ly dị “vì các ông lòng dạ chai đá”. Nhưng rồi Ngài nói thêm là từ lúc khởi đầu tạo dựng Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ, như vậy vợ chồng không còn là hai nhưng là một xác thịt. “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10, 2-9). Trong Tin Mừng Luca, chúng ta cũng tìm thấy một xác quyết ngắn ngủi của Chúa Giêsu: “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Lc 16, 18). Cả hai giáo huấn cấm ly dị này cũng phù hợp với khẳng định sơ thời của Thánh Phaolô đã viết cho các kitô hữu ở Côrintô rằng: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” (1 Cr 7, 10)
Tuy nhiên, ở hai chỗ trong Tin Mừng Matthêô, Chúa Giêsu dường như dạy một điều hoàn toàn khác. Trước hết là trong Bài giảng trên núi (Mt 5-7), Chúa Giêsu so sánh mười điều răn của Lề Luật Môisen với giáo huấn của riêng mình. Khi đặt mối tương phản giữa điều răn cấm ngoại tình với giáo huấn của riêng mình về đòi hỏi phải trong sạch trong tư tưởng cũng như hành động, Chúa Giêsu nói thêm một ghi chú liên quan đến việc ông Môisen cho phép ly dị: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp dâm ô [porneia], ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5, 32). Ở một đoạn sau đó trong Tin Mừng Matthêô, vấn đề lại nổi lên: câu hỏi và câu trả lời mà chúng ta đã thấy ở trên trong Tin Mừng Marcô lại được căng ra và Chúa Giêsu bị chất vấn rằng người nam có được rẫy vợ mình “vì bất cứ lý do gì không” (Mt 19, 3-9). Các nhà chú giải đều đồng ý rằng vấn đề nằm bên dưới câu hỏi này là cuộc tranh cãi giữa các thầy rabbi Do Thái vào thời đó về việc phải hiểu cái nền tảng của ly dị mà Môisen cho phép như thế nào – nghĩa là “một điều gì chướng” (tiếng Hêbrơ là erwat dabar) nơi người vợ (Đnl 24, 1[1]). Trường phái (rabbi) Shammai thì hiểu rằng đó là hành vi sai trái về tính dục của người vợ; còn trường phái (rabbi) Hillel thì cho rằng “điều gì chướng” bao gồm bất cứ lỗi gì về phía người vợ, kể cả việc nấu ăn dở tệ!
Ở đoạn sau của Tin Mừng Matthêô, Chúa Giêsu lập lại lời lên án của mình rằng bất cứ ai rẫy vợ, “ngoại trừ nố dâm ô”, là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và bất cứ ai cưới người vợ bị rẫy đó thì cũng phạm tội ngoại tình. Xem ra câu trả lời của Chúa Giêsu – cấm ly dị ‘ngoại trừ nố dâm ô’ (Mt 19,9 là mệnh đề ngoại lệ [exceptive clause]) – ủng hộ lập trường của phái Shammai giải thích luật Môisen. Tuy nhiên, câu trả lời này không phù hợp với tính cách của Chúa Giêsu chút nào. Như ta biết, Chúa Giêsu không bao giờ trả lời thẳng câu hỏi mà người ta đặt ra cho Ngài. Ngài luôn thay đổi đề tài hoặc đưa ra luận điểm riêng của mình, nâng tầm chú ý của mọi người lên đến mức độ suy tư cao hơn. Về vấn đề ly dị, câu trả lời cơ bản của Ngài là hôn nhân như một kết hợp không thể phá vỡ vì do Thiên Chúa lập nên. Như thế, Chúa Giêsu không đơn thuần đồng ý với lập trường của phái Shammai cho rằng hành vi sai trái tính dục là nền tảng để ly dị. Hơn nữa, mệnh đề “trừ nố dâm ô” của Chúa Giêsu hoàn toàn tương phản với giáo huấn của Ngài trong Tin Mừng Marcô và Luca, cũng như của Thánh Phaolô trong Thư thứ I Côrintô.
Sự khác biệt giữa các giáo huấn về ly dị trong Matthêô và phần còn lại của Tân Ước đã gây nên mối căng thẳng trong Giáo Hội Kitô giáo suốt nhiều thế kỷ. Truyền thống Công giáo Tây phương ngay từ sơ thời đã giải thích ‘mệnh đề ngoại lệ’ của Tin Mừng Matthêô như là sự cho phép vợ chồng ly thân hợp pháp mà không cho phép tháo gỡ mối hôn nhân đã được Thiên Chúa kết hợp để tái hôn với người khác. Trái lại, Giáo Hội Đông Phương từ thế kỷ thứ VI và các Giáo Hội Cải Cách Thệ Phản đã sử dụng thẩm quyền của Matthêô để biện minh cho việc ly dị với khả năng tái hôn, trên căn bản ngoại tình.
Các học giả Kinh Thánh hiện đại đã chiếu soi luồng ánh sáng quý giá vào sự mâu thuẫn khá rõ ràng này. Mỗi một tin mừng khác nhau đều trổ ra những cánh cửa sổ dành cho cộng đoàn Kitô giáo của riêng mình, trong dòng thời gian, như là một tường trình bằng văn tự về đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên các truyền thống truyền khẩu sơ thời và áp dụng những giáo huấn ấy vào trong các điều kiện cũng như nhu cầu của một cộng đoàn đặc thù. Ai cũng đồng ý rằng Thánh Matthêô luôn bận tâm đến nhóm người Do Thái trở lại đạo đầu tiên, họ luôn băn khoăn về các thực hành của người Do Thái và của Do Thái giáo mà họ bỏ lại đàng sau khi trở thành kitô hữu. Tương phản với các tin mừng khác, Tin Mừng Matthêô thường xuyên trích dẫn Cựu Ước để chứng minh rằng các lời tiên báo trong đó đã được hiện thực nơi Đức Giêsu. Tin Mừng Matthêô quan tâm tới Lề Luật Môisen và được xem như là “Ngũ Kinh của Kitô hữu” với nội dung được chia làm năm phần chính liên quan đến “Nước Trời” theo những cách khác nhau (giống như năm cuốn sách đầu tiên của Sách Thánh Do Thái giáo). Đặc điểm của Tin Mừng Matthêô là sự thù nghịch với người Do Thái và những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các địch thủ của Ngài về vấn đề tuân giữ ngày Sabbath của Do Thái giáo cũng như luật tinh sạch theo nghi thức.
Trong bối cảnh này, giáo huấn của Tin Mừng Matthêô về ly dị, một giáo huấn độc nhất trong Tân Ước, nên quy chiếu về vấn đề đặc thù Do Thái trong cộng đoàn Matthêô có liên quan đến porneia. Từ này thường được dịch là ‘ngoại tình’ hay ‘dâm ô’, nhưng nhiều học giả hiện đại cho rằng từ này có ý nghĩa đặc biệt trong cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái giáo của Thánh Matthêô, và người biên tập Tin Mừng đã thêm ‘mệnh đề ngoại lệ’ vào những lời của Chúa Giêsu để áp dụng giáo huấn của người biên tập về vấn đề đặc thù có liên quan đến cộng đoàn này. Vậy thì vấn đề ở đây là gì?
Từ Hy Lạp porneia được tìm thấy trong những đoạn Tân Ước khác, dường như mang ý nghĩa đặc biệt hơn là ‘ngoại tình’ hay ‘dâm ô’. Trong Thư thứ I Côrintô (1 Cr 5, 1 “Đi đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em, mà là thứ dâm ô không thấy xảy ra ngay cả nơi dân ngoại: có kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình!”), Thánh Phaolô nói về “một thứ dâm ô (porneia) chưa từng nghe nói đến” trong cộng đoàn Kitô giáo: một người lấy bà mẹ kế! Một đoạn khác dùng từ porneia là Cv 15,20[2] và câu 29[3], khi Công Đồng Giêrusalem xác định những điều cấm trong Lề Luật Do Thái mà những người cải đạo sang Kitô giáo phải tuân giữ. Công đồng liệt kê việc ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng trước đó, kiêng ăn tiết cũng như thịt của những loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm (porneia). Thật buồn cười khi nói rằng giáo quyền Kitô giáo đòi buộc những người cải đạo sang Kitô giáo phải tôn trọng luật Do Thái bằng cách tránh thức ăn bị ô uế do ngẫu tượng, tránh thức ăn không phải là “kosher” (thức ăn sạch sẽ theo luật Do Thái) – và tránh gian dâm! Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi hiểu từ này không chỉ nói đến tội tính dục nhưng là một quan hệ tính dục đi ngược lại luật Do Thái về hôn nhân.
Dường như trọng điểm mà cộng đoàn Thánh Matthêô quan tâm là Chúa Giêsu có cấm tất cả mọi sự ly dị hay không bởi vì trong cộng đoàn này có những thành viên đã cải đạo và trước đó họ đã vướng mắc một mối liên hệ hôn nhân bất hợp pháp theo điều khoản luật lệ Do Thái mà nay họ cảm thấy nên phân ly ra; nghĩa là những người đã kết hôn bất hợp pháp theo luật Do Thái giáo – chẳng hạn như giữa họ hàng thân tộc như đã được liệt kê trong sách Lêvi 18, 6-18[4] – hay như Thánh Phaolô đã nhắc đến trong thư gởi tín hữu Côrintô. Đây là vấn đề Do Thái giáo và là điều mà cộng đoàn Matthêô ghi chú thêm vào lời nói của Chúa Giêsu để nói rõ rằng những người cải đạo mà trước đây đã kết hôn bất hợp pháp theo luật Do Thái giáo và hiện giờ họ đã phân ly rồi thì họ không phạm lỗi ly dị hay vướng mắc gì với lời phủ nhận ly dị của Chúa Giêsu.
Vậy thì có thể kết luận rằng Chúa Giêsu rất kiên quyết phủ nhận hoàn toàn việc ly dị mà không có ngoại lệ nào, khi dẫn chứng quy định của Thiên Chúa vào lúc sáng tạo vũ trụ và giải thích rằng do sự cứng lòng của dân Do Thái mà Môisen đã khoan dung cho phép họ ly dị. Hẳn nhiên, ngày nay người ta vẫn còn tranh luận rằng giáo huấn của Chúa Giêsu cấm mọi sự ly dị thì đó là nói đến một tình trạng lý tưởng thường vượt qua khỏi thực tại của đời sống và các mối quan hệ của dân chúng; rằng tình trạng cứng lòng thời Môisen vẫn còn tồn tại hay còn mạnh mẽ hơn trong hoàn cảnh ngày nay; hay thậm chí họ còn nói rằng điều gì mà Thiên Chúa đã kết hợp lại thì Thiên Chúa, hay Giáo Hội nhân danh Thiên Chúa, cũng có thể tách lìa ra. Rõ là đã … lại còn tỏ ra nguy hiểm!
[1] Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.
[2] Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.
[3] Là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.
[4] Không người nào trong các ngươi được đến gần một người bà con ruột thịt để lột trần chỗ kín của nó. Ta là Đức Chúa. Ngươi không được lột trần chỗ kín của cha ngươi và chỗ kín của mẹ ngươi: đó là mẹ ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của nó. Ngươi không được lột trần chỗ kín của vợ của cha ngươi: đó là chỗ kín của cha ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em ngươi, dù là con gái của cha ngươi hay con gái của mẹ ngươi, sinh tại nhà hay sinh ở ngoài; ngươi không được lột trần chỗ kín của chúng. Ngươi không được lột trần chỗ kín của cháu nội gái hay cháu ngoại gái ngươi, vì đó là chỗ kín của ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em cùng cha khác mẹ với ngươi: đó là chị em ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của chúng. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em gái của cha ngươi: đó là ruột thịt của cha ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em gái của mẹ ngươi: đó là ruột thịt của mẹ ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chú bác ngươi; ngươi không được đến gần vợ của chúng: đó là bác gái, là thím ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của con dâu ngươi: đó là vợ của con trai ngươi, ngươi không được lột trần chỗ kín của nó. Ngươi không được lột trần chỗ kín của chị em dâu ngươi: đó là chỗ kín của anh em ngươi. Ngươi không được lột trần chỗ kín của một người đàn bà và của con gái nó; ngươi không được lấy cháu nội gái hay cháu ngoại gái của nó để lột trần chỗ kín của chúng: đó là ruột thịt của nó; đó là tội ác tày trời. Ngươi không được lấy chị em của vợ ngươi mà gây ra cảnh ghen tuông, khi lột trần chỗ kín của chúng, lúc vợ ngươi còn sống.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ