Sylvester I, Giáo Hoàng
I.ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Truyền thông cho rằng ngài sinh vào khoảng năm 270 tại Rôma và được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 31 tháng 1 năm 314. Phần tiểu sử của ngài trong Liber Pontificalis (thế kỷ 7 hoặc 8) không có nhiều thông tin ngoài một bản ghi về quà tặng của hoàng đế Constantinô I cho giáo hội Rôma. Ngài được bầu làm Giám mục của Rôma vào một thời điểm quan trọng của lịch sử Kitô giáo, sau sắc lệnh Milan (313) các Kitô hữu được tự do, sự xuất hiện của Giáo hội sau những năm tháng trốn tránh trong hang toại đạo nay được công nhận như một tôn giáo hợp lệ. Nhưng những thông tin về cuộc đời của ngài không nhiều. Uy quyền của ngài đã bị uy quyền của Constantinô làm cho lu mờ và ngài đã không tham dự Thượng hội đồng Giám mục ở Arles (314) do hoàng đế triệu tập.
Trong thời gian làm Giáo hoàng của Sylvester, các vương cung thánh đường như Ðền Thánh Gioan Lateranô, Ðền Thánh Phêrô trên đồi Vaticanô đã được xây dựng theo lệnh của hoàng đế Constantinô. Ngoài ra còn có thánh đường Santa Croce ở Giêrusalem, và một số nhà thờ nơi hầm mộ các vị tử đạo. Ngài là vị Giám mục đầu tiên của Rôma đã dùng danh xưng “Pope”, có nghĩa là “Cha” và được ghi nhận là vị Giáo hoàng đầu tiên đội mũ ba tầng. Tuy nhiên điều này rất khó xác minh.Truyền thống cho rằng, Giáo hoàng Sylvester I đã ấn định ngày Chúa Nhật là ngày nghỉ việc dành để tưởng niệm Chúa Phục Sinh và đã cho đặt mão gai có đinh sắt trên các tượng chịu nạn.
Năm 321, nổ ra cuộc khủng hoảng của lạc thuyết Ariô. Ariô là một người xứ Libya. Ông này thụ phong linh mục năm 310 và được cử coi sóc xứ Baucalis, ngoại ô thành Alexandria. Giáo thuyết của Ariô cho rằng Thiên Chúa không thể thông bản tính của mình cho ai được và tất cả mọi vật ngoài Thiên Chúa đều là thụ tạo, trong đó có cả Đấng Kitô ngôi hai Thiên Chúa. Theo Ariô, Chúa Kitô không phải là Thiên Chúa, không ngang hàng, không đồng bản tính với Ngôi Cha. Ngài chỉ là một tạo vật hoàn hảo nhất, có trước thời gian, nhưng không phải vô thủy vô chung. Ngài được đặt làm trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Năm 322, công đồng miền Alexandria đã kết án Ariô, khiến ông phải đến trú ngụ ở Cêsarêa (Palestina). Tại đây, ông được sự ủng hộ của Giám mục Eusebius. Cuộc tranh luận lại nổ ra.
Ngày 20 tháng 5 năm 325, công đồng Nicêa được triệu tập theo lệnh của hoàng đế Constantinus. Giáo hoàng Sylvester I vì già yếu không thể đến được đã cử hai đức ông Vitus và Vincentius làm đại diện. Đây được coi là Công đồng chung đầu tiên của Giáo hội công giáo. Công đồng này quy tụ gần 300 Giám mục phương Đông và chỉ có 4 Giám mục phương Tây.
Công đồng đã soạn thảo một bản tuyên xưng đức tin (là bản sẽ trở thành Kinh Tin Kính Nicêa), trong đó có tuyên bố rằng Con của Thiên Chúa là đồng bản tính (homoousios, consubstantialis) với Đức Chúa Cha. Trong các quyết định khác của công đồng, quyết định quan trọng nhất là xác định các khu vực lớn của Giáo hội. Trong đó cho các Giám mục thành Alexandria và thành Antioch được toàn quyền cai trị địa hạt của họ, cũng như Giám mục thành Rôma được toàn quyền cai trị địa hạt của mình.
Thánh nhân đã điều khiển Giáo Hội suốt 22 năm ròng. Ngài đã sống một đời sống thánh thiện, luôn nhắm tới việc bảo vệ Giáo hội, củng cố lòng tin của anh em. Thánh Silvester I đã thành công lớn khi Ngài chống lại bè rối Ariô và bảo vệ thiên tính của Chúa Giêsu trong công đồng chung đầu tiên cho toàn thể Giáo Hội ở Nicêa. Thánh Silvester I đã qua đời vào ngày 31/12/335. Ngài được suy tôn là thánh và được tôn kính cả ở giáo hội Rôma và giáo hội chính thống phương Đông. Ngày lễ kính của ông ở Giáo hội Rôma là ngày 31 tháng 12 và ở giáo hội chính thống là ngày 2 tháng 1.
II.BÀI HỌC
Thánh Sylvester để lại cho Giáo hội một sự nghiệp to lớn:
– Cho xây dựng các vương cung thánh đường như Ðền Thánh Gioan Lateranô, Ðền Thánh Phêrô trên đồi Vaticanô đã được xây dựng theo lệnh của hoàng đế Constantinô. Ngoài ra còn có thánh đường Santa Croce ở Giêrusalem, và một số nhà thờ nơi hầm mộ các vị tử đạo.
– Cho tổ chức công đồng chung đầu tiên của Kitô Giáo: Công Đồng Nicêa.
– Nhưng đặc biệt nhất là lòng trung thành với Giáo Huấn của Chúa qua việc chống lại bè rối Ariô.
Chúng ta hãy noi gương ngài trung thành với Chúa trên con đường theo Chúa của chúng ta.
Vào cuối năm 1949, trong một nhà nguyện của một đại chủng viện ở Nam Kinh, thủ đô Trung Hoa Dân quốc của tổng thống Tưởng Giới Thạch, lúc đó có một buổi diễn tập đám cưới: Đây chưa phải là đám cưới thật, nhưng hôm trước đám cưới, cô dâu chú rể, phù dâu, phù rể tham dự buổi diễn tập để khi làm lễ chính thức họ không bị lúng túng, ngượng nghịu.
Nhưng ngay tối hôm đó, Hồng quân của Mao Trạch Đông tiến vào Nam Kinh, chiếm đóng đại chủng viện và bắt nhiều sinh viên, trong số đó có chú rể, đem giam vào trại tập trung với một lý do đơn giản là những người này có tội với nhà nước vì tin nhận Chúa Cứu Thế và đi học đại chủng viện để truyền bá Phúc âm.
Từ đó, cứ mỗi năm một lần, chính quyền cho phép cô dâu vào thăm chú rể ít phút. Sau khi cho cô dâu vào thăm chú rể, nhân viên cơ quan công lực đến nói với chú rể rằng: “Anh có thể được trả tự do ngay bây giờ và được chính quyền cho phép làm đám cưới nếu anh bằng lòng chối bỏ Chúa của anh”. Thanh niên này không ngần ngừ và chỉ trả lời bằng một tiếng ngắn gọn: “Không!”.
Cảnh đó diễn ra suốt 30 năm trời. Cứ mỗi năm một lần cô dâu được vào thăm chú rể ít phút, rồi cô câu hỏi:
– Anh có bằng lòng bỏ Chúa anh không? Nếu anh bỏ, anh sẽ được tự do, được cưới vợ…
Và lần nào cũng chỉ có một câu trả lời là “không!”.
Trong 30 năm đó, chú rể từ một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, đã trở thành một người già, lưng đã còng xuống vì liên tục lao động, vì điều kiện sinh sống kham khổ, nhưng niềm tin vào Chúa Cứu Thế của ông vẫn không lay chuyển.
Đến năm 1979, chính sách của Trung Hoa lục địa thay đổi chú rể già này được trả tự do, được phép qua Hong Kong sinh sống và một đám cưới đã được tổ chức ở Hong Kong. Có người đến thăm, hỏi ông:
– Tại sao ông có thể trung kiên với Chúa suốt 30 năm trời bị ngược đãi, áp bức, đau khổ như vậy?.
Ông đáp: – Chúa Cứu Thế đã hy sinh chịu chết vì tôi, làm sao tôi có thể phản bội Ngài được?.