“Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ”.
Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 2, 6-15
“Chúa đã cho anh em được chung sống với Người, Người đã ân xá mọi tội lỗi của anh em”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Anh em thân mến, như anh em đã nhận lãnh Chúa Giêsu Kitô, anh em hãy sống trong Người, hãy đâm rễ và xây dựng trong Người, và kiên trì trong lòng tin, như anh em đã học biết, hãy đầy lòng cảm tạ trong Người.
Anh em hãy cẩn thận, đừng để ai lấy triết lý và những mánh khoé gian giảo mà lừa dối anh em, theo truyền thống loài người, theo những yếu tố phàm trần, chứ không theo Ðức Kitô; nơi Người chứa đựng tất cả sự viên mãn của bản tính Thiên Chúa, và trong Người, anh em cũng được sung mãn, chính Người là Ðầu mọi thủ lãnh và quyền năng. Trong Người, anh em đã chịu cắt bì, một phép cắt bì không do tay người phàm cất khỏi xác thịt, nhưng là phép cắt bì của Ðức Kitô. Nhờ phép rửa tội, anh em đã được mai táng làm một với Ðức Kitô, anh em cũng được sống lại với Người, bởi đã tin vào quyền năng Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người từ cõi chết sống lại.
Anh em vốn đã chết vì tội lỗi anh em và bởi không cắt bì tính xác thịt của anh em, (nhưng) Thiên Chúa đã cho anh em được chung sống với Người. Người đã ân xá mọi tội lỗi chúng ta, đã huỷ bỏ văn tự bất lợi cho chúng ta, vì (nó) làm cho chúng ta bị kết án; Người đã huỷ bỏ bản văn tự đó bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã tước quyền những kẻ chấp chính và những kẻ cầm quyền. Người đã mạnh bạo điệu chúng ra và toàn thắng chúng trong bản thân Người.
Ðáp Ca: Tv 144, 1-2. 8-9. 10-11
Ðáp: Chúa hảo tâm với hết mọi loài (c. 9a).
Xướng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Hằng ngày con sẽ chúc tụng Chúa, và con sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời.
Xướng: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.
Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.
Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 6, 1-11
“Anh em có việc kiện tụng nhau, và đem đến trước mặt người ngoại”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, làm sao trong anh em có người dám đem việc bất bình với kẻ khác ra thưa kiện trước mặt kẻ gian ác, chứ không trước mặt các thánh? Hay anh em lại không biết các thánh sẽ phán xét thế gian này sao? Và nếu anh em có quyền phán xét thế gian, thì anh em không xứng đáng xét xử những việc rất nhỏ mọn như thế sao? Anh em lại không biết chúng ta sẽ phán xét các thiên thần sao, phương chi là các việc đời này?
Vậy nếu anh em phải kiện cáo nhau về những việc đời này, anh em lại cắt đặt những người không đáng kể trong Hội thánh mà xét xử sao? Thật là một điều nhục cho anh em mà tôi phải nói như vậy. Chớ thì trong anh em không có người nào khôn ngoan có thể xét xử giữa anh em sao? Nhưng khi có việc kiện cáo giữa anh em với nhau mà lại đem đến trước mặt người ngoại ư? Nguyên việc anh em kiện tụng nhau, cũng đã là một lỗi rồi. Tại sao anh em không đành chịu một chút bất công? Tại sao anh em không đành chịu một chút thiệt thòi? Trái lại chính anh em ăn ở bất công và lừa đảo, mà lại xử như thế với chính anh em mình. Hay anh em lại không biết rằng: những kẻ gian ác sẽ không được hưởng nước Thiên Chúa sao? Anh em chớ lầm tưởng: những kẻ gian dâm, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, xấu nết, loạn dâm, trộm cắp, tham lam, say sưa, vu khống hay bóc lột đều không được hưởng nước Thiên Chúa đâu.
Xưa kia trong anh em đã có ít người như vậy. Nhưng anh em đã được rửa sạch, đã được thánh hoá, đã được công chính hoá, nhân danh Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô, và trong Thánh Thần của Thiên Chúa chúng ta.
Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ.
Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người. Hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang.
Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang. Hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống. Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.
Tin Mừng: Lc 6, 12-19
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.
19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.
SUY NIỆM
A/ 5 phút với Lời Chúa
CHÚA GIÊ-SU CẦU NGUYỆN
Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. (Lc 6,12)
Suy niệm: Đối với Chúa Giê-su việc cầu nguyện là tuyệt đối quan trọng vì nó gắn liền với căn tính Con Thiên Chúa của Ngài. Chúa Giê-su “đi ra núi cầu nguyện”, ở đó Ngài gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của Ngài trong sự thân mật riêng tư. Ngài “thức suốt đêm cầu nguyện”: khi Chúa Giê-su tâm sự với Cha của mình, thời gian như trở thành hư vô, Ngài như bước vào cõi vĩnh cửu để kết hiệp với Cha. Đêm hôm ấy Chúa Giê-su cầu nguyện suốt đêm bởi vì Ngài sắp làm một việc vô cùng hệ trọng: ngày hôm sau Ngài sẽ chọn gọi Nhóm Mười Hai để giao phó cho họ sứ mạng quy tụ và coi sóc Hội Thánh cho đến ngày Ngài quang lâm; Ngài cầu nguyện để lĩnh ý Chúa Cha, để rồi Ngài sẽ thực hiện những gì Chúa Cha muốn, theo cách Chúa Cha định. Chả trách gì các môn đệ bị cuốn hút theo Ngài: “Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).
Mời Bạn: Mọi Ki-tô hữu đều được mời gọi kết hợp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Và chắc bạn cũng đã nhiều lần cầu nguyện rồi. Thế bạn cảm nghiệm được sự kết hiệp thân tình trong những giây phút ở bên Chúa chưa, hay xác thân ngồi đó mà lòng trí lại ‘đi du lịch vòng quanh thế giới’? Thầy Giê-su xem việc cầu nguyện là việc thiết yếu như “lương thực nuôi sống” (x. Ga 4,34). Phần bạn, bạn đã thấy cầu nguyện là việc cần thiết cho cuộc sống mình chưa?
Sống Lời Chúa: Dù bận rộn đến đâu cũng dành thời gian cầu nguyện riêng với Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn biết dành thời gian cho Chúa mỗi ngày, để con nhận biết và thi hành ý muốn của Chúa. Amen.
B/ Lm. Phaolô Vũ Đức Vượng
Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Từ Môsê đến Ðavít rồi Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất, không phải là bậc tài ba xuất sắc, trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn không dựa vào tài đức của con người.
Từ mười hai người dân chài bình dân, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.
C/ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
D/ Lm. Giuse Đinh Lập Liễm
CHÚA TUYỂN CHỌN 12 TÔNG ĐỒ
1.Đức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi chọn các Tông đồ. Điều này chứng tỏ việc tuyển chọn các Tông đồ rất quan trọng, vì các ngài tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu. Chúa gọi và chọn họ chứ họ không cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do Chúa chọn. Các môn đệ lại với Ngài, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
2.Sau một thời gian thi hành sứ vụ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến, trong số đó có những người ngưỡng mộ, có kẻ nghịch thù. Chung quanh Ngài cũng có nhiều môn đệ. Bây giờ đến lúc Ngài tuyển chọn một nhóm nòng cốt sẽ lãnh trách nhiệm phổ biến Lời Ngài.
Đối với Chúa Giêsu, con số 12 có một giá trị tượng trưng: các Tông đồ là 12 viên đá sống thay thế cho 12 viên đá lấy ở sông Giođan (Gs 4,1-6) cho đến thời mới. Các ngài là tổ phụ cho dân tộc mới và là quan xét để xét xử các công dân của vương quốc tương lai.
Ngày nay, tiếp nối sứ vụ của thánh Phêrô là Đức Giáo hoàng, và tiếp nối sứ vụ của các Tông đồ là các Giám mục, và Linh mục là đại diện của Giám mục trong việc chăm sóc và điều khiển dân Chúa. Ý nghĩa này khơi dậy cho người Kitô hữu có lòng yêu mến, vâng phục và trung thành với Đấng Bản quyền của mình trong Hội thánh, và nhiệt tình góp phần mình vào việc xây dựng và phát triển Hội thánh.
3.Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ đã được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê, có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế là hạng người thường bị khinh bỉ.
Đọc trong toàn bộ Kinh thánh, chúng ta thấy Chúa yêu thích những tâm hồn rộng mở, biết sống hài hoà, biết đón nhận anh em.
Ngài yêu thích những tâm hồn đơn sơ nhỏ bé, thích sống cuộc đời khiêm nhường bình dị.
Ngài yêu thích những trái tim nồng nàn yêu thương luôn biết đón nhận thánh ý Chúa.
Ơn Chúa gọi là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu.
Chính vì thế mà chúng ta nghe người ta diễn tả về ơn của Chúa bằng một cụm từ thật gọn:
“Tất cả là hồng ân”.