ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc
Tôi đã say mê theo dõi đám tang của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đã khóc thương ngài, một con người vĩ đại nhưng rất đơn sơ và tràn đầy tình thương đối với mọi người. Tôi cũng đã lý thú theo dõi việc bầu chọn vị Tân Giáo Hoàng, mong sao cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có được môt người kế thừa xứng đáng. Và tôi đã hồi hộp chứng kiến qua truyền hình việc long trọng công bố Vị Giáo Hoàng mới. Tôi rất sung sướng và vui mừng cùng với bao nhiêu người công giáo khác trên thế giới.
Cá nhân tôi chưa được gặp riêng Ngài lần nào, khi ngài còn là Hồng Y, nhưng tôi cũng có một vài kỷ niệm. Kỷ niệm đầu tiên là dịp đi viếng mộ Thánh Phêrô năm 2002 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Lúc bấy giờ, ngoài việc gặp riêng Đức Thánh Cha là việc chủ yếu, còn một việc quan trọng nũa là gặp các Bộ của Giáo Triều Rôma. Các Đức Cha chia làm hai nhóm, gặp hai Bộ khác nhau trong một ngày, tôi được phân công đứng đầu nhóm gặp Đức Hồng Y Ratzinger Bộ Giáo Lý đức tin. Tôi đã soạn một bài ngắn, khá kỹ để trình bày nhũng công việc của Giáo Hội Việt Nam liên hệ tới Giáo Lý đức tin. Nhưng hôm đó tôi lại được Toà Thánh chia phiên gặp riêng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thế là tôi phải trao công việc lại cho Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống. Tôi tiếc buổi gặp gỡ ngày hôm ấy, vì tôi rất muốn nói chuyện với Vị Bộ Trưởng thần học gia lỗi lạc . Nhưng tôi cũng rất vui vì được gặp Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mà tôi rất thương mến.
Kỷ niệm thứ hai là dịp khoá thường huấn cho các giám mục chịu chức từ năm 1999 về sau tại trường Thánh Phaolô thuộc Bộ Truyền Giáo. Tất cả chúng tôi đều rất thích khoá thường huấn ấy, vì các vị thuyết trình đều là những con người xuất sắc và uyên bác. Trong số các vị thuyết trình tôi thích Đức Hồng Y Ratzinger hơn cả. Ngài đã trình bày cách rõ ràng và vững chắc một vấn đề rất tế nhị và rất khó là vấn đề Hội Nhập Văn Hóa. Để có thể có một hội nhập hai chiều giữa đức tin và văn hóa, cần phải có một sự hiểu biết thâm sâu về cả hai lãnh vực. Sau bài thuyết trình, tôi có chia sẻ vắn tắt tại hội trường: khó khăn thực tế của Giáo Hội tại Việt Nam trong việc hội nhập văn hoá là: phần lớn những người trí thức công giáothiếu một trong hai mặt. Có người rất vững về thần học, nhưng về văn hoá Á Đông thì lại mù tịt. Người khác rất thông thạo và uyên bác về văn hoá Á Đông, nhưng về thần học thì rất yếu kém. Đó là vấn đề mà Giáo Hội tại Việt Nam phải cố gắng giải quyết, thì mới thực hiện được điều mà tông huấn Giáo Hội tại Á Châu mong muốn.
Trong lịch sử Giáo Hội, có thời kỳ mà các Chủ Chăn, Giáo Hoàng và Giám Mục là những nhà thần học. Đó là thời kỳ các Giáo Phụ. Các ngài rất vững chắc về thần học, vì nếu không thì làm sao có thể gìn giữ được đức tin nguyên tuyền trong một thế giới xa lạ với đức tin. Không vững chắc về thần học, làm sao có thể rao giảng Tin Mừng, đưa Tin Mừng vào các môi trường khác nhau, mà không làm cho Tin Mừng biến chất. Ngày hôm nay cũng thế, không vững chắc về mặt thần học, làm sao có thể giúp cho đức tin của Dân Chúa triển nở trong một thế giới đầy những khó khăn và biến chuyển không ngừng? Các vấn đề mới nảy sinh trong thế giới hôm nay luôn cần được soi chiếu bởi Ánh Sáng Tin Mừng. Cả thế giới đang cần giáo huấn xuất phát từ một quyền bính thiêng liêng cao nhất.
Giáo Hội không bao giờ thiếu Aùnh Sáng của Chúa, vì luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhưng phải có sự cộng tác mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Chính vì thế mà Giáo Hội rất cần những con người biết động não tối đa, đồng thời cũng là những con người đạo đức thánh thiện, để cho Chân Lý và Tình Thương được toả sáng. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã là một con người như thế. Đức Tân Giáo Hoàng của chúng ta chắn chắn sẽ vận dụng trí tuệ của Người hết mình để phục Chúa, phục vụ Giáo Hội và toàn thể nhân loại. Người đã khiêm nhường tự ví mình như một người thợ trong Vườn Nho của Chúa.
Tôi đã được đọc một ít sách của ngài, khi ngài còn là giáo sư thần học. Tác phẩm mà tôi thích hơn cả là quyển đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay. Ngài Ratzinger là một thần học gia người Đức, đã từng dạy ở nhiều Đại Học, trong đó có Đại Học Tubingen, là một trong những Đại Học nổi tiếng cởi mở và đối thoại đại kết. Tuy là người Đức, ngài viết rất rõ ràng và dễ hiểu, không giống như các thần học gia Karl Rahner và Urs von Balthasar. Ngài là một thần học gia nghiêng về xây dựng nhiều hơn là chỉ trích. Tôi đặt rất nhiều hy vọng nơi ngài. Thiên Chúa sẽ dùng ngài như dụng cụ sắc bén cắt tỉa vườn nho để sinh nhiều hoa trái và để cho tiếng nói của Giáo Hội luôn là tiếng nói ngôn sứ.
Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Mỹ Tho
(trích www.tgmmt.org)