CHỮA LÀNH NGƯỜI CÂM ĐIẾC
Đọc Tin Mừng, chúng ta cảm nghiệm sâu xa lòng nhân từ, thương xót của Chúa Giêsu. Ngài đã làm nhiều phép lạ chữa lành các người bệnh hoạn tật nguyền. Phép lạ được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 7, 31-37 nói về việc Chúa Giêsu chữa lành một người vừa câm vừa điếc. Việc chữa lành này của Chúa Giêsu không chỉ nói lên lòng thương xót của Ngài mà còn là dấu chỉ của thời cứu rỗi đã đến. Tất cả các ngôn sứ trong Cựu ước đều loan báo về thời Chúa đến, cứu vớt dân người. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay đã cho thấy vào thời Chúa đến:” mắt người mù được thấy, tai người điếc được nghe, người què quặt sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ nói được”.
PHÉP LẠ CHÚA GIÊSU LÀM CHO NGƯỜI CÂM VÀ ĐIẾC ĐƯỢC LÀNH: Lưỡi và tai là hai cơ quan quan trọng của con người. Câm là bị trói buộc không nói được gì. Điếc không thể nghe được bất cứ điều gì. Người câm và điếc hầu như không hiểu ai mà cũng không ai có thể hiểu họ. Hai cơ quan lưỡi và tai quả thực là hai cơ năng rất cần thiết cho con người. Người câm không thể nói, nên cũng không thể diễn tả được những gì tốt đẹp. Còn người điếc không nghe được gì nên cũng chẳng hiểu người khác. Do đó, người vừa câm và vừa điếc mất đi sự hưng phấn và sinh động của cuộc đời. Người bị câm điếc như bị tách ra khỏi xã hội loài người. Đây là sự đau khổ lớn lao của người câm điếc. Chúa Giêsu hiểu thấu nỗi lòng của người câm điếc, Ngài chạnh lòng thương người câm điếc, nên hôm nay, Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Tin Mừng ghi rõ:” Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người nguớc mắt lên trời, rên một tiếng mà nói: “ Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại “ ( Mac 7,33-35 ). Phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh câm điếc hôm nay không chỉ là việc chữa lành thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao sâu hơn : sự sống đích thực mà Chúa muốn mang lại cho con người. Khi đem lại khả năng nói và nghe cho người câm điếc, chúa Giêsu còn muốn gửi cho chúng ta một thông điệp sâu xa hơn: con người không chỉ sống nhờ cơm bánh mà còn do lời Thiên Chúa. Con người chỉ có thể sống đích thực là con cái Chúa khi họ biết mở tâm hồn đón nhận và sống lời của Chúa.
SỨ ĐIỆP PHÉP LẠ MUỐN NHẮM TỚI: Đối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, những người mắc bệnh hoạn, tật nguyền đều bị người Do Thái gán cho cái nhãn hiệu tội lỗi, đáng khinh, đáng ghét. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ. Ngài yêu thương mọi người không loại trừ bất cứ người nào cả. Chúa cứu độ và giải phóng những người tội lỗi không phải bằng những phép lạ xem ra thần kỳ, ngoạn mục, mà bằng mối quan tâm chữa lành và đem lại hạnh phúc cho họ. Khi chữa lành cho những con người bệnh hoạn, tật nguyền, Chúa Giêsu muốn khẳng định Ngài yêu thương mọi người, không loại trừ bất cứ ai và rằng những người bị loại bỏ, bị khinh bỉ, bị ruồng rẫy lại là những người được ưu tuyển, những người được quan tâm. Chúa đã đi tới cùng sự chọn lựa này ngang qua cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính nơi thập giá của Chúa, tình yêu của Chúa được diễn tả một cách trọn hảo nhất. Chết mới nói lên tất cả, chết mới diễn tả hết tình yêu cao sâu của Người: ”Khi Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta” hoặc” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Chúa muốn mọi người nhận ra Người là Đấng cứu độ mà muôn dân mong đợi trong chính cuộc thống khổ và cái chết mà Ngài sẽ trải qua. Thời cứu chuộc mà các ngôn sứ loan báo đã đến mang lại sự công bằng cho mọi người, sự an lành cho những con người nhỏ bé, thấp cổ bé họng, những người bị áp bức. Người ta phải sống trong tình yêu thương của Chúa và cộng đoàn yêu thương, cộng đoàn cứu chuộc phải là cộng đoàn hoạ lại hình ảnh của cộng đoàn tiên khởi ; bẻ bánh chung, tiền bạc để chung, của cải để chung vv… Tất cả đều xem nhau như anh em. Cộng đoàn này chắc chắn khác với cộng đoàn mà thánh Giacôbê trong bài đọc thứ 2 đã đề cập: sự chênh lệch giữa kẻ giầu, người nghèo. Thay vì coi nhau như anh em người ta coi người giầu có hơn người nghèo khó. Sự chênh lệch ấy sẽ còn mãi trong thế giới con người, liệu chúng ta có đi ngược dòng để có thể sống giáo huấn của Chúa hay ta cũng rơi vào vết xe cũ của muôn thời: “người giầu được kính nể, người nghèo bị khinh chê vv…”.
Khi chữa lành những người bị bệnh hoạn, Tin Mừng Marcô thường ghi lại Chúa Giêsu ngăn cấm những người đã được Ngài chữa lành không được nói với ai. Đây là bí mật Mêsia. Tuy nhiên, Chúa luôn chứng tỏ với mọi người Ngài là Đấng cứu độ, Đấng Mêsia mà mọi người mong đợi. Dấu chỉ lớn lao nhất là Ngài đã chịu thương khó, đã chết trên thập giá để cứu độ con người và đã sống lại vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, xin đừng để chúng con câm điếc trước lời mời gọi của tha nhân. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT