LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Nước Chúa Ki-tô là Vương quốc yêu thương phục vụ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Đn 7:13-14; Kh 1:5-8; Ga 18:33b-37)
Đã là vua thì phải có ngai vàng, đất đai, dân chúng và quyền lực. Do đó, khi tra hỏi Chúa Giê-su có phải là vua dân Do-thái không, tổng trấn Phi-la-tô đã dựa trên ý niệm nhân gian về một vị vua hay hoàng đế để xác nhận Chúa Giê-su có thực sự là “vua dân Do-thái” giống như vua Xê-da của đế quốc Rô-ma không. Câu trả lời thẳng thắn của Chúa Giê-su đã làm cho Phi-la-tô càng thêm hiếu kỳ: “Nước tôi không thuộc về thế gian này”. Vị tổng trấn thắc mắc là phải, vì ông không thể vượt qua được ranh giới ngăn cách giữa thực tại trần thế với thực tại thiêng liêng. Đây cũng chính là điều Giáo Hội muốn chúng ta suy nghĩ để hiểu được những đặc tính và giá trị đích thực của vương quốc Chúa Ki-tô, cũng là vương quốc của chúng ta vì chúng ta được tham dự vào vương quyền của Chúa Ki-tô.
Vậy các bài đọc hôm nay nói về vương quốc Chúa Ki-tô như thế nào? Bài trích sách Đa-ni-en mô tả “quyền thống trị của Chúa Ki-tô là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một” và “vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong”. Thật là kỳ lạ! Đặc tính trường tồn và vĩnh cửu rõ ràng là điểm khác biệt giữa một quốc gia trần thế với vương quốc thiêng liêng của Chúa Ki-tô. Nhờ thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, chúng ta hiểu thêm được một điều về chính mình. Trong vương quốc Chúa Ki-tô, vua thì thống trị vĩnh cửu, nước thì không bao giờ suy vong, còn chúng ta nếu là công dân đích thực thì chắc chắn cũng là những con người không bao giờ bị mai một. Như thế, chúng ta phải vô cùng hãnh diện về Vua của mình là Chúa Ki-tô, về Nước của mình là Nước Thiên Chúa và về căn cước công dân của mình là con Thiên Chúa!
Chúa Ki-tô là Vua, tức là Vị Thủ Lãnh của chúng ta. Người đã làm gì cho chúng ta là con dân của Người? Phải chăng Người đã làm cho nước giàu dân mạnh? Cũng đúng, nhưng là giàu có với những giá trị đạo đức thiêng liêng và mạnh mẽ để chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỷ cùng những quyến rũ của thế gian. Tuy nhiên có một việc mà không ông vua trần gian nào có thể làm nổi, đó là “làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa” (bài đọc 2). Để thực hiện được công trình lớn lao này, Vị Thủ Lãnh của chúng ta trước hết phải có lòng yêu mến con dân mình, yêu mến đến mức “lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta”. Có được Người chuộc tội thì chúng ta mới được trở thành công dân của vương quốc Người. Đúng là một Vua đã sẵn sàng “thí mạng sống mình” hoàn toàn vì chúng ta. Vua không đành lòng đứng nhìn chúng ta bị tội lỗi đàn áp và cướp đi, nhưng Người đã liều chết để cứu thoát chúng ta, như Mục Tử Nhân Lành liều mình chống sói dữ để bảo vệ đàn chiên. Chẳng những Người đã cứu thoát chúng ta, mà Người còn nâng chúng ta lên “hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người”. Ý nghĩa của việc làm cho chúng ta trở nên hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa không có nghĩa là Vị Thủ Lãnh tuyển chọn chúng ta làm tư tế giống như những người thuộc chi tộc Lê-vi đã được tuyển chọn (Dân số 1:49), nhưng Người đã lấy cái chết của mình để phá bỏ bức màn đền thờ ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, để chúng ta có thể đến gần ngai Thiên Chúa. Nói khác đi, Chúa Ki-tô đã phục hồi mối tương quan phụ tử giữa chúng ta với Thiên Chúa để chúng ta có thể phụng sự Người, tức là tích cực sống mối tương quan mật thiết với Người.
Trở lại với buổi xử án Chúa Giê-su tại dinh Phi-la-tô, chúng ta chiêm ngưỡng Vua Giê-su của chúng ta đang nắm vai trò xét xử chính kẻ xét xử mình. Ở đây không phải là quan tòa hạch hỏi tội nhân, mà ngược lại, tội nhân chất vấn quan tòa! Đúng vậy, Chúa Giê-su đã đóng vai quan tòa để bắt Phi-la-tô phải xét lại lương tâm của ông và việc làm của ông. Người là Vua của các tâm hồn, nên Người muốn Phi-la-tô hãy trở về với tòa án lương tâm của ông để thẩm định những việc làm sai trái của ông. Người đặt Phi-la-tô trước tòa công lý và sự thật; Người không đích thân lên án ông, nhưng để cho ông tự mình quyết định khi Người bảo ông: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Tuy nhiên, qua những lời nói cuối cùng với Phi-la-tô, Vua Giê-su còn nói với chúng ta một chân lý vô cùng quan trọng về sứ mệnh của Người. Chúa nói: “Tôi sinh ra và đã đến thế gian vì mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”. Làm chứng cho sự thật, đó là mục đích khi Người đến thế gian. Nhưng sự thật đó là gì mà lại quan trọng như thế? Sự thật ấy chính là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Gio-an 3:16). Chân lý này, Chúa Giê-su đã lấy mạng sống mình để làm chứng: Người chịu chết trên thập giá để làm chứng cho tất cả chúng ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, một trăm phần trăm! Một lần nữa, chúng ta thấy Vua chúng ta yêu chúng ta như thế nào!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Sống trong một quốc gia, chúng ta chào cờ để tỏ lòng yêu nước; chúng ta đọc lời tuyên thệ để biểu lộ lòng trung thành với quốc gia. Vậy là công dân Nước Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta chỉ cần đáp lại và sống lời kêu gọi của Người: “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi