Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm B
Ðức Yêsu Dựng Nên Một Dân Mới
(Yêrêmia 31,7-9; Hipri 5,1-6; Marcô 10,46-52)
Phúc Âm: Mc 10, 46-52
“Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”.
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ và một đám đông, thì con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: “Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: “Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh”. Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: “Anh muốn Ta làm gì cho anh?” Người mù thưa: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy”. Chúa Giêsu đáp: “Ðược, đức tin của anh đã chữa anh”. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm B
Yêrêmia 31,7-9; Hipri 5,1-6; Marcô 10,46-52
Cũng như Chúa nhật tuần trước, hôm nay chúng ta căn cứ vào bài Tin Mừng để tìm hiểu bài tiên tri Yêrêmia và bài thư Hipri. Chúng ta sẽ thấy mạc khải của Ðức Yêsu thật là ánh sáng soi cho chúng ta hiểu hơn mọi lời tiên tri của Cựu Ước. Ðồng thời ánh sáng của Người cũng chiếu trên giáo huấn của các tông đồ khiến những bài Thánh Thư nhờ lời dạy dỗ và gương sáng của Người mà trở nên trong sáng.
1. Ðức Yêsu Dựng Nên Một Dân Mới
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Yêsu chữa lành một người mù tên là Bartimê. Nhưng ở đây thánh Marcô nói đến chính việc chữa mắt rất íc. Ðức Yêsu chỉ dùng một câu và phán một lời thôi. Ðang khi có lần khá, để chữa lành một người câm điếc (7,31-37), Người đã làm nhiều cử chỉ, không khác những lang y hoặc pháp sư thời bấy giờ. Người đem người có tật ra chỗ vắng, thọc ngón tay vào tai y, nhổ nước miếng và sờ vào lưỡi y, rồi ngước mắt, rên lên, thốt ra một lời lạ tai: Ephphata! Ngay đến lần chữa một người mù ở Betsaida (8,22-26), Người cũng đã dắt y ra ngoài làng, đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó, rồi đặt tay khoa trước mặt nó và hỏi: có thấy gì không?… Hôm nay, Người không làm một cử chỉ nào như vậy. Người chỉ nói một câu: hãy đi, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi. Và người mù đã được khỏi tức khắc.
Như vậy có nghĩa là hôm nay tác giả Marcô không muốn chú trọng nhiều đến chính phép lạ chữa lành người mù. Người đặt câu chuyện này trong một bối cảnh rất ý nghĩa, khiến chúng ta phải tỉnh táo nhìn ra.
Người kể rằng hôm ấy Ðức Yêsu ra khỏi Yêricô cùng với môn đồ và rất đông dân chúng. Người tiếp tục cuộc hành trình đi lên Yêrusalem, khởi sự từ Chúa nhật trước. Người đã phải dừng chân nghỉ tại Yêricô và hôm nay lại lên đường tiếp tục đi. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy có sự thay đổi nào trong đoàn người đang tiến bước này. Và chúng ta có thể nghĩ, như hôm trước Ðức Yêsu vẫn dẫn đầu; còn môn đồ và quần chúng theo sau vẫn có tâm trạng khiếp sợ. Người muốn lên Yêrusalem để thi hành sứ mạng cứu thế, nhưng những kẻ đi theo Người lại sợ biệt phái và luật sĩ đang âm mưu gì đây. Nhất là các môn đồ, sau khi tiếp thu bài học phải trở nên tôi tớ hầu hạ, lại càng bước đi nặng nề. Ðức Yêsu phải kéo theo một nhân loại chậm chạp và khó khăn. Ðang khi ấy Người ý thức đã đến giờ phải kéo họ lên và đưa họ ra khỏi tình trạng hiện thời.
Có lẽ vì đang bị thu hút vào tư tưởng cứu thế, Ðức Yêsu đã không để ý đến một người ăn xin ở vệ đường. Người cũng chẳng nghe thấy tiếng người đó kêu ca. Vì quả thực, khi nghe biết Người đi qua, kẻ khốn khó ấy đã thốt ra lời của nhân loại lầm than: “Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Không phải vì hắn biết Ðức Yêsu là con Ðavít, chúng ta có thể chắc chắn như vậy. Hắn cũng chẳng xin Ðức Yêsu Nadarét chữa hắn. Hắn giống như mọi người dân Cựu Ước và nhân loại lầm than chỉ trông chờ có một vị Cứu tinh mà Sách Thánh bảo sẽ là con Ðavít. Thế nên, hắn đã kêu: “Lạy Con Ðavít, xin thương xót tôi”. Và hắn không chỉ kêu một lần, nhưng nhiều lần, và càng kêu to khi bị người ta ngăn chặn quát bảo phải im đi. Hắn thật là hình ảnh của người dân Cựu Ước và của nhân loại không ngớt kêu xin ơn cứu độ. Tiếng cầu cứu cứ trùng trùng điệp điệp vang lên tới trời… cho đến khi Ðức Yêsu nghe thấy. Người đứng lại và bảo gọi kẻ mù.
May mắn cho anh ta! Hạnh phúc cho dân Cựu Ước. Thiên Chúa đã dừng lại và cho gọi con người. Tiếng của Người, Lời của Thiên Chúa đã thay đổi hẳn cuộc sống của kẻ lầm than. Cho đến nay, y mù lòa không thấy gì hết và chẳng biết đường đi. Y ngồi bên vệ đường, không theo được con đường cứu độ mà Thiên Chúa đang đi. Y chỉ biết giơ tay xin ăn, tức là nhân loại chỉ biết cầu cứu được thương xót. Bartimê, người mù ở Yêricô, chính là kẻ đang ngồi trong bóng tối cho dù chung quanh đều đang hưởng ánh sáng ban ngày. Ðó cũng là kẻ đang lầm than khổ sở, bất động và bất di bất dịch. Bóng tối đang bao phủ kẻ ấy đúng là bóng tối của tử thần.
Nhưng Thiên Chúa đã cho gọi kẻ ấy lại. Tiếng của Người có sức mạnh làm sao! Marcô kể: hắn vất áo choàng một bên, nhảy chồm dậy và đến cùng Ðức Yêsu . Chúng ta có cảm tưởng hắn đã khỏi mù rồi. Hắn làm như một người có sức sống mới. Vứt áo choàng ra một bên, không phải là thái độ đập tan định mệnh bao phủ lấy mình từ xưa đến nay sao? Ðó là thái độ đổi đời, nhờ lời Chúa mời gọi. Hắn còn nhảy chồm dậy khác nào như Thánh vịnh nói, khi dân Chúa ra khỏi Aicập núi non gò nổng đã nhảy mừng. Ơn cứu độ đến, tất nhiên phải như vậy, vì không thể có niềm vui nào to lớn hơn! Phép lạ đã xảy ra rồi, nên Marcô không cần mô tả như mọi khi nữa. Chúng ta có thể bỏ qua mấy câu trao đổi giữa Ðức Yêsu và chàng Bartimê. Ðó chỉ là những lời tiếp theo và giải thích tiếng gọi ban đầu, để chứng tỏ ảnh hưởng của việc Ðức Yêsu đã đứng lại và truyền gọi kẻ khốn khổ lại gần. Tuy nhiên chúng ta phải để ý đến lời Marcô kết thúc câu chuyện: “Lập tức hắn đã thấy được và theo Ngài lên đường”.
Hắn nhập đoàn những người long trọng vào thành Yêrusalem với Ðức Yêsu. Nói đúng hơn đoàn người này là hắn, là những kẻ như hắn đã nghe tiếng gọi tin vào Người và được cứu độ. Và trong cuộc khải hoàn này, theo Marcô, hắn không còn kêu xin “Lạy Con Ðavít, xin thương xót tôi” nữa; nhưng cùng với mọi người đang phấn khởi; hắn chỉ còn tung hô: Hosanna! Chúc muôn lành cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Với những lời này, chúng ta thấy quả thật đã có một nhân loại mới mẻ. Không còn là đám đông khiếp sợ hoặc ngồi trong bóng tối tử thần nữa, nhưng nhờ việc Ðức Yêsu đã dừng chân ở trần gian và lên tiếng kêu gọi, loài người đã được ánh sáng và sự sống mới để nhận ra Chúa và vui mừng trong đức tin.
Ðức Yêsu đã dựng nên một dân mới, dân có Tin Mừng cứu độ: đó là điều mà thánh Marcô muốn thông đạt cho chúng ta qua câu chuyện chàng Bartimê được chữa lành. Và giờ đây được ánh sáng mới của bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhìn lại bài Cựu Ước và nhìn sang bài Thánh Thư. Ý tưởng đúng chắc chắn sẽ dễ hiện ra một cách rõ ràng.
2. Người Hoàn Tất Lời Tiên Tri
Quảvậy, lời sách Yêrêmia chỉ trở nên trong sáng sau ngày Ðức Yêsu đã cải tạo dân mới. Trước đó người ta có thể hiểu những lời tiên tri ấy về cuộc hồi hương của người Dothái ra khỏi cảnh lưu đày. Ðúng ra, trước mắt, Yêrêmia cũng đã nhìn thấy như thế. Ông được Thiên Chúa cho biết phải tuyên sấm về dân đang lầm than. Họ sẽ được Thiên Chúa tập họp lại đưa ra khỏi Assyria để trở về quê cũ. Yêrêmia bảo các nước hãy vỗ tay hoan hô đoàn người đang trở về. Họ được Thiên Chúa đoái thương. Cả những thành phần đui mù què quặt cũng được ơn cứu độ. Hơn nữa Thiên Chúa từ nay còn gọi là “trưởng nam” trong cả gia đình nhân loại và Người sẽ là Cha nhân từ của họ.
Những lời này sẽ không phải là những lời tiên tri, mà chỉ là những câu văn thi vị, nếu chỉ có biến cố hồi hương của người Dothái. Ðoàn người trở về bấy giờ đã chẳng được đón tiếp hân hoan bao nhiêu. Và sau một thời gian ngắn họ lại rơi vào tay quân xâm lược khác. Họ chẳng bao giờ cảm thấy thực sự là trưởng nam giữa các dân tộc. Và việc Thiên Chúa là Cha nhân từ của họ cũng chỉ là một niềm tin rất yếu ớt. Chứng cớ là ở thời Ðức Yêsu, Israel vẫn sống trong sự “kinh hãi” Thiên Chúa, chứ không cảm thấy tình Chúa như hiền phụ.
Do đó những lời của Yêrêmia còn phải đi xa hơn và nhắm chỉ những thực tại khác sâu xa hơn biến cố hồi hương của dân Dothái. Ðó là những lời tiên tri, chỉ được thực hiện nhờ Ðức Yêsu và trên một bình diện khác. Hôm nay trên đường đi Người đã chữa lành một người mù; và người này đã đi theo Người, nhập đoàn với cả một đám đông đang khởi hoàn vào Yêrusalem giữa tiếng tung hô.
Lời sách Yêrêmia đã được thực hiện rõ hơn, nhưng vẫn còn là một hình ảnh về một thực tại sâu hơn. Ðoàn người vào thành hôm nay báo trước quang cảnh của Hội Thánh trên đường lữ thứ trần gian, để chỉ trở thành thực tại trong vinh quang Nước Trời. Ở đó mới sẽ rõ rệt quang cảnh một cuộc hồi hương thật sự. Muôn nước sẽ vỗ tay. Israel sẽ bao gồm tất cả những kẻ đui mù, què quặt được chữa lành. Dân Chúa sẽ là “trưởng nam” và chính Người sẽ là Cha hiền của muôn nước.
Nhưng ngay từ bây giờ thực tại ấy đã khởi sự. Hội Thánh hiện nay đang là đoàn người hồi hương ra khỏi cảnh lầm lạc tội lỗi. Nơi Hội Thánh có rất nhiều tội nhân được chữa lành như những kẻ đui mù què quặt được khỏi bệnh. Và nhất là trong Hội Thánh không bao giờ ngớt lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Và tất cả được như vậy đều nhờ ở Ðức Yêsu Kitô cứu thế. Công ơn của Người được lời thư Hipri hôm nay mô tả như sau:
3. Người Là Thượng Tế Ðến Muôn Ðời
Nhân loại sa ngã cần phải tạ tội. Và như vậy cần phải có Thượng tế dâng lễ vật và hy sinh. Người vừa phải được lấy giữa loài người để biết thông cảm mọi yếu đuối và yêu cầu của nhân loại; đàng khác Người phải được chính Thiên Chúa lựa chọn, chứ toàn thể loài người tội lỗi biết chọn ai cho vừa ý Thiên Chúa để làm nhịp cầu tái lập sự giao hòa.
Ðức Yêsu có một điều kiện đó. Vì chỉ một mình Người hội đủ các nhân tố kia. Khỏi nói đến việc Người mang nặng xác thể loài người. Người đã đi sâu vào bản tính nhân loại đến nỗi còn hạ mình, mặc hình thức tôi đòi của kẻ tội lỗi. Chính khi bị treo trên thập giá, Người đã tỏ ra thông cảm với mọi yếu đuối và yêu cầu của loài người hơn cả. Thì cũng chính trong hoàn cảnh ấy, bằng việc cho Ðức Yêsu sống lại làm “trưởng tử” giữa loài người hay chết, Thiên Chúa đã như tuyên bố: “Ngươi là Con Ta, chính Ta hôm nay đã sinh ra con… Ngươi là tư tế đời đời theo kiểu Melkiseđek”.
Phải, Ðức Yêsu đã trở thành Con đời đời của Thiên Chúa Cha trong mầu nhiệm phục sinh. Người đã được đặt làm Thượng tế trên bàn thờ Thánh Giá, để lôi kéo mọi người lên, tức cũng là trở về nhà Thiên Chúa, hầu được ơn tha thứ mọi tội và đầy Thánh Thần để từ nay không ngớt kêu: Abba, lạy Cha.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)