AI LÀ ANH EM TÔI ?
Chúa Nhật 15C Thường Niên
Giữa một thế giới đầy thù hận hôm nay, làm sao tìm được khuôn mặt người anh em ? Trong số những bạn bè, đồng nghiệp và người thân, ai là anh em tôi ? Câu trả lời không có sẵn. Nhưng phải căn cứ vào thực tế và dựa trên tiêu chuẩn Tin Mừng mới có thể khám phá bộ mặt đích thực của người anh em.
NẠN NHÂN THỜI ĐẠI
Tất cả những điều răn căn bản đã gặp một thách đố lớn. Vấn đề nằm ở câu thắc mắc của người thông luật : “Ai là người thân cận của tôi ?” (Lc 10:29) Tất cả bộ mặt thật được phơi bày khi một nạn nhân thời đại gặp phải những thái độ thờ ơ của những bậc lãnh đạo. Đức Giêsu đã đưa hai gương mẫu của quần chúng là thày tư tế và Lê vi. Người rất tế nhị khi không đưa thêm một nhân vật thứ ba là người thông luật vào câu truyện, vì sợ đụng chạm tới giai cấp của người đang đối thoại. Có lẽ nhờ thế, người thông luật này mới đủ bình tĩnh thông suốt vấn đề.
Tình trạng người lữ hành bị đánh nhừ tử như thế chắc chắn phải là một lời mời gọi và là một hình ảnh kinh hoàng đập vào mắt người bộ hành. Một người có lương tâm không thể nhắm mắt làm ngơ. Thực tế, những người có trách nhiệm đào luyện lương tâm của người khác, lại bưng tai bịt mắt trước tiếng gào thét của lương tâm. Họ có đủ phương tiện và thời giờ để giúp đỡ người lữ hành đó. Không phải vì kỳ thị, vì đó là một người lữ hành vô danh. Câu truyện không cho biết chắc chắn ông là người Do thái hay dân ngoại.
Chẳng cần biết nạn nhân là ai, người Samari đã nhào tới chăm sóc tận tình. Oâng đã “dùng rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10:34) Thật là ngược hẳn với thái độ của thày tư tế và Lê vi. Người Samari chỉ biết hành động theo tiếng lương tâm. Thái độ hoàn toàn nhân bản. Oâng vượt qua mọi thứ ranh giới để đến với con người. Tiếng lương tâm còn thúc đẩy ông tiến xa hơn nữa khi sẵn sàng chi phí mọi thứ cần thiết vì mạng sống đồng loại.
Người Samari nhân hậu là một hình ảnh tuyệt vời trước mắt người thông luật. Oâng chẳng cần lý thuyết dài dòng. Dụ ngôn đã mạc khải cho ông biết chính “lòng thương xót” (Lc 10:37) sẽ giúp con người vượt qua mọi biên giới đến với anh em đồng loại. Không phải tiền bạc hay địa vị, cũng không phải mớ lý thuyết hay truyền thống, nhưng chỉ có lòng cảm thương sâu xa mới đem con người xích lại gần nhau. Lòng thương xót chính là điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Không có lòng thương xót, không có ơn cứu độ. Thiếu lòng xót thương, con người biến trái đất thành một nơi không thể sống được và đầy nguy hiểm. Xã hội chỉ dựa trên cơ chế. Gia đình chỉ là một nơi trao đổi theo đúng tiêu chuẩn khế ước, chứ không dựa trên giao ước hôn nhân nữa.
Nghe đến đây, người thông luật chợt tỉnh ngộ. Mặc dù không đề cập tới giai cấp của ông, nhưng Đức Giêsu đã mở mắt cho ông và giai cấp của ông thấy rõ cách đối xử với đồng loại. Giai cấp của ông đã từng đi khắp nơi để thuyết phục người ta giữ luật Môsê, chất những gánh nặng quá sức lên vai thiên hạ, nhưng một ngón tay họ cũng không động đến. Luật lệ đã làm mờ mắt khiến họ không nhận ra thực tế cần dựa trên tình thương nhiều hơn. Biết bao con người đã chết vì luật lệ. Bởi vậy, cần nhận định ra nguyên tắc : “Con người sinh ra không phải vì luật lệ, nhưng luật lệ vì con người.” Có thế, mới có thể xây dựng một nền văn minh tình thương.
Thay vì hành xử cứng ngắc theo luật lệ, con người cần sống dựa trên Lời Chúa. Chỉ Lời Chúa mới đem lại sự giải thoát. Thực vậy, “Lời Chúa là thần khí và là sự sống; Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.” (x 6:63c.68c) Lời Chúa vô cùng mãnh liệt, vì đã tạo thành vạn vật, hòa giải và đem lại bình an cho muôn vật trên trời dưới đất (x. Cl 1:16.20) Lời Chúa mạc khải và nối kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Lời Chúa là Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta (Ga 1: ). Bởi thế Lời Chúa không xa lạ và vượt quá tầm trí con người. Trái lại, Lời Chúa rất gần gũi, ngay trong miệng, trong lòng chúng ta (x.Đnl 30:14). Lời Chúa đã chia sẻ tận cùng thân phận con người. Bởi vậy, không còn nơi nào Lời Chúa không đụng chạm tới. Vấn đề chỉ là con người đã đáp ứng lại Lời Chúa ra sao. Người Samari đã đáp lại Lời Chúa. Thày tư tế và Lê vi đã khước từ. Hậu quả chỉ còn những lời con người nói với nhau, thiếu hẳn thần khí và sự sống. Những lời đó không có sức cứu độ mà chỉ chia rẽ và phá hoại con người mà thôi.
VĂN MINH TÌNH THƯƠNG
Trái lại, Lời Chúa liên kết lòng người và xây dựng cộng đoàn nhân loại. Giáo hội có sứ mệnh rao giảng và làm cho Lời Chúa thấm nhuần vào mọi cơ cấu xã hội và lương tâm con người. Thế nhưng, Đức Hồng Y George, Tổng giám mục Chicago, nói với Đức Giáo hoàng : “Từ bên ngoài, sứ mệnh Giáo hội bị đe dọa vì tự do cơ chế đang bị soi mòn.” (Zenit 01/06/2004) Nhìn chung, tự do của Giáo hội Hoa kỳ “đang bị đe dọa bởi các phong trào bên trong” và “bởi chính quyền cũng nhưng các bè nhóm bên ngoài.” (Zenit 01/06/2004) Trong tình cảnh đó, làm sao Lời Chúa có thể đến với con người ? Làm sao nền văn minh tình thương có thể bắt đầu xây dựng cho cộng đồng nhân loại ?
Thực tế xã hội Hoa kỳ hôm nay đang tìm cách bó chân bó tay Giáo hội. Thực vậy, “việc một số linh mục làm gương mù trong việc lạm dụng tình dục trẻ em và các giám mục không giám sát đầy đủ đã làm cho nhiều người phản đối Giáo hội Công giáo một cách công khai hơn. Văn hóa Hoa kỳ bao giờ cũng thế. Trong bối cảnh đó, tòa án và cơ quan lập pháp càng sẵn sàng hạn chế tự do hoạt động công khai của Giáo hội và can thiệp vào việc điều hành nội bộ Giáo hội theo những đường hướng mới lạ đối với nếp sống Hoa kỳ. Sự tự đo điều hành nội bộ Giáo hội đang bị suy giảm. Sứ mệnh Giáo hội đang suy yếu hơn vì không thể tạo ra một cuộc hội thảo công khai cho dân chúng hiểu Tin mừng và những nhu cầu làm môn đệ Chúa.
Ơû Hoa kỳ họ thường bàn luận công khai về quyền cá nhân ; không ai có thể nói về công ích nữa. Những vấn đề vượt ngoài phạm vi luật pháp trong một nền dân chủ hiến định với một chính quyền hạn chế – bản chất đời sống, hôn nhân, và ngay cả đức tin – bây giờ đều được tòa án quyết định để bảo vệ quyền lợi cá nhân. Trong nền văn hóa này, Tin mừng mời gọi người ta nhận lãnh tự do như một tặng phẩm Thiên Chúa và sống các đòi hỏi của tự do một cách trung tín. Nhưng tiếng mời gọi đó lại bị coi là áp chế, và khi công khai phát biểu những đòi hỏi đó, Giáo hội bị coi là kẻ thù của tự do cá nhân và nguyên nhân gây bạo động trong xã hội. Cuộc đàm thoại công khai ở Hoa kỳ thường bị lạm dụng và cũng không bao giờ phù hợp với thực tế quốc gia và thế giới, làm cô lập các mầu nhiệm đức tin. Cuộc đàm thoại đó chủ yếu làm sai lạc niềm tin Công giáo và các cơ chế khác bị coi là ‘ngoại lai’ đối với đặc tính của cá nhân chủ nghĩa trần tục. Sứ mệnh Giáo hội bị đe dọa từ bên trong do sự chia rẽ đang làm tê liệt khả năng hành động mạnh mẽ và quyết liệt của Giáo hội.” (ĐHY George : Zenit 01/06/2004)
Nếu Giáo hội không còn tự do hoạt dộng, chắc chắn những giá trị sẽ bị soi mòn và cuộc sống sẽ bị đe dọa trầm trọng. Xã hội sẽ mất bình an. Trật tự đảo lộn. Đâu là giải pháp đối phó với nguy cơ khủng bố đang đe dọa phá tan mọi giá trị hôm nay ? Mọi người đều phải tìm cách sống với nhau như anh em. Phải liên đới mới có thể tạo một sức mạnh thực sự chống khủng bố. “Liên đới không phải là một sự cảm thông mơ hồ hay nỗi buồn đau nông cạn trước những bất hạnh của rất nhiều người xa gần. Trái lại, liên đới là một quyết tâm vững chắc và kiên trì phó thác cho công ích, nghĩa là, cho thiện ích của tất cả và từng người, vì tất cả chúng ta thực sự có trách nhiệm đối với tất cả mọi người.” (Thomas D. Williams : Zenit 15/05/2004) Không coi nhau như anh em, nhân loại không thể tồn tại và phát triển.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP