Chúa nhân từ lắm, cứ xin
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XVII Năm – C
(Lc 11, 1-13)
Khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã van nài Chúa, thậm trí mạc cả với Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính, Abraham đã tìm thấy tột đỉnh của lòng thương xót Chúa là tha thứ.
Xin như Abraham xin
Từ cây sồi ở Mambrê Chúa tỏ cho Abraham biết ý định của Chúa (x. St 18,1), Abraham nhận ra lòng thương xót Chúa, nên khi tội lỗi tràn ngập xứ Sôđôma, Abraham đã dám thưa cùng Chúa : “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong đó sao?” (St 18, 24-25) Và ông ỷ nại vào lòng nhân từ Chúa, ông tiếp tục mạc cả với Thiên Chúa cho đến khi có được lời Chúa hứa là không tiêu diệt thành Sôđôma nữa nếu như tìm thấy mười người công chính. Vấn đề là Thiên Chúa nhân từ không bao giờ muốn tiêu diệt thành Sôđôma. Abraham sợ chứng kiến cảnh Thiên Chúa trừng phạt Sôđôma và Gômôrrha. Với lòng thương dân sẵn có, Abraham đã năn nỉ nài van, đến nỗi táo bạo can thiệp cả Thiên Chúa. Lòng Chúa cao cả hơn lòng chúng ta, nếu nói rằng Abraham mặc cả với Chúa, không có sai, vì ông đã giảm giá dần, từ năm mươi người xuống còn mười người. Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”. Abraham thấy các thành rơi vào cảnh bi đát, sắp bị Chúa tàn phá và ông tìm kiếm một con đường giải thoát cho hai thành. Ông cầu xin tha thiết và đã được Chúa nhận lời.
Xin như Chúa Giêsu dạy xin
Niềm tin vào Thiên Chúa của Abraham bị thử thách, đó cũng là niềm tin của chúng ta nói chung. Vì nhiều khi chúng ta xin mãi mà không được, nên chán nản. Chúa Giêsu dạy chúng ta. : “Khi anh em cầu nguyện, thì hãy cầu nguyện như thế này : ‘Lạy cha…”. Người dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa là “Cha” nhân từ. Người cũng bảo đả rằng những lời nguyện cầu mà chúng ta dâng lên Chúa Cha sẽ luôn được nhận lời, nghĩa là chẳng những xin mà còn phải tin nữa : “Và Thầy bảo các con: Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Người lưu ý chúng ta : “Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,10). Tin rằng Chúa không chỉ sẽ nhận lời mà còn trao ban cho chúng ta những điều tốt hơn điều chúng ta cầu xin.
Người bảo chúng ta khi xin cùng Thiên Chúa, như người cha thấy con mình đói, cần bánh ăn, cho dù phải năn nỉ, nài van, thậm trí bị từ chối cũng cứ xin: ” Xin đừng quấy rầy tôi, vì cửa đã đóng, các con tôi và tôi đã lên giường nằm rồi“. Nhưng khi đã nghe rõ tiếng van nài của người cha vì còn cái mình, ông bạn ấy sẽ trỗi dậy đáp lời !
Các con ông có được bánh ăn nhờ người cha van xin. Thiên Chúa đã ngưng trừng phạt Sođôma nhờ số ít những người công chính vì Abraham nài xin (x. St 18,23-32).
Cứ xin, vì Chúa là Cha nhân từ
Dẫu biết trước rằng con người yếu đuối, luôn phạm tội nhưng Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn hết mực tha thứ và dẫy lòng thương xót đối với tội nhân. Chúa là Đấng Vĩ Đại, có quyền trên muôn loài vạn vật nhưng lòng nhân từ Chúa vượt lên trên cả sự vĩ đại của Chúa. Chúa thương xót con người ngay cả khi con người không xứng đáng với điều đó.
Chúa tốt bụng đối với những người không xứng đáng, an ủi những người đau khổ và nâng đỡ những người bị áp bức, ban ơn và chúc phúc nhiều hơn những gì con người đáng được hưởng; nếu hành vi cá nhân của một người được cân bằng đồng đều giữa phẩm hạnh và tội lỗi, thì Thiên Chúa hướng thang công lý về phía điều thiện. Chúa giữ lòng nhân từ tới ngàn đời và không bao giờ rút lời. Chúa ghi nhớ những việc làm của người công chính vì lợi ích của thế hệ con cháu, tha thứ cho kẻ có tội dù làm điều ác do bất cẩn, thiếu suy nghĩ hoặc thờ ơ nhưng biết ăn năn. Chúa nhân từ, nhân từ và tha thứ, xóa sạch tội lỗi của những ai thật lòng ăn năn; tuy nhiên, nếu một người không ăn năn thì họ sẽ bị sự trừng phạt theo điều họ vi phạm.
Abba, Cha ơi, lạy Chúa Thánh Thần, xin cầu thay nguyện giúp chúng con và toàn thế giới. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ