Chúa Nhật XXXII Thường Niên C
Thiên Chúa của Người Sống
Lc 20, 27-38: 27 Những người thuộc bè Sađóc, những kẻ chối là không có sống lại, tiến đến hỏi Ngài 28 rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết dạy chúng tôi: Anh em với nhau, nếu một người chết đã có vợ mà lại vô hậu, thì người kia hãy lấy vợ nó, mà truyền hậu cho anh em mình. 29 Vậy có bảy anh em. Anh cả lấy vợ rồi chết, nhưng vô hậu. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba cưới người đàn bà kia. Và cũng vậy cả bảy người, họ chết mà không để lại con cái. 32 Sau cùng người đàn bà kia cũng chết. 33 Vậy trong thế giới phục sinh, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong họ? Vì bảy người đều đã lấy người ấy làm vợ”.
34 Và Ðức Yêsu nói với họ: “Con cái đời này thì cưới vợ lấy chồng. 35 Còn những ai đã được xét là đáng hưởng đời sau, cùng sự sống lại từ cỏi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng! 36 Vì chưng họ không thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã là con cái của sự sống lại. 37 Còn người chết mà sống lại, thì Môse cũng đã mặc thị trong đoạn Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, và Thiên Chúa của Yacob. 38 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống; vì hết thảy đều sống cho Người”.
Nằm trong văn mạch của một loạt tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo tại Giêrusalem: vấn đề về quyền bính (20:1-8); nộp thuế cho Cêsar (20:20-26); Con của vua Đavít (20:41-44), đoạn tin mừng nầy bàn đến vấn đề kẻ chết sống lại (20:27-38). Chúa Giêsu đã đến Giêrusalem (19:28-40), dạy dỗ trong đền thờ (19:47-21:38; 20:1.5.37.38). Có thể phân chia đoạn thành hai phần: – Đặt vấn đề và một câu chuyện dẫn chứng (20:27-33); – Giáo huấn của Chúa Giêsu về sự sống lại (20: 34-38). Những từ ngữ quan trọng của đoạn: “sống lại” (cc. 27.33.35.36) đóng khung đoạn; “con cái của Thiên Chúa” (c. 36); “Thiên Chúa của sự sống” (c. 38); “chết” (cc. 28.30.31.32.36); “kẻ chết” (cc. 35.37.38).
Người thuộc phái Sađucêô đặt vấn đề kẻ chết sống lại với Chúa Giêsu (c. 27). Họ xuất hiện lần duy nhất ở đây trong tin mừng Luca, và vài lần trong sách Tông đồ Cộng vụ (4:1; 5:17; 23:6-8). Nhóm Sađucêô là những con cháu của Zadok (x. 2 Sam 8:17; Ezk 40:46; 43:19). Họ là những tư tế trong đền thờ Giêrusalem. Đối với họ, chỉ có Torah bằng văn tự mới có giá trị. Giáo huấn về sự sống lại không tìm thấy trong Sách Luật của Môsê, mà chỉ thấy ở những sách khác, và không được dạy rõ ràng (x. Gióp 19:26; Tv 16:9.11; Is. 26:19; Tv 6:5; 88:10.11; 115:17; Hc 9:4–10; Is. 38:18, 19). Do đó, họ thấy không nhất thiết phải tin vào điều nầy; trong khi đó, người Pharisêô lại tin có sự sống lại (Cv 23:8). Từ “sự sống lại”, anastasis, Luca dùng trong tin mừng để bàn về vấn đề sống lại của kẻ chết (x. 14:14; 20:27.33.35.36). chỉ trong sách Công vụ tông đồ, từ nầy mới được dùng để chỉ sự sống lại của Chúa Giêsu (Cv 1:22; 2:31; 4:2.33; 17:18; 26:23). Luca dùng động từ “chỗi dậy” (24:6.34) thay vào đó.
Người Sađucêô đưa ra lý chứng từ luật Môsê về việc lấy chị dâu để có con cho anh mình (20:28; Đnl 25:5; Kn 38:8). Luật nầy quy định là nếu người anh lấy vợ, chết đi mà không có con nối dòng, người em kế tiếp phải lấy chị dâu ấy. Người con sinh ra đầu tiên được kể là con của anh mình. Câu chuyện người Sađucêô đưa ra là có tới bảy anh em. Ai cũng như nhau là lấy người phụ nữ ấy và không có con trước khi chết. Hậu quả “không có con” nầy làm cho việc sống lại trở nên phi lý, vì người phụ nữ nầy sẽ là vợ của ai lúc ấy (20: 29-33).
Trong phần hai, Chúa Giêsu trả lời cho vấn đề sống lại (cc. 34-38): – Một số đặc tính trong cuộc sống của những người sống lại (cc. 34-36); – Trích dẫn sách của Môsê để minh chứng Thiên Chúa của sự sống lại (cc. 37-38).
Trong phân đoạn 20:34-36, Luca phân biệt “con cái của đời nầy” (c. 34) và “con cái của Thiên Chúa” hay “con cái của sự sống lại” (c. 36); cũng như phân biệt giữa “con cái sự sáng” và “con cái đời nầy” (16:8). Giữa hai thế giới nầy có những khác biệt của chúng. Việc “cưới vợ gả chồng” (c. 34) là cần thiết để lưu tồn sự sống con người trên trần gian nầy (cả hai động từ “cưới” “gả” đều ở thì hiện tại). Trong cuộc sống của những người sống lại từ cõi chết, sẽ không có việc cưới gả nữa (c. 35). Động từ “xét xứng đáng” đi với động từ “đạt đến” chỉ Thiên Chúa phán xét trước khi cho ai vào sự sống lại (c. 35). Câu 36, “gar”, “vì”, đưa ra giải thích: “Không thể chết nữa”; nên việc cưới gả không còn tồn tại nữa. Như thế, cưới gả, trong đó bao hàm việc sinh con, là để khỏi phải chết. Khi không chết nữa, con người nên ngang hàng với thiên thần; họ cũng là “con cái của Thiên Chúa”. Từ “isangelos”, có nghĩa là “bằng thiên thần” (x. Mc 12:25). “Bằng thiên thần” có nghĩa họ là “con cái của Thiên Chúa”, như thiên thần được gọi là “thiên thần của Thiên Chúa” (2:9). Họ được sống trong vinh quang của Thiên Chúa (9:26), và hiện diện trước mặt Người (x. 12:8-9; 15:10). Như các thiên thần con người sẽ luôn sống trong thông hiệp với Thiên Chúa là Đấng không bao giờ chết trong cuộc sống mới (c. 38). Họ là con cái của Người, của sự sống lại, nên họ không thể chết (c. 36a). Vậy, việc cưới gả chỉ cho cuộc đời nầy, không ở đời sau.
Trong phân đoạn thứ hai 20:37-38, Luca đưa ra một dẫn chứng về việc Thiên Chúa làm cho “chỗi dậy từ những kẻ chết” (c. 37a). Và sau khi chứng minh, Luca đi đến kết luận là “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là kẻ sống” (c. 38b). Dẫn chứng lấy từ Sách Luật của Môsê, vì người Sađucêô chỉ tin vào đó. Khi trích dẫn, Luca đã không trích dẫn trực tiếp câu “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp” (Xh 3:6. 15-16), mà đặt lời nầy vào miệng ông Môsê. Luca làm Môsê trở thành người nói lại lời nầy để chứng minh có việc kẻ chết sống lại (c. 37): “Về việc kẻ chết được làm cho chỗi dậy từ kẻ chết, Môsê cho biết trong chuyện bụi gai, khi ông nói…”. Động từ “nói”, ở thì hiện tại, chỉ ông vẫn đang nói. Khi hiện ra với Môsê, Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của cha ông; đồng thời cũng là Thiên Chúa của ba đời tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp. Chỉ một Thiên Chúa ấy thôi. Môsê xác nhận là “Chúa”, kurios, mà mọi người đang tôn thờ chính là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp”. Các tổ phụ đã qua đi, Chúa nầy vẫn còn tồn tại.
Kết luận (c. 38): Theos, Thiên Chúa, đặt ở vị trí nhấn mạnh. Luca muốn khẳng định quyền năng của Thiên Chúa. Người không bất lực trước sự chết như người Sađucêô tưởng nghĩ; sự chết được nhắc đến nhiều lần trong đoạn nầy. Trái lại, là Thiên Chúa Hằng Sống (Cv 14:15), Người đã làm cho các tổ phụ sống lại. Họ đang sống. “Zaōn” chỉ những người đang sống sau khi đã chết (24:5; Cv 10:42). Thiên Chúa nầy của các tổ phụ (Cv 5:30) cũng làm cho Chúa Giêsu “chỗi dậy” (24:6.34; Cv 3:15; 4:10; 5:30). Đó là bằng chứng hiển nhiên nhất của sự sống lại. Luca còn thêm: “Vậy tất cả đang sống trong Người” (c. 38b). Có nhiều cách hiểu khác nhau về câu ngắn nầy, tùy theo định nghĩa từ “tất cả” ám chỉ ai, và thể datif của “autō”, “cho Người” hay “trong Người”? Văn mạch có thể giúp xác định những điều nầy. Phân từ hiện tại “zōvtōv”, được dùng như một danh từ chỉ “những người đang sống”; đó là các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp vừa được đề cập ở câu trước (c. 37). “Tất cả” là các tổ phụ. Họ là những người đang sống, và sống “trong Thiên Chúa”, bởi vì sự sống của họ tùy thuộc vào Thiên Chúa. Vậy, Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ chết sống lại, nên tất cả đều phải sống trong Người.
Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa của sự sống, nên con cái của Người cũng là con cái của sự sống lại. Hãy sống như người có sự sống của Thiên Chúa trong chính mình và có niềm tin vào sự sống lại đời sau.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến