Chúa Nhật IV Phục Sinh
(Gio-an 10: 27-30)
Trong lịch sử Giáo Hội sơ khai, hình ảnh Chúa Giê-su, Đấng Chăn Chiên nhân lành, có ý nghĩa sâu xa và ơn trợ giúp cho Ki-tô hữu trong cơn bách hại. Thánh đường nào cũng có hình tượng Chúa Giê-su vác trên vai một con chiên hoặc cầm gậy mục tử đi trước một đàn chiên. Ngay cả trong hang toại đạo dưới lòng đất người ta cũng gặp hình ảnh này. Như thế, ta tin rằng chủ đề Mục Tử nhân lành phải là rất quan trọng và đã được Tin Mừng Gio-an khai triển trong suốt chương 10. Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Chiên nhân lành không chỉ quan trọng thời xưa ở Rô-ma, mà còn quan trọng ở mọi nơi mọi thời nữa. Bài Tin Mừng hôm nay trích dẫn vỏn vẹn bốn câu, nhưng cũng quá đủ để ta chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giê-su, Mục Tử nhân lành, và suy nghĩ về quan hệ mật thiết giữa Chúa với ta.
1) Ta là đoàn chiên của Chúa Ki-tô
Trong Tin Mừng Gio-an, từ “người Do-thái” thường được hiểu là những kẻ thù của Chúa Giê-su. Trả lời những “người Do-thái” không tin vào sứ mệnh của Chúa, Chúa Giê-su khẳng định: “Các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi”. Vậy ai là những kẻ thuộc về đoàn chiên của Người? Với một mô tả thật ngắn gọn, Chúa Giê-su đã nói lên ba đặc tính cần thiết để ta có thể nhận diện ai là kẻ thuộc về đoàn chiên của Người: đó là những ai nghe tiếng Chúa, được Chúa biết và theo Chúa.
Nghe, biết và theo là những yếu tố căn bản tạo thành một quan hệ gắn bó giữa người chăn chiên và đàn chiên. Chúa Giê-su lấy ngay kinh nghiệm ấy để áp dụng cho Người và đoàn chiên của Người. Nghe ở đây không thể hiểu đơn thuần là một hành vi của thính giác, nhưng nó đã vượt lên một cấp độ cao hơn, diễn đạt một thái độ. Nói khác đi, ta hiểu “nghe” nghĩa là hành động lắng nghe, hoặc hơn thế nữa, là thái độ vâng phục. Tiếng Chúa hay lời Chúa là những điều Người giảng dạy được ghi lại trong Kinh Thánh. Do đó con chiên lắng nghe tiếng Chúa tức là con chiên đón nhận và thực hành giáo huấn của Người.
Nếu nghe là khởi đầu cho một quan hệ, thì biết sẽ đưa ta lên một mức độ cao hơn trong quan hệ ấy. Ta đã quá quen thuộc với từ “biết” trong Kinh Thánh. Nó không chỉ diễn tả hành vi của lý trí, nhưng sâu xa hơn, nó muốn nói đến một cái biết bằng trái tim, một quan hệ tình cảm hoặc một quan hệ vợ chồng (Lc 1:34). Chúa Giê-su “biết” con chiên của Người có nghĩa là Người xác nhận và sống quan hệ mật thiết giữa Người với đoàn chiên. Trong cái biết ấy, Ki-tô hữu không chỉ biết về Chúa Giê-su và giáo lý của Người, nhưng còn phải để cho con người Chúa Giê-su, lối sống và giáo lý của Người thay đổi họ, Ki-tô hóa họ để họ trở nên đồng hình đồng dạng với Người.
Chúa nói đến đặc điểm thứ ba của đoàn chiên thuộc về Người: “Chúng theo tôi”. Ta không hiểu “theo” theo nghĩa đen của một đàn chiên ào ào bước theo người chăn chiên, nhưng là đi trên con đường vị Mục Tử nhân lành đang dẫn ta về quê hương đích thực là “đồng cỏ xanh, dòng suối mát” (Tv 23) trên trời. Ở đây, theo là cả một vấn đề khó khăn, vì con đường của Chúa là con đường hẹp, ít người muốn chọn lựa (Mt 7:13-14). Hơn nữa, theo còn mang một ý nghĩa đòi hỏi phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8:34). Thánh I-nhã thành Loyola đã thực sự hiểu được quan hệ “nghe, biết và theo” Chúa trong cảm nghiệm Linh Thao ngài để lại. Các bài cầu nguyện trong Tuần thứ hai và thứ ba nhắm vào việc lắng nghe và quan sát Chúa Giê-su để biết Người rõ hơn, để yêu mến Người nồng nàn hơn và để theo Người trung thành hơn.
2) Sự sống đích thực của ta được bảo đảm
Một người chăn chiên tốt luôn là bảo đảm chắc chắn cho sự an toàn của con chiên. Người ấy sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ đàn chiên. Nhưng đó cũng chỉ thuộc phạm vi sự sống tự nhiên. Còn Chúa Giê-su, Đấng Chăn Chiên nhân lành sẽ bảo đảm sự sống đời đời là sự sống đích thực cho ta. Tình yêu đến “hy sinh mạng sống vì bạn hữu” của Người là nguồn gốc sự sống mới của ta, vì Người đã hy sinh mạng sống mình trên thập giá để ta được sống đời sống làm con cái Thiên Chúa. Người đã trở nên “bánh bởi trời” để “đem lại sự sống cho thế gian” để “ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:33.51).
Chúa Giê-su đã thách thức mọi quyền lực thế gian và ma quỷ trước bảo đảm của Người về sự sống đích thực của ta. Ma quỷ lúc nào cũng như “sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” các con chiên của Chúa Giê-su. Nhưng thánh Phê-rô khuyên nhủ ta hãy trông cậy Chúa: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5:7-8). Chắc chắn, Đấng Chăn Chiên nhân lành sẽ không để cho ma quỷ cướp ta khỏi tay Người và Người sẽ đưa ta về hưởng phúc trường sinh.
Chúa còn cho ta biết thêm một bảo đảm khác, đó là quan hệ của Người với Chúa Cha. Chính Chúa Giê-su đã thắng ma quỷ và tội lỗi để “cướp” ta ra khỏi móng vuốt của chúng và đưa ta về làm con cái Thiên Chúa, làm “một đàn em đông đúc” của Người (Rm 8:29). Vậy nếu “Tôi (Chúa Giê-su) và Chúa Cha là một” (Ga 10:30), mà ta là em của Chúa Giê-su, thì ai có thể cướp được sự sống đích thực của ta nữa?
3) Đấng Chăn Chiên nhân lành và đoàn chiên không chỉ đơn thuần là một hình ảnh đẹp
Bức tranh hoặc tượng Đấng Chăn Chiên nhân lành luôn là một hình ảnh đẹp mọi thời. Nhưng ta đừng quên ảnh tượng chỉ là phương tiện dùng để nói lên một thực tại. Ki-tô hữu thời Giáo Hội sơ khai lấy hình ảnh đó để nâng đỡ mình trước bách hại và cố gắng sống như một cộng đoàn yêu thương gương mẫu. Hôm nay, hình ảnh ấy vẫn còn và thật dễ dàng tìm thấy. Nhưng sống thực tại một đoàn chiên theo một Chúa chiên thì có vẻ như khó khăn hơn cả ngày xưa. Thay vì “nghe, biết và theo” thì người ta bịt tai lại trước những giáo huấn của Giáo Hội, kêu gọi người khác thù ghét và chống báng Giáo Hội. Ngày nay có thật nhiều vị mục tử nhân lành đang bước theo chân Chúa Giê-su, chịu sỉ nhục và đóng đinh trên internet và những phương tiện truyền thông khác. Nếu thực sự ta xưng mình là con chiên của Chúa Giê-su, ta hãy nhìn lại những đặc điểm mình phải có, để nhận thức lại mối quan hệ giữa ta với Đấng Chăn Chiên nhân lành mà xây dựng Giáo Hội ở trần gian, đồng hành với anh chị em môn đệ Chúa và tiến về quê hương đích thực của ta.
4) Suy nghĩ và cầu nguyện
Chúa Giê-su nói gì về căn tính của tôi hoặc quan hệ giữa tôi với Người qua hình ảnh Đấng Chăn Chiên nhân lành? Tôi cảm nhận được những gì qua lời lẽ của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay?
Với hình ảnh Chúa Giê-su Đấng Chăn Chiên nhân lành, tôi nhìn Giáo Hội nói chung và cộng đoàn giáo xứ nói riêng như thế nào? Tôi phải làm gì để giúp cho hình ảnh ấy được đẹp mãi?
Tôi thử xét lại quan hệ giữa tôi với Chúa Giê-su, Đấng chăn dắt tôi. Tôi “nghe, biết và theo” Người như thế nào?
Cầu nguyện
“Lạy Chúa Giê-su,
xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sẵn trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. A-men.”
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 61)
Lm. Đaminh Trần Đình Nhi