Alain Genestar
Cám ơn ngài. Khi một người đã thắp đèn sáng lên trong một căn nhà lu mờ, khi một người đã mang sức đẹp đến nơi mà sự xấu xí bao quanh tường, khi một người đã nói những lời yêu thương đi vào trong tim mọi người, khi một người đã tô điểm trên đời sống chúng ta những điểm chốt thì chúng ta phải có bổn phận cám ơn và đưa tiễn người ấy ra tới cổng. ĐGH Gioan Phaolô II đã cho đi tất cả. Những người công giáo đang cầu nguyện, những người khác, gần như mọi người, đều cảm thấy xúc động đối với nhân vật mà họ yêu mến hay kính trọng này. Thật là hiếm thấy một sự đau đớn tập thể như thế.
ĐGH đã trở thành một người thân thuộc. Chúng ta đã thấy ngài trong một phần tư thế kỷ đi khắp các lục địa, hôn lên đất và trẻ em, đàm luận trong những sân thể thao vĩ đại với quần chúng đến nghe và cầu nguyện với ngài, vui cười và vỗ tay với ngài. Ngài ở đó, hiện diện trên những bục gỗ và trong phòng khách của chúng ta qua màn ảnh truyền hình hay tập san báo chí. Cho tới cùng, cho tới biên giới của sức lực, ngài hiện diện và hiến cho chúng ta hình ảnh tự nhiên của sự đau đớn.
Hình ảnh cuối cùng này trong một cuốn an-bum dầy cộm là biểu tượng của sứ điệp cao cả mà ngài đã đem đến từ lúc đầu : « Anh chị em đừng sợ hãi ». ĐGH Gioan Phaolô II bệnh hoạn, yếu sức, đau đớn không chiến đấu chống sự chết mà là cho sự sống.
Vì sự sống mà ngài muốn giải thoát các dân tộc khỏi những kẻ đàn áp, thiệt lập hay tái lập lại những điểm chốt thiết yếu đã phai mờ trong sự hổn độn lu mờ của những xã hội hiện đại dựa trên những giá trị sai lầm của tiền bạc, của tham lam và của sự dễ dãi. Cũng vì sự sống mà ngài đã tranh đấu chống sự phá thai, không đề cập đến sự ngừa thai ngay tại Phi Châu mặc dù bệnh sida đang lan tràn, do đó gây ra những chỉ trích và tranh luận sôi nổi. ĐGH Gioan Phaolô II không đi ngoài lôgic của ngài, một vị đứng đầu của một tôn giáo mà tín điều đầu tiên dựa trên tính cách linh thiêng của sự sống.
Mỗi luật lệ tự bản chất của nó là có thể bị chống đối. ĐGH Gioan Phaolô II đã nhắc lại với uy quyền những luật nền tảng của Giáo Hội của ngài, do đó tất nhiên ngài bị chống đối. Nhưng người ta có thể hiểu sự kiên tâm đấu tranh của ngài cho sự sống, mỗi sự sống, ngay cả bào thai còn trong bụng người mẹ. Một ĐGH không thương lượng khi nói đến điều linh thiêng.
Không bao giờ từ bỏ sự sống, tiếp tục tranh đấu cho sự sống, chính ý chí này đã thể hiện qua những hình ảnh đau đớn vào Chủ Nhật Phục Sinh từ cửa sổ phòng của ngài. Ngay điều này cũng gây bàn tán tranh luận. Một ĐGH sắp chết nhưng cũng vẫn gây ra bàn cãi, phản ứng của thế giới dù coi ngài như một gương mẫu hay không, dù ngài nói hay làm gì và ngay cả khi ngài không còn sức để nói hay làm gì. ĐGH Gioan Phaolô II không để ai thờ ơ. Đời sống của ngài thuộc về tất cả, người tin hay không tin.
Tôi tin là chưa bao giờ một người lại gần gũi với những người đương thời của mình như thế. Người ta có cảm tưởng quen biết ngài vì đã thấy, đã nghe hay nói chống lại ngài. Thật là điều kỳ lạ cái cảm tưởng gần gũi một nhân vật vĩ đại đã làm thay đổi Lịch Sử. Ngài đã kiến tạo một tương quan gần gũi với các dân tộc, đã cùng họ đấu tranh một cách hoà bình để xô đổ Bức Tường, giảng dậy đạo đức cho những nhà độc tài, giơ tay ra với những người bị đàn áp, những trẻ em nô lệ, những phụ nữ bị hành hạ, những tù nhân, những người đau yếu để họ vùng đứng lên, tự giải phóng mình và sống. Sự sống, luôn luôn sự sống, sức mạnh của hàng triệu triệu người, mạnh mẽ và hữu hiệu hơn là những xe tăng và vũ khí.
ĐGH Gioan Phaolô II, với sự phúc đức và sự hiểu biết xử dụng các phương tiện truyền thông đứng đầu cuộc tranh đấu trên toàn thế giới, một kẻ du hành không biết mệt mỏi và tạo ra quanh mình sự hăng say, nụ cười và sống. Nỗi vui sống là vũ khí nguyên tử của ĐTC.
Tôi nhớ cách đây một năm tại Vatican, khi tôi thấy ĐTC trên ghế ngồi tiến ra phòng ĐGH Phaolô VI, nói lời thăm hỏi với hàng trăm người hành hương, tiếp đón từng người, ban phép lành các thứ tượng và hình ảnh gia đình, trao đổi với họ qua cái nhìn. Cái nhìn của ĐTC là một tia sáng chiếu soi trên những khuôn mặt và loan truyền một lời yêu thương, sự dịu dàng và sự sống. Sự sống mà ngài để lại cho chúng ta, như ngọn đèn thắp sáng trên bàn, sẽ không bao giờ ngụm tắt.
Đó là di sản muôn thuở của ĐGH Gioan Phaolô II, dù người ta tin vào Thượng Đế hay không : ngài đã dâng hiến đời ngài cho chúng ta để cho đời sống của chúng ta có một ý nghĩa.
(1) Bài tựa đầu của tập san Paris Match, tuần 5-13/4/2005
Lang Biang dịch