Hồng Thủy – Vatican News
Nhận định rằng các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã phát triển theo hình thức gia đình, mở rộng các đơn vị gia đình bằng cách chào đón những tín đồ mới và gặp gỡ nhau tại gia đình, Đức Thánh Cha giải thích rằng ngay từ đầu Giáo hội đã cố gắng hết sức để đảm bảo rằng không có ràng buộc kinh tế hay xã hội nào ngăn cản con người sống theo Chúa Giêsu, việc gia nhập Giáo hội luôn có nghĩa là khai mở một tình huynh đệ mới, đón nhận người lạ và thậm chí là kẻ thù.
Giáo hội đồng hành với những người đang chiến đấu trên con đường đức tin
Do đó, Giáo hội ngày nay dấn thân thực hiện cùng một sứ mạng, không đóng cửa đối với những người đang chiến đấu trên con đường đức tin; trái lại, Giáo hội mở rộng cánh cửa, bởi vì mọi người “cần sự quan tâm mục vụ đầy lòng thương xót và khích lệ” (Amoris laetitia, 293). Ngài nói rằng sự hiện diện của những người ly dị tái hôn hay sống ngoài hôn nhân trong Giáo hội chứng tỏ ý chí kiên trì trong đức tin, bất chấp những vết thương của những kinh nghiệm đau đớn.
Giáo hội giúp gia đình được vững chắc nhờ tình yêu
Do đó, không loại trừ ai, Giáo hội thăng tiến gia đình, được thiết lập trên hôn nhân, bằng cách góp phần, ở mọi nơi và mọi lúc, làm cho mối dây hôn nhân được vững chắc hơn, nhờ đức ái, tình yêu cao cả hơn tất cả (ibid., 89tt). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “sức mạnh của gia đình thực chất nằm ở khả năng yêu thương và dạy cách yêu thương”; để dù một gia đình có bị tổn thương đến đâu đi nữa, “nó luôn có thể lớn lên nhờ tình yêu” (ibid., 53).
Không có sự phân biệt nam nữ trong kế hoạch cứu độ
Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha cũng than phiền rằng trong khi chúng ta biết hôn nhân và gia đình có ý nghĩa quyết định đối với đời sống của các dân tộc, “thật không may, có những quốc gia mà chính quyền không tôn trọng phẩm giá và quyền tự do mà mỗi người đều có như là quyền bất khả nhượng của con cái Thiên Chúa”. “Những ràng buộc và áp đặt thường đè nặng đặc biệt lên phụ nữ, buộc họ phải phục tùng”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhắc lại lời Thánh Phaolô, “trong Chúa Giêsu Kitô, không còn người nam hay người nữ”, nghĩa là trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không có sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ: cả hai đều thuộc về Chúa Kitô (Amoris laetitia, 200).
Vượt qua những khác biệt hoặc xung đột về văn hóa
Nhận xét rằng “những thách đố, những vấn đề, những hy vọng ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình ngày nay là một phần của mối quan hệ giữa Giáo hội và văn hóa”, Đức Thánh Cha mời gọi Giáo hội dấn thân vượt qua những khác biệt hoặc xung đột về văn hóa, xây dựng sự hòa hợp và hiểu biết giữa các dân tộc.
Theo Đức Thánh Cha, Học viện Gioan Phaolô II cần hợp tác đặc biệt trong lĩnh vực này, thông qua các nghiên cứu và học hỏi nhằm phát triển kiến thức đánh giá về thái độ của các xã hội và nền văn hóa khác nhau đối với hôn nhân và gia đình. Ngài muốn Học viện chú ý “đến sự phát triển của khoa học nhân văn và văn hóa nhân học trong một lĩnh vực rất cơ bản cho văn hóa sự sống”.
Kết thúc diễn văn, Đức Thánh Cha hy vọng Học viện, với các cơ sở liên kết ở nhiều nơi trên thế giới, “hỗ trợ các cặp vợ chồng và gia đình trong sứ mạng của họ, giúp họ trở thành những viên đá sống động của Giáo hội và những chứng nhân của lòng trung thành và phục vụ, của sự mở ra với sự sống và sự tiếp đón”.(CSR_5177_2024)
Nguồn: Vaticannews – 26/11/2024