GIÁO XỨ BẢO LỘC
– Thông Tin Giáo Xứ:
- Bổn Mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12)
- Cha Quản xứ: Giuse Nguyễn văn Khấn
- Tổng số hộ gia đình : 1.223 (Kinh : 1.197 + Thượng : 20)
- Tổng số nhân danh : 4.549 (Kinh : 4.396 + Thượng: 150)
- Số Giáo họ : 07 (Mẹ HCG + Mân Côi + Giuse + Kitô Vua + Têrêsa + Phanxicô + Vinh sơn)
- Địa Chỉ: 715 Trần Phú, Phường 2, Tp.Bảo Lộc, Lâm Đồng
– Lịch Phụng Vụ:
- Chúa Nhật:
- Lễ 1: 19h00 (Thứ Bảy)
- Lễ 2: 05h00
- Lễ 3: 08h00 (Thiếu Nhi)
- Lễ 4: 17h00
- Lễ 5: 19h00
- Ngày thường:
- Sáng: 05h00
- Chiều: 17h30
– Lược sử Giáo xứ:
Nhà thờ Bảo Lộc , nằm trên quốc lộ 20, giữa thị trấn, nhà thờ Bảo Lộc được xây dựng từ năm 1994, khánh thành năm 1999, theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, với một ít sửa đổi do kiến trúc sư Nguyễn Hồng Sơn. Qua đồ án, ông Ngô Viết Thụ “diễn tả nguyên tắc dùng hài hoà khối bằng kim số” một cách tinh vi và khoa học. Tuy mang dáng dấp kiến trúc Tây Phương, nhưng nhà thờ lại có những nét dân tộc độc đáo. Phía ngoài hình vuông tượng trưng cho đất. Phía trong hình tròn tượng trưng cho trời, được chống đỡ bởi 12 cây cột biểu hiệu cho 12 tông đồ gánh vác Giáo Hội. Nhà thờ có sức chứa 3 – 4000 người.
Sự hình thành Giáo Xứ Bảo Lộc gắn liền với sự hình thành vùng Blao, nên cũng có một lịch sử lâu đời và trải qua nhiều thay đổi.
Vào đầu thế kỷ 20, vùng Blao (được đổi lại là Bảo Lộc từ năm 1960) còn là rừng rú hoang dã, chỉ có dăm ba làng người dân tộc (như Công Hinh, Ðạ Bình, Công Hinh Ðăng, Công Hinh Ðà, Công Hinh Conteh, Công Hinh Blach, Công Hinh Blao) sinh sống rải rác. Mãi đến năm 1930 người Pháp mới đến đây lập Trung tâm thực nghiêm Canh Nông. Rồi vài người Pháp khác đến mở đồn điền Cà Phê, vài ba trại công nhân (đa số là người dân tộc, chỉ có ít người kinh) được thành lập để mở quốc lộ.
Lúc ban sơ có một gia đình Công Giáo đầu tiên từ Phan Thiết theo đường mòn hiểm trở, đem thực phẩm Duyên Hải lên bán cho công nhân và sau ở lại hẳn trở thành gia đình người kinh đầu tiên định cư ở vùng này, đó là gia đình bà Tham Toản. Ít lâu sau, bà rủ thêm ông Giáo Cầm (tức là ông Ðồng Văn Giáp, cựu tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, sau làm rể gia đình bà). Ông sẽ là thầy giáo và là chánh trương đầu tiên rất nhiệt thành trong việc dạy trẻ và dạy tân tòng cho đến năm 1981.
Năm 1934-1935, khánh thành quốc lộ, việc đi lại dễ dàng hơn: ban đầu 6 gia đình người kinh (3 gia đình là Công Giáo) kế đó thêm nhiều gia đình khác ồ ạt tới lập nghiệp. Thời gian này, cha xứ Jean Cassaigne và cha phó Nguyễn Vĩnh Tiên của họ Di Linh thỉnh thoảng xuống dâng lễ và chuẩn bị lập giáo xứ Blao.
Tháng 06-1936 nhà thờ Ðức Bà Công Hinh, Bổn mạng là Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bắt đầu được kiến thiết, với kinh phí do Mẹ Bề Trên Oiseaux Dalat đài thọ, và khánh thành ngày 15-08-1936, cả họ có 42 giáo dân, mỗi tháng có lễ một lần do hai cha từ Di Linh thay đổi nhau xuống làm.
Năm 1938 cha Jean Cassaigne mở trường sơ cấp đầu tiên gồm 4 lớp cho 40 em cả giáo lẫn lương: Một mình ông giáo Cầm ngày dạy chữ, đêm dạy tân tòng.
Năm 1940, thêm 70 gia đình công giáo và 30 gia đình lương được mộ từ Bắc vào làm công nhân. Cha Jean Cassaigne làm một nhà thờ thứ hai lớn hơn, mái ngói vách gỗ, và dùng nhà thờ cũ mở thêm 3 lớp học nữa. Thời gian này cha Jean Chauvel Thừa, phó xứ Di Linh lên xuống coi sóc họ đạo.
Năm 1941, cha Bùi Hữu Năng về làm cha xứ tiên khởi và ở luôn tại giáo xứ. Công Hinh Blao thành giáo xứ với 500 giáo dân, với ban chức việc đầu tiên do ông Giáo Cầm đứng đầu, với sự trợ giúp của hai nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Năm 1945, vì loạn lạc hầu hết lương giáo băng rừng chạy về Phan Thiết, đến năm 1946 mới hồi cư.
Tháng giêng năm 1946 cha Năng đổi xứ, Cha Phêrô Phan Văn Thời về thay thế nhưng chỉ sau hơn hai tháng lại từ nhiệm.
Tháng 05 năm 1948, cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu (nay là Giám Mục Vĩnh Long) về nhận xứ, đến 08-12-1949 đổi về Ðơn Dương. Cùng ngày đó Cha Phaolô Nguyễn Văn Ðậu đến thay thế và giáo xứ với số dân 750 người bắt đầu một giai đoạn mới:
Nhà thờ sắm quả chuông cung “đô” đầu tiên, đúng Giáng Sinh 1950 tiếng chuông ngân vang khắp vùng.
Giáng Sinh 1957 khánh thành nhà thờ thứ ba dài 41m, rộng 14m, tháp cao 18m sau hơn ba năm xây dựng.
Từ 1955 số giáo dân tăng nhanh, giáo xứ tách dần một số giáo khu thành những xứ mới: Thánh Tâm Lộc Tiến (1956), Trung Tâm truyền giáo Thượng (1968), Thiện Lộc (1973), Phúc Lộc (1971), Nam Phương (1970), Chân Lộc (1973).
Cha Phaolô Ðậu đã là cha xứ lâu nhất của giáo xứ so với các cha trước. Sau những năm đầu một mình cực nhọc vì một xứ đạo lớn mạnh nhanh chóng, vào cuối năm 1964, cha đã có cha phó đầu tiên là cha Augustinô Vũ Ngọc Quyền thụ phong ngày 20-12-1964; rồi đến năm 1971, khi cha Quyền đổi xứ, lại đến cha Antôn Nguyễn Ðình Uyển về thay thế, để phụ lực với cha cho đến ngày cha rời giáo xứ (29-03-1975).
Sau khi cha đi, ngày 09-04-1975, cha Giuse Vương Văn Ðiền về tạm coi xứ và sau 3 tháng được chính thức đặt làm quản xứ. Cha Antôn Uyển tiếp tục chức vụ phó xứ và tháng 08-1975 thêm Cha Nguyễn Công Linh cũng được bổ nhiệm làm phó xứ. Năm 1985, giáo xứ Bảo Lộc gồm trên dưới 4000 giáo dân và có 7 giáo khu, là một trong những giáo xứ đứng đầu giáo phận về số nhân danh.
Năm 1990, cha Antôn Uyển được cử phụ trách giáo xứ Nam Phương, trong khi vẫn phục vụ giáo xứ Bảo Lộc trong chức năng phó xứ. Năm 1991, cha Phêrô Linh được bổ nhiệm về làm phó xứ Tân Hà, và Cha Gioan Bosco Trần Văn Ðiện được bổ nhiệm về giáo xứ Bảo Lộc làm phó xứ.
Vì là giáo xứ có đông đảo tín hữu và là cái nôi sinh hoạt về Phụng vụ của cả giáo hạt, ngôi nhà thờ cũ đã trở thành quá bé nhỏ và chật chội. Cha Vương Văn Ðiền đã phác họa và khởi công xây dựng một ngôi nhà thờ mới có tầm vóc qui mô với mục đích qui tụ toàn Dân Chúa trong mọi sinh hoạt Phụng Vụ chung trong giáo hạt. Ðầu năm 1995, chương trình xây dựng ngôi Thánh đường mới đã được khởi công, nhưng công trình mời vừa được thực hiện thì Ngài lâm trọng bệnh và qua đời tháng 02 năm 1996.
Tháng 04 năm 1996, Ðức Giám Mục Giáo Phận đã cử cha Giuse Nguyễn Hữu Duyên về làm quản xứ và tiếp tục công trình xây dựng này. Là một linh mục năng động và có tài quản trị, trong 4 năm, Ngài đã đưa công trình xây dựng ngôi thánh đường vĩ đại với sức chứa gần 4000 người đến giai đoạn chót. Tuy nhiên, giáo xứ Bảo Lộc vẫn rất cần sự tiếp tay của cộng đồng Dân Chúa khắp năm châu để hoàn tất giai đoạn chót này.
Hiện nay, giáo xứ có 5.313 tín hữu, được chia thành 7 giáo họ, dưới sự chăm sóc của cha xứ Giuse Nguyễn Văn Khấn, cùng các cha phó.
(cập nhật ngày 01/01/2023)
– Bản Đồ: