Almudena Martínez-Bordiú
Đức Giám mục Luis Marín de San Martín là một trong những nhân vật chủ chốt của Thượng Hội đồng về tính tính Hiệp hành. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm phó tổng thư ký của Thượng Hội đồng này. Vị giám mục người Tây Ban Nha cho biết ngài đã trải nghiệm Thượng Hội đồng này như là “một lời đề nghị của ân sủng” và một lời kêu gọi “hoán cải cá nhân”.
Sau khi cuộc họp gần đây tại Rôma đã kết thúc và văn bản cuối cùng đã được ban hành, vị giám mục đã nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng tính hiệp hành “là một chiều kích cấu thành của Giáo hội”, do đó, mặc dù hội nghị đã kết thúc, “tiến trình vẫn tiếp tục”.
Vị giám mục lưu ý rằng chiều kích này “không phải là một thành tựu” hay một điều gì đó đạt được, nhưng “chiều kích đó hiện hữu và luôn hiện hữu”. Ngài khẳng định rằng “Giáo hội là hiệp hành” và rằng trong giai đoạn “thi hành” này, mục đích là phát triển chiều kích này, “để rút ra những hệ quả và làm cho nó trở nên cụ thể trong đời sống của Giáo hội”.
Đối với vị tu sĩ dòng Augustinô này, văn kiện cuối cùng “không phải là một cuốn sách hướng dẫn về các biện pháp hay một bộ luật”, mà đúng hơn là “nó mở ra những cánh cửa, chỉ ra những con đường để đi và khuyến khích các tiến trình” với “nhiều tốc độ, nhiều cách khai triển và diễn tả cụ thể khác nhau, vì có những khác biệt về mặt địa lý và văn hóa”, mặc dù có cùng “kho tàng đức tin: một Thiên Chúa, một đức tin, một phép rửa”.
Ngài giải thích, trong bốn năm này, ngài đã cố gắng “lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần để phân định làm thế nào để trung thành với Chúa và làm thế nào để sống và làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay”.
Ngài cũng hình dung đây là cơ hội để đổi mới sâu sắc, “xuất phát từ kinh nghiệm về Chúa Kitô phục sinh” và cũng hướng đến sứ mệnh trong thế giới ngày nay, chấp nhận sự đa dạng văn hóa và những thách thức khác nhau, “nhưng luôn luôn trong sự hiệp thông”.
Sửa đổi luật giáo luật theo “chìa khóa hiệp hành”
Về đề xuất của văn kiện cuối cùng để sửa đổi giáo luật theo “chìa khóa hiệp hành”, Đức Giám Mục Marín tuyên bố rằng: “Bộ Giáo luật là một công cụ thực tế”. Theo nghĩa này, ngài nhắc lại rằng “kho tàng đức tin không thay đổi, nhưng luật lệ của Giáo hội Công giáo đang được đổi mới, để chúng thích ứng tốt hơn và hữu ích hơn trong sứ mệnh cứu độ đã được giao phó cho Giáo hội”.
Đức Giám Mục Marín giải thích: “Chúng tôi yêu cầu sửa đổi bộ luật năm 1983, có tính đến sự phát triển hiện tại của giáo hội, để có thể cung cấp các hình thức, cấu trúc và thủ tục theo hướng hiệp hành.”
Trong một tuyên bố với ACI Prensa, vị giám mục cho biết “có một ủy ban gồm các luật sư giáo luật đang làm việc” để xem xét các cơ cấu và quy trình hiện có để chúng hiệu quả hơn.
Trong số các chủ đề được xem xét, Đức Giám Mục Marín đã đề cập đến “bản chất bắt buộc của các hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ; phát triển các cách thức cộng tác của giáo dân, do đó tích hợp nhiều thừa tác vụ khác nhau; mở rộng khả năng của giáo dân trong việc thực hiện các thừa tác vụ”, hoặc thành lập “các cơ cấu khu vực hoặc lục địa mới, chẳng hạn như các công đồng giáo hội”, cũng như “xác định cách thức thực hiện tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá”.
Tăng cường sự tham gia “mà không giáo dân hóa giáo sĩ hoặc giáo sĩ hóa giáo dân”
Một hệ quả khác của Thượng Hội đồng về tính Hiệp hành là yêu cầu giáo dân tham gia nhiều hơn vào “các tiến trình ra quyết định” và điều này phải được thực hiện thông qua các cơ cấu và thể chế hiệp hành mới.
Đối với vị giám mục, sự tham gia của giáo dân không phải là một sự nhượng bộ “mà là hệ quả của phép rửa tội”, vì vậy “giáo dân phải đảm nhận mọi trách nhiệm tương ứng với họ, mà không giáo dân hóa giáo sĩ hoặc giáo sĩ hóa giáo dân”.
Phó tổng thư ký của Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng mọi người đã chịu phép thánh tẩy “phải cảm thấy được tham gia vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội và tham gia vào việc phân định để ra quyết định, tìm kiếm ơn ích cho Giáo hội”. Ngài chỉ ra rằng, cần phân biệt sự đồng trách nhiệm, vì “mỗi người tham gia tùy theo các thừa tác vụ và chức năng khác nhau của mình.”
Quyền hạn để phục vụ
Nhắc đến lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài chỉ ra rằng “mô hình không phải là kim tự tháp, cũng không phải hình cầu, mà là khối đa diện.”
“Để đưa ra quyết định, Giám mục và linh mục chánh xứ có nhiệm vụ hỏi ý kiến và lắng nghe để phân định, sao cho các hội đoàn, các giới tham gia phải có mặt và hoạt động. Sau đó, các hội đoàn, các giới sẽ đưa ra các quyết định tương ứng với họ theo tác vụ của họ và họ sẽ giải thích các quyết định đã đưa ra.”
Đức Giám Mục Marín nhấn mạnh đến nhu cầu làm rõ các quy trình ra quyết định và đồng trách nhiệm, vì có những vấn đề “mà quyết định chỉ thuộc về giám mục hoặc linh mục giáo xứ và những vấn đề khác có thể được đưa ra trong những trường hợp khác”.
Tuy nhiên, “cần phải làm rõ các quy trình ra quyết định và đồng trách nhiệm”, vị giám mục nói thêm.
Vị phó tổng thư ký của Thượng hội đồng giải thích: “Quyền hạn trong Giáo hội phải luôn được hiểu và thực hiện như việc phục vụ. Tương tự như vậy, điều quan trọng là phải ghi nhớ nguyên tắc bổ trợ; các vấn đề phải được giải quyết ở cấp độ gần nhất với những người có liên quan.”
“Không có gì ngăn cản phụ nữ giữ chức vụ trong Giáo triều La Mã”
Về vấn đề tham gia của phụ nữ vào Giáo hội, theo Đức Giám Mục Marín, tài liệu đề xuất, trên hết, “phụ nữ cần đảm nhận vai trò thích hợp của mình trong Giáo hội, bao gồm cả việc tham gia vào các tác vụ”, tài liệu lưu ý rằng cho đến gần đây, “đáng ngạc nhiên là các thừa tác vụ giáo dân chỉ dành cho nam giới”.
Đức Giám Mục Marín làm rõ rằng điều tương tự cũng áp dụng cho các vị trí có trách nhiệm, “có thể do giáo dân đảm nhiệm, bất kể là nam hay nữ.”
“Trong Giáo triều Rôma, đã có phụ nữ giữ chức thư ký của một số bộ và không có gì ngăn cản họ làm chù tịch những bộ khác trong tương lai, như giáo dân nam hiện nay vẫn đang làm.”
Vị giám mục cho biết rằng ở một số nơi, “phụ nữ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ mục vụ và hành chính, cũng như quản trị, và việc theo đuổi hướng đi này là phù hợp hơn nữa”.
Liên quan đến đoạn 60 của văn kiện cuối cùng của Thượng hội đồng, ngài cho biết đoạn này “cũng nêu vấn đề về chức phó tế, là một thừa tác vụ được truyền chức chứ không phải thừa tác vụ giáo dân. Rõ ràng là có các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai. Nhưng đó có phải là một thừa tác vụ được truyền chức không? Chức năng của họ là gì? Có giống nhau trong tất cả các Giáo hội địa phương không? Để khám phá sâu hơn vấn đề này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm hai ủy ban. Công việc nghiên cứu về nó vẫn đang tiếp tục”, ngài lưu ý.
Về vấn đề này, Đức Giám Mục Marín nhấn mạnh rằng “điều quan trọng cần lưu ý là chức phó tế này không có nghĩa là tiến tới chức linh mục và chức giám mục; chỉ có chủ đề về chức phó tế đang được nghiên cứu, vốn là một cấp độ của bí tích chức thánh, nhưng, như Công đồng Vatican II nhắc lại, không hướng đến chức linh mục mà hướng đến thừa tác vụ, các phó tế không phải là linh mục, như các linh mục và giám mục. Thượng hội đồng yêu cầu làm rõ thêm”, Đức Giám Mục Marín chỉ ra.
Các buổi cử hành phụng vụ như một biểu hiện của tính hiệp hành
Một trong những đoạn văn nhận được nhiều phiếu chống nhất là đoạn số 27 về “nghiên cứu làm thế nào để các buổi cử hành phụng vụ trở thành cách diễn tả tính hiệp hành.” Đề xuất này nhận được 312 phiếu thuận (87,8%) và 43 phiếu chống (12,1%).
Đức Giám Mục Marín tiếp tục: “Do tầm quan trọng của mối tương quan giữa phụng vụ và tính hiệp hành, nên chúng tôi đề xuất thành lập một nhóm nghiên cứu với nhiệm vụ làm cho các buổi cử hành phụng vụ thể hiện tính hiệp hành rõ nét hơn”.
Đức Giám Mục tiếp tục: “Theo quan điểm của tôi, trước hết nó đề cập đến ba hướng nghiên cứu sâu hơn: làm thế nào để củng cố sự hiệp thông, để những người cử hành là cộng đoàn hiệp nhất trong Chúa Kitô phục sinh chứ không phải là tổng hợp của những cá nhân rời rạc, vô danh và đơn độc; làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia của các thành viên khác nhau, tránh coi mình chỉ là những khán giả; làm thế nào để lôi kéo tất cả chúng ta vào sứ mệnh chung, vào công cuộc truyền giáo. Tóm lại, tôi tin rằng chìa khóa nằm ở cách sống và hiện thực hóa tình yêu (đức ái – caritas), vốn là điều xác định chúng ta là Kitô hữu.”
“Vượt qua não trạng quyền lực và phát triển não trạng phục vụ”
Phó tổng thư ký cũng lưu ý rằng thượng hội đồng đã yêu cầu “làm rõ tiêu chí lựa chọn giám mục và cách thức Giáo hội địa phương nên tham gia vào quá trình lựa chọn.”
Theo hướng này, ngài chỉ ra rằng: “Cần phải vượt qua não trạng ‘quyền lực’ và phát triển não trạng ‘phục vụ’. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhóm càng khép kín thì nguy cơ chủ nghĩa tinh hoa càng lớn, đó là lý do tại sao cần có sự tham gia nhiều hơn của dân Chúa”.
Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng có những khó khăn thực tế, đặc biệt là ở các giáo phận lớn, nơi mà hiểu biết về các ứng cử viên có thể bị hạn chế. “Những khó khăn khác mà chúng ta thấy trong quá trình tham gia: phải chăng chỉ có những người tin? Còn những người thực hành đức tin thì sao? Mọi người đâu? Cũng như trong cách tiến hành tham vấn, tránh các chiến dịch mang tính vận động bầu cử và áp lực từ các nhóm có tổ chức.”
Đức Giám Mục Marín chỉ ra: “Nguyên tắc rất rõ ràng: mở rộng tham vấn và cho phép tham gia nhiều hơn. Nhưng cần phải có một nghiên cứu sâu, tiến hành một cách bình tĩnh. Đó là lý do tại sao Đức Giáo Hoàng đã thành lập một nhóm làm việc về chủ đề này. Chúng ta hãy chờ đợi kết luận của nhóm.”
“Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi”
Đức Giám Mục Marín khẳng định, đối với những người “có thiện chí nhưng lo sợ về sự thay đổi trong giáo lý, họ đã thấy rằng điều này không đúng. Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi. Vấn đề là đi sâu hơn vào kho tàng đức tin đó, hình thành cách diễn đạt của kho tàng đức tin đó và phát triển kho tàng đức tin đó trong thời điểm hiện nay, như Giáo hội đã làm trong suốt lịch sử của mình.”
Đức Giám Mục Marín kết luận: “Tiến trình thượng hội đồng phát sinh từ hành động của Chúa Thánh Thần và nhất thiết đòi hỏi sự hoán cải của cõi lòng. Nếu không, chúng ta sẽ không hiểu được gì cả. Sợi chỉ chung liên kết các phần khác nhau của văn kiện, trên thực tế, là lời mời gọi hoán cải: được Chúa Thánh Thần kêu gọi hoán cải; hoán cải trong các mối tương quan; hoán cải trong các tiến trình; hoán cải trong sự liên kết; hoán cải vì sứ vụ. Đối với điều này, tình yêu thực sự là sợi chỉ chung.”
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicnewsagency.com (09/11/2024)
Nguồn: WHĐGMVN – 12/11/2024