I. CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ? (Cv 2,37)
1. Chân phước Gioan Phaolô II
Nhớ lại Đại Năm Thánh 2000 của Giáo Hội toàn cầu được chuẩn bị suốt 3 năm, được tổ chức hoành tráng với rất nhiều tài liệu, lễ lạt, hành hương… Sau khi bế mạc, sang đầu năm 2001, Đức Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư (TT) “Khởi Đầu Ngàn Năm Mới” (06/01/2001) kêu gọi Dân Chúa “Chèo ra chỗ sâu” (Duc in altum) để thả lưới (Lc 5,6), mời gọi Dân Chúa nghe lời Chúa Giêsu để “làm sinh lợi ân sủng đã lãnh nhận trong Năm Thánh, biến nó thành những quyết tâm vững chắc, và những đường hướng hành động cụ thể hầu chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng” (TT số 2). Đức Giáo Hoàng có kinh nghiệm rằng: “Thời đại chúng ta là một thời đại của biến chuyển không ngừng, thường dẫn đến sự hiếu động với cái nguy cơ là “làm để mà làm” (TT số 15). Ngài cũng muốn là “sau sự nhiệt tình của Đại Năm Thánh, chúng ta không quay trở lại sự buồn tẻ của cuộc sống hằng ngày, trái lại, phải rảo bước đi loan báo Chúa Giêsu” và Ngài mượn lời dân Israel hỏi Thánh Phêrô và các Tông đồ: “Chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,37). Rồi Ngài đã trả lời: “Vấn đề không phải là chỉ sáng chế ra một chương trình mới. Chương trình đã có sẵn rồi, đó là kế hoạch được tìm thấy trong Tin Mừng và trong truyền thống sống động, kế hoạch đó luôn mãi là một. Nói cho cùng, trung tâm chương trình đó chính là Đức Kitô, Đấng phải được hiểu biết, được yêu mến, và được noi gương, để trong Người chúng ta có thể sống đời sống Ba Ngôi, và cùng với Người biến đổi lịch sử cho tới hoàn thành trong Giêrusalem Thiên quốc” (TT số 29). Muốn được như thế, Ngài đã chọn việc quan trọng ưu tiên là: “Chúng ta hãy nối kết với nhau trong cùng một sự hiệp thông, sự hiệp thông được nuôi dưỡng hằng ngày tại Bàn Tiệc Thánh Thể và Bàn Tiệc Lời ban sự sống (nghĩa là đọc Lectio Divina)”. Ngài gợi nhớ đến kinh nghiệm của hai môn đệ đi làng Emmau, để xin Chúa Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, giúp chúng ta có khả năng nhận ra Người khi đọc Kinh Thánh và lúc bẻ bánh, có thế mới hăng say đi đến với anh chị em chúng ta để loan báo Tin Mừng. Ngài dạy chúng ta muốn ra khơi phải được nuôi dưỡng và hướng dẫn hằng ngày bằng Thánh Thể và đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện (Lectio Divina).
2. Đức Giáo hoàng XVI
Còn Đức Bênêđictô XVI, đấng kế vị Đức Gioan Phaolô II, ngay trong năm 2007 đã ban hành Tông huấn “Bí tích Tình yêu” nói về Bí tích Thánh Thể nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ Hội Thánh; sau đó năm 2010 ngài ban hành Tông huấn “Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội”, trong đó ngài trình bày đầy đủ về việc “đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện” (Lectio Divina); cũng như Đức Gioan Phaolô II, ngài nhắc đến trình thuật của Thánh Luca về kinh nghiệm của các môn đệ đi làng Emmau, để xác định mối liên hệ giữa Thánh Thể và Lời Chúa, và ngài mong muốn cho lời Kinh Thánh trở nên “la bàn chỉ cho biết con đường phải theo” (TH số 104), nhờ việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện (Lectio Divina). Cả hai vị Giáo hoàng nối tiếp nhau giúp cho Dân Chúa nhận ra tầm quan trọng và cần thiết của việc hiệp thông với Chúa Giêsu hằng ngày nhờ việc đọc lời Chúa trong tư thế cầu nguyện.
3. Giáo Hội tại Việt Nam
Dân Chúa tại Việt Nam cũng mới trải qua Năm Thánh 2010, được chuẩn bị một năm trước, có tổ chức Đại hội Dân Chúa hoành tráng, năm sau có Thư Chung Hậu Đại hội Dân Chúa (28/04/2011) giúp Dân Chúa làm mới bộ mặt Giáo Hội tại Việt Nam theo định hướng Giáo Hội Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ. Bây giờ là lúc mỗi giáo phận “triển khai Thư Chung thành những hành động và việc làm cụ thể” (Thư Chung). Công việc này thuộc bổn phận của các đấng bậc có trách nhiệm trong giáo phận. Kinh nghiệm chung cho thấy trong các cuộc đổi mới, điều quan trọng và cần thiết luôn là yếu tố con người. Chính Đức Gioan Phaolô II đã chia sẻ kinh nghiệm này trong Tông thư “Bước vào ngàn năm thứ ba” rằng: “Một cám dỗ luôn bày ra trong mọi hành trình thiêng liêng và công tác mục vụ, đó là nghĩ rằng các kết quả tùy thuộc vào khả năng lên kế hoạch và hành động của chúng ta. Quả là tai hại khi quên rằng “không có Đức Kitô chúng ta không thể làm gì được”. Vì thế Ngài đặt ưu tiên phải có những con người hiệp thông với Thánh Thể và đọc Lời ban sự sống trong tư thế cầu nguyện (Lectio Divina). Ngài gọi đây là con đường thiêng liêng, và kết luận rằng: “Chúng ta đừng có những ảo tưởng: chúng ta không theo con đường thiêng liêng này thì những cơ cấu bên ngoài của sự hiệp thông sẽ đem lại rất ít kết quả. Chúng sẽ biến thành những vỏ bên ngoài không hồn, “những mặt nạ” hiệp thông hơn là những diễn tả con đường để tăng trưởng” (TT số 43).
Như vậy, chúng ta cần những người luôn hiệp thông với Thánh Thể và với Lời Chúa hằng ngày, vì Thánh Thể và Lời Chúa là nguồn mạch bồi dưỡng và hướng dẫn chúng ta. Về Bí tích Thánh Thể, chúng ta mới học hỏi về Tông huấn “Bí tích Tình yêu” năm 2007; còn về Lời Chúa chúng ta cũng mới học Tông huấn Lời Chúa năm 2010, trong đó có bàn đến Lectio Divina, đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, một việc làm rất cần thiết và quan trọng giúp cho chúng ta làm mới bộ mặt Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng ta sẽ nhờ các giáo sư thần học hướng dẫn chúng ta đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện.
II. ĐỌC LỜI CHÚA TRONG TƯ THẾ CẦU NGUYỆN
Để giúp đọc Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini, viết tắt là VD), một nhóm các giáo sư ở viện Thần học của Dòng Tên bên Bỉ, trong đó có Cha Pierre Gervais giáo sư ở Giáo hoàng Học viện Đà Lạt vào khoảng năm 1970, giỏi tiếng Việt, các ngài đã cùng nhau soạn một tập hướng dẫn đọc VD. Điều đáng lưu ý là ngay đầu bài dẫn nhập, các ngài đã trích một câu của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói với giới trẻ: “Chúng ta phải giúp những người trẻ có được sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như cái la bàn chỉ cho biết con đường phải đi theo” (VD số 104). Điều này cho thấy các nhà thần học có ý đề cao ý muốn và mục đích chính yếu của Đức Giáo Hoàng khi ban hành Tông huấn VD, là giúp cho Dân Chúa hiểu biết “vai trò quan trọng của Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội”. Đức Giáo Hoàng muốn Dân Chúa hiểu Lời Chúa là gì và Dân Chúa phải đọc như thế nào, để Lời Chúa có thể hướng dẫn nhân loại trong lịch sử như cái la bàn hướng dẫn cho đời sống. Tự điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội) cắt nghĩa “la bàn là dụng cụ xác định phương hướng, gồm có một kim nam châm luôn luôn chỉ phương Bắc-Nam”. Và tập hướng dẫn còn nhắc tới một thứ la bàn tối tân hiện đại đó là “hệ thống định vị từ vệ tinh của Mỹ để hướng dẫn giao thông trên biển hay trên bộ” (global positioning system). Hệ thống này giúp mình biết đang ở đâu và đi đâu. Tông huấn muốn ta coi Kinh Thánh như cái la bàn để hướng dẫn Kitô hữu chu toàn sứ vụ của mình trong mọi tình huống của đời sống hôm nay: Lời Chúa trong Giáo Hội, như trong phụng vụ, huấn giáo, ơn gọi… Lời Chúa cho thế giới: công lý, hoà bình, văn hoá, tôn giáo… Muốn được Lời Chúa chỉ dẫn, phải nắm bắt cho đúng ý nghĩa của Lời, nên Tông huấn đã chú ý đặc biệt đến việc “đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện” (Lectio Divina) và khai triển trong nhiều đoạn: 36, 46, 82, 83, 86, 87. Trong các đoạn này, Tông huấn khai triển việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện một cách cá vị, và Tông huấn còn nói đến việc đọc Lời Chúa trong tư thế cộng đồng nhưng không khai triển. Như vậy, có hai cách đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, đó là cách cá vị và cách cộng đồng. Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn cả hai cách.
1. Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện cá vị
Cách đọc Lời Chúa này Công đồng Vatican II đã nhắc tới trong Hiến chế Dei Verbum, vì là truyền thống từ thời các giáo phụ cổ kính, khuyến khích Dân Chúa đọc Lời Chúa trong tư thế đối thoại với Thiên Chúa, như lời Thánh Augustinô dạy: “Lời cầu nguyện của bạn chính là lời bạn thưa với Thiên Chúa. Khi bạn đọc Sách Thánh, thì chính bạn nói với Thiên Chúa” (VD số 86). Cách đọc này được phổ biến trong các tu viện thời Trung Cổ. Cho nên khi nghe nói đến Lectio Divina ta thường có thành kiến là chuyện của thời Trung Cổ, ngày nay làm gì có thời giờ và hoàn cảnh mà thực hiện. Thực ra, ngày nay đã được phát triển ngắn gọn thành cách cầu nguyện bằng suy niệm Sách Thánh. Đức Bênêđictô XVI khuyến khích cách cầu nguyện này và đã tóm tắt trong 4 bước căn bản (x. VD số 87). Để dẫn vào việc cầu nguyện này, Tập hướng dẫn đề nghị trước hết là cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng cho người muốn được Lời Chúa bồi dưỡng, rồi mới theo những bước sau đây:
Bước 1: Đọc bản văn Kinh Thánh với câu hỏi: tự bản văn Kinh Thánh muốn nói gì, để hiểu biết được nội dung trung thực. Bản văn gồm các từ ngữ, mỗi từ ngữ có ý nghĩa của nó. Học thuyết xưa kể ra 4 ý nghĩa của từ ngữ Kinh Thánh:
(1) nghĩa văn tự, nói tới các biến cố.
(2) nghĩa ẩn dụ nói tới những gì phải tin.
(3) nghĩa luân lý nói tới những gì phải làm.
(4) nghĩa dẫn đường nói tới những điều phải hướng tới.
4 ý nghĩa này được chia làm 2 loại
Loại 1 là nghĩa văn tự, nghĩa này được Tông huấn cẩn thận định nghĩa theo đúng Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, nó không phải nghĩa tự nhiên nghĩ ngay tới, mà là nghĩa do các lời Kinh Thánh nói lên và được khoa chú giải nhận ra dựa trên những quy tắc chú giải đúng đắn (GLCG, số 16). Nghĩa này là nghĩa thần học, nó vượt trên lĩnh vực chú giải lịch sử.
Loại 2 là nghĩa thiêng liêng, là nghĩa do bản văn Kinh Thánh diễn tả khi ta đọc bản văn dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh của Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô và của đời sống mới xuất phát do mầu nhiệm đó. Nghĩa thiêng liêng do đức tin của Giáo Hội, nhờ nghĩa này mà bản văn Kinh Thánh trở nên Lời hiện tại của Thiên Chúa. Nghĩa thiêng liêng giúp thấy được sâu xa hơn theo 3 chiều kích: soi sáng điều phải tin (ẩn dụ), cho biết việc phải làm (luân lý), dẫn đến điều phải hướng tới (vươn tới cánh chung). Tông huấn nhấn mạnh cần phải vượt qua chữ viết của bản văn Kinh Thánh để vươn tới điều Chúa Thánh Thần muốn linh hứng. Lấy một ví dụ về Giêrusalem (Ga 4,22-23): nghĩa văn tự là thành của người Do thái, nghĩa ẩn dụ là Giáo hội của Chúa Kitô, nghĩa luân lý là linh hồn con người, nghĩa cánh chung là thành thánh trên trời.
2. Đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện cộng đồng
Ngoài việc đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện cá nhân, Tông huấn VD còn lưu ý: Khi đọc Lời Chúa “phải tránh nguy cơ một tiếp cận cá nhân chủ nghĩa, mà phải nhớ lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta chính là để xây dựng sự hiệp thông, để nối kết chúng ta lại trong chân lý, trong khi chúng ta tiến về với Thiên Chúa… vì thế bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong tinh thần hiệp thông giáo hội”, nghĩa là “phải đọc trong cộng đồng, bởi vì chủ thể sống động của Sách thánh là Dân Thiên Chúa, là Giáo Hội” (x. VD số 86). Về điểm này, Đức Bênêđictô XVI giúp ta hiểu sâu về Kinh Thánh khi đề cập đến 3 chủ thể tác động lên nhau trong Kinh Thánh. Trước hết, tác giả (cá nhân hay nhóm tác giả) mà từ các tác giả này chúng ta có được một bản văn Kinh Thánh riêng biệt. Nhưng các tác giả này không phải là những tác giả độc lập theo nghĩa hiên đại (không tuỳ thuộc vào ai khác), họ là thành phần của một chủ thể cộng đồng, đó là Dân Thiên Chúa, tác giả nói từ trong lòng Dân và cho Dân. Do đó, trong thực tế chủ thể này là loại tác giả “sâu xa” hơn của Kinh Thánh. Tương tự như vậy, Dân này lại không hiện hữu đơn độc, đúng hơn Dân này biết rằng mình được chính Thiên Chúa hướng dẫn và phán bảo qua con người và nhân tính của họ, cho nên Thiên Chúa mới là Đấng nói ở mức sâu thẳm nhất, là chủ thế cuối cùng (xem Lời tựa phần I của cuốn Đức Giêsu Nazareth). Cũng vì thế mà các Nghị phụ có ấn tượng mạnh mẽ về phương pháp đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện cộng đồng. Phương pháp này được soạn thảo vào thập niên 1980 bởi Viện Mục vụ Lumko bên Nam Phi, thuộc Hội đồng Giám mục Nam Phi. Phương pháp này soạn cho những người có quan hệ láng giềng với nhau ở nhiều nước Châu Phi muốn cùng nhau suy niệm Kinh Thánh. Các Nghị phụ đã trình bày phương pháp này trong Đề nghị số 22. Tông huấn đã không trình bày lại phương pháp này mà chỉ khuyến khích, còn các nhà thần học muốn giới thiệu phương pháp đáng chú ý này trong Tập hướng dẫn đọc VD. Phương pháp gồm 7 bước:
Bước 1: Chúng ta kính mời Chúa. Khi mọi người trong nhóm đã yên vị, hướng dẫn viên xin một thành viên cầu khẩn với Chúa. Niềm tin vào sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh ở giữa nhóm là điều kiện và nền tảng cho việc suy niệm của nhóm.
Bước 2: Chúng ta tìm hiểu bản văn. Hướng dẫn viên cho biết bản văn thuộc chương nào, câu nào, sách nào, để mọi người tìm. Khi đã tìm được, hướng dẫn viên xin một thành viên đọc lên. Sau đó mọi người giữ thinh lặng vài phút.
Bước 3: Chúng ta dừng lại ở bản văn. Hướng dẫn viên cho biết: Bây giờ chúng ta dừng ở bản văn. Tìm xem những từ nào có vẻ quan trọng nhất đối với chúng ta. Rồi tất cả đọc lại toàn bản văn lần nữa. Mỗi thành viên sẽ ghi nhớ từ nào hoặc câu nào trong bản văn đánh động mình, và nói lên cho cả nhóm nghe. Các thành viên khác trong nhóm lặp lại trong trí mình những gì vừa mới được nói lên. Làm như thế, những lời đã nói, dù có tầm thường cũng trở nên quan trọng và ghi ấn tượng vào trong tâm trí mọi người.
Bước 4: Chúng ta im lặng. Mọi người cùng đọc lại lớn tiếng và thong thả một lần nữa toàn bản văn. Rồi hướng dẫn viên mời mọi người tiếp tục im lặng, cho biết thời gian im lặng vào khoảng 3 phút. Chúng ta dâng mình cho Chúa. Chúng ta để cho Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta để cho Chúa ngắm nhìn chúng ta. Có một cách tận dụng sống giây phút im lặng này cho có hiệu quả, đó là lặp đi lặp lại nhiều lần một lời có vẻ quan trọng trong bản văn. Đây chính là việc mở lòng cách đơn sơ với Chúa, chờ đợi Chúa, gần gũi Chúa, vì “thật ra Chúa không ở xa chúng ta” (Cv 17,27).
Bước 5: Chúng ta chia sẻ niềm tin của mình. Sau thời gian im lặng, hướng dẫn viên cho biết công việc tiếp theo là: “Chúng ta nói lên điều gì trong bản văn đã đánh động chúng ta”. Đoạn Kinh Thánh làm sáng tỏ hoặc gợi ra những khía cạnh nào của niềm tin chúng ta. Rồi mỗi người với con người của mình, với niềm tin của mình, chia sẻ cho người khác những xác tín của niềm tin của mình, những xác tín mà bản văn đã gợi lên. Sự chia sẻ niềm tin này giúp làm cho lòng tin chúng ta được mạnh mẽ. Tất cả Kinh Thánh chẳng qua chỉ là kinh nghiệm về Chúa mà Dân Chúa và Chúa Giêsu thông truyền cho chúng ta.
Bước 6: Chúng ta nói về điều Chúa chờ đợi chúng ta. Hướng dẫn viên cho biết đây là lúc chúng ta cùng nhau suy nghĩ về điều Chúa chờ đợi nơi chúng ta. Từ những suy tư của người này người kia trong giai đoạn trước đây, chúng ta cố gắng xem xét để biết trong thực hành chúng ta có thể tự sống một vài khía cạnh nào đó của niềm tin đã được làm sáng tỏ nhờ suy niệm bản văn Kinh Thánh. Ở đây, chúng ta đừng sợ đề cập đến những vẫn đề của cuộc sống hằng ngày. Toàn bộ thảo luận phải được tiến hành trong một bầu khí luôn gần gũi với Chúa. Các cuộc thảo luận có thể xoay sang một hướng khác nếu một cách nào đó chúng ta để Chúa tham gia vào.
Bước 7: Chúng ta cầu nguyện. Bây giờ hướng dẫn viên mời các tham dự viên cầu nguyện. Trong lời cầu nguyện cá nhân được nói lên lớn tiếng trước những người khác trong nhóm, mỗi người sẽ cố gắng thu thập những phát hiện của mình tuỳ theo mình đang mang trong lòng. Rồi sẽ kết thúc cuộc gặp gỡ bằng một kinh nguyện chung hoặc bài hát chung mà mọi người thuộc, như: Kinh Lạy Cha, Kinh Hoà Bình…
Giáo phận chúng ta có một truyền thống tốt đẹp trong mỗi kỳ tĩnh tâm hằng năm, đó là mỗi ngày trước khi dâng lễ đồng tế, các linh mục chia thành từng tổ để chia sẻ Lời Chúa theo bản văn Kinh Thánh đã chọn, trong vòng nửa giờ. Thường chúng ta chỉ đọc chung bản văn, rồi mỗi cha tuỳ ý chia sẻ, không theo phương pháp nào. Tôi đã tham dự rất nhiều cuộc chia sẻ như vậy. Có cha chỉ chia sẻ điều mình nghĩ ra, hoặc kiến thức mình có về bản văn… nhưng cũng có quý cha được đánh động bởi Lời Chúa, đối chiếu với đời sống mình rồi để cho Lời Chúa đổi mới đời sống mình. Chẳng hạn quí cha bị đánh động bởi Lời Chúa truyền “hãy đến với muôn dân”, rồi suy nghĩ và đối chiếu với đời sống mình, thấy mình chỉ đến với bổn đạo thân quen của mình thôi, nên quyết tâm đổi mới và tìm đến gặp gỡ những người dân chưa phải bổn đạo của mình… Thực ra, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm để đổi mới đời sống: có những cái tôi đã biết phải làm mà chưa làm, có những cái tôi chưa làm vì chưa nghĩ tới, có những cái người khác dám làm mà tôi chưa dám, tôi phải tự hỏi tại sao… Đó là nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Để kết
Tới đây, chúng ta có thể trả lời dễ dàng câu hỏi đặt ra ở đầu bài. Giáo hội Việt Nam đã chọn Năm Thánh 2010 để kỷ niệm những biến cố trọng đại, đã chọn sống theo định hướng Giáo Hội Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ để làm mới bộ mặt Giáo Hội tại Việt Nam. Nay Năm Thánh đã qua rồi, toàn Dân Chúa tại Việt Nam phải “chèo thuyền ra chỗ nước sâu”, phải ra khơi chứ không ở yên trên bờ, “phải xây dựng nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước chúng ta” (Thư Chung Đại hội Dân Chúa). Những kinh nghiệm của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đã giúp chúng ta nhận ra rằng trong các cuộc đổi mới, điều quan trọng và cần thiết luôn luôn là yếu tố con người. Và các ngài đặt ưu tiên là phải có những con người hằng ngày hiệp thông với Thánh Thể, và đọc Lời Chúa trong tư thế cầu nguyện, vì chỉ mình Chúa Giêsu có thể bồi dưỡng và hướng dẫn chúng ta. Nói một cách khác cụ thể và chính xác hơn, nhưng con người đó phải là các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân sẵn sàng đổi mới đời mình mỗi ngày theo lời dạy đơn sơ dễ hiểu của Lời Chúa, như sống tinh thần khó nghèo, khiêm nhường, hiền lành, tha thứ, thương xót, trong sạch, tinh khiết, làm cho người hoà thuận, chịu bách hại vì sự công chính… hay là sống theo những lời giản dị và dễ thương của Kinh Hoà Bình mà ai cũng thuộc, là đem yêu thương vào nơi oán thù, đem ủi an đến chốn ưu sầu… Nếu hằng ngày các thành phần Dân Chúa đều được bồi dưỡng bởi Thánh Thể Chúa rồi đổi mới theo Lời Chúa dạy, thì chắc chắn mọi người sẽ nghe và xem thấy bộ mặt mới của Giáo Hội tại Việt Nam. Mong lắm thay.
——————
Tài liệu tham khảo: Guide de Lecture pour l’Exhortation apostolique post-sinodale Verbum Domini, Editions Fidélité, Belgique, 2010.
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà Hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ
(emty.org Cập nhật: 09/01/2012 – 00:06:05)