LTG: Năm 2004, Gia đình Phan-sinh kỷ niệm 70 năm Dòng Anh Em Hèn Mọn hiện diện tại Việt-nam. Để đánh dấu sự kiện đặc biệt này, Tỉnh dòng Việt-nam ấn hành một cuốn Kỷ yếu mang tên “DẤU ẤN MỌN HÈN”.
Dựa vào cuốn Kỷ yếu này vào vào Niên giám GHCGVN 2004, VMHV xin giới thiệu đôi nét về Gia đình Phan-sinh, tuy rất gần gũi với chúng ta, nhưng chưa được hiểu biết một cách rõ ràng, do đó vẫn còn một vài nhầm lẫn.
I. NGUỒN CỘI
Năm 1205, cách đây đúng 800 năm, một chàng thanh niên 23 tuổi, khi đang quỳ cầu nguyện trước thánh giá nơi gian cung thánh nhà nguyện thánh Đa-mi-a-nô, đã nghe một tiếng nói vọng xuống từ trên cao: “Phan-xi-cô, con không thấy Nhà của Ta đổ nát sao? Hãy đi và sửa lại cho Ta.”
Chàng thanh niên đó là Phan-xi-cô, một người giàu có và đầy tham vọng công danh, sinh năm 1182 tại thành At-xi-di, miền trung nước Ý. Nhưng đó lại là người được Chúa chọn để đi xây dựng lại ngôi nhà của Chúa đang bị đổ nát. Một năm sau biến cố trên đây, trước mặt Đức Giám mục sở tại và người thân trong gia đình, Phan-xi-cô đã từ bỏ mọi của cải, trả lại mọi sự đang sở hữu, kể cả y phục đang mặc trên mình, và ra đi, đến với những người bần cùng đói khổ, những kẻ phong cùi. Sau hai năm ẩn dật, sống bằng của bố thí như một người hành khất, chàng bắt tay sửa chữa ngôi nhà đổ nát của Chúa, mà chàng hiểu theo nghĩa đen, là những nhà nguyện hoang tàn vùng ngoại ô thành At-xi-di, như nhà nguyện thánh Đa-mi-a-nô, nhà nguyện thánh Phê-rô, nhà nguyện Po-xi-un-cu-la.
Chính tại nơi sau cùng này, vào ngày lễ thánh Mat-thi-a năm 1208, Phan-xi-cô đã được mặc khải về ơn gọi của mình, sau khi nghe đọc bài Tin mừng thuật việc Chúa Giê-su sai các môn đệ đi truyền giáo: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép… Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này…” (Lu-ca 10, 3-5), ơn gọi của Ngài đã được mặc khải, Ngài đã sung sướng reo lên: “Đó là điều tôi ao ước, đó là điều tôi kiếm tìm!” Ngài sẽ đi vào thế giới như các môn đệ đã được Chúa sai đi, “không tiền bạc, không bao bị, không giày dép”, hoàn toàn trần trụi; và cũng như các môn đệ, ngài loan báo hòa bình: hoà bình của Đức Ki-tô, sự giải hoà giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau. Trong một thế giới xâu xé, ngài sẽ là một sứ giả kiến tạo hoà bình.
Nhiều thanh niên trưởng giả thành At-xi-di đã bị Phan-xi-cô thu hút và đến với ngài. Ngài tiếp nhận họ như những người anh em được Chúa gửi đến. Đó là khoảnh khắc hệ trọng trong cuộc đời ngài, bởi lẽ đó là giây phút bắt đầu cuộc mạo hiểm Phan-sinh đúng nghĩa. Từ đó về sau, chính trong huynh đệ đoàn mà ngài sống lý tưởng Tin Mừng.
Năm 1209, ngài viết một bản luật ngắn và cùng 11 anh em lên đường đi Rô-ma để xin Đức Giáo hoàng (Đức In-no-xen-tê III, 1198-1216) phê chuẩn lối sống. Dự phóng táo bạo của nhóm anh em hèn mọn không khỏi làm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều ái ngại, thậm chí nghi ngờ (vì thời đó đã có nhiều giáo phái viện dẫn lý tưởng Tin Mừng và nhân danh lý tưởng nghèo khó để công kích Giáo hội). Bấy giờ, Đức Hồng Y Jean de Saint-Paul, bạn của ĐGM giáo phận At-xi-di, lên tiếng nói: “Nếu chúng ta từ chối và xem như một điều mới mẻ và kỳ lạ lời xin của người nghèo này là sống theo Tin Mừng, thì chúng ta phản nghịch với Tin Mừng. Cho rằng theo đuổi sự trọn lành của Tin Mừng là một điều mới mẻ, điên cuồng hay kỳ lạ, tức là lăng mạ Chúa Ki-tô, vì Người là tác giả Tin Mừng”. Lời nói đó đã gây một ấn tượng sâu sắc trong giáo triều, và Đức Giáo hoàng liền chấp thuận. Ngài nói: “Anh em hãy ra đi, và xin Chúa ở với anh em… Cha sẽ ban cho nhiều điều khác nữa và sẽ an tâm giao phó cho nhiều trách nhiệm khác quan trọng hơn”. Ngài chuẩn y Luật Dòng do Phan-xi-cô trình bày và ban phép giảng dạy, tuy đó mới còn là việc chuẩn y bằng miệng. Đức Hồng Y Jean de Saint-Paul tự tay cắt vòng tóc trên đầu Phan-xi-cô và các anh em của ngài như dấu hiệu công nhận của Giáo hội.
Thế là đời sống của anh em bắt đầu: sống nghèo triệt để, nhưng cũng hân hoan trong tình huynh đệ và trong tiếng ca tụng ngợi khen Chúa.
Số lượng anh em không ngừng gia tăng. Sau khi trú ngụ một thời gian tại Ri-vô To-tô, trong một túp lều chật hẹp và bỏ hoang bên một dòng suối, anh em về cư trú giữa một rừng cây trong cánh đồng At-xi-di, chung quanh nhà nguyện Po-xi-un-cu-la. Nơi đây trở nên cộng đoàn tiên khởi của Dòng Anh Em Hèn Mọn (AEHM).
Huynh đoàn tiên khởi đã khai sinh nhiều huynh đoàn khác. Người ta thấy nở rộ hầu như khắp nơi trên nước Ý. Số anh em tăng lên hàng trăm, rồi hàng ngàn, và tỏa lan khắp châu Âu. Động lực thúc đẩy các thanh niên và người trẻ đến với nếp sống ấy chính là tình huynh đệ… và đức khó nghèo. Phan-xi-cô nói: “Không một anh em nào có quyền thống trị, nhất là trên anh em mình. Không ai được coi là tu viện trưởng… Bất cứ anh em ở đâu, khi gặp nhau, hãy tỏ ra là anh em cùng một gia đình.”
Đó là điều mới mẻ lạ lùng trong Giáo hội thời ấy. Đó là mùa xuân của Tin Mừng.
Sự thành công của huynh đoàn mới khai sinh không chỉ giới hạn trong nam giới. Nó chanh chóng lan rộng đến nữ giới. Thật vậy, lý tưởng Tin Mừng của Phan-xi-cô đã chóng gây nên một âm hưởng sâu đậm trong con tim một thiếu nữ đài các ở thành At-xi-di. Thiếu nữ ấy tên là Clara, lúc ấy vừa tròn 18 tuổi. Sau khi nghe Phan-xi-cô giảng tại nhà thờ chánh toà At-xi-di, cảm kích sâu xa trước lời lẽ đơn sơ và đầy nhiệt huyết của nhà thuyết giảng, Clara đã cùng với một bạn gái tìm đến gặp Phan-xi-cô để thỉnh ý về ơn gọi của mình. Thấy nơi cô có một tâm hồn trong sáng và dũng cảm, Phan-xi-cô khuyến khích cô tận hiến cho Chúa. Và cô đã quyết định.
Tối ngày Lễ Lá 1212, tại nhà nguyện Po-xi-un-cu-la, Phan-xi-cô đã mặc áo dòng cho Clara. Sau vài tuần ở đan viện nữ Biển-đức, Clara chuyển đến sống tại nhà nguyện Thánh Đa-mi-a-nô. Lập tức, nhiều thiếu nữ thượng lưu, trong đó có cô em gái của Clara là A-nê, đã nối gót theo cô sống cuộc đời Tin mừng trong nghèo khó và ngợi khen. Cũng như huynh đoàn của anh em, huynh đoàn các chị tăng nhanh. Đa-mi-a-nô trở thành cộng đoàn tiên khởi của Dòng Chị Em Nghèo Khó.
Sức hấp dẫn của Phan-xi-cô không chỉ dừng lại trên những thanh niên nam nữ độc thân, lôi cuốn họ vào đời sống tận hiến trong các huynh đoàn, mà còn lan rộng đến trên đông đảo quần chúng, những tâm hồn thành tâm thiện chí, muốn tự nguyện sống đời đền tội, đoạn tuyệt trần gian để theo ngài. Nhưng Phan-xi-cô không thể thâu nạp được tất cả, nhất là những người còn phải chu toàn nhiệm vụ làm cha, làm mẹ. Ngài hứa sẽ nghĩ cách đem lại cho họ một phương thế nên thánh thích hợp với hoàn cảnh của họ… Từ đó, hễ ở đâu có bóng một tu viện Dòng AEHM, Dòng Nhất (huynh đoàn các anh em), cũng như Dòng Nhì (huynh đoàn các chị em), là ở đó có một số anh chị em giáo hữu thường liên lạc mật thiết và chịu ảnh hưởng sâu rộng. Các anh chị em này, tuy ở giữa thế gian, nhưng vẫn cố noi theo cuộc đời đền tội và lý tưởng nghèo khó. Họ xa lánh cuộc đời xa hoa, dành thì giờ và đem tiền của giúp đỡ người nghèo, góp phần vào hoạt động tông đồ của Dòng AEHM. Đó là khởi thủy của các huynh đoàn Phan-sinh tại thế.
II. TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHAN-SINH
Như vừa được sơ lược giới thiệu ở trên, đại gia đình Phan-sinh gồm có những tổ chức sau đây:
Dòng NHẤT: các anh em hèn mọn
Phát sinh từ một gốc rễ chung là linh đạo Phan-sinh và tuân giữ Bản Luật do thánh Phan-xi-cô biên soạn và được Đức Giáo hoàng Hô-nô-ri-ô III (1216-1227) phê chuẩn năm 1223, Dòng ANH EM HÈN MỌN (OFM), tên chính thức thánh Phan-xi-cô At-xi-di đặt cho những anh em của ngài, gồm 3 nhánh:
* Dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) với khoảng 18.000 anh em (linh mục và không linh mục), thuộc 113 tỉnh dòng; hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như thuyết giảng, giáo dục đại học (trong các ngành khoa học, văn hoá, lịch sử, kinh thánh…; quản trị 7 trường đại học hay học viện, như Giáo hoàng Học viện Thánh An-tôn ở Rô-ma, đại học Thánh Bô-na-ven-tu-ra ở Nữu-ước…), và tông đồ cho giới bình dân. (Theo QUID ’98, trang 501)
* Dòng Anh Em Hèn Mọn Lúp Dài (Capucins) – hình thành từ một cuộc cải cách dòng Phan-xi-cô vào năm 1525 – với trên 11.000 anh em, sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ trong mọi môi trường xã hội.
* Dòng Anh Em Hèn Mọn Tu Viện (Conventuels). Đây là nhánh lâu đời nhất, không theo những canh tân của hai nhánh kia, hoạt động tông đồ và nghiên cứu thần học, trông coi các đền thánh lớn, nơi lưu giữ thi hài các Thánh của Hội Dòng, như Vương cung Thánh đường Thánh Phan-xi-cô ở At-xi-di, Vương cung Thánh đường Thánh An-tôn ở Pa-đu-a. Nhánh này có khoảng 4.600 anh em.
Dòng NHÌ
Đây là Dòng các ChỊ Em Nghèo Khó hay ChỊ Em Thanh Bần (thường gọi là Dòng Clara), mà khởi thủy, từ năm 1212, là Cộng đoàn Đa-mi-a-nô của Thánh Clara. Họ là những Nữ Đan sĩ sống đời chiêm niệm nội vi theo tinh thần Phan-sinh. Hiện có hơn 20.000 nữ đan sĩ Clara trên thế giới.
Dòng BA
Có 3 nhánh Phan-sinh có tên gọi chung là Dòng Ba Phan-sinh, gồm hai nhánh Phan-sinh tại viện và một nhánh Phan-sinh tại thế:
* Dòng Nữ Phan-sinh Tại Viện: Theo dòng lịch sử, khoảng 450 tu hội nữ đã chọn theo linh đạo của Đấng Thánh Nghèo, nhưng không muốn trở thành đan sĩ. Một vài Dòng đã có mặt từ thế kỷ 15, nhưng đa số được hình thành vào thế kỷ 19. Các dòng tu này được thiết lập để đáp ứng nhu cầu cụ thể của một giáo phận, một miền hay công cuộc truyền giáo. Số nữ tu Phan-sinh trên thế giới gần 200.000 chị em. Dòng Phan-sinh Thừa sai Đức Mẹ là một trong những dòng này.
* Cũng có những Tu hội đời là nam giới, liên hệ với Thánh Phan-xi-cô bằng cách giữ luật Dòng ba Tại Viện. Họ là những Tu sĩ Dòng Ba Tại Viện của Thánh Phan-xi-cô (TOR) với khoảng 5.000 thành viên.
* Dòng Phan-sinh Tại Thế. Đó là tập thể của những người không rời khỏi bậc sống của mình và sống mối hiệp thông với Thiên Chúa theo cách thức riêng, qua việc dâng lời ca ngợi, quan tâm phục vụ người khác, cách riệng những người nghèo khổ, tôn trọng thiên nhiên do Thiên Chúa tạo thành và sống niềm vui huynh đệ. Bản luật của họ, được thánh Phan-xi-cô gợi hứng từ năm 1221, đã được thích ứng nhiều lần qua dòng lịch sử, được ĐGH Phao-lô VI phê chuẩn năm 1969. Số anh chị em Dòng Ba Tại Thế có khoảng một triệu người trên thế giới.
III. DÒNG PHAN-XI-CÔ TẠI VIỆT-NAM
Trước khi có một Nhà Dòng Phan-xi-cô được lập tại Việt-nam vào năm 1929, bóng dáng của những nhà truyền giáo áo nâu đã xuất hiện trên đất nước chúng ta từ nhiều thế kỷ trước.
Chúng ta sẽ lấy năm 1929 làm cái mốc điểm chia sự hiện diện Phan-sinh thành hai giai đoạn.
Giai đoạn trước năm 1929
Lịch sử Dòng Phan-xi-cô cho biết, từ đầu thế kỷ XIV, vào khoảng giữa năm 1318 và 1324, một thừa sai Phan-sinh tên là Odoric de Pordenone, trên đường từ Venise, Ý, sang Bắc-kinh, Trung-hoa, đã ghé vào vương quốc Champa – nay là một miền đất của Việt-nam, đời vua Chế A Nan (1318-1342).
Đến năm 1533, theo sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, được sách Lịch sử Giáo hội Công giáo của Lm. Bùi Đức Sinh trích ghi ở trang 348 (Phần Nhì, bản in 1999), có một nhà truyền giáo tây phương tên là I-ni-khu đã theo đường biển vào giảng đạo tại vùng đất ngày nay thuộc tỉnh Nam-định. Có giả thuyết cho rằng I-ni-khu là một thừa sai Phan-sinh (hoặc Đa-minh), người Bồ-đào-nha.
Từ thế kỷ XVI đến thượng bán thế kỷ XIX, nhiều đoàn thừa sai Phan-sinh thuộc hai quốc tịch Bồ-đào-nha và Tây-ban-nha đã đến giảng đạo tại Việt-nam, cách riêng ở phía Nam Đàng Trong. Đáng kể nhất là dưới thời thừa sai Phan-xi-cô Perez, tuy thuộc Hội truyền giáo Paris (MEP), nhưng cũng là một anh em dòng Ba Phan-sinh, nên khi ngài được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Toà Đàng Trong và Campuchia, từ 1691 đến 1728, các anh em Phan-sinh đã có nhiều thuận lợi trong hoạt động của mình. Khuôn mặt nổi bật trong thời này là cha Giu-se Garcia (+1747), chính ngài đã lập nhiều họ đạo và xây dựng nhiều nhà thờ trong miền Sài-gòn như Chợ-quán, Chợ-lớn, Bến-nghé, Rạch-cát… Các thừa sai Phan-sinh hoạt động đồng thời với 3 đoàn thừa sai khác là thừa sai Dòng Tên, thừa sai Paris (MEP), và thừa sai Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (đoàn này qui tụ các thừa sai thuộc nhiều dòng khác nhau, trong đó có Phan-sinh Lúp Dài). Do đó không tránh khỏi những mâu thuẫn giữa các đoàn, không khỏi có sự tranh giành ảnh hưởng và nhất là không có sự đồng tâm nhất trí đối với phong tục tập quán của dân bản địa liên quan đến nghi lễ tôn giáo: thừa sai Paris thì nghiêm nhặt, trong khi thừa sai các dòng thì thiên về thích nghi…Ngoài cha Giu-se Garcia đã nói đến trên đây, còn có những gương mặt sáng chói khác trong các vị thừa sai Phan-sinh thuộc đoàn của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, như cha Va-lê-ri-ô Rist, người Đức, được Đức Cha Alexander de Alexandris, Đại Diện Tông Toà Đàng Trong (1727-1738), cử làm Giám mục phó với quyền kế vị, qua đời và an táng tại Hội-an; cha Phan-xi-cô del Finochietto, người Ý, tên Việt là Cố Phan, qua đời và an táng tại họ Thủ-ngữ, Mỹ-tho. Sau hết là cha Odorico da Collodi, người Bồ-đào-nha, tên Việt là cố Phương. Cha coi sóc họ đạo Cái-nhum và các miền chung quanh, gồm chừng 6000 giáo dân. Thời vua Minh Mạng cấm đạo, ngài bị bắt và bị đày lên Lao-bảo, một nơi rừng thiêng nước độc thuộc tỉnh Quảng-trị, cùng với cha Phan-xi-cô Jaccard, cố Phan, thừa sai Paris. Ngày 25/5/1834, ngài qua đời tại nơi lưu đày vì chứng sốt rét, trong vòng tay người bạn tù thân thương. (Cố Phan bị xử giảo cùng một lúc với chủng sinh Tô-ma Thiện, tại Nhan-biều, Quảng-trị, ngày 21/9/1938; cả hai đã được ĐGH Lê-ô XIII tôn phong Á Thánh ngày 27/5/1900 và được ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988)
Cái chết vì đạo của cha Odorico chấm dứt giai đoạn thứ nhất của trang sử truyền giáo Phan-sinh trên đất Việt.
Giai đoạn sau năm 1929
Tháng 11/1928, Đức Cha Colomban Dreyer, một tu sĩ Phan-sinh, Giám mục từ năm 1923, được đặt lên kế vị Đức Cha Ayuti, vị Khâm sứ đầu tiên tại Đông Dương mới từ trần. Biết rõ nguyện vọng của Toà Thánh về việc mở mang đời sống tu trì tại các xứ truyền giáo, và cững biết rằng Đức Cha De Guébriant, Bề trên cả Hội Thừa sai Paris rất lưu tâm về vấn đề này, Đức tân Khâm sứ liền ngỏ ý với Cha Tổng Phục vụ (Bề Trên Cả Dòng AEHM) cho mời các cha Phan-sinh người Pháp qua Đông Dương xây dựng tu viện.
Đầu năm 1929, với sự chấp thuận và khuyến khích của Đức Cha De Guébriant, và riêng của Đức Cha An-rê Eloy, Giám mục Đại Diện Tông Toà giáo phận Vinh, công cuộc lập một nhà dòng Phan-sinh tại Việt-nam được giao cho Tỉnh Dòng Phê-rô (hay tỉnh dòng Paris) ở Pháp đảm nhận, với quyết định do cha Bề trên Giám Tỉnh Ange Marie Hiral ký ngày 11/4/1929. Dự án thành lập Dòng ở Đông Dương được Toà Thánh chấp thuận ngày 08/5/1929 và ngày 20/5/1929, Bộ Tu sĩ ra nghị định chuẩn y.
Phái đoàn đi lập dòng gồm cha Maurice Bertin, cha Hugolin Lemesre và tu sĩ Jean-Marie Couden. Cha Maurice Bertin, một cựu sĩ quan hải quân, sinh năm 1870, vào tu dòng Phan-sinh sau khi giải ngũ năm 1896, thụ phong linh mục năm 1901, hai lần đi truyền giáo tại Nhật, đang chuẩn bị lập dòng ở Tokyo và Nagasaki thì được lệnh dẫn anh em sang lập dòng tại Việt-nam.
Phái đoàn của cha Maurice Bertin đến Việt-nam ngày 21/11/1929. Sau hai tháng tạm trú tại toà khâm sứ ở Huế, cha ra Vinh tìm đất xây dựng nhà dòng. Năm 1931, ngài cho khởi công xây tu viện Phan-sinh đầu tiên trên đất Việt. Khu đất nằm cách thành phố Vinh khoảng ba cây số về phía Đông Nam, gần Quốc lộ 1, trên đường từ Vinh đi Bến Thủy. Phần đầu của công trình được hoàn tất sau nửa năm xây dựng, và ngày được chính Đức Khâm sứ Colomban Dreyer từ Huế ra làm phép khánh thành ngày 08/12/1931. Phần còn lại được Đức Cha Eloy, GM giáo phận Vinh, khánh thành vào đầu tháng 8/1932. Tu viện Vinh được dùng làm Tập viên. Nhà Tập mở khóa đầu tiên ngày 13/6/1935. Khóa tập cuối cùng – trước khi di cư vào miền Nam – là khóa 1952-1953.
Sau tập viện Vinh, cha Maurice Bertin khởi công xây dựng chủng viện Thanh-hoá. Trong những năm đầu, vì chưa xây được chủng viện, nên các chủng sinh phải ở tại Vinh. Công trình xây cất chủng viện Thanh-hoá kéo dài trong hai năm. Đến tháng 3/1935, chủng viện tạm thời ở Vinh đã được dời ra Thanh-hoá, trả lại chức năng nhà Thử và nhà Tập cho Tu viện Vinh. Chủng viện Thanh-hoá hoạt động được 20 năm, trước khi di cư vào miền Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, cha Maurice Bertin đã xây cất cho Chị Em Dòng Nhì – dòng Thánh Clara, dòng Nữ tu kín – và cho Dòng Ba Tại Viện, mỗi dòng một nhà, cũng ở ngay trong thành phố Vinh.
Sứ mạng thành lập Dòng Phan-xi-cô tại Việt-nam chưa chấm dứt, đến năm 1938, cha Maurice Bertin lại bắt tay vào việc xây tu viện Nha-trang. Nơi đây được dùng làm Triết và Thần học viện. Học viện được khai trương vào tháng 7/1941. Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, nhận thấy các cơ sở ở miền Bắc khó tồn tại, Hội Dòng nghĩ đến việc xây dựng một chủng viện bên cạnh học viện Nha-trang. Đến đầu năm 1954, chủng viện Nha-trang được dời xuống miền đồng bằng sông Cửu Long, đặt tại Tiểu-cần, trong giáo phận Vĩnh-long. Nhưng vì đây là nơi đồng chua nước mặn, bất tiện về nhiều mặt, nên chỉ một năm sau, chủng viện được đưa trở lại Nha-trang. Tiểu-cần được dùng làm nhà Tập. Học viện Nha-trang giải thể năm 1978.
Năm 1958, một cơ sở mới được xây dựng thời cha Pacifique Nguyễn Bình An làm Tỉnh ủy: chủng viện Phan-sinh Thủ-đức. 1959-1960 là niên khoá đầu tiên tại chủng viện Thủ-đức.
Trở lại với cha Maurice Bertin, người đã có công xây dựng các cơ sở đầu tiên của Dòng Phan-xi-cô tại Việt-nam, là Tỉnh ủy đầu tiên của Chi tỉnh Phan-sinh Việt-nam, năm 1947 ngài đã được Tỉnh dòng đưa về Pháp nghỉ dưỡng, ở tuổi 76, sau bao nhiêu lo toan vất vả và chao đảo thiếu thốn của thời chiến tranh. Nhưng vì đã quen với khí hậu miền nhiệt đới, cha không chịu được cái rét lạnh ở quê hương. Sau một năm làm tuyên úy cho một trường tư thục ở Maroc, cha xin Bề-trên cho trở lại nối tiếp công việc truyền giáo tại Nhật, nơi lần đầu tiên cha nghe tiếng Chúa gọi. Nhưng lúc ghé Sài-gòn, đoàn con cái Việt-nam mà ngài đã có công lao sinh dưỡng đào tạo trong nếp áo dòng nâu, xin ngài lưu lại trên giải đất mà ngài đã thương mến không kém gì nước Nhật. Và tu viện Nha-trang được hân hạnh đón cha về an dưỡng. Cha đã qua đời tại đây ngày 08/7/1968, thọ 98 tuổi. Ngày cha về với Chúa, ba cơ sở nền tảng cha đã xây dựng (Tập viện Vinh, Chủng viện Thanh-hóa, Học viện Nha-trang) – nếu không có giá trị trước mặt Chúa – thì cũng đã sản sinh cho Chi tỉnh Dòng Phan-xi-cô Việt-nam 28 linh mục, 24 tu sĩ khấn trọn, 16 tu sĩ khấn tạm, 12 tập sinh và gần 300 chủng sinh, và Chi tỉnh đang tiến lên Hạt Dòng.
Giai đoạn hiện nay
Năm 1969, với Quyết định do Bộ Tu sĩ ký ngày 01/01/1969, Chi Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt-nam được nâng lên Hạt Dòng tự trị và cha Pacifique Nguyễn Bình An được đặt làm Giám Hạt tiên khởi (1969-1970).
Biến cố 30/4/1975 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử GHCGVN nói chung và Dòng AEHM Phan-sinh nói riêng.
Vào năm 1975, Tỉnh dòng (lúc này vẫn còn là Hạt dòng) chỉ có 6 Cộng đoàn: Nha-trang, Đa-kao, Thủ-đức, Cầu Ông Lãnh, Cù lao Giêng và Du-sinh.
Đây là những cộng đoàn lớn ở trong thành phố hoặc ở vùng ngoại ô. Qua nhiều Tu nghị Hạt dòng, anh em ao ước lập được những cộng đoàn nhỏ để sống với người nghèo và giữa người nghèo nơi thôn quê, ở vùng sâu vùng xa. Những tưởng ước mơ sẽ mãi là ước mơ, nhưng hoàn cảnh mới đã biến ước mơ thành hiện thực.
Thế là những cộng đoàn nhỏ được hình thành tại Bình-giã, Xuân-sơn, Xuyên-mộc… thuộc vùng Bà-rịa Vũng-tàu; tại Cư-thịnh, Suối-dầu, Đồng-dài thuộc vùng Khánh-hoà Nha-trang; tại M’Lon, Bắc-hội, Suối-thông B thuộc vùng Đà-lạt…
Tháng 8/1984, Hạt dòng Phan-sinh được nâng lên Tỉnh dòng. Cha Guy Ma-rie Nguyễn Hồng Giáo, đang là Giám hạt, được đặt làm Giám tỉnh tiên khởi (1984-1993).
Hiện nay, con số các cộng đoàn và các điểm của Tỉnh Dòng đã lên đến 22: Thủ-đức, Đa-kao, Cầu Ông Lãnh, Cần-giờ, Văn-thánh (Sài-gòn); Bình-giã, Xuân-sơn, Hoà-hội, Xuyên-mộc (Bà-rịa Vũng-tàu); Cù lao Giêng, Cồn-én (An-giang); Cần-thơ; Sông-bé; Du-sinh (Đà-lạt); Vĩnh-phước, Thanh-hải, Ngọc-thanh (Nha-trang); Cư-thịnh, Suối-dầu, Đồng-dài, Đất-sét, Đồng-trăng (Khánh-hoà).
Các nhà huấn luyện hiện nay gồm có:
– Nhà thỉnh sinh Xuân-sơn, hoạt động được 4 năm, từ 1994 đến 1998; từ năm 1998, được dời ra Bình-giả. Giám sư đương nhiệm là cha Phê-rô Đậu Văn Minh (từ năm 1995).
– Nhà tập Du-sinh hoạt động lại từ năm 1988. Khóa tập kéo dài một năm. Giám sư đương nhiệm là cha Savio Nguyễn Chí Chức (từ năm 2004).
– Học viện Thủ-đức hoạt động lại từ năm 1995. Giám sư đương nhiệm là cha Phao-lô Nguyễn Đình Vịnh (từ năm 2003).
Số AEHM trong Tỉnh Dòng – theo thống kê 2004 – là 167 người, gồm 66 linh mục, 29 không linh mục, 12 giáo sĩ. Ngoài ra còn có 8 tập sinh, 11 thỉnh sinh và 83 người đang tìm hiểu.
Giám tỉnh đương nhiệm là cha Phi Khanh Vương Đình Khởi (từ năm 2002).
IV. CÁC NHÁNH PHAN-SINH
Thật là thiếu sót khi giới thiệu Dòng AEHM – tức là Dòng Nhất Phan-sinh – tại Việt-nam mà không đề cập đến hai “Dòng” khác đã được nói đến trong các phần 1 và 2. Trong Kỷ yếu “Dấu Ấn Mọn Hèn”, các “Dòng” này được gọi là “Các Nhánh Phan-sinh”, gồm có: Dòng Clara, Dòng Phan-sinh Thừa sai Đức Mẹ, Dòng Phan-sinh tại thế và Hội Cựu Phan-sinh.
Dòng Clara tại Việt Nam
Trong phần I, chúng ta đã biết, vào tối ngày Lễ Lá năm 1212, một người thiếu nữ con nhà quí phái đã được thánh Phan-xi-cô cắt tóc và mặc cho chiếc áo nâu của những AEHM, tại nhà nguyện Po-xi-un-cu-la. Đó là Clara, một thiếu nữ quý tộc thành At-xi-di, sinh ngày 16/7/1194. Cùng đi với Clara, có người chị họ tên là Pacifica; rồi hai tuần sau đó, đến lựơt người em gái của Clara tên là A-nê, cũng bỏ nhà theo chị. Đây là 3 nữ tu đầu tiên của Đan-viện Đa-mi-a-nô, huynh đệ đoàn đầu tiên của Dòng Các Chị Em Nghèo Khó (còn gọi là Các Chị Em Thanh Bần), hay Dòng Thánh Clara, Dòng Nhì của Gia đình Phan-sinh. Lúc đầu, chị em không có bản luật nào khác ngoài Quy luật sống vắn gọn do Phan-xi-cô viết. Từ năm 1215 đến năm 1247, Toà Thánh quy định cho các chị em tuân giữ bản luật Biển Đức (với các khoản: nội vi nghiêm nhặt, thinh lặng, chay tịnh và khổ chế). Năm 1247, ĐGH In-no-sen-tê IV (1243-1254) ban hành một bản luật mới cho chị em, đặt chị em dưới quyền tài thẩm của các AEHM. Năm 1253, hai ngày trước khi Clara qua đời, Đức In-no-sen-tê IV ra sắc chỉ châu phê Bản Luật do chính Clara soạn thảo (trong đó có đoạn nói về Đức Nghèo khó triệt để như là một đặc ân của các chị em Clara mà các bản luật trước không nói đến).
Bà Clara đã về với Chúa ngày 11/8/1253. Hai năm sau, 1255, ngài được ĐGH A-lê-xăng-rô IV (1254-1261) tôn phong hiển thánh.
Đối với Việt-nam, có ba thời điểm đáng ghi nhớ trong mối tương quan với Dòng Chị Em Nghèo khó Clara:
– Cuộc tiếp xúc đầu tiên: Ngày 07/01/1645, sáu chị em Clara người Tây-ban-nha, trên đường từ Macao về Phi-lip-pin, gặp bão lớn, phải ghé vào bờ biển Đàng Trong tại Cửa Hàn (Đà-nẵng). Các chị đã ở lại hơn bốn tháng, cho đến ngày 15/4/1645 mới ra đi. Cuộc tiếp xúc này đã để lại cho người Việt, từ vua quan đến nhân dân quanh vùng, nhất là cho giáo dân, một ý niệm tu trì của người nữ tu công giáo. Các chị đã trao cho bà Minh Đức Vương Thái Phi (1) một chiếc áo Dòng Nhì để lưu niệm.
– Lập Dòng: Năm 1927, Đan viện Clara ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp, được các thừa sai Paris chọn làm hậu thuẫn, bằng việc hy sinh và lời cầu nguyện, cho công cuộc truyền giáo tại Đông-dương, đặc biệt tại giáo phận Vinh. Nhờ liên hệ này mà ý định lập một đan viện tại Vinh được hình thành. Năm 1928, quyết định thành lập được chuẩn y và cha Maurice Bertin, người sáng lập Dòng AEHM tại Vinh, đảm nhiệm việc xây cất. Và ngày 14/10/1935, ngày mà 7 chị em Clara đầu tiên đến Vinh, được coi là ngày thành lập Đan Viện Clara tại Việt-nam. Nhưng 15 năm sau, tháng 12/1950, vì lý do thời cuộc, các chị em được lệnh rời Việt-nam ra tạm trú ở nước ngoài. Các Chị Em buộc lòng trở về lại Roubaix. Cùng đi với các chị người Pháp, có 5 chị người Việt, trong đó 1 chị đã khấn trọn, 2 chị khấn tạm và 2 thỉnh sinh.
– 22 năm sau, vào ngày 27/9/1972, 4 trong 5 chị người Việt đã ra đi năm 1950, trở về tái lập Dòng tại Việt-nam, với một chị người Pháp. Đan viện mới được xây dựng tại Thủ-đức, gần chủng viện Phan-xi-cô. Rồi biến cố 30/4/1975 xảy đến, kéo theo những năm tháng lao động bên ngoài nhà dòng. Đến năm 1985, với sự thay đổi về đường lối chính sách trong xã hội, Đan viện lần hồi trở về với ơn gọi đời sống chiêm niệm. Nhưng phải đợi đến năm 1994, Đan viện mới được chính thức thành lập, với luật nội vi theo Giáo luật và trực thuộc quyền tài phán của Cha Giám tỉnh Dòng AEHM Việt-nam. Lễ nghi thành lập được cử hành ngày 30/12/1994 dưới sự chủ toạ của Đức Cha Giám Quản (Tổng giáo phận Sài-gòn) Ni-cô-la Huỳnh Văn Nghi và Cha Bề trên Giám Tỉnh Dòng AEHM Việt-nam, Alexis Trần Đức Hải.
Hiện nay, số Chị Em Nghèo Khó trong Đan viện là 38 người: 21 khấn trọn, 5 khấn tạm, 6 tập sinh, 3 thỉnh sinh và 3 dự tu. Bề trên đương nhiệm là Chị Rosa Phạm Liên Nga, 51 tuổi, khấn trọn năm 1980, nhận nhiệm vụ từ năm 2004.
Dòng Phan-sinh thừa sai Đức Mẹ
Đây là một Hội Dòng quốc tế thuộc quyền Toà Thánh, hiến thân trọn vẹn cho việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Khởi thủy, Hội Dòng có tên là Dòng Thừa Sai Đức Mẹ, do Mẹ Marie De La Passion, Bề trên Giám Tỉnh Dòng Đức Mẹ Phạt Tạ, đang hoạt động tại Ấn độ, thành lập ngày 06/01/1877, với sự ban phép của ĐGH Pi-ô IX (1846-1878). Năm 1882, Mẹ muốn Hội Dòng được đi theo linh đạo của thánh Phan-xi-cô, nên xin gia nhập Dòng Ba Phan-sinh; từ đó Dòng có tên là Phan-sinh Thừa sai Đức Mẹ (FMM).
Mẹ Marie De La Passion qua đời ngày 15/11/1904. Ngày 20/10/2002, Mẹ được ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong Chân phước.
Năm 1932, đáp lại lời mời gọi của Đức Giám mục Giáo phận Qui-nhơn và của các cha thừa sai Paris, 5 Nữ Tu Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã từ châu Âu đến Việt-nam để phục vụ các bệnh nhân phong cùi tại trại phong Qui-hoà.
Hiện nay, sau hơn 70 năm hiện diện tại Việt-nam, Tỉnh Dòng Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ Viẹt-nam có 13 cộng đoàn và 1 mái ấm cho trẻ em khiếm thị, hoạt động trong 6 giáo phận: Sài-gòn, Xuân-lộc, Đà-lạt, Nha-trang, Qui-nhơn và Hà-nội. Theo Niên Giám GHCGVN 2004, số Chị Em Phan-sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt-nam là 232, trong đó: 116 khấn trọn, 35 khấn tạm, 14 tập sinh, 7 tiến tập sinh, 60 tìm hiểu. Bề trên Giám Tỉnh đương nhiệm là Chị Elizabeth Trần Thị Quỳnh-Giao.
Dòng Phan-sinh tại thế
Người Dòng Ba Phan-sinh Tại Thế (DBPSTT) đã xuất hiện ở Việt-nam từ những thời xa xưa. Có người DBPSTT biệt lập (như Bà Minh Đức Vương Thái Phi trong thế kỷ thứ 17, hay Đức Cha Phan-xi-cô Perez, Đại diện Tông Toà Gp.Đàng trong từ 1691 đến 1728); có người DBPSTT cùng nhau lập thành Huynh đệ đoàn (như các Huynh đệ đoàn do cha Giu-se Garcia xây dựng tại các họ đạo Chợ-quán, Cái-nhum trong thế kỷ thứ 18).
Hiện nay, tổng số anh chị em DBPSTT Việt-nam là 4.700 người, trong 11 Huynh đệ đoàn miền và 121 Huynh đệ đoàn địa phương; ngoài ra còn 28 Huynh đệ đoàn địa phương đang phát triển.
Hội cựu Phan-sinh
Đó là các cựu chủng sinh, cựu đệ tử, cựu học sinh… từng ít nhiều được đào tạo trong các nhà huấn luyện của Tỉnh dòng. Vì thấy anh em, tuy đã đổi hướng đi, nhưng vẫn giữ tinh thần Phan-sinh trong đời sống, nên cha Gentil Trần Anh Thi đã đề xướng thành lập Hội Cựu Phan-sinh, nhằm mục đích liên kết và giúp anh em giữ mãi mối tình đã cùng chung sống dưới một mái trường. Hội được chính thức nhận vào đại gia đình Phan-sinh kể từ Tu nghị Tỉnh dòng 1987… Dần dần, vợ, con của các anh, thậm chí cả những người ngoài… cũng bị lôi cuốn bởi lòng nhiệt tình và tình huynh đệ của các anh em và trở thành thành viên của Hội.
Luật sống của Hội Cựu Phan-sinh, theo lời cha Giám tỉnh đương nhiệm, Phi-Khanh Vương Đình Khởi, là “Kinh Hoà Bình”.
Thánh Phan-xi-cô At-xi-di, Tổ Phụ của Đại Gia Đình Phan-sinh,đã an nghỉ trong Chúa chiều ngày 03/10/1226, ở tuổi 45. Hai năm trước đó (1224), ngài được Đấng chịu đóng Đinh in 5 dấu thánh. Một năm trước đó (1225), vào một buổi sáng, khi mặt trời chiếu tỏa trên thành phố At-xi-di, ngài sáng tác Bài Ca Vạn Vật cũng được gọi là Bài Ca Anh Mặt Trời. Ngài đã được ĐGH Ghê-gô-ri-ô IX (1127-1241) tôn phong lên bậc Hiển Thánh ngày 16/7/1228, hai năm sau khi qua đời.
800 năm đã qua đi, nhưng linh đạo Phan-sinh do Thánh Phan-xi-cô thành At-xi-di để lại cho Hội Thánh vẫn còn và sẽ mãi mãi còn rất thời sự, không chỉ cho các thành viên của Đại Gia đình Phan-sinh mà còn cho mọi ki-tô hữu chúng ta, cách riêng trong thời đại hôm nay. Đó là lời phát biểu của Đức Cha Phê-rô trong thánh lễ kính Thánh Tổ phụ Phan-xi-cô, tại cộng đoàn Du-sinh, ngày thứ Ba, 04/10, vừa qua. Trong tinh thần của linh đạo đó, VMHV xin trích đăng lại phần cuối số 10 thư Mục vụ 2005 của HĐGMVN, để kết thúc bài giới thiệu khá dài này về Gia Đình Phan-sinh:
“Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự thật, ki-tô hữu phải tập và nêu gương sống ngay thẳng. Trong một xã hội còn thiếu tôn trọng sự sống con người, ki-tô hữu quyết tâm cổ võ và bảo vệ nền văn minh sự sống. Trong một xã hội chạy theo lợi nhuận, thiếu tôn trọng phẩm giá con người, gạt người nghèo sang bên lề cuộc sống, ki-tô hữu được mời gọi dấn thân xây dựng nền văn minh tình thương.”
Chẳng phải đó cũng là những gì mà Thánh Phan-xi-cô dạy chúng ta cầu xin trong Kinh Hoà Bình đó sao: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm… để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…”
YU-MA
(Bản Tin Vui Mừng và Hy Vọng tháng 11/2005)
Giáo xứ Chính Tòa, Đàlạt